Sách mới về Lòng thương xót của ĐHY Kasper

“Lòng thương xót, Khái niệm căn bản của Tin mừng, chìa khóa của đời sống Ki-tô”[1]

Hôm thứ hai ngày 4 tháng 5 vừa qua, viện thần học Bernardins đã đón ĐHY Walter Kasper để hội thảo bàn tròn nhân dịp cuốn sách mới nhất của ngài được phát hành. Chủ đề của cuốn sách mang tính thời sự vì nó ra đời đúng vào dịp Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh đặc biệt về Lòng thương xót.

Qua cuộc hội thảo, thính giả biết được phần nhập đề giới thiệu lòng thương xót là chủ đề trung tâm trong Kinh thánh, nhưng đôi khi lại chỉ được bàn đến cách hời hợt và bị quên lãng trong thần học hệ thống (x. tr. 7). Cuốn sách này ra mắt, được coi như là “trở về tâm điểm” (từ ngữ của thần học gia Han Urs von Balthasar): thiết lập thần học dưới ánh sáng của mầu nhiệm lòng thương xót trong chuyển động qua lại xung quanh tâm điểm này. ĐHY Kasper mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm tương tự với kinh nghiệm của Galilée. Lòng thương xót là thuộc tính căn bản mà các thuộc tính khác như là các hành tinh quay xung quanh mặt trời của lòng thương xót. “Lòng thương xót là nguồn gốc của tất cả mọi sự, nó nằm bên trên thế giới và lịch sử của thế giới cũng như của toàn thể nhân loại” (x. tr. 107).

Tác phẩm gồm 9 chương. Nhờ sự uyên bác của tác giả mà lòng thương xót Chúa được bàn giải qua mọi lãnh vực suy tư: triết học, văn học, thiêng liêng, Cựu và Tân ước, tín lý, giáo hội học, luân lý, xã hội học và thánh mẫu học.

Nội dung cuốn sách cũng liên kết với mọi người thiện chí và những người ngoài Giáo hội để họ có thể đi vào kho tàng trung tâm của Ki-tô giáo. Hai chương đầu tiên chỉ ra ưu tư của tác giả muốn giúp mọi người tìm được ý nghĩa cuộc sống và chống lại thế lực sự dữ. Không chỉ có câu hỏi: “Thiên Chúa tồn tại hay không mà còn là niềm tin vào Thiên Chúa tình thương và giàu lòng thương xót (Ep 2, 4).”(tr. 13). Trong cuốn Trở về Trung tâm, ĐHY Balthasar viết: “Thần học đối thoại không còn là thần học từ trong ra ngoài; mà là từng bước từ ngoài vào trung tâm khi thực hiện cuộc đối thoại với anh em mình”[2]. ĐHY Kasper tiếp nối điều này cách dứt khoát: sau những kinh nghiệm khủng khiếp của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, chỉ có lòng thương xót Chúa trả lời cho khát vọng của con người hôm nay, đang ở trong đau khổ thể xác và tinh thần. Từ đó, tác giả muốn nối kết truyền thống thần học với kinh nghiệm con người. Luật Vàng dạy “đừng làm cho người khác cái mình không muốn họ làm cho mình”, thì nó cũng dạy chúng ta cần có “tình thương, cảm thương, giúp đỡ nhau và khoan dung thể hiện sự khôn ngoan của loài người” (x. tr. 45).

Chương III nói về Mạc khải của Thiên Chúa trong sứ điệp của Cựu ước. Lòng thương xót là câu trả lời của Thiên Chúa trước sự xáo trộn và tai họa do tội lỗi. Ngài không ngoảnh mặt trước những lầm lạc của con người: “Thiên Chúa, do lòng thương xót, trung thành với chính Mình và với dân, mặc dù nó bất trung” (x. tr. 56). “Lòng thương xót là phương thế mà Thiên Chúa tạo ra trong sự công chính để tái tạo con người. Lòng thương xót ở bên trên khái niệm ‘lỗi thì phạt’, nhưng nó không đi ngược với sự công chính; mà đúng ra là giúp đỡ sự công chính” (tr. 60). Lòng thương xót không nằm bên cạnh hay đi ngược sự công chính. Trái lại, nó góp phần vào sự hoàn thiện sự công chính của Thiên Chúa. Như thế, “lòng thương xót Chúa là sức mạnh để Thiên Chúa duy trì, bảo vệ, khích lệ, tái tạo và tái dựng sự sống” (tr. 61).

Tác phẩm về lòng thương xót đương nhiên là đi đến đỉnh điểm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Con. “Trong lòng thương xót, Thiên Chúa muốn thỏa mãn sự công chính. Cho nên, Chúa Giê-su đã tự nộp mình cho tội lỗi, Ngài đã mang lấy tội (2Cr 5, 21)” (tr. 79). Thuyết thay thế, mà Balthasar đã nhấn mạnh không phải là hậu quả của một Thiên Chúa báo thù, đòi một nhân mạng để làm nguôi cơn giận, nhưng là cách cụ thể Thiên Chúa phục hồi tự do của nhân loại bị tội lỗi làm tổn thương: nhờ hy tế của Trung gian độc nhất, là Đức Giê-su Ki-tô: “Đức Ki-tô đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). “Thiên Chúa đã đi ngược với những gì Ngài là, Ngài nhận cái chết cho mình” (tr. 85) để cho chúng ta tham dự vào tự do đích thực và tái tạo chúng ta từ bên trong. Đức Ki-tô trên thập giá giúp chúng ta hiểu rằng “lòng thương xót là sự trào tràn của tình yêu (hay cũng nói là tình yêu tràn trề) Thiên Chúa, là sự tóm gọn của tin mừng” (tr. 86). Tin vào tình yêu này nghĩa là tin vào lòng thương xót. Như vậy, “sự công chính của Thiên Chúa là lòng thương xót và ngược lại” (tr. 83).

Giống như tông huấn Lòng Thương Xót của thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ở số 7 và 8, Ở chương V, ĐHY đã đề cập việc thi hành lòng thương xót đối với Đấng bị đóng đinh. Nếu Thiên Chúa hạ mình để bị treo trên thập giá nhằm phục hồi phẩm giá con người, thì hôm nay chúng ta cũng phải sống Bài giảng trên núi và làm phúc cho những kẻ bé mọn. Chương này nhắc cho mọi người phải thi hành lòng thương xót cách cụ thể trong các tương quan. “Lòng thương xót vượt ra khỏi cái qui nhân (mình là trung tâm) bị vô cảm và mù quáng trước những nhu cầu vật chất và tinh thần của người khác. Lòng thương xót phá tan sự cứng lòng của con tim. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta qua sự gặp gỡ với những đau khổ của người khác” (tr. 143). Những câu hỏi đức tin được đặt ra thay vì những câu hỏi luân lý: chúng ta có tin rằng Đức Ki-tô đến với chúng ta trong người nghèo không? Chúng ta có muốn là tha nhân của Đấng chúng ta tin không? Đó là đề tài thay thế mà “Maximilien Kolbe đã đổi mạng cho một tử tù khác, là người cha gia đình” (tr. 153).

Chương VII nói về tình yêu tha nhân theo chiều kích Giáo hội. Rất nhiều người nhận thấy rằng Giáo hội còn khắt khe và chưa có lòng thương xót, ví dụ những trường hợp ly dị-tái hôn (x. 166). Lòng thương xót cần thấm sâu hơn trong các tương quan của Giáo hội với người nam, người nữ hôm nay. Không nhân nhượng tội lỗi, không giải thích chủ quan trừu tượng ngược với luật khách quan, Giáo hội phải hướng đến các tội nhân với lòng thương xót và yêu thương. Như vậy, chúng ta vẫn còn trong khởi đầu của văn minh tình thương được thiết lập trên lòng thương xót Chúa.

Tác phẩm cũng không quên đề cập đến Đức Ma-ri-a, Mẹ của lòng thương xót. Trong Mẹ, chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót Chúa. Mẹ là mẫu gương của lòng thương xót qua ân sủng và đức tin.

Tác phẩm ra đời trước khi Năm thánh Lòng thương xót khai mạc không chỉ dành cho các nhà thần học mà cho tất cả những ai muốn hiểu biết Đức Ki-tô và công trình cứu chuộc của Ngài hơn, và cho tất cả những ai sẵn sàng đón nhận lòng thương xót. Mỗi chương của cuốn sách giúp tìm kiếm học thuyết về khái niệm căn bản của lòng thương xót là tâm điểm và giúp tìm kiếm trong mọi lãnh vực đa dạng khác như chú giải Kinh thánh, thần học tín lý hay thần học căn bản, hộ giáo, giáo hội học, luân lý xã họi hay gia đình, chính trị xã hội hay thánh mẫu học.


[1] Tựa đề cuốn sách mới xuất bản của ĐHY Walter Kasper, thần học gia Đức, nguyên chủ tịch ủy ban tòa thánh xúc tiến sự hiệp nhất các ki-tô hữu.
[2] H. U. von Balthasar, Trở về Trung tâm, tr. 75-76.

Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa