Năm Sự Mừng Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giê-su lên trời (17.5.2015 – Lễ Chúa Lên Trời, năm B)

Năm Sự Mừng
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giê-su lên trời
(Mc 16, 15-20)

 

15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

***

  1. Mầu nhiệm Chúa Lên Trời

Như chúng ta đã có thể nhận ra trong mùa Phục Sinh, sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Ki-tô đi vào trong sự sống mới, và vì thế, Người hiện diện với các môn đệ và với loài người chúng ta theo một cách thức mới.

  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đấng Phục Sinh đang hiện diện là một. Tuy nhiên, cách hiện diện của Ngài không còn như xưa; vì thế, những người đã từng sống với người không thể nhận ra ngay, thậm chí “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28, 17b).
  • Đức Ki-tô phục sinh tiếp tục mời gọi các môn đệ đi theo Người, theo một cách thế mới, ngang qua các dấu chỉ, nhưng lại thiết thân hơn, sâu xa hơn và phổ quát hơn ; và đó cũng cách chúng ta đi theo Đức Ki-tô hôm nay.
  • Và tất cả cuộc đời đã qua của Ngài mang ý nghĩa mới, vì thế mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại những trình thuật về cuộc đời Đức Giê-su, nhất là những trình thuật theo Tin Mừng Gioan ; và cũng như vậy, toàn thể sáng tạo và lịch sử, trong đó có cuộc đời của chúng ta, cũng sẽ mang một ý nghĩa mới. Kinh Thánh, dưới ánh sáng của Đức Ki-tô chết và phục sinh, giúp chúng ta đi vào chiều kích mới này.

Và mầu nhiệm Vượt Qua, hay rộng hơn mầu nhiệm Nhập Thể hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, kết thúc với mầu nhiệm « Chúa lên trời », vốn là một mầu nhiệm cũng rất đặc biệt :

  • Bởi vì đó là một cách nói không gian (lên/xuống), trong khi đó, sau khi phục sinh, Đức Ki-tô có sự hiện hữu phi không gian.
  • Hơn nữa, trời ở đâu, vì xét về không gian, thì ở đâu cũng là trời ?

Vì thế, Lời Chúa trong các bài đọc của Thánh Lễ kính Chúa Lên Trời hôm nay mời gọi chúng ta vượt qua bình diện không gian để vào chiều kích thần linh của mầu nhiệm Chúa Lên Trời.

 

  1. Đức Ki-tô lên trời là để ban Thánh Thần

Theo bài đọc thứ nhất, trích sách Công Vụ Tông Đồ của thánh sử Luca, Đức Ki-tô Phục Sinh lên trời là để ban Thánh Thần : “Còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4); “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (c. 8).

Như thế, Đức Ki-tô lên trời là để hiện diện với chúng ta theo một cách thế khác, ngang qua sự hiện diện của Thánh Thần, và sứ mạng của Thánh Thần là giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô, dẫn chúng ta vào trong tất cả sự thật của Đức Ki-tô và để làm chứng cho Ngài.

Cũng theo bài đọc I, trích sách Công Vụ Tông Đồ, khi Đức Ki-tô lên trời, vẫn còn có những môn đệ nghĩ đến hành động và thời điểm « khôi phục vương quốc » trần thế. Theo Đức Ki-tô, chúng ta không cần biết về chuyện này, cũng như mọi chuyện khác của tương lai, nhưng cứ phó thác cho sự xắp xếp của Chúa Cha. Hơn nữa, điều Người muốn xây dựng không phải là “Nước Đất”, nhưng là làm cho “Nước Trời” hiện diện ngay hôm nay ở giữa chúng ta, như thánh Luca thuật lại: “trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa (c. 3); và như chúng ta nguyện xin Chúa Cha mỗi ngày, nhất là trong Thánh Lễ, trước khi đón nhận Thánh Thể của Đức Ki-tô: “Xin cho Nước Cha trị đến”.

Và để cho Nước Trời “trị đến”, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Ki-tô nhờ sức mạnh của Thánh Thần :

Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.

(Cv 1, 8)

 

  1. Đức Ki-tô lên trời là để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế

Giống như Tin Mừng Gioan, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu không nói tới mầu nhiệm lên trời, nhưng mặc khải cho chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm. Thực vậy, « lên trời » theo thánh Mat-thêu có nghĩa là, Đức Ki-tô được trao toàn quyền trên trời dưới đất ; nhưng không phải để thống trị, nhưng để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Điều này phải khơi dậy nơi chúng ta niềm vui, sự tin tưởng, và lòng khát khao nhận ra sự hiện diện của Ngài. Ngài hứa hiện diện, thì chắc chắn Ngài hiện diện. Có điều, chúng ta có nhận ra hay không thôi.

Và lòng tín thác vào vương quyền của Đức Ki-tô và sự hiện hiện yêu thương của Ngài, sẽ làm nên sức mạnh và niềm xác tín để chúng ta thi hành sứ mạng :

  • Làm cho muôn dân trở thành môn đệ qua phép rửa cho họ « nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ».
  • Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Chúng ta được mời gọi thấm nhuần sâu xa lời của Đức Ki-tô, và ngang qua lời của Người là chính Ngôi Vị của Người, trước khi truyền đạt cho người khác.

 

* * *

Vậy, đâu là sứ mạng hiện tại của tôi? Tôi có đón nhận như là sứ mạng Chúa trao hay không? Và tôi có thi hành sứ mạng với niềm xác tín rằng, Đức Ki-tô phục sinh có toàn quyền và Người hiện diện với tôi mọi ngày, nhờ sức mạnh của Thánh Thần không? Niềm xác tín này có mang lại cho tôi bình an và niềm vui không?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc