Lời Chúa: Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh

Đừng sợ

 Mc 6,45-52

(Khi năm ngàn người đã được ăn no), 45 Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. 46 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. 48 Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. 49 Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. 50 Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. 51 Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, 52 vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ.” (Mc 6,50)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

– Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu “liền giục các môn đệ xuống thuyền” đi nơi khác. Chi tiết này có nhiều ý nghĩa:

a/ Còn phải truyền bá Phúc Âm cho nhiều nơi khác nữa;
b/ Việc các môn đệ ở lại nơi đã xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể là một nguy hiểm, vì nó trói buộc các ông trong sự quyến luyến những lời khen ngợi và tình cảm biết ơn của những người đã được ăn bánh.

– Phần Chúa Giêsu thì “Ngài lên núi cầu nguyện”: sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Chúa thấy cần phải cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.

– Phần tiếp theo là câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Đây cũng là một phép lạ nữa mà ý nghĩa có liên hệ tới ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,52 – cho thấy sự liên hệ đó: các môn đệ bàng hoàng trước việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển “vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh”). Ý nghĩa của việc này là: Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày xưa Môsê đã cho dân Do Thái ăn manna, Chúa Giêsu cũng vừa làm như vậy; ngày xưa Môsê đưa dân Do Thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Chúa Giêsu đi trên mặt biển một cách an toàn.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Sứ mạng của các môn đệ là truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.

2. Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên tâm: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.

3. Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua “bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho những khó khăn nguy hiểm trong việc truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại. Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài trấn an chúng ta ngày nay: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.

4. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch: “Mi định làm gì ở đó?”

– Tôi sẽ giết 5000 người.

Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội: “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người thôi mà”.

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ: “Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có thực.

5. “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ.” (x. Mc 6,50)

Tôi thường tan học và trở về nhà vào khoảng 9 giờ tối. Tối nay trời mưa gió. Bất chợt tôi nghe có tiếng một người đàn ông bên cạnh: “Đi chậm lại. Ướt hết rồi!”. Tôi sợ hãi và càng đạp xe nhanh hơn. Về đến nhà tôi mới biết người ấy chính là đứa em trai của tôi. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nó.

Các tông đồ cũng đã trải qua một phen bàng hoàng sửng sốt trước khi nhận ra Chúa đã đến cứu giúp mình khi hoạn nạn. Những lúc thất bại hay khổ đau, dường như tôi không thấy Chúa đâu cả. Nhưng thực sự Ngài vẫn ở bên tôi, và khi cần, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Và khi gặp thử thách gian truân, xin cho con nghe được tiếng Chúa khích lệ “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ!”. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống thế làm người để giao hòa trời với đất. Chúa đi vào trần gian để gieo hạt giống Nước Trời giữa nhân loại chúng con. Chúa đến trần gian để ban nguồn ơn cứu độ và bình an, hạnh phúc cho muôn loài thọ tạo. Xin giúp chúng con luôn vững lòng cậy trông vào Chúa dù bước đi trong những khó khăn của giòng đời.

Lạy Chúa, cuộc đời con người thường được ví như cuộc ra khơi đầy sóng gió. Con thuyền cuộc đời cứ chòng chành khiến chúng con sợ hãi muốn buông trôi theo vòng xoáy của tiền tài, danh vọng hay lạc thú. Có biết bao sự dữ bủa vây tư bề, tưởng như Chúa đã bỏ rơi chúng con. Có biết bao nỗ lực đến vô vọng trước bao nguy khốn, khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi bản thân. Xin Chúa hãy giúp chúng con tin tưởng vào tình thương của Chúa, một tình thương bền vững như Lời Chúa đã từng nói: “Cho dù cha mẹ có bỏ con, nhưng tình Chúa sẽ theo con suốt cuộc đời.” Xin giúp chúng con đừng bao giờ tuyệt vọng trước những sóng gió cuộc đời, nhưng luôn hy vọng vì một ngày mai tươi sáng mà Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, các môn đệ Chúa năm xưa đã khó nhọc khi phải chèo chống một mình. Nhưng khi có Chúa, sóng gió im lặng. Thuyền đến bến bình an. Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)