Xin giữ chắc con, Lắng nghe Chúa

Chúa Giêsu,
lắm lúc tâm trạng con
giống như ông Tôma.
Những người khác kể cho con,
họ cầu nguyện hằng ngày như thế nào,
họ nói chuyện với Chúa,
ca tụng, ngợi khen Chúa,
nói với Chúa điều họ xin.
Họ nói với Chúa
như với một người bạn.
Họ cảm thấy – như có –
sự gần gũi của Chúa.
Họ xúc động
bởi lời của Chúa.
Họ có thể làm chứng một cách
chắc chắn, đáng phục, 
như các tông đồ ngày xưa:
“Chúng tôi đã cảm nghiệm được Chúa.”
Còn con thì cảm thấy lòng trống vắng,
lẻ loi và bị bỏ rơi.
Con rất muốn tin,
những điều họ kể 
một cách chắc chắn về Chúa.  
Nhưng mà,có thể họ không bị lầm sao?
Chúa có thật sự- sống- không?
Chúa Giêsu,
Chúa xa con quá –
nhưng con muốn nắm bắt được Chúa.
Chúa Giêsu,
tại sao Chúa bí ẩn thế –
con muốn thấu hiểu Chúa.
Chúa Giêsu,
Chúa đã cho chúng con lời Chúa –
nhưng con không thể tin lời Chúa được.
Chúa Giêsu,
Chúa làm cho chúng con có can đảm –
nhưng con thì đầy sợ hãi.
Chúa Giêsu,
không có Chúa con không sống được –
nhưng con lao đao và nghi ngờ.
Chúa Giêsu,
xin chỉ nói một lời thôi –
và linh hồn con sẽ lành mạnh lại.
Chúa Giêsu,
xin đừng không nhìn đến con –
xin thương xót con.
Chúa Giêsu,
xin đừng để con ngã –
xin giữ chắc con – Chúa ơi,
“Lạy Chúa của con,lạy Thiên Chúa của con”.(Ga. 20,28)
Chúa Giêsu,
con cám ơn Chúa,
Chúa cũng mở những cửa đóng kín.
Chúa Giêsu,
con cám ơn Chúa,
cho con được đặt những câu hỏi
và chịu đựng sự hồ nghi của con.
Chúa Giêsu,
con cám ơn Chúa,
hứng đón con,
lúc con rớt xuống.
Chúa Giêsu,
con cám ơn Chúa,
Chúa vẫn ở đây,
mặc cho những sợ hãi và nghi ngờ của con.
Chúa Giêsu,
con cám ơn Chúa,
vì Chúa yêu thương con,
lạy Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con!
 
Tác giả:Theo Schmidkonz SJ
Chuyển ngữ:Nguyễn Thi Hạnh 
 
 
Lắng nghe sự tĩnh lặng – Lắng nghe Chúa
 
Trên núi Horeb Elia đã phải nhận ra:
Thiên Chúa không phải là “Thần thời tiết”
Chúa không tỏ sức mạnh của Ngài trong gió bão.
Chúa không đe dọa bằng động đất.
Chúa không phạt bằng hỏa hoạn.
Hình ảnh này cho ta thấy sức mạnh của thiên nhiên,
và chúng ta sợ trước sức mạnh của nó.
Nhưng ngôn ngữ của Thiên Chúa thì khác.
Khi Elia đã ngừng nói,
khi ông thật sự bắt đầu thinh lặng,
ông chợt nghe một tiếng nói,
mà trong đời ông chưa bao giờ nghe được:
tiếng nói nhỏ nhẹ của yên tĩnh,
“một sự yên tĩnh nhẹ nhàng lướt qua”.
Sieger Köder vẽ những chiếc lá lặng lẽ bay qua trong gió.
Tiếng nói của yên lặng,khó nghe thấy được,
nó bị lấn át và sẽ bị bóp nghẹt 
bởi sự ồn ào của tiếng nói chúng ta.
Thánh Kinh đã tường thuật (sách các Vua quyển I  19,11):
“Kìa Đức Chúa đang đi qua”-
trong thinh lặng,trong âm thanh của yên tĩnh.
Khi Elia nghe được tiếng đó,
tiếng của yên tĩnh nhẹ nhàng lướt qua,
bỗng nhiên ông nghe được một tiếng nói
trong sự tĩnh lặng này,
một tiếng nói,gọi ông từ xa:
“Elia!” 
Tiên tri được cảm nghiệm :
Chúa đã gọi tôi bằng tên tôi.
Chúa biết tôi,Chúa yêu thương tôi.
Điều này đem lẽ sống cho đời tôi.
Điều này làm tôi mạnh mẽ trong sợ hãi.
Điều này vượt qua cả sự chết.
Khi Elia nghe được tiếng nói của yên tĩnh.
ông nghe với lòng cảm xúc sâu xa – Chúa –
Và Chúa hỏi ông một câu  :
“Elia,ngươi làm gì ở đây?”
Thật ra ngươi muốn điều gì?
Một câu hỏi,chắc chắn không dễ trả lời.
một câu hỏi mà tôi cũng phải hỏi chính mình
hôm nay và luôn hỏi mới lại.
Chúa chờ đợi – trong thinh lặng.
Tôi sẽ trả lời Ngài ra sao?
Thánh Bênêdikt viết:
” Nói và giảng dạy là quyền của  Thầy.
Thinh lặng và nghe là việc của đồ đệ.”
Lạy Chúa,xin ban cho con
có can đảm với sự tĩnh lặng;
vì trong tiếng nói của yên tĩnh có ẩn dấu tiếng của Chúa.
Xin để con biết thinh lặng trước Chúa,
Thiên Chúa của thinh lặng.
Thì con sẽ nghe được,
nghe được bằng con tim,
điều Chúa muốn nói với con.
Lạy Chúa,xin hãy phán – con đang lắng nghe.
 
Tác giả:Theo Schmidkonz SJ
Chuyển ngữ: Nguyễn Thi Hạnh