(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40)
PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
KHỞI ĐI TỪ GIA ĐÌNH,
THEO MẪU GƯƠNG THÁNH GIA
“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền,
thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê.
Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan,
và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”
(Lc 2,39-40)
Con Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình nhân loại. Gia đình đó gồm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, được gọi là Thánh Gia mà Giáo Hội mừng kính vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Giáng Sinh. Trong năm Tân Phúc-Âm-Hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến 2015 này, vì gia đình sống đạo là nền tảng của đời sống giáo xứ và cũng là khởi đầu của các cộng đoàn sống đời Thánh hiến, và là trường đào tạo ơn gọi đầu tiên, nên hơn bao giờ hết, Thánh Gia trở thành một mẫu gương nổi bật cho các gia đình Kitô hữu noi theo. Các bài đọc hôm nay cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi thành viên trong gia đình phải có để kiến tạo một gia đình hạnh phúc; đồng thời cho thấy mỗi gia đình Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh và sẽ được phúc lành mà Thiên Chúa hứa ban cho những gia đình sống theo ý Chúa.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Hc 3,3-7.14-17a):
Bài đọc I trích sách Huấn Ca dạy những người con phải biết thảo kính cha mẹ vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Người con sống hiếu thảo thì người cha được vẻ vang, người mẹ thêm uy quyền, và chính người con sẽ được nhiều ơn ích:
– Với Thiên Chúa: họ được bù đắp các thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, họ sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
– Với bản thân: họ sẽ sống trường thọ và danh thơm sẽ được truyền tụng, không bị người đời quên lãng.
– Với con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, nghĩa là con cái họ hiếu thảo với họ, như chính họ đã hiếu thảo với cha mẹ của mình.
Từ những hệ quả trên, lời Chúa trong sách Huấn Ca khuyên con cái hiếu thảo với cha mẹ mình, được thể hiện qua những khía cạnh khác nhau: “thờ cha”, “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.
2. Bài đọc 2 (Cl 3,12-21):
Bài đọc 2 cho thấy nguyên lý của đời sống gia đình là dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô. Theo đó, đời sống gia đình Kitô hữu gồm những người đã được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, nên phải có những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào nhân đức nền tảng là “lòng bái ái” vì lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo mọi đức tính luân lý của Kitô giáo (xem Bài ca Đức mến 1Cr 13). Từ những nguyên lý đó, hệ quả kéo theo là: vợ chồng yêu thương, phục tùng lẫn nhau và đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Về phần con cái, họ cần vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
Để thực hiện những điều trên, cuộc sống gia đình phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và đời sống cầu nguyện qua việc dâng lên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca với lòng biết ơn Thiên Chúa và tìm kiếm thánh ý Người.
3. Bài Tin Mừng (Lc 2,22-40):
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm người phàm, đã sống trong một gia đình có thân phụ là Thánh Giuse và thân mẫu là Đức Maria. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên đền thờ Giêrusalem theo luật dạy. Luật Do thái quy định người mẹ phải được thanh tẩy sau khi sinh con (nếu sinh con trai thì 40 ngày, nếu sinh con gái thì 80 ngày) và nếu là con trai đầu lòng thì phải dâng vào Đền Thờ để thánh hiến cho Thiên Chúa. Chính vì thế, Thánh Giuse cùng Đức Mẹ lên Đền Thờ để Mẹ được thanh tẩy và để dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa. Lễ phẩm dâng Chúa là lễ vật của một gia đình nghèo: một cặp bồ câu non, thay vì chiên là lễ phẩm của người giàu (x. Lv 12,1-8).
Đúng ra, các ngài không buộc làm việc này vì Đức Maria thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần nên sinh con mà không cần thanh tẩy, còn Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nên không cần phải dâng để được thánh hiến. Cuộc hành hương lên Giêrusalem này cho chúng ta biết Thánh Gia là một gia đình hiệp nhất, gương mẫu vì cùng nhau tuân giữ luật Chúa truyền. Tuy nhiên, cũng nhờ lên Đền Thờ, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã được hai vị ngôn sứ Simêon và Anna mạc khải về sứ vụ của Đức Giêsu và về việc các ngài sẽ được hiệp thông vào chương trình cứu độ như thế nào. Trong biến cố này, có ba nguồn hướng về sự cao cả nơi sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu: Lề Luật, ngôn sứ, và Đền Thờ, nhưng được quy lại nơi Thánh Gia.
Hai vị ngôn sứ Simêon và Anna ở trong Đền Thờ để phụng thờ Thiên Chúa và là mẫu mực cho những người trung thành và liên lỉ chờ đợi về Đấng Mêsia, nên nay họ đã được toại nguyện. Simêon có nghĩa là “Thiên Chúa đã đoái nghe”. Chính vì thế mà ông đã cất lên bài ca “Muôn Lạy Chúa – Nunc dimittis” mà Phụng vụ đọc vào giờ kinh tối. Ông có thể lìa đời vì đã mãn nguyện khi thấy lời hứa cứu độ, không chỉ dành riêng cho Israel mà cho toàn thể nhân loại, đã được thực hiện. Tương tự, nữ ngôn sứ Anna, có nghĩa “hồng ân”, cũng cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân cứu độ Giêsu mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Sau khi lên Đền Thờ, Thánh Gia đã trở về Nadarét để Đức Giêsu sống cuộc đời nghèo khó bình dị với cha mẹ mình suốt 30 năm. Cũng tại trường học Nadarét mà Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Dù Đức Maria và Thánh Giuse biết gia đình của các ngài có Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng không đòi cho mình một đặc quyền đặc lợi nào.
Những tư tưởng trên cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi luật Chúa truyền. Nhờ biết sống theo ý Chúa như thế, Thánh Gia là một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm và trở thành một gương mẫu để mọi gia đình và nhất là gia đình Kitô hữu noi theo.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ…” (Hc 3,3-6). Tư tưởng này rất phù hợp với đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” của người Việt Nam. Ngày nay đời sống gia đình đang trên đà xuống dốc: cha mẹ ly thân, ly dị, bỏ rơi con; con cái hư thân bất hiếu, bỏ nhà, nghiện ngập trộm cắp; anh em chia rẽ bất hòa,… Là cha mẹ, chúng ta có ý thức được rằng đời sống và các hành vi của bản thân là bài học chính yếu cho con cái hay không? Là con cái, chúng ta có ý thức được phận làm con của mình, cụ thể là sống hiếu thảo thì sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng cha mẹ, tích đức cho bản thân và đến lượt, sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai, sẽ được con cái kính trọng như mình đã kính trọng với cha mẹ của mình hay không?
2. “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, và trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14). Gia đình Kitô giáo phải được xây dựng trên những nhân đức nền tảng của đời sống mới trong Đức Kitô, nhất là lòng bác ái (đức ái/ tình yêu). Chúng ta có ý thức được rằng các đức tính trên, nhất là đức ái sẽ giúp mỗi thành phần trong gia đình vượt qua được mọi khủng hoảng của đời sống gia đình như cha mẹ ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ…; đồng thời, giúp mỗi người sống chính danh: cha mẹ sống đúng vai trò của mình, chu toàn bổn phận chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ nhưng cũng tôn trọng con cái; con cái chu toàn bổn phận làm con, sống thảo hiếu với cha mẹ hay không?
3. “Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng con nên một gia đình hợp nhất và yêu thương: luôn chuyên cần lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, để Thánh ý Chúa và tinh thần Phúc Âm thấm đẫm mọi sinh hoạt của đời sống chúng con và chiếu tỏa cho môi trường xã hội chung quanh. Xin giúp chúng con tham dự cách ý thức và sống động vào Hy tế Thánh Thể cùng các cử hành phụng vụ…”. Đó là Lời kinh của năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn. Có thể nói lời kinh này đã dựa vào mẫu gương của Thánh Gia. Chúng ta có ý thức được rằng việc hợp nhất và yêu thương nhau để chuyên cần lắng nghe và suy niệm Lời Chúa là kim chỉ nam giúp chúng ta đi đúng hướng, vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời? Bên cạnh, cùng nhau tham dự Thánh lễ và các giờ cử hành Phụng vụ là phương thế tốt nhất để kết hợp mật thiết với Đức Kitô và kín múc nguồn sức sống từ Chúa Thánh Thần, nhằm xây dựng gia đình, giáo xứ, dòng tu, và Nước Chúa trong tình thương và sự thật, công lý và bình an?
4. “Tính bổ túc nam nữ là gốc rễ của hôn nhân và gia đình. Vì gia đình đặt cơ sở trên hôn nhân là trường học đầu tiên nơi ta học cách đánh giá cao các hồng phúc của ta và của người khác, và là nơi, ta thủ đắc được nghệ thuật sống hợp tác”; và “gia đình cung cấp nơi chính yếu để ta vươn tới sự cao cả khi ta biết cố gắng thể hiện khả năng trọn vẹn của ta trong việc sống nhân đức và đức ái.” Đó là những tư tưởng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý trong diễn văn khai mạc hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ do Tòa Thánh tổ chức vào ngày 17/11/2014. Trong bối cảnh đời sống hôn nhân và gia đình ngày nay đang gặp khủng hoảng, nam nữ đến với nhau trong mối tương quan tạm thời, sống thử, không muốn có cam kết hôn nhân, là Kitô hữu chúng ta có ý thức rằng vợ chồng đều bình đẳng với nhau về quyền lợi và trách nhiệm trong gia đình, để cùng nhau xây dựng gia đình thành “tổ ấm yêu thương”, thành “trường dạy nhân bản và đức tin” đầu tiên hay “Giáo Hội tại gia” hoặc “xã hội thu nhỏ” hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ đã muốn Con của Người sinh ra và lớn lên trong một gia đình thánh, để nêu gương và mời gọi các gia đình hãy trở nên cung thánh của sự sống, tình thương và sự vâng phục ý Chúa. Chiêm ngắm Thánh Gia thất trong tâm tình ngợi khen và cảm tạ Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đem Chúa Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa theo lề luật. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần của đại gia đình Hội Thánh luôn đồng tâm nhất trí với nhau trong bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và trở nên nhân chứng cho Người.
2. Đức Giêsu chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa và là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa luôn an ủi, nâng đỡ và hướng dẫn các gia đình trên khắp thế giới đang phải đau khổ hoặc bị khủng hoảng, để họ được bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.
3. Cả ông Simêon và bà Anna đều chúc tụng Thiên Chúa và nói về Hài Nhi Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho bậc làm cha mẹ trong các gia đình Công giáo biết quan tâm giáo dục đức tin cho con cái mình bằng một đời sống gương mẫu trong mọi hoàn cảnh.
4. Con trẻ Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta không ngừng trưởng thành trong đức tin bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa và nỗ lực thực thi công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin đoái thương nhậm lời chúng con nguyện và ban xuống muôn ơn lành giúp các gia đình chúng con trở nên những cộng đoàn thánh thiện và nhiệt tâm loan bao Tin Mừng theo gương Thánh Gia thất xưa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.