Một bản tường trình của tổ chức UNICEF thuộc LHQ công bố ngày 01.03.2017 vừa qua đã tố giác những nguy hiểm lớn đe dọa các trẻ em tỵ nạn di dân từ các nước vùng Phi châu Nam sa mạc Sahara tìm cách lẻn vào châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống tươi sáng hơn.
Bản tường trình nói trên định nghĩa hành trình của các trẻ em tỵ nạn di dân này là chuyến đi định mệnh trí mạng, và phác họa khung cảnh của nhiều hiểm nguy mà trẻ em phải đương đầu trên đường đi: từ bạo lực đến lạm dụng tính dục, bóc lột và cả tù tội nữa.
Ông Afshan Khan, giám đốc UNICEF vùng Phi châu nam sa mạc Sahara kiêm phối hợp viên đặc nhiệm về cuộc khủng hoảng di dân tỵ nạn vào Âu châu của tổ chức này, nhấn mạnh rằng con đường từ Bắc Phi dẫn vào Âu châu là một trong những con đường nguy hiểm đã giết chết nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong năm ngoái 2016, có khoảng 5000 ngàn người đã bỏ mạng trên con đường này, và trong số này, ít nhất 700 là trẻ em. Các nhóm buôn người kiểm soát các lãnh thổ này xem phụ nữ và trẻ em như những con mồi ngon. Chính vì thế nên cần phải thành lập những hành lang an toàn và hợp pháp để đảm bảo an ninh và đồng thời bảo vệ các trẻ em tránh khỏi nanh vuốt bọn buôn người.
Từ những điều tra của UNICEF, được biết có hơn ¾ các trẻ em di dân tỵ nạn được phỏng vấn tuyên bố là đã phải chịu bạo hành, lạm dụng hay hành hạ từ tay những người lớn trên đường di chuyển. Khoảng một nửa các phụ nữ và trẻ em cho biết đã bị bạo hành tính dục nhiều lấn và tại nhiều nơi khác nhau. Đại đa số trẻ em nói là đã bị xỉ nhục bằng lời nói hay tâm lý, khoảng một nửa thì tiết lộ đã bị đánh đập tàn bạo hay những bạo hành thể lý. Con số các nạn nhân thuộc nữ giới nhiều hơn là con số nạn nhân nam giới.
Một cuộc điều tra do UNICEF thực hiện tại Libia hồi cuối năm ngoái, 2016, đã ghi nhận được 256 ngàn người di dân tỵ nạn đi qua nước Libia để tìm đường vào Âu châu. Trong số này có gần 31 ngàn người là phụ nữ và hơn 23 ngàn trẻ em. Khoảng 1/3 số trẻ em này không có người lớn đi kèm. UNICEF cũng cho biết là cuộc điều tra này chỉ là đỉnh lộ của tảng băng ngầm, nghĩa là con số người di dân tỵ nạn trên thực tế cao hơn gấp ba lần.
Đại đa số các phụ nữ và trẻ em được hỏi cho biết là họ đã phải trả tiền trước khi lên đường, nhưng rồi vẫn phải chịu bạo hành hiếp đáp suốt trong thời gian đi đường, phải sống trong những điều kiện chung chạ chật hẹp trong những cơ sở của bọn buôn người hay trong những nhà tù địa phương nơi họ đi qua.
Ông Khan giám đốc UNICEF vùng Nam sa mạc Sahara nói: chúng ta phải làm sao để các trẻ em không còn bị hoàn cảnh bắt buộc phải đặt sự sống của chúng vào tay bọn buôn người vì không còn lối thoát nào nữa. Chúng ta phải tìm cách giải quyết trên bình diện quốc tế những nguyên nhân đưa đến hiện tượng di dân, công tác chặt chẽ với nhau hầu tại ra những hành lang an toàn cho các trẻ em bị buộc phải tản cư, cho dù các em là người di dân hay tỵ nạn.
UNICEF đề ra chương trình 6 điểm mà thế giới cần thực hiện trong đó có việc chấm dứt việc giam cầm các trẻ em xin quy chế di dân hay tỵ nạn, không chia rẽ gia đình các em, cấp quy chế hợp pháp cho các gia đình này và nhất là cho phép các trẻ em di dân tỵ nạn được học hành, được săn sóc sức khỏe cùng với các phúc lợi xã hội khác.
(Mai Anh, RadioVaticana 06.03.2017/ AGI 01.03.2017)