Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong phần tiếp theo của một bài trả lời của cha năm 2007 liên quan đến Alleluia và Câu tung hô Tin Mừng (Versum ante Evangelium), cha nhận xét rằng “ý định của Giáo Hội là bất cứ khi nào có thể, Alleluia hay các câu tung hô theo mùa luôn nên được hát”. Hiện nay, Huấn thị Musicam Sacram (âm nhạc trong Phụng vụ), ở các số 28-31, phác thảo các bậc của Lễ hát (Misa cantata). Số 29 nói rằng bậc nhất có thể dùng riêng một mình, còn bậc hai và bậc ba chỉ được dùng tất cả, hay một phần chung với bậc nhất. Cuối cùng, trong đoạn 31, huấn thị xếp hạng Alleluia trước Tin Mừng vào bậc ba. Câu hỏi của con là liệu trong một Thánh Lễ không có âm nhạc (chẳng hạn như Thánh lễ ngày thường ở hầu hết các giáo xứ), có là thích hợp để hát bài Alleluia, theo luật phụng vụ hiện nay không? – A. L., Miami, Florida, Hoa Kỳ.
Đáp: Câu hỏi này cho chúng tôi một cơ hội để giải thích làm thế nào một số qui định của các văn kiện sau vượt qua các qui định trước đó, mà không huỷ bỏ văn kiện cơ bản. Huấn thị Musicam Sacram được ban hành ngày 5-3-1967, và vẫn có hiệu lực như là văn kiện đầy đủ nhất về âm nhạc trong phụng vụ, kể từ Công đồng chung Vatican II. Nó vẫn là một điểm tham khảo hợp lý cho sự khớp nối của nó về các nguyên tắc của âm nhạc phụng vụ, và tầm nhìn tổng thể mà nó chứa đựng.
Thí dụ, các qui chế tổng quát sau đây vẫn có thể áp dụng được:
“5. Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự.
Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; màu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu thị trước nền phụng vụ thiên quốc đang được hoàn tất trong thành Giê-ru-sa-lem mới, một cách rõ ràng hơn.
“Vì thế, các vị chủ chăn phải làm hết sức mình để đạt tới hình thức cử hành đó. Ngay cả trong những buổi cử hành không kèm theo ca hát, nhưng có giáo dân tham dự, vẫn phải phân chia các chức vụ và vai trò, như khi cử hành có kèm theo ca hát, nhất là phải liệu cho các thừa tác viên cần thiết và có khả năng, cũng như lo cho giáo dân tham dự tích cực hơn.
Phải chuẩn bị thiết thực cho mội buổi cử hành trong tinh thần hợp tác giữa mọi người liên hệ, dưới quyền chỉ huy của vị quản nhiệm thánh đường, về mặt nghi thức cũng như mục vụ âm nhạc.
“6. Muốn tổ chức một buổi cử hành phục vụ cho đích đáng thì trước hết phải phân chia và thi hành các chức vụ cho đúng, khiến mỗi thừa tác viên hay mỗi tín hữu, khi thi hành các chức vụ, sẽ chỉ làm và làm hết những gì thuộc phận sự của mình thôi, chiếu theo bản tính của sự vật và những qui tắc phụng vụ. Những công việc tổ chức cũng đòi ta phải giữ đúng ý nghĩa và bản chất của mỗi phần và mỗi bài hát. Muốn đạt mục đích ấy thì phải hát thật sự, đặc biệt những bản văn nào đương nhiên cần hát, và phải tôn trọng thể loại cũng như hình thức của những văn bản đó, do bản tính chúng đòi hỏi.
“7. Giữa những hình thức cử hành hoàn toàn long trọng mà trong đó, tất cả những gì phải hát đều được hát, và hình thức đơn giản nhất không có ca hát, có thể nhiều bậc khác nhau, tùy như muốn dành cho ca hát một vị trí lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, khi chọn những bài hát để hát, phải dành ưu vị cho những bài do bản tính có tầm quan trọng hơn: trước hết những phần linh mục chủ sự hay thừa tác viên hát và giáo dân thưa đáp, thứ đến những bài chỉ dành riêng cho giáo dân, hoặc dành riêng cho ca đoàn.
“8. Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình.
Nếu không chọn được người hát hay, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.
“9. Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần, và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực.
“10. Để giúp tín hữu dễ tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn thì trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn.
“11. Nên nhớ rằng tính cách long trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ ít tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, hơn là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức. Phong cách này nhằm toàn bộ chính việc cử hành phụng vụ, nghĩa là thi hành mọi phần lễ nghi theo bản tính riêng của phần ấy. Nơi nào có thể làm hay được, thì rất ước mong các nơi ấy trình bày một hình thức phong phú hơn về ca hát và đẹp mắt hơn về nghi lễ, nhưng nếu bỏ qua, hoặc thay đổi hay cử hành không đúng cách một trong những yếu tố của nghi lễ phụng vụ thì chẳng phải là long trọng đích thực nữa” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Mặc dù vậy, một số quy định cụ thể trong huấn thị đã là lỗi thời, do việc xuất bản Sách Lễ và Sách Bài Đọc năm 1970, các ấn bản sau đó của chúng, và các sách phụng vụ khác.
Thí dụ, điều này đã xảy ra cho một số yếu tố của số 31, được đề cập bởi người đọc của chúng ta.
“31. Phần sau đây thuộc về bậc ba: (a) các bài hát Nhập Lễ và Rước Lễ; (b) các bài hát sau Bài đọc hoặc Thánh Thư; (c) Alleluia trước Tin Mừng; (d) bài hát Tiến Lễ; (e) các bài đọc Kinh Thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát”.
Với việc xuất bản Sách Lễ mới và Sách Bài Đọc mới, “bài hát sau bài đọc (b)” thực tế đã biến mất, và được thay thế bởi Thánh vịnh đáp ca. Vào năm 1967, “Alleluia trước Tin Mừng” đã được nhắc trước tiên đến tất cả các bài hát Alleluia Bình ca phức tạp. Chúng nằm trong số các giai điệu Bình ca đẹp nhất, tuy nhiên chúng đòi hỏi người hát phải giỏi, để thể hiện các sắc thái tốt đẹp, vốn nối kết văn bản và giai điệu. Cũng có các phiên bản đa ngữ cổ điển của một số bản văn này đòi hỏi ca đoàn được đào tạo tốt. Chính sự phức tạp này đã đặt Alleluia vào bậc ba.
Một lần nữa Sách Bài Đọc mới, trong khi vẫn duy trì cùng một bản văn, cho phép môt sự thực hiện đơn giản hơn nhiều, và trình bày nó như là một sự tung hô của cộng đoàn hơn là sự trình tấu của ca đoàn. Do đó, phần dẫn nhập của lần xuất bản thứ hai vào năm 1981 nói:
“23. Alleluia, hay khi mùa phụng vụ đòi hỏi, câu tung hô Tin Mừng cũng là ‘một nghi thức hay hành vi dùng riêng một mình’. Nó phục vụ như lời chào mừng của cộng đoàn tín hữu đối với Chúa, vì Ngài sắp nói với họ, và như một biểu hiện đức tin của họ thông qua lời hát. Alleluia hoặc câu tung hô Tin Mừng phải được hát, và trong khi hát, mọi người đứng. Nó không phải chỉ được hát bởi một ca viên xướng lên, hoặc chỉ bởi ca đoàn mà thôi, nhưng bởi toàn thể các người hiện diện tại đó”.
Bản dịch trong các ngôn ngữ khác là không quá nghiêm ngặt, và cho phép người ta đọc thay vì hát Alleluia, hoặc bỏ qua. Tuy nhiên, các người dịch thuật cho ấn bản Hoa Kỳ đã nhận được phê chuẩn cho bản dịch nghiêm ngặt hơn.
Trong phần dẫn nhập năm 2000 cho “Sách Tin Mừng”, việc hát Alleluia bởi tất cả mọi người một lần nữa được nói rõ:
“11. Các tín hữu đứng chào mừng và tung hô Ngôi Lời Nhập thể, và tôn vinh Sách Tin Mừng, vốn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Người. Tất cả mọi người hát Tung hô Tin Mừng, vốn kết thúc khi thầy phó tế đến giảng đài”.
Cuối cùng, bản dịch tiếng Anh mới nhất của Sách Lễ Rôma, được ban hành năm 2011, cho biết thêm chi tiết về nghi thức:
“Tung hô Tin Mừng
“62. Sau bài đọc trước Tin Mừng, Alleluia hay một bài hát khác được qui định bởi chữ đỏ được hát lên, như thời điểm phụng vụ đòi hỏi. Sự tung hô kiểu này cấu thành một nghi thức hoặc hành động dùng riêng một mình, nhờ đó toàn tín hữu có mặt chào đón và chào mừng Chúa, là Đấng sắp nói với họ trong Tin Mừng, và tuyên xưng đức tin của họ qua việc hát. Alleluia được hát bởi tất cả mọi người, họ đứng, và được dẫn dắt bởi ca đoàn hoặc bởi một ca viên, được lặp lại nếu hoàn cảnh yêu cầu. Mặt khác, câu tung hô được hát bởi ca đoàn hoặc bởi một ca viên.
“a) Alleluia được hát trong mọi mùa trong năm, trừ Mùa Chay. Các câu tung hô được lấy từ Sách Bài Đọc hoặc sách Graduale (Sách hát Lễ Rôma).
“b) Trong Mùa Chay, thay vì hát Alleluia, câu Tung hô Tin Mừng được đưa ra trong Sách Bài Đọc được hát. Cũng có thể hát một bài Thánh Vịnh hoặc Ca Tiếp Liên (Tract), như được tìm thấy trong sách Graduale.
“63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng:
“a) trong một mùa trong năm, khi Alleluia được quy định hát, có thể sử dụng hoặc một bài Thánh Vịnh Alleluia hoặc bài Thánh Vịnh đáp ca, sau Alleluia và câu tung hô của nó;
“b) trong một mùa trong năm, khi Alleluia không được quy định, có thể sử dụng một Thánh Vịnh và Câu tung hô Tin Mừng, hoặc chỉ Thánh Vịnh mà thôi;
“c) Alleluia hoặc Câu tung hô Tin Mừng, nếu không hát, có thể bỏ qua.
“64. Ca Tiếp Liên, ngoại trừ Chúa Nhật Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống, là tùy chọn, và được hát trước Alleluia”.
Một lần nữa, giả định là rằng nó phải được hát. Tuy nhiên, ở đây qui định không còn lặp lại “cần phải được hát” của Sách Bài Đọc, nhưng đúng hơn đi theo sau “nếu không hát, có thể bỏ qua” được tìm thấy trong các bản dịch khác. Điều này ít nhất mở ra khả năng cho việc chỉ đơn giản đọc Alleluia hoặc hát Alleluia, và đọc câu tung hô, mặc dù rõ ràng là việc hát được ưa thích hơn.
Các giai điệu Bình ca phức tạp, được đề cập ở trên đây, vẫn có thể được sử dụng, bất cứ khi nào cộng đoàn có khả năng hát chúng, mặc dù việc này xảy ra chủ yếu trong các tu viện và chủng viện.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 6-6-2017)