Erevan, Armenia – Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại thế nào?
Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.
Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo hội công giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo hội công giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 – sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.
Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia. Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.
Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.
Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết.
(Hồng Thủy OP, RadioVaticana 27.05.2016/ ACI 27/5/2016)