Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Liên Hiệp Quốc đã mời “người đàn bà có quyền lực nhất thế giới” tới nói chuyện. Người đàn bà này chính là Mẹ Têrêsa Thành Calcutta, người sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 này. Vị Giáo Hoàng này cũng đã được Liên Hiệp Quốc mời tới nói chuyện, nhân dịp tổ chức này mừng kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm 2015.
Ngày 26 tháng 10 năm 1985, tờ New York Times, viết rằng: “Sau một tuần dành cho các ông hoàng, các tổng thống và thủ tướng, lời tung hô nồng hậu nhất của lễ kỷ niệm 40 năm của Liên Hiệp Quốc đêm nay được dành cho một phụ nữ nhỏ con mang dép và mặc áo sari”.
“Mẹ Têrêsa, sáng lập viên Dòng Truyền Giáo Bác Ái, từ việc làm của bà trong các vùng đầm lầy nước đọng của Calcutta tới đại sảnh mái vòm của Đại Hội Đồng để nói về cảnh nghèo và lòng yêu thương”.
Trước một cử tọa chừng 1,000 nhà ngoại giao và giới chức cao cấp, phần lớn với cà vạt đen và áo dài đêm, Mẹ nói rằng: “Chúng ta tụ họp nhau để cảm tạ Thiên Chúa vì 40 năm làm việc tốt đẹp của Liên Hiệp Quốc cho sự thiện của người ta. Không mầu da, không tôn giáo, không quốc tịch nào nên chen vào giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”.
Trong các nhận xét của mình, Mẹ Têrêsa cũng lên án nạn phá thai và gián tiếp nhắc tới nhà lưu trú cho các nạn nhân bệnh AIDS dự tính được xây ở New York lúc đó. Các nữ tu Truyền Giáo của Mẹ, lúc đó, cũng đang điều hành một Bếp Cháo ở khu South Bronx.
Mẹ nhấn mạnh: “khi hủy diệt một trẻ chưa sinh, chúng ta hủy diệt Thiên Chúa. Chúng ta khiếp đảm vì chiến tranh hạch nhân, chúng ta khiếp đảm vì thứ bệnh mới này, nhưng chúng ta không hề khiếp đảm khi giết một em nhỏ. Phá thai đã trở thành kẻ hủy diệt hòa bình lớn lao nhất”.
Diễn văn của Mẹ Têrêsa
Giới thiệu Mẹ với phiên họp toàn thể của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Javier Perez de Cuellar, Tổng Thư Ký của Tổ Chức này nói rằng: “Tuần lễ này, chúng ta có đặc ân được tiếp đón những người đàn ông có quyền lực nhất trên thế giới. Nay chúng ta có đặc ân tiếp đón người đàn bà có quyền lực nhất trên thế giới. Tôi không nghĩ cần phải giới thiệu ngài. Ngài không cần lời lẽ. Ngài cần hành động. Tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm là ca ngợi ngài và nói rằng ngài quan trọng hơn tôi, hơn mọi người chúng ta. Ngài là Liên Hiệp Quốc. Ngài là hòa bình trên thế giới này”.
Sau đây là bài diễn văn của Mẹ trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một bài diễn văn tìm được rất nhiều âm hưởng sau này trong ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là các kiểu nói “niềm vui yêu thương”, được Mẹ nhắc đến nhiều lần:
Khởi đầu, sau khi nhấn mạnh “Công việc yêu thương là công việc hòa bình”, Mẹ Têrêsa mời Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đọc kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi. Trong đó, Mẹ thêm mấy lời giáo đầu như sau: “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng phục vụ các người đồng loại của chúng con trên khắp thế giới, đang sống và chết trong cảnh nghèo đói. Hôm nay, xin ban cho họ, qua bàn tay chúng con, bánh ăn hằng ngày và qua tình yêu thương hiểu biết của chúng con, xin Chúa ban hòa bình và niềm vui”.
Sau đó, Mẹ nói:
“Chúng ta vừa cầu xin Chúa làm chúng ta trở thành máng chuyển hòa bình, niềm vui, tình yêu, hợp nhất, và đây là lý do khiến Chúa Giêsu đã xuống thế: để chứng thực tình yêu ấy. Thiên Chúa yêu thế giới đến nỗi đã ban Chúa Giêsu, Con của Người, đến ở giữa chúng ta, đem tới cho chúng ta tin vui này là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người muốn chúng ta yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người chúng ta. Người đã dựng nên chúng ta vì một lý do duy nhất: để ta yêu thương và được yêu thương. Không vì bất cứ lý do nào khác. Chúng ta không phải chỉ là một con số trong thế giới. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
Lần cuối cùng tôi ở Trung Hoa, người ta hỏi tôi “với bà, người cộng sản là ai?”. Tôi trả lời “là một đứa con của Thiên Chúa, là anh chị em của tôi”. Và điều đó chính là điều qúy vị và tôi sinh ra để trở thành: anh chị em. Vì cùng bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã dựng nên qúy vị, đã dựng nên tôi, đã dựng nên người ngoài phố, đã dựng nên người cùi, người đói ăn, người giầu có, vì cùng một mục đích như nhau: để yêu thương và được yêu thương. Và đó là điều qúy vị và tôi đến với nhau hôm nay để tìm các phương thế tạo hòa bình.
Nhờ đâu có hoà bình? Nhờ việc làm của tình yêu. Nó bắt đầu từ đâu? Từ gia đình. Nó bắt đầu bằng cách nào? Bằng cách cùng nhau cầu nguyện. Vì gia đình nào cầu nguyện với nhau sẽ ở lại với nhau. Và nếu qúy vị ở lại với nhau, qúy vị sẽ yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương mỗi người trong qúy vị. Vì cầu nguyện đem lại cho ta một trái tim trong sạch và trái tim trong sạch sẽ được thấy Thiên Chúa. Và nếu qúy vị thấy Thiên Chúa ở nơi nhau, nếu chúng ta có niềm vui được thấy Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ yêu thương nhau. Đó là lý do khiến không mầu da nào, không tôn giáo nào, không quốc tịch nào có thể chen vào giữa chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều cùng là con cái của bàn tay Thiên Chúa yêu thương, được dựng nên cho những điều lớn lao hơn: để yêu thương và được yêu thương. Chỉ có điều chúng ta phải cảm nghiệm được niềm vui yêu thương này.
Tôi chưa bao giờ quên được sự kiện cách nay không lâu, hai người trẻ tuổi đến nhà chúng tôi và cho tôi khá nhiều tiền. Tôi hỏi họ: “hai bạn kiếm đâu được nhiều tiền thế?” Và họ trả lời: “hai ngày trước chúng con cưới nhau. Trước khi lấy nhau, chúng con quyết định sẽ không mua áo cưới. Chúng con sẽ không tổ chức tiệc cưới. Chúng con sẽ dành tiền ấy cho Mẹ”. Và tôi biết rõ ở xứ sở chúng tôi, trong một gia đình Ấn Giáo, không mua áo cưới, không tổ chức tiệc cưới có nghĩa gì. Nên tôi hỏi họ một lần nữa “Nhưng tại sao? Tại sao hai bạn lại làm thế vậy?” Và họ trả lời: “chúng con yêu nhau đằm thắm đến độ chúng con muốn chia sẻ niềm vui yêu thương với những người Mẹ đang phục vụ”. Làm cách nào chúng ta cảm nghiệm được niềm vui yêu thương? Làm thế nào chúng ta cảm nghiệm được điều này? Bằng cách cho đi đến lúc nó làm ta đau.
Khi tôi sắp đi Ethiopia, các trẻ nhỏ đến với tôi. Các em nghe tin tôi tới đó. Và các em tới. Trước đó, các em đã tới để được các nữ tu cho hay trẻ em đang chịu nhiều đau khổ tại Ethiopia. Và các em tới, mỗi em tặng một món đồ và nói “Con không có gì, con không có tiền, con không có gì cả. Nhưng con có thỏi xôcôla này. Mẹ hãy nhận nó và cho các trẻ em ở Ethiopia”. Em bé này đã yêu thương bằng một tình yêu lớn lao, vì tôi nghĩ đây là lần đầu tiên em có được một thỏi xôcôla như thế. Nhưng em đã cho đi. Em đã cho đi một cách vui vẻ để có thể chia sẻ, để làm mất đi phần nào nỗi đau khổ của một ai đó ở Ethiopia. Đó là niềm vui yêu thương: cho đi cho tới khi nó làm bạn đau. Yêu thương ta đã làm Chúa Giêsu chịu đau đớn, vì Người đã chết trên thập giá, để dạy chúng ta phải yêu thương ra sao. Và đó cũng là cách chúng ta phải yêu thương: cho tới khi tình yêu làm ta đau.
Chúng tôi có nhiều người đẹp đẽ; qúy vị đã thấy trong các tấm ảnh, những người nghèo của chúng tôi, những con người vĩ đại của chúng tôi. Tôi đã ở với họ rất nhiều năm và tôi chưa hề nghe một lời than vãn nào. Ít ngày trước đây, tôi đã lượm được một người đàn ông ở ngoài phố, gần như bị ăn sống bởi giòi bọ. Tôi đưa ông về nhà chúng tôi. Và người đàn ông này đã nói gì? “Tôi sống như một con vật ở ngoài phố, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần. Được yêu thương và chăm sóc”. Phải mất 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới làm ông được sạch sẽ, gỡ hết các con giòi bọ đang ăn sống ông ta. Và không một lời than từ ông ta. Và khi chúng tôi đang cùng ông cầu nguyện, cầu nguyện cho ông, ông nhìn một nữ tu và nói với chị: “Thưa dì, con sắp sửa về nhà Chúa” Và ông tắt thở.Trên gương mặt ông nở một nụ cười thật diệu kỳ, thật đẹp đẽ. Ông đã về nhà Chúa. Tôi chưa bao giờ được thấy một nụ cười như thế. Thế nhưng, quả có người đàn ông này, bị ăn sống, không một lời than, một câu chửi thề, mà chỉ nói “con sắp sửa về nhà Chúa”. Quả là cung cách về nhà Chúa đẹp đẽ xiết bao. Với một trái tim trong sạch, một trái tim trong trắng, tràn đầy niềm vui. Tràn đầy âu yếm và yêu thương mà ông từng nhận được từ các nữ tu chăm sóc ông.
Vâng, đó là điều qúy vị và tôi hôm nay tại sao đã tới đây, để bắt đầu năm hòa bình, chúng ta phải bắt đầu từ nhà, chúng ta phải bắt đầu từ gia đình. Việc yêu thương phải bắt đầu từ nhà và việc yêu thương chính là việc hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn có hòa bình và chúng ta sợ vũ khí nguyên tử, chúng ta sợ căn bệnh mới này. Nhưng chúng ta lại không sợ giết một đứa trẻ vô tội, đứa trẻ chưa sinh ra kia, người vốn được dựng nên cho cùng một mục đích: để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương qúy vị và yêu thương tôi.
Đó là một điều hết sức mâu thuẫn, và hôm nay, tôi cảm thấy phá thai là yếu tố phá hoại hòa bình hơn hết. Chúng ta sợ vũ khí nguyên tử, vì nó đụng chạm tới ta, nhưng chúng ta không sợ, bà mẹ không sợ phạm cái tội sát nhân ghê gớm đó. Chính Thiên Chúa đã lên tiếng về điều này, Người nói: “cho dù người mẹ có thể quên con mình, Ta sẽ không quên con. Ta đã tạc tên con vào lòng bàn tay Ta. Ta yêu thương con”. Đây là lời lẽ của chính Thiên Chúa ngỏ với qúy vị, ngỏ với tôi, ngỏ với đứa trẻ chưa sinh ra kia. Và đó là lý do tại sao nếu chúng ta thực sự mong muốn hòa bình, nếu tâm hồn chúng ta thành thực mong muốn hòa bình, thì hôm nay, chúng ta hãy mạnh mẽ quyết tâm: tại xứ sở chúng ta, trong thành phố chúng ta, chúng ta sẽ không để cho một trẻ em nào cảm thấy không được ước muốn, cảm thấy không được yêu thương, bị xã hội liệng bỏ. Và chúng ta hãy giúp nhau tăng cường quyết tâm này. Là: tại xứ sở chúng ta cái luật lệ khủng khiếp giết người vô tội, hủy diệt sự sống, tiêu diệt sự hiện diện của Thiên Chúa, phải bị loại khỏi xứ sở chúng ta, khỏi quốc gia chúng ta, khỏi nhân dân chúng ta, khỏi gia đình chúng ta.
Và bởi thế hôm nay, khi cầu nguyện, chúng ta hãy năng đem lời cầu nguyện vào trong cuộc sống của chúng ta. Vì cầu nguyện sẽ đem sức mạnh đến cho chúng ta. Cầu nguyện là một điều giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi mỗi người khác, giúp ta yêu thương lẫn nhau như Người từng yêu thương mỗi người chúng ta. Đây là một điều mà qúy vị và tôi phải đem đến cho thế giới. Toàn thế giới đang mong chờ nơi qúy vị. Qúy vị tụ họp ở đây từ mọi quốc gia để tìm ra các phương cách và phương tiện đạt hòa bình. Các việc làm của yêu thương chắc chắn là các việc làm của hòa bình, và chúng bắt đầu ngay trong gia đình chúng ta. Rất nhiều đau khổ, rất nhiều phá hoại từng phát xuất từ mái ấm, từ gia đình. Hủy hoại một đứa trẻ chưa sinh, là chúng ta hủy hoại nhan Thiên Chúa. Chúng ta hủy hoại tình yêu. Chúng ta hủy hoại điều thánh thiêng nhất mà một con người nhân bản có thể có: niềm vui yêu thương và niềm vui được yêu thương.
Và bởi thế hôm nay, khi chúng ta tụ họp nhau nơi đây, chúng ta hãy mang quyết tâm này trong trái tim: tôi sẽ yêu thương. Tôi sẽ là người chuyên chở tình yêu của Thiên Chúa. Vì đây là điều Chúa Giêsu đến để dạy chúng ta: phải yêu nhau ra sao. Và để đem Người đến yêu thương tại nhà, tại gia đình chúng ta… tất cả những ai không được ước muốn. Rất có thể trong chính gia đình của chúng ta, có những người thấp hèn.
Tất cả chúng ta đều nói tới nạn đói khủng khiếp. Những gì tôi đã thấy ở Ethiopia, những gì tôi đã thấy ở những nơi khác, đặc biệt là những ngày này ở những nơi khủng khiếp như Ethiopia, hàng trăm và hàng ngàn người đang phải đối mặt với cái chết chỉ vì một mẩu bánh mì, một ly nước. Có những người chết ngay trong tay tôi. Ấy thế nhưng chúng ta quên mất điều này: tại sao họ mà không phải chúng ta? Chúng ta hãy yêu thương một lần nữa, vì vậy, chúng ta hãy chia sẻ, chúng ta hãy cầu nguyện để sự đau khổ khủng khiếp này được loại khỏi người của chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ với họ những niềm vui của yêu thương, và lòng yêu thương bắt đầu ở đâu? Một lần nữa, tôi xin nói: ở trong gia đình của chúng ta, trong nhà của chúng ta. Chúng ta hãy đem lại lòng yêu thương, sự bình an và niềm vui qua lời cầu nguyện. Chúng ta hãy đem lại lời cầu nguyện, cầu nguyện với nhau, vì cầu nguyện sẽ đem lại cho bạn một trái tim trong sạch. Tôi sẽ cầu nguyện cho cho qúy vị để qúy vị có thể phát triển trong tình yêu Thiên Chúa này, bằng cách yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người trong qúy vị, và đặc biệt là thông qua tình yêu này, qúy vị sẽ trở nên thánh thiện. Sự thánh thiện này không phải là một xa xỉ phẩm dành cho một ít người. Nó là một nhiệm vụ đơn giản cho mỗi người chúng ta. Vì sự thánh thiện mang lại tình yêu, và tình yêu mang lại hòa bình, và hòa bình mang chúng ta lại với nhau.
Và chúng ta đừng sợ vì Thiên Chúa ở với chúng ta nếu chúng ta để Người, nếu chúng ta dâng cho Người niềm vui của một trái tim trong sạch. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Và qúy vị cầu nguyện cho chúng tôi nữa, để chúng tôi có thể tiếp tục công việc của Thiên Chúa bằng một tình yêu lớn lao.
Qúy vị đã thấy những nữ tu trẻ này, dâng hiến đời họ hoàn toàn để phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo. Các nữ tu trẻ này chăm sóc 158,000 người cùi, ở Trung Đông, ở châu Phi và ở Ấn Độ, và rất nhiều niềm vui, cuộc sống mới đã đi vào cuộc sống của những người này. Tại sao? Bởi vì có ai đó yêu thương họ, ai đó ước muốn họ, ai đó sẵn sàng dành cho họ tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng. Một ngày nọ, có người hỏi tôi “Bà sẽ làm gì ở nơi này? Chúng tôi có mọi thứ. Chính phủ cung cấp cho chúng tôi mọi thứ. Bà sẽ làm gì ở đây?” Tôi chỉ nói:” Tôi sẽ cho tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng”. Không tiền bạc nào có thể cho được điều này. Vì vậy, qúy vị và tôi, chúng ta hãy bắt đầu với thứ tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng này tại chính mái ấm của chúng ta. Vì đây là điều chúng ta đã được tạo ra để thực hiện. Đây là điều Chúa Giêsu đã đến để dạy chúng ta, để chúng ta yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người chúng ta. Chúng ta có rất nhiều người nghèo trên khắp thế giới, nhưng tôi thấy cảnh nghèo của cô đơn, cảnh nghèo của việc không được ước muốn, không được yêu thương, không được chăm sóc, bị xã hội vứt bỏ, là cảnh nghèo rất khó khăn và rất, rất nặng nề, rất khó loại bỏ.
Tôi đã lượm từ đường phố những người đói, và bằng cách cho họ ăn, bằng cách cho họ một cái giường để ngủ, tôi đã loại bỏ sự đau khổ, nhưng đối với những người cô đơn, khép kín, không được ước muốn, không dễ dàng như vậy. Và do đó qúy vị và tôi phải lên đường, và chia sẻ niềm vui yêu thương, nhưng chúng ta không thể cho điều chúng ta không có. Nên chúng ta cần phải cầu nguyện. Và lời cầu nguyện sẽ đem lại cho chúng ta một trái tim trong sạch, và một trái tim trong sạch sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa ở trong nhau. Và nếu chúng ta thấy Thiên Chúa ở trong nhau, chúng ta sẽ có thể sống trong hòa bình và nếu chúng ta sống trong hòa bình, chúng ta sẽ có thể chia sẻ niềm vui yêu thương với nhau và Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho qúy vị”.
Vũ Văn An