Nơi đó lâu nay vẫn được gọi là thành phố buồn. Một thành phố không có những ồn ào của cuộc vui, không có những tiếng nhạc xập xình, không có những cãi vã, bon chen. Một thành phố chẳng ai muốn vào, vì chẳng có gì hấp dẫn, không có gì bắt mắt, không có gì làm cho người ta thấy hứng khởi. Một thành phố được bao trùm bởi sự im lặng đến khủng khiếp, đến kinh người. Cũng có những hàng cây, những con đường nhỏ, nhưng phần lớn chỉ là cỏ dại phủ xanh, bụi đường hoà vào không khí. Nơi ấy buồn thật vì chẳng nghe được tiếng cười. Tiếng cười mà phát lên từ nơi ấy càng khiến người ta thêm hoảng hốt. Thành phố ấy đượm màu thê lương vì đó là nơi chẳng ai muốn đến dù họ biết rằng một ngày nào đó, họ sẽ được đưa vào đây, bất lực nằm trong những miếng gỗ lạnh tanh, vây quanh là những tiếng khóc sầu buồn ai oán.
Chỉ cần dạo bước một vòng quanh nghĩa trang, ta sẽ thấy cuộc đời này thật phong phú. Bước vào nơi đấy, người ta bỗng thấy mình nhỏ lại giữa dòng đời, giữa cuộc sống, giữa lịch sử dài đằng đẵng của kiếp nhân sinh. Những tấm hình, những cái tên được khắc trên bia mộ như hiển hiện trước mắt ta biết bao sự sống đã từng tồn tại nhưng bây giờ đã tan biến mất đi. Có những người đã về với lòng đất hàng chục hay thậm chí hàng trăm năm trước. Họ đã sinh ra và chết đi khi nào? Có những ngôi mộ tồn tại từ lâu lắm rồi, ngay cả cái tên cũng không còn rõ nét. Có những chỏm đất nhô lên, ta thậm chí không thể biết rằng nó chỉ đơn thuần là khối đất hay là một ngôi mộ của ai đó bị thời gian làm cho phôi phai. Lớp cỏ xanh cho ta thấy sự phũ phàng của cuộc sống. Nhành hoa dại gợi lên nét buồn thăm thẳm không tên. Mùi khói nhang như đưa ta vào cõi vô thường lạc lõng.
Dưới những ngôi mộ kia chỉ là những bộ xương trắng, đang dần mục nát, hoà quyện vào lớp đất tối đen. Nơi thành phố buồn này, đâu phải chỉ có người nghèo nàn, người xấu xí, người già cả, người bệnh tật, người vô danh tiểu tốt. Cái chết đến với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, sức khoẻ, chủng tộc, địa vị, giới tính… Sự phong phú của cuộc đời rốt cuộc lại đưa dẫn con người đến một cái đích chung: cái chết. Cái chết chẳng chừa ai, nó không sợ cường quyền, nó không nhận hối lộ, nó không mềm lòng trước lời kêu xin. Nó thích đến với ai thì đến, khi đang ngủ, khi đang đi xe, khi đang đi chơi, khi ăn uống, khi vui cười, khi đang mơn mởn tuổi xuân, khi đang ở đỉnh cao danh vọng… chứ không nhất thiết phải là người già cả, đầu bạc trắng phong sương. Ai biết được, những người nằm kia đã từng giàu có thế nào, xinh đẹp ra sao… Giờ đây, cả núi vàng cũng không thể ban cho họ sự sống, cả tỷ người hâm mộ cũng chẳng thể cứu họ khi cái chết vẫy chào. Thế đấy, con người mãi mãi chỉ là một loài thụ tạo nhỏ nhoi, chẳng bao giờ có thể thoát ra được sự kiềm hãm của thời gian, gắng gượng cho lắm rồi cũng chỉ nằm gọn trong vài tất đất nơi thành phố buồn này thôi.
Ta thường gọi người chết là những người đã lìa thế. Người ta cầu mong cho họ được an nghỉ thiên thu. Họ lìa thế giới này để đến một nơi an nghỉ. Nghĩa trang yên ắng, vì nơi đây, người ta hệt như đang nằm ngủ, sau một chặng đường dài gian nan của cuộc sống. Khi người ta nhắm mắt xuôi tay, ấy là khi người ta chìm vào một giấc ngủ say, tận hưởng khoảng không yên bình, thanh thản, xa lánh hết tất cả những tranh giành, cấu xé của nhân gian. Họ bước vào thế giới mới, bỏ lại đằng sau mọi bám víu vô nghĩa. Mặc ai cứ tiếp tục nổi chìm với thế sự ngoài kia, họ chẳng còn bận tâm dòm ngó nữa, chỉ nằm im nơi đây, tận hưởng cái yên bình khi tách mình ra khỏi mọi ảo tưởng, những cuộc chạy đua. Khi đã ngủ rồi, người ta thấy thời gian như ngừng trôi, chỉ một thoáng thôi mà đã bao nhiêu năm trôi qua. Về với cõi bình an thì một năm, hai năm, trăm năm hay nghìn năm, tất cả đều như nhau. Nhắm mắt lại rồi, người ta đi vào sự “thiên thu” có nghĩa là như thế.
Đã đành, đây là nơi của sự xa cách, của chia tay, của giọt nước mắt và tiếng khóc than. Nhưng với niềm tin, tôi thấy thành phố này chẳng buồn tí nào. Tất cả mọi con người nơi đây như đang nằm ngủ. Sự im ắng là để không làm phiền đến họ, là để họ có thể nghe được tiếng “ầu ơ” của Thiên Chúa, người mẹ hiền đang vỗ về cho giấc ngủ ấy thêm bình yên, thêm ấm áp. Nơi mảnh đất có vẻ u ám và đáng sợ này, mọi người như trở về về với sự nhỏ bé, bất lực của mình, nhưng hơn hết là về với tuổi thơ, về với vòng tay Mẹ, về với những gì là thân thương và ấm cúng nhất. Sẽ chẳng còn gì là xa cách, cũng chẳng có gì là sợ hãi khi người ta có một niềm tin mạnh mẽ và một niềm hy vọng vững vàng vào Đấng có thể cứu mình khỏi cái chết. Những người nằm kia, họ không bị xoá sổ khỏi sự hiện hữu, không trở về với hư vô, không tan biến đi giữa cuộc đời. Họ chỉ đang nằm nghỉ, đang an giấc và đang chờ được đánh thức dậy để hợp đoàn trở lại với tất cả anh chị em yêu dấu của mình trong ngôi nhà của Cha.
Niềm tin Kitô giáo không bao giờ mang đến cho người ta nỗi buồn. Chẳng có thành phố nào là thành phố buồn đối với người đặt trọn cuộc đời mình, số phận mình, sự sinh tồn của mình nơi Chúa Tể của sự sống. Người ta “nhắm mắt” lại chính là để mở mắt ra mà đón chào cái mới, chứng kiến Thiên Chúa thực hiện một cuộc tạo dựng mới, tái cấu trúc lại tất cả bằng quyền năng của Thánh Thần. Người ta “xuôi tay” chính là để không nắm giữ những gì hư ảo nữa, nhờ đó mà có thể thanh thản ôm lấy chính Thiên Chúa, nguồn cội hạnh phúc đời mình. “Nhắm mắt, xuôi tay” là đưa mình vào tư thế bị động, để Thiên Chúa hoàn thành nơi mình công trình tạo dựng và cứu chuộc đang còn dang dở, là biến mình thành trẻ thơ, trở về nằm gọn trong vòng tay Thiên Chúa. Bình yên, thanh thản, hạnh phúc!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ