Lời Chúa: Thứ Hai tuần X mùa Thường Niên

Phúc cho những ai…

 

 

Thứ Hai tuần X mùa Thường Niên
Lời Chúa: 

Mt 5,1-12

1 Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. 2 Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

3 “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc cho những ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

5 Phúc cho những ai đau buồn,
vì họ sẽ được ủi an.

6 Phúc cho những ai đói khát điều công chính,
vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người,
vì họ sẽ được xót thương.

8 Phúc cho những ai có lòng trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

9 Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. 12 Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Người ta quen gọi đây là bản hiến chương Nước trời. Nước trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là:

1/ Tinh thần nghèo khó.
2/ Hiền lành.
3/ Sầu khổ.
4/ Khao khát điều công chính.
5/ xót thương người.
6/ tâm hồn trong sạch.
7/ xây dựng hòa bình.
8/ chịu bách hại vì đức công chính.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Có thể quy tất cả đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tinh thần nghèo”. Người có tinh thần nghèo là người: Không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này, nói cách khác: không màng đến nước trần gian.

Vì căn bản hạnh phúc có tinh thần nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

2. Hạnh phúc là gì?

Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ được hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ được hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy hạnh phúc của con người là được ở trong nước Thiên Chúa.

3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

– Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: Đâu là nơi hạnh phúc nhất?

– Dĩ nhiên là Thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Thiên Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?

– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả những cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

4. “Phúc thay cho anh em vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.” (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988 cả Giáo Hội tại Việt Nam vui sướng vì 117 vị tử vì đạo đã được tuyên hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các Ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đau đớn và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải cam đảm.

Xin các thánh tử vì đạo tại Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các Ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống của chúng con.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con xin thờ lạy và ngợi khen Chúa. Chúng con thật cảm động vô cùng, vì Chúa là một vì Thiên Chúa cao sang quyền thế, lại tự nguyện đến ở với loài người chúng con. Chúa còn tự chọn cho mình một cuộc sống nghèo hơn chúng con. Sinh ra trong cảnh đơn nghèo thiếu thốn mọi bề, và rồi Chúa còn dành cả cuộc đời cho người nghèo và vì người nghèo.

Chúa ơi! Chúa đã sống nghèo để dạy chúng con bài học về hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là cái mình có mà quan yếu ở điều mình trao ban. Hạnh phúc không hệ tại ở môi trường bên ngoài mà hệ tại ở lòng người. Vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hạnh phúc không hệ tại ở danh vọng trần gian mà hệ tại ở việc sống thanh thoát khỏi những bon chen phàm trần. Hạnh phúc chính là chọn Chúa hơn là những vinh hoa phú quý gian trần.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin tha thứ vì thói tham lam ích kỷ đã làm chúng con xa Chúa và xa rời anh em. Xin Chúa giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn sống thanh thoát với của cải mau qua, luôn quy hướng về sự thiện, luôn tìm niềm vui trong cuộc đời phục vụ. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa để chúng con sống có ích cho tha nhân. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Xem thêm:

BÀI ÐỌC I: 2Cr 1, 1-7

“Thiên Chúa an ủi chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân”

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô

Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô do ý Thiên Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em. Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Ðấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì cũng như các nỗi đau khổ của Ðức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Ðức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)