Hỏi: Trong cử hành hôn phối: khi nào thì hôn nhân thành sự, nghĩa là lời cam kết có hiệu lực? Trường hợp lời cam kết không có hiệu lực vì thiếu ưng thuận, thì sự ưng thuận sau này có tính cách hồi tố không? Còn nếu hôn phối vô hiệu vì những lý do khác, thì làm thế nào để sửa chữa lại?
Trả lời:
Sự ưng thuận tự do sáng suốt và trách nhiệm làm cho hôn phối thành sự. Truyền thống các phán quyết của tòa thường tuyên bố hôn phối vô hiệu nếu sự ưng thuận bị khiếm khuyết hay bị thương tổn cách nào đó ngay lúc trao đổi lời cam kết(không trước, không sau). Các nghi thức khác không có ảnh hưởng gì cho việc thành sự hôn phối. Sự ưng thuận trước khi cử hành, dầu là trong một thời gian dài cũng không thể biện hộ cho sự ưng thuận không có hoặc khiếm khuyết lúc trao đổi lời cam kết. Sự ưng thuận ngầm sau khi về với nhau, cả việc hai người đ ăn ở với nhau có con, cũng không hồi tố hiệu lực cho sự ưng thuận không có hoặc khiếm khuyết lúc trao đổi lời cam kết.
Trong trường hợp trước đó không ưng thuận nhưng về sau ưng thuận hoặc hôn phối vướng mắc ngăn trở nào đó, thì giáo luật quy định một số cách thức để sửa chữa lại, làm cho hôn phối đã không thành trở lại có hiệu lực.
I. Việc hiệu lực hóa đơn giản hay cử hành hôn phối lại (đ.1156-1160).
Sự vô hiệu của hôn phối đ cử hành có thể do nhiều nguyên do:
– Có ngăn trở tiêu hôn mà chưa được miễn chuẩn.
– Có khiếm khuyết trong sự ưng thuận của một trong hai hoặc cả hai.
– Thiếu thể thức giáo luật khi trao đổi sự ưng thuận.
Hiệu lực hóa là hành vi pháp lý của một trong hai hoặc cả hai người kết hôn làm lại sự cam kết ưng thuận hôn phối, khi sự ưng thuận này bị khiếm khuyết làm cho hôn nhân không thành.
Hiệu lực hóa đơn giản là “một cách thức được thực hiện ở tòa trong nhằm mục đích làm yên lương tâm một người phối ngẫu nghĩ rằng hôn phối mình đã cử hành với người kia là vô hiệu mà không cần phải kiểm chứng lại” (J.P.Schouppe). Nếu nguyên nhân làm cho hôn phối vô hiệu là công khai (có thể kiểm chứng được), thì việc hiệu lực hóa phải thực hiện bằng việc cử hành hôn phối lại.
Để có thể thực hiện việc hiệu lực hóa hôn phối, phải chắc chắn rằng khiếm khuyết làm cho hôn phối vô hiệu không còn nữa, một bên hoặc hai bên phối ngẫu đều biết về khiếm khuyết nầy. Phải cam kết lại sự ưng thuận theo thể thức giáo luật một cách công khai khi đó là khiếm khuyết công khai và cam kết lại cách riêng tư hoặc kín đáo khi khiếm khuyết còn kín. Trong trường hợp sau, chỉ cần làm ở tòa trong, không cần ghi sổ sách. Mục đích làm lại việc cam kết một cách công khai là để làm chứng rằng sự khiếm khuyết công khai trước đây đã bị xóa bỏ và hôn phối đã được thực hiện thành sự. Các trường hợp:
1. Hôn phối vô hiệu vì mắc ngăn trở tiêu hôn:
Sẽ cử hành lại hôn phối sau khi ngăn trở đã hết.
1/ Tiêu hủy ngăn trở.
Để thực hiện hiệu lực hóa, trước tiên phải tiêu hủy ngăn trở còn vướng mắc. Việc hủy bỏ ngăn trở có thể do cái chết của người phối ngẫu trong hôn phối trước, việc giải phẫu chữa bệnh làm chấm dứt tình trạng bất lực; hết tuổi vị thành niên hoặc do một ơn chuẩn (x. đ.1079-1082).
2/ Làm lại việc cam kết.
a/ Bên phía người phối ngẫu biết ngăn trở, phải thực hiện lại lời cam kết ưng thuận (đ.1156), ngay cả lúc cử hành ban đầu, hai người đã trao đổi sự ưng thuận và đã không rút lại sau đó. Việc thực hiện lại lời cam kết là một hành vi mới của ý chí để hợp pháp hóa hôn phối mà người thực hiện lại biết rằng hôn phối ấy đã không thành ngay từ đầu. Nếu cả hai đều biết ngăn trở thì cả hai phải thực hiện cam kết lại.
b/ Thể thức: nếu ngăn trở là công khai (ít là chứng minh được ở tòa ngoài) thì cả hai bên phải cam kết lại, có thể cách kín đáo, theo thể thức giáo luật, trừ khi được miễn chuẩn thể thức này trong hôn phối hỗn hợp hoặc trong trường hợp nguy tử. Sau đó phải ghi vào sổ bộ như một hôn phối mới để làm chứng ở tòa ngoài.
Nếu ngăn trở còn kín đáo (hoặc không thể chứng minh), thì chỉ cần một bên cam kết lại cách riêng tư hoặc kín đáo, nghĩa là không cần nhân chứng, miễn là bên kia vẫn còn duy trì sự ưng thuận trước đây hoặc là cả hai bên cam kết lại, nếu hai bên đều biết ngăn trở.
2. Hôn phối không thành vì khiếm khuyết trong sự ưng thuận.
Bên đã không ưng thuận lúc cử hành hôn phối, lúc này ưng thuận lại và chắc chắn rằng bên kia vẫn còn duy trì sự ưng thuận.
Nếu sự khiếm khuyết ưng thuận có thể chứng minh được, thì cam kết lại theo thể thức giáo luật, như một cử hành hôn phối mới.
Nếu sự khiếm khuyết ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần bên biết cam kết lại một cách riêng tư và kín đáo.
3. Hôn phối không thành vì thiếu thể thức giáo luật.
Hai người phải thực hiện lại việc cam kết theo thể thức giáo luật (có thể chuẩn rao hoặc có thể theo cách thức kín đáo). Trường hợp hôn phối hỗn hợp hay khác đạo thì phải xin chuẩn.
Nếu hai bên không muốn làm lại lời cam kết theo thể thức giáo luật, mà chỉ muốn tiếp tục sống chung vợ chồng, thì phải xin chữa tận căn (sanatio in radice).
II. Việc sửa chữa tận căn (x. GL đ.1161-1165).
Nguồn gốc phát xuất từ việc Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII đ ban phép sửa chữa tận căn cho hôn phối của Marguerite d’Aragon. Cách thức này đã được dùng để hợp thức hóa những trường hợp hôn phối đã cử hành thiếu thể thức giáo luật, sau cuộc ly giáo của nước Anh và sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Cách thức này khác với việc hiệu lực hóa kể trên ở chỗ đây là hành vi của quyền lập pháp thực hiện việc miễn chuẩn có tính cách hồi tố theo luật, chứ không phải là hành vi cam kết lại của hai bên.
1. Định nghĩa.
Giáo luật đ.1161 định nghĩa: Sửa chữa tận căn một vụ hôn phối không thành (matrimonium iritum) là khi thẩm quyền hữu trách cho hiệu lực hóa chính hôn phối đó mà không phải lặp lại sự ưng thuận, kèm theo việc miễn chuẩn ngăn trở, nếu có và miễn chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ, cũng như phục hồi các hiệu lực giáo luật của hôn phối trong quá khứ.
B. Thẩm quyền.
1/ Tòa Thánh.
Tòa Thánh có thẩm quyền tổng quát trong tất cả các nguyên nhân làm cho hôn phối không thành. Ngoài ra có hai loại sửa chữa tận căn dành cho Tòa Thánh:
Trường hợp hôn phối không thành do một ngăn trở dành cho Tòa Thánh. Theo GL. đ. 1078 §2 thì những ngăn trở ấy là: ngăn trở do chức thánh hoặc do lời khấn công khai vĩnh viễn về đức khiết tịnh trong dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng, ngăn trở tội ác nói ở điều 1090[1], hoặc một ngăn trở thuộc luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết lập đã chấm dứt (hôn phối trước, bất lực).
2/ Giám mục giáo phận.
Giám mục giáo phận cũng có thể ban phép sửa chữa tận căn nhưng chỉ tùy theo từng trường hợp một. Thẩm quyền này không bị hạn chế cả khi có nhiều nguyên nhân cùng một lúc, làm cho hôn phối bất thành.
Để sửa chữa tận căn hôn phối hỗn hợp, phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu trong giáo luật đ.1125[2]. Giám mục không có quyền trong những trường hợp được dành riêng cho Tòa Thánh.
3. Cách thức và hiệu quả.
1/ Điều kiện.
– Trong hôn phối cử hành trước kia, hai người đã thực sự trao đổi sự ưng thuận.
– Sự ưng thuận hôn phối đã được hai bên trao đổi vẫn còn tồn tại nơi đôi bạn cho đến lúc sửa chữa tận căn. Điều này được suy đoán cho đến khi có chứng cứ ngược lại.
– Việc trao đổi ưng thuận trước đây không thành vì có ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật.
– Khi việc trao đổi lại lời cam kết ưng thuận, để hợp pháp hóa hôn phối, gây trở ngại khó khăn nghiêm trọng, thì được ban ơn sửa chữa tận căn do một hay cả hai phía thỉnh cầu. Nhưng nếu đôi bạn không còn có ý sống chung với nhau nữa thì việc ban phép sửa chữa tận căn là bất hợp luật.
2/ Hiệu quả.
Có hiệu quả hồi tố ngay khi được ơn sửa chữa tận căn và hồi tố trở lại từ lúc cử hành hôn phối, trừ trường hợp được minh thị cách khác.
Trường hợp có ngăn trở theo luật Chúa thì hiệu quả hồi tố trở lại từ lúc hết ngăn trở này.
Trường hợp ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật thiết định thì ơn sửa chữa tận căn chỉ được ban sau khi hết ngăn trở và hiệu quả hồi tố trở lại từ lúc hết ngăn trở.
Không nên quan niệm sai lầm rằng: hễ hai người đã về chung sống với nhau, ăn ở với nhau có con cái là hôn phối đã thành sự và không thể nào tháo giải được.
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
WGP.Phan Thiết