Thân phận Ông Bà trong gia đình

Nhờ sự tiến bộ về y khoa, sự sống đã được dài lâu hơn: 

tuy nhiên, xã hội đã không ‘kéo dài’ sự sống!…

Nơi nào không tôn trọng người già

thì ở đó giới trẻ không có tương lai”

 

ĐTC Phanxicô – Giáo Lý Gia Đình: Bài 8  

Thành phần Ông Bà trong gia đình

– Thứ Tư 4/3/2015

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài giáo lý hôm nay và bài giáo lý Thứ Tư tuần tới sẽ dành cho thành phần lão niên, tức là thành phần ông bà trong phạm vi gia đình. Hôm nay chúng ta sẽ chia sẻ về thân phận rắc rối hiện nay của thành phần lão niên, và lần tới, về ơn gọi nơi tuổi đời này.

 

Nhờ sự tiến bộ về y khoa, sự sống đã được dài lâu hơn: tuy nhiên, xã hội đã không “kéo dài” sự sống! Số người già đã gia tăng, nhưng xã hội của chúng ta lại không nhìn nhận họ một cách đầy đủ trong việc cống hiến cho họ một chỗ đứng, bằng việc tôn trọng chính đáng và cụ thể quan tâm đối với tình trạng yếu đuối của họ cũng như phẩm giá của họ.

Khi còn trẻ, chúng ta tỏ ra coi thường tuổi già, coi nó như là một thứ bệnh cần phải tránh né. Bởi thế mà khi chúng ta trở nên già đời, nhất là lúc chúng ta nghèo khổ, bệnh nạn hay cô đơn, chúng ta cảm thấy cái khiếm khuyết của một xã hội nhắm đến tính chất hiệu năng nên coi thường giới già. Nhưng thành phần lão niên là những gì phong phú; không thể coi thường họ. 

Trong lần viếng thăm một viện dưỡng lão, Đức Benedicto XVI đã sử dụng những lời lẽ minh nhiên và ngôn sứ như sau: “Phẩm chất của một xã hội, tôi muốn nói về một thứ văn minh, cũng được phán đoán ở chỗ đối xử với thành phần lão niên và ở chỗ dành cho họ một chỗ đứng trong cuộc sống chung” (Ngày 12 tháng 11 năm 2012). 

Đúng thế, việc chú ý tới người già làm nên sự khác biệt nơi một nền văn minh.

Nơi một nền văn minh nào đó có chú ý tới người già hay chăng?

Có chỗ đứng cho người già hay chăng?

Nếu có thì nền văn minh này sẽ thăng tiến, vì nó tỏ ra trân trọng cái khôn ngoan của người già.

Trong một nền văn minh không có chỗ cho người già, họ bị loại trừ vì họ gây rắc rối, thì xã hội ấy chất chứa nơi mình mầm độc chết chóc. 

 

Ở Tây phương, các vị học giả cho thấy thế kỷ hiện nay như là một thế kỷ già nua, ở chỗ trẻ em giảm xuống người già gia tăng. Tình trạng bất quân bình này khiến chúng ta đặt lại vấn đề, hơn nữa, nó còn là một thách đố cả thể cho xã hội hiện đại.

Một nền văn hóa vụ lợi nào đó cũng nhấn mạnh đến việc làm cho thành phần lão niên trở thành như là một gánh nặng, một “gánh vác vô ích“. Nền văn hóa này tin rằng họ chẳng những không sản xuất mà còn là một gánh nặng.

Tóm lại, vì ý nghĩ này mà họ bị loại trừ. Thật là ghê sợ khi thấy người già bị loại trừ. Đó là những gì tội lỗi.

Không ai dám công khai nói về nó, mà đành chịu vậy! Có một điều gì đó đê hèn nơi cái nghiện ngập với thứ văn hóa xả rác này.

Chúng ta trở nên quen thuộc với việc loại trừ con người. Chúng ta muốn loại trừ nỗi sợ hãi gia tăng của chúng ta về những gì là yếu kém và dễ bị tổn thương, nhưng khi làm như thế chúng ta lại gia tăng nỗi sầu khổ cho người già vì họ không được khoan nhượng và bị bỏ rơi.   

 

Trong việc thi hành thừa tác vụ của tôi ở Buenos Aires, tôi đã thấy ngay được thực tại này cùng với các vấn đề của nó. ‘Người già bị bỏ rơi, không phải chỉ ở tính chất bấp bênh về vật chất. Họ bị bỏ rơi ở cái vị kỷ không thể chấp nhận những hạn hữu của họ là những gì phản ảnh cái hạn hữu của chúng ta, trong nhiều khó khăn ngày nay họ cần phải thắng vượt để sống còn nơi một nền văn minh không cho họ tham phần, không cho họ bày tỏ ý kiến của họ, hay không phải là cứ điểm hợp với mô thức thụ hưởng mà chỉ có giới trẻ mới hữu dụng và có thể hoan hưởng.

Tuy nhiên, thành phần lão niên đối với toàn thể xã hội cần phải là kho chứa khôn ngoan của một dân tộc. Thành phần lão niên là kho tàng khôn ngoan của dân tộc chúng ta. Khi không có yêu thương thì lương tâm thiếp ngủ dễ dàng biết mấy!’ (Love alone can save us, Vatican City 2013, p. 83).

Và nó đang xẩy ra như vậy. Tôi nhớ có lần tôi đến thăm các nhà cho người già, tôi đã nói chuyện với từng người và tôi thường nghe thấy điều này:

‘Bạn có khỏe không?’

– Khỏe, khỏe.

‘Con cái của bạn thì sao, bạn có bao nhiêu đứa?’

Nhiều lắm, nhiều lắm.

‘ Họ có đến thăm bạn chăng?’

Có, có, có luôn, họ luôn đến thăm.

‘Lần cuối họ đến thăm vào lúc nào?’

Tôi đặc biệt nhớ có một bà già trả lời rằng: ‘vào Giáng Sinh’. Mà bấy giờ đã là Tháng 8 rồi.

Con cái bà đã không đến thăm bà 8 tháng trời – bà đã bị bỏ rơi 8 tháng

Điều này được gọi là trọng tội (mortal sin). Anh chị em có biết không?

 

Khi tôi còn nhỏ, bà của tôi đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về một người ông già lão làm dơ bẩn mình khi ăn uống, vì ông không thể cầm muỗm đút vào miệng. Vì thế, người con trai của ông, tức là người cha trong gia đình, quyết định tách ông ra khỏi bàn ăn chung. Ông có một bàn riêng ở dưới bếp để ông có thể ăn một mình, nhờ đó không ai thấy và không cảm thấy xấu hổ khi có bạn bè đến ăn uống.

Một ít ngày sau, người cha này về nhà và thấy con trai của mình đang chơi với đồ gỗ, với một cái búa và những cái đinh. Nó đang làm một cái gì đó.

Người bố hỏi: ‘Con đang làm gì đó?’

‘Con đang làm một cái bàn đó Bố’

Tại sao lại là một cái bàn?’

‘Để khi bố về già bố ngồi đó mà ăn’.

Trẻ con có nhận thức hơn chúng ta. 

Có một kho tàng khôn ngoan nơi truyền thống của Giáo Hội, một truyền thống luôn hỗ trợ thứ văn hóa gắn bó với người già, một tâm tình cảm mến và liên kết nâng đỡ trong giai đoạn cuối đời này. Truyền thống này được xuất phát từ Thánh Kinh, chẳng hạn như những diễn tả của Sách Giảng Viên cho thấy:

“Đừng tránh né cuộc chuyện vãn của người già, vì chính họ đã học biết được cha mẹ của họ; từ họ các người sẽ học biết tinh thông và đối đáp đúng lúc”. 

Giáo Hội không thể và không muốn chiều theo tâm thức bất nhẫn, lại càng không thể và không muốn chiều theo thứ tâm thức dửng dưng và khinh thườngkhi đụng chạm đến tuổi già.

Chúng ta cần phải làm bừng lên cái cảm quan chung về niềm tri ân, về lòng cảm nhận, về sự tiếp đãi là những gì khiến cho người già cảm thấy họ còn là mộtyếu tố sống động trong cộng đồng của họ. 

Thành phần lão niên là những con người nam nữ, là những người cha người mẹ có trước chúng ta trên cùng một con đường, nơi gia đình của chúng ta, trong trận chiến hằng ngày của chúng ta cho một cuộc sống xứng hợp. Họ là những con người nam nữ chúng ta đã lãnh nhận nhiều thứ từ họ. Con người lão thành này không phải là một kẻ xa lạ.

Chúng ta là những người già, không sớm thì muộn, bất khả tránh, cho dù chúng ta không nghĩ về nó. Nếu chúng ta không biết đối xử tử tế với người già thì đó là cách chúng ta sẽ bị đối xử. 

 

Hầu hết tất cả các người già đều mềm yếu. Thậm chí, có một số đặc biệt yếu; nhiều người cô đơn và mắc bệnh. Một số thì lệ thuộc vào việc chăm sóc và chuyên chú bất khả thiếu của người khác. 

 

Phải chăng vì thế mà chúng ta sẽ lui bước?

Chúng ta sẽ bỏ mặc cho số phận của họ hay sao?

Một xã hội không có quan hệ gần gũi,

nơi không có lòng biết ơn và cảm tính đáp đền – cả ở nơi những người xa lạ nữa –

là một xã hội đồi trụy.

Trung thành với Lời Chúa, Giáo Hội không thể chấp nhận những thứ thoái hóa này. Một cộng đồng Kitô hữu, nơi không coi mối quan hệ gần gũi và lòng tri ân là những gì bất khả thiếu sẽ bị mất đi hồn sống của mình.

 

Nơi nào không tôn trọng người già thì ở đó giới trẻ không có tương lai. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý).