Nói riêng về các nhân viên mục vụ trong Giáo Hội, theo hồ sơ theo dõi thường xuyên của chúng tôi, trong năm nay các nhân viên mục vụ bị giết trên cả 4 châu lục, trong đó nhiều nhất là tại Mỹ Châu là lục địa trong bảy năm liên tiếp vừa qua năm nào cũng đều ở mức kỷ lục. Tám nhân viên mục vụ giết ở đây. Tiếp theo là châu Á với bảy vị, châu Phi với năm vị và cuối cùng là châu Âu với hai vị linh mục ở Tây Ban Nha.
Những con số này chỉ là bề mặt của một tảng băng trôi trong cuộc khủng bố toàn cầu nhắm vào các Kitô hữu. Isis, Boko Haram, sự phân biệt đối xử ở các nước khác nhau, nơi nhà nước ngang nhiên xen mình vào nội bộ các tôn giáo, gây khó khăn cho việc gia nhập Kitô Giáo và biến cuộc sống các Kitô hữu trở nên khó khăn đến mức phải rất anh hùng mới có thể sống niềm tin Kitô của mình, hay thậm chí ở nhiều nơi, họ còn phải chịu các cuộc tấn công và tàn sát.
Với hồ sơ này và những thông tin kịp thời về cuộc đàn áp đang diễn ra trên thế giới, thông tấn xã Fides của chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những thảm kịch của nhân loại, nhằm khơi dậy lương tâm của tất cả mọi người thiện chí để xây dựng một xã hội công bằng và biết nâng đỡ nhau hơn.
Trong năm 2015, 22 nhân viên chăm sóc mục vụ đã thiệt mạng trên toàn thế giới, nhiều hơn ba vị so với năm 2013. Trong bảy năm liên tiếp vừa qua, nơi một số lượng rất cao các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết là Mỹ Châu. Tính chung, từ năm 2000 đến năm 2015, 396 nhân viên mục vụ, trong đó có 5 giám mục đã thiệt mạng tại lục địa này.
Các nhân viên chăm sóc mục vụ chết vì bạo lực trong năm 2015 là: 13 linh mục, 4 nữ tu, 5 giáo dân. Nếu tính theo các châu lục: ở Mỹ 8 vị; ở Châu Phi 5 vị; ở châu Á 7 vị; và ở châu Âu hai linh mục bị giết.
Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết trong năm 2015 đã chết trong những vụ mưu toan cướp của, và trong một số trường hợp các ngài bị tấn công rất dã man. Đó là một dấu chỉ của một tình trạng suy đồi về đạo đức, nghèo nàn về kinh tế và văn hóa, gây ra bạo lực và sự coi thường tính mạng con người.
Tất cả các vị bị giết đều sống trong những bối cảnh nhân sinh và xã hội bình thường, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ em mồ côi và người nghiện ma túy, cổ võ và đôn đốc các dự án phát triển hoặc đơn giản là mở tung cửa ngôi nhà của mình cho bất cứ ai. Và một số đã bị sát hại bởi chính những người họ từng giúp đỡ.
Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó chúng tôi không có bất kỳ tin tức, chẳng hạn như ba linh mục dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời bị bắt cóc ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ tháng 10 năm 2012; linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio, bị bắt cóc ở Syria vào năm 2013, hay cha Phanxicô Dhya Azziz, một linh mục Syria mà chúng tôi đã không có tin tức gì từ ngày 23 tháng 12 vừa qua.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, bóng tối của cái ác lúc nào cũng xuất hiện. Nhưng ánh sáng vẫn còn mạnh mẽ hơn. Ánh sáng của tình yêu vẫn có thể vượt qua sự thù hận và khai mở một thế giới mới.
Đặng Tự Do
Nguồn tin: vietcatholic