MỘT LÚC NÀO ĐÓ… GIAO THỪA
(TẾT NGUYÊN ĐÁN “ẤT MÙI” – 2015)
* ĐÓN GIAO THỪA – KHÉP CON TIM LẠI XUA MA QUỶ
* MỪNG NĂM MỚI – MỞ CỬA LÒNG RA ĐÓN CHÚA XUÂN
Năm nay (2015), Lễ Tro (khởi đầu Mùa Chay) ngẫu nhiên nhằm đúng vào ngày cuối năm âm lịch (30 tháng Chạp Giáp Ngọ). Đây là dịp người ta dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, tắm gội sạch sẽ, chuẩn bị tổ chức lễ Trừ tịch. Theo từ nguyên thì “trừ tịch” ( 除 夕) là khu trừ ma quỷ, loại bỏ cái xấu. Khu trừ ma quỷ, loại bỏ cái xấu, “tống” khứ cái cũ để “nghinh” đón cái mới (“tống cựu nghinh tân”) tốt đẹp, đó mới thực sự là “giao thừa”. Lễ Tro nhắc nhở người Ki-tô hữu “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15) để mừng Đức A-đam Mới Giê-su đã Vượt Qua cái chết và Phục Sinh vinh hiển; như vậy thì nào có khác gì việc người tín hữu “khu trừ ma quỷ, loại bỏ cái xấu”, dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà tâm linh để đón mừng Chúa Xuân. Chính vì ngẫu nhiên kỳ thú ấy, nên lễ Giao Thừa chuẩn bị mừng đón mùa Xuân Ất Mùi lại càng thêm ý nghĩa. Nhưng trước hết, xin tìm hiểu xem Giao thừa là gì?
Giao thừa ( 交 承 ) chỉ có nghĩa là trao nhận (giao: trao, thừa: nhận), mà trao nhận ở đây hàm nghĩa “cũ” bàn giao, “mới” tiếp nhận (“Hán Việt từ điển” – Đào Duy Anh). Vâng, một lúc nào đó có một biến chuyển, một biến thiên, thậm chí một biến cố xảy ra, cái “cũ” lui vào dĩ vãng, giao lại cho cái “mới”thừa kế, thế là có giao thừa. Âm lịch ấn định “giao thừa” là thời điểm chấm dứt một năm (năm cũ) để bước sang năm kế tiếp (năm mới). Rõ hơn, đó là lúc năm cũ chuyển sang năm mới, là lúc “tiễn cũ đón mới” (“tống cựu nghinh tân: 送 舊 迎 新 ”). Cũng vì thế, ở vào thời điểm ấy, người ta thường quen gọi là phút Giao Thừa (nếu có tổ chức lễ hội thì gọi là lễ Giao Thừa), và cái đêm xảy ra việc trao nhận ấy là đêm Giao Thừa. Trước hết, xin nói về những cái “giao thừa” bất định, không chu kỳ rõ ràng:
CHỢT MỘT LÚC NÀO ĐỜI BIẾN CHUYỂN,
ẤY LÀ THỜI ĐIỂM CÓ “GIAO THỪA”
*** Một lúc nào đó, con người chợt nhận thấy rằng tất cả mọi sự đời đến và đi, có rồi không, dường như chỉ là những tấn tuồng hư ảo. Từ đó, ngộ ra quy luật chung của đất trời luôn là một sự biến dịch không ngừng, chẳng có gì là trường tồn bất biến. Chính nhờ sự biến thiên ấy mà con người có được những điều mới mẻ tinh khôi và cũng vì thế, một lúc nào đó, cần phải bước ra khỏi cửa ngôi nhà bản ngã vị kỷ, tù túng, để được ngắm nhìn sự mênh mông, bát ngát của vũ trụ – công trình kỳ diệu của tạo hoá, mà con người được sở hữu.
*** Một lúc nào đó, con người thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là những ước mơ cùng với những hăm hở vươn tới tương lai mờ ảo, quên mất hiện tại và đến lúc già đi thì lại luôn hồi tưởng luyến tiếc một dĩ vãng mịt mờ trong ký ức. Trong một đời người “ngắn chẳng tày gang” (truyện Kiều – Nguyễn Du), con người đã bỏ lỡ bao cơ hội kiến tạo sự sống nhiệm mầu, mà chỉ lo đuổi bắt ảo ảnh hư danh. Và đến một lúc nào đó, chợt nhận thấy quy luật sâu xa của cuộc sống: hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn là sự cho đi. Chính “Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 35). Triết gia Francis Bacon (Anh quốc) cũng nói một câu để đời: “Một nỗi đau buồn được chia sẻ thì sự buồn đau vơi đi được một nửa, nhưng hạnh phúc khi được sẻ chia lại tăng gấp đôi”. Một lúc nào đó, khi tấm lòng rộng mở và trái tim thắp sáng một niềm tin yêu, con người sẽ cảm nhận được niềm vui, hơn thế nữa – một niềm hạnh phúc tròn đầy.
*** Một lúc nào đó, chợt hiểu ra rằng cái bản ngã ích kỷ thường khiến mình nhìn thấy rất rõ cọng rác vướng trong mắt của người khác hơn là nhìn thấy được cái sà tổ chảng ngay trong mắt của bản thân mình. Người đời thường che đậy, cất giấu cái sà trong con mắt mình, hòng bảo vệ mình khỏi bị tổn thương; nhưng không hề nghĩ đến sự bươi móc cọng rác nơi mắt người sẽ làm tổn thương anh em đến như thế nào. Và như thế, một lúc nào đó, mới cảm thấy sự tha thứ, bao dung là món quà tặng vô giá và cần thiết mà con người có thể trao tặng, chia sẻ cho nhau không bao giờ cạn. Một lúc nào đó, sẽ hiểu ra rằng duy chỉ có tình thương – chớ không phải có bất cứ thứ gì khác – giúp con người thiết lập được sự quân bình cho bản ngã và hòa bình cho nhân loại.
*** Một lúc nào đó, khi thấy mình tham vọng quá lớn trong khi đời người thật ngắn ngủi, sẽ hiểu ra hành trang cho lộ trình vạn dặm không phải là những gì có thể nắm bắt bên ngoài, mà đó là yếu tố tâm linh bất diệt bên trong. Một lúc nào đó, cảm nhận được mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi, thay vào đó chỉ cần một nụ cười khích lệ ủi an, hoặc một ánh mắt sẻ chia dịu ngọt, dẫu chỉ là của người khách qua đường, cũng đủ làm cho ta ấm lòng và tươi vui hơn trong cuộc sống. Một lúc nào đó, nhận chân được mọi dòng sông đều chảy ra biển cả, mọi dòng máu đều chảy về tim, và mọi yêu thương chung cuộc đều đạt đến chân phúc và đó là chân lý bất biến, bất diệt.
*** Một lúc nào đó, nhìn lại quãng đường mình đã kinh qua và nhìn lại chính con người của mình, để thấy được mình chẳng qua cũng chỉ là một nhân vật sắm một vai trò – hơn thế nữa, một vai hề – trên sân khấu cuộc đời, với những tấn tuồng, những trò hề do chính mình tạo ra (hoặc sắm vai). Khi đã trải qua bao nhiêu buồn vui thương ghét, bao hy vọng chán chường, bao thành công thất bại, đến một lúc nào đó, hiểu được chân tướng của niềm vui (niềm lạc quan) không phải là ở đỉnh vinh quang hay một thung lũng ngập tràn hoa tươi cỏ lạ, mà chính là từng bước chân thảnh thơi trên những bát ngát của cỏ nội hoa ngàn đơn sơ, mộc mạc. Cũng vậy, một lúc nào đó, hiểu được “thất bại là mẹ thành công”, chớ không thể nào “thất bại là cha thất vọng”. Và như thế, một lúc nào đó, giữa trao và nhận, sẽ biết biến tất cả những cảm nghĩ, cảm giác về sự thành công và thất bại, về hạnh phúc và đau khổ, về hoan hỉ và tủi nhục, về … tất cả, và biến tất cả thành hành động, thành động lực vươn tới tương lai.
*** Một lúc nào đó, cảm thấy ngập tràn hạnh phúc không phải vì vớt lên được cái gì đó từ dòng nước thế sự, mà chính là quăng bỏ bớt cho dòng nước cuốn trôi. Quả thật “người ta không bao giờ có được 2 lần tắm trên cùng một dòng sông” (ngạn ngữ Tây phương). Thế thì tại sao lại cứ đòi khư khư giữ lại những gì đã thuộc về quá khứ? Một lúc nào đó, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản trước những mất mát, đau thương, và hiểu rằng chính nhờ sự giác ngộ ấy như một dòng nước thanh tẩy, cuốn trôi đi bao hệ lụy và có thể đưa con người tới bến bờ rạng rỡ của ngày mai. Thật vậy, một lúc nào đó nghiệm ra rằng: Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong cuộc sống hoạt động của đời mình. Thiên đường cũng vậy, nó ở ngay trong bản ngã, ở ngay trong chính trái tim “tính bản thiện” (“nhân chi sơ tính bản thiện” – người mới sinh tính vốn lành) của mình. Vâng, một lúc nào đó, cần phải hiểu rằng “hãy thắp lên một ngọn đèn, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”, hãy thánh hóa đời sống hơn là chạy đi tìm thiên đường ở chốn xa xăm.
Nhiều, nhiều lắm những “một lúc nào đó… giao thừa” bất định. Khi cũ mới giao thừa thì cũng là lúc “trao” và “nhận” cả tốt và xấu, cả đẹp và không đẹp, cả tiến bộ lẫn thoái hoá… và dù muốn dù không, phút giao thừa ấy vẫn xảy ra như một sự tất yếu của định mệnh đối với vạn vật, nói chung. Duy có điều, con người là động vật có tri giác, có ý thức, thì không như thế, không đổ thừa cho định mệnh, mà phải tỉnh thức để thừa kế những tinh hoa, những tích cực, loại bỏ những tiêu cực, những thoái hoá, sẵn sàng ngẩng cao đầu cải tiến, canh tân, chờ đón “nhận” những cái mới còn tiếp tục được “trao” mãi mãi về sau.
Xin được trở lại với cái phút Giao Thừa cố định trong đêm Trừ tịch. Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, của các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để vị thần bảo trợ năm cũ bàn giao công việc cho vị thần năm mới – vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao, người sau nhận, vì thế mới gọi là Giao Thừa. Với Ki-tô hữu – cách riêng, với Ki-tô hữu Việt Nam – thì từ trước vô cùng cho đến thiên thu vạn đại, chỉ có một vị thần duy nhất quan phòng vũ trụ và nhân sinh, là Thiên Chúa, là alpha và omega (khởi nguyên và tận cùng). Vào đêm trừ tịch hàng năm, mọi người tất bật chuẩn bị (hoa quả, bánh trái…) cho giờ phút Giao Thừa thiêng liêng đón mừng năm mới. Thế thì tại sao lại không chuẩn bị tâm hồn để đón vị Cứu Chúa đến với mình trong Năm Mới, vì Người luôn kêu mời “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20).
Cách tốt nhất để được Đức Giê-su Thiên Chúa đến “dùng bữa” tiệc Tất Niên và Tân Niên với gia đình trong lễ Giao Thừa, là hãy làm theo lời Thánh Phao-lô Tông đồ trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (Tx 5, 16-22 – Bài đọc 2 – Lễ Giao Thừa).
Vâng, trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng của giờ phút Giao Thừa hàng năm, xin hãy thinh lặng suy niệm về những hồi ức dĩ vãng đã có một Đấng Thiên Sai đến “trao” cho con người sứ vụ “tư tế – ngôn sứ – vương giả”. Cho đến hiện tại và mãi mãi, Đấng ấy vẫn tiếp tục “trao”, ăn thua là chúng ta có chịu “nhận” hay không và “nhận” như thế nào mà thôi. Vâng, xin hãy tiễn những cái cũ (“tống cựu”) bằng cách sám hối, quyết tâm từ bỏ những sai lỗi; đồng thời sẵn sàng “nhận” cái mới và thực thi bằng tỉnh thức, bằng hành động, bằng cả cuộc sống của bản thân, để chuẩn bị “nghinh tân” – đón “Đấng đã đến và sẽ đến”: Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta quang lâm – trong giờ phút Giao Thừa trọng đại của ngày cánh chung, một thời điểm đã được định sẵn từ trước vô cùng, nhưng lại đến một cách bất ngờ như kẻ trộm đột nhập, bởi “ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay ngay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36-44).
Ngoài ra, cũng đừng quên kế hoạch Mục vụ 3 năm (2014, 2015, 2016) mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã kêu mời giáo dân tích cực “xắn tay áo lên” cộng tác và thực hiện ơn gọi và sứ vụ “Tân Phúc-Âm-hóa”. Giờ phút này là lúc tiễn “Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình.” và đón “Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn.” Đến với cộng đoàn, hội nhập với Giáo xứ cũng tức là “mở cửa ra” đến với anh em. Vậy thì tại sao lại không biết lắng nghe Lời Chúa mà cầu chúc anh em trong giờ phút giao thừa trọng đại này: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 24-27).
Chỉ có như vậy mới thực sự nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của giờ phút giao thừa giữa năm cũ và năm mới, và nhất là giờ phút giao thừa giữa cuộc sống trần thế hữu hạn bước sang cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau. Ôi! “Lạy Thiên Chúa là Ðấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Giao thừa).
JM. Lam Thy ĐVD.