“Nếu bạn không muốn bị lãng quên ngay sau khi chết, hoặc viết thứ gì đó đáng đọc, hoặc làm gì đó đáng được viết.” (Benjamin Franklin)
Câu nói ấy thật chí lý! Khi hôm nay sau 27 năm qua đời (1988), đứng trước phần mộ Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, bậc hậu sinh dòng Nữ Đaminh Bùi Chu chúng con dù chưa từng gặp người một lần vẫn cảm nhận được bóng dáng người Cha qua lời kể của các thế hệ đi trước về những kỷ niệm đẹp mà Người đã để lại trong tâm hồn tín hữu Giáo phận Bùi Chu nói chung và cách riêng dòng Nữ Đaminh Bùi Chu. Điều ấy đã thôi thúc con muốn viết về Người.
Đức Cha Phêrô sinh ngày 14/05/1909, tại Tôn Đạo, thuộc giáo phận Phát Diệm, nằm trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngài gia nhập tiểu chủng viện Ba Làng năm 11 tuổi và một năm sau được chuyển về tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Do kết quả học rất xuất sắc, Đức Cha Marcou lúc bấy giờ đã chọn Thầy đi du học tại trường Truyền Giáo Rôma. Trong vòng sáu năm miệt mài từ 1927 đến 1933, ngài lấy được văn bằng Tiến sĩ Triết học và Cử nhân Thần học. Ngày 23/12/1933, thầy Phạm Ngọc Chi được Đức Hồng Y Marcheli Selvagiani, Giám mục phụ tá giáo phận Roma truyền chức linh mục tại thánh đường Gioan Latran, Roma, khi mới 24 tuổi do. Sau đó, ngài tiếp tục theo học tại đại học Appolinaire và đại học Công giáo Paris để lấy các văn bằng Cử nhân về Giáo luật và Dân luật. Về nước, ngài là giáo sư Đại Chủng viện Thượng Kiệm và sau này là Giám Đốc Đại Chủng Viện Phát Diệm. (1)
Năm 1950, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục người Việt thứ hai của Bùi Chu ở tuổi 41. Lễ tấn phong giám mục được tổ chức long trọng vào ngày 04/08/1950. Khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Phêrô là “Tôi sẽ thả lưới” (2). Câu khẩu hiệu này khiến chúng ta liên tưởng tới lời bộc bạch của thánh Phêrô với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5). Thánh Phêrô, vị thánh bổn mạng của ngài đã sẵn sàng dẹp bỏ kinh nghiệm lâu năm trong nghề chài lưới của mình để làm theo lời chỉ dậy của Đức Giêsu là “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Cũng chính Đức Giêsu truyền mệnh lệnh này khi trao phó con thuyền giáo phận cho Đức Cha Phêrô.
Trong tư cách giám mục, Đức Cha Phêrô đã đem về cho Giáo Hội nhiều “mẻ cá” lớn. Vì khả năng giới hạn, người viết chỉ gợi nhắc lại giai đoạn ngắn bốn năm đầu đời giám mục về những đóng góp của ngài cho giáo phận Bùi Chu. Chắc chắn với tinh thần hăng say làm sáng danh Chúa, cuộc đời tông đồ của ngài trải dài qua 3 năm đặc trách di cư, 6 năm giám mục chính tòa Quy Nhơn và 25 năm giám mục Đà Nẵng còn gây dựng được nhiều hơn thế nữa.
Coi sóc giáo phận Bùi Chu trong hoàn cảnh khó khăn của thời cuộc, Đức Cha Phêrô đã tỏ rõ tài năng lãnh đạo với phẩm chất nhiệt thành và can đảm của người mục tử qua việc chăn dắt và bảo vệ đoàn chiên trước sự đe dọa của bầy sói dữ.
Công đầu tiên của Đức Cha đối với giáo phận Bùi Chu cần được nhắc đến đó là bận tâm của ngài đối với việc truyền giáo giúp cho nhiều người biết Đạo Chúa và nhờ vậy số tín hữu trong giáo phận gia tăng nhanh chóng : “Những hoạt động tích cực của Đức Cha đã giúp cho Công giáo Bùi Chu phát triển mạnh. Số người tòng giáo tăng lên đến 40.000” (3).
Đặc biệt, Đức Cha Phêrô chú trọng đến khâu đào tạo nhân sự. Để có những người « chài lưới » lành nghề, ngài đã gửi trên 50 người, vừa linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ đi học chuyên sâu về các khoa nhân văn, tự nhiên. Dù làm việc mục vụ và xã hội rất nhiều, ngài cũng chuyên tâm nghiên cứu và viết nhiều sách đạo đức.
Đối với các dòng tu trong giáo phận Bùi Chu, Đức Cha Phêrô nâng đỡ trong việc thành lập : Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, dòng tu nam đầu tiên do một linh mục Việt Nam sáng lập ; ký sắc lập dòng cải tổ nhà phước Đaminh thành Dòng nữ Đaminh Việt Nam giáo phận Bùi Chu ngày 30/04/1951 ; các thầy dòng Bệnh viện thánh Gioan và các linh mục hội Hỗ trợ Truyền giáo Bỉ cũng được Đức Cha mời vào hoạt động tại giáo phận Bùi Chu trong thời của ngài.
Tất cả những ai có dịp tiếp xúc với Đức Cha đều nhận ra ngài là người cởi mở, nhân hậu và đầy cảm thông. Những đức tính tốt lành ấy được thể hiện rõ qua Di Chúc của ngài. Đức Cha không quên một ai và yêu thương hết mọi người, cả với những kẻ làm khổ ngài : “Ðối với những người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không có buồn giận ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ. Họ làm như thế là làm cho tôi, vì tôi có dịp lập công, đền tội, nhất là trong những ngày sau hết đời tôi.”(4)
Để tỏ lòng tri ân Đức Cha Phêrô, hội dòng Nữ Đaminh Bùi Chu với lòng kính yêu vô bờ đã cùng nhau đến bên phần mộ ngài tại Trà Kiệu vào ngày 09/05/2015 vừa qua. Đây cũng là dịp để nhắc cho lớp hậu sinh nhớ đến công đức của người đã ký giấy khai sinh cho “ái nữ” Đaminh Bùi Chu.
Nếu cuộc đời Đức Cha như hương thơm đã lan tỏa cho đời, thì giờ đây đoàn con xin dâng trước linh hồn Người Cha nén hương trầm của lòng biết ơn và lời chúc mừng 106 năm ngày sinh của Người (14/05/1909). Chúng con tin rằng từ chốn Thiên Đàng, người vẫn dõi theo từng bước tiến của hội dòng như khi còn sống đã hằng cầu nguyện cho chúng con: “Lạy Chúa! Con xin dâng tất cả con cái cho lòng yêu thương Chúa! Xin Chúa thánh hóa và chúc lành cho tất cả!… chớ gì không ai trong các con cái của con làm điều chi cho Chúa phải phiền lòng. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.(5)
Nt. Xuân Ân, Đaminh Bùi Chu
Chú thích
(1)(2)(3)(5) Hội Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, « Tiểu sử Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi », trong 60 năm nhìn lại.
(4) Trích Di chúc Đức Cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi