Lời Chúa: Chúa Nhật VII Phục Sinh, Chúa Thăng Thiên

Lời hứa trọng đại

 

 

Chúa Nhật VII Phục Sinh, Chúa Thăng Thiên
Lời Chúa: 

Mt 28,16-20

16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)

 
Suy niệm: 

Theo lời Chúa căn dặn, các môn đệ tụ họp tại hòn núi được chỉ định. Trong lần gặp gỡ cuối cùng này, Chúa phán với các môn đệ về ba điều :

1. Ngài bảo đảm cho họ về quyền năng của Ngài : Mấy câu đầu mô tả quang cảnh tuyệt đẹp khi mười một Tông đồ đến nơi đã hẹn trước, họ thấy Chúa Giêsu thì thờ lạy Ngài, như khi các đạo sĩ Đông phương gặp Ngài trong quán trọ (Mt 2,11). Vài người nghi ngờ ở đây không phải là các tông đồ nếu chưa gặp Chúa sống lại, chẳng bao lâu về sau, sự nghi ngờ này tiêu tan vào ngày lễ Ngũ Tuần.

“Tất cả uy quyền trên trời dưới đất này đều trao vào tay Ta”: đây là lời tuyên ngôn của Vua các vua, Chúa các chúa. Từ khi sinh ra, ngài đã được tôn xưng là Vua của Do thái . Trước mặt Philatô, Ngài vẫn tự nhận là vua, vua của muôn dân muôn nước…

Mỗi người đều có uy quyền riêng: uy quyền trong một gia đình, một xã, một huyện, một tỉnh, một nước, hết thảy đều có giới hạn và thời hạn. Song uy quyền của Chúa Giêsu bao gồm trời đất, không giới hạn và không thời hạn, vì Ngài tự hữu và hằng hữu. Cả nhân loại sẽ phải trình diện với Ngài để chịu xét xử, từ hành động, ngôn ngữ cho đến tư tưởng (Ga 5,27 ; Kh 20, 11-15). Chắc chắn không có điều gì vượt khỏi quyền năng của Đấng đã chết và chiến thắng sự chết. Giờ đây họ là bầy tôi của một vị chủ có quyền bính khắp cả trên trời dưới đất.

2. Ngài trao cho họ một sứ mạng : sứ mạng này gồm ba phần:
Rao truyền Tin Mừng cho muôn dân : “Vậy, hãy đi dìu dắt muôn dân làm môn đệ Ta”. “Vậy” là vì tất cả uy quyền trên trời dưới đất đã được trao cho Ta nên hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta. Ta có quyền trên muôn dân, muôn dân thuộc về Ta, nên Tin Mừng của Ta phải truyền đến họ. Không những truyền đến mà còn thuyết phục họ trở nên môn đệ Ta. Mới nghe mệnh lệnh này, thiết tưởng các tông đồ phải ngạc nhiên và run sợ. Vì họ là những người đơn sơ, chất phác, nghèo nàn, vô học, chưa hề ra khỏi biên giới xứ mình, bây giờ phải đi khắp nơi, nói cho mọi người về những điều họ được thấy, được nghe, và kinh nghiệm. Nhưng họ có thể lấy lại bình tĩnh, vì họ không phải làm việc một mình mà làm việc với Đấng có cả uy quyền trời đất. Trong thực tế, ngay trong đời các Tông đồ, Tin Mừng đã truyền đến các nước Á châu như Syri, Galat, Êphêsô…, các nước Âu châu như Rôma, Athen, Côrintô… và Phi châu như Êthiôpi. Ngày nay, Tin Mừng đã đến Mỹ châu, Úc châu, Đại dương châu, tức là cùng tột trái đất !

Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: nhân danh Cha là Đấng Tạo hóa, nhân danh Con là Đấng Cứu chuộc, nhân danh Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá. Ai đã nghe Tin Mừng, bằng lòng sám hối ăn năn, tin theo Chúa, thì mới được chịu phép rửa chính thức gia nhập Giáo Hội. Khi chịu phép rửa, ta kể mình cùng chết với Chúa về tội lỗi, cùng chôn với Ngài trong phần mộ nước rửa, và cùng sống lại với Ngài khi lên khỏi nước, để sống một đời sống mới. Từ đó, ta không còn sống cho mình nữa, mà sống cho Thiên Chúa (Rm 6,1-11 ; Col 2, 12). Người tin Chúa kể như mình đã chết về tội lỗi như người điếc chết về âm thanh, như người mù chết về màu sắc. Âm thanh và màu sắc vẫn còn đó, song người điếc và mù đã chết về các đối tượng ấy, vì cơ quan tiếp xúc với âm thanh và màu sắc đã hư, đã chết. Tội lỗi vẫn còn ở khắp nơi, nhưng chúng ta kể như mình đã chết với nó. Khi nào chúng ta chấp nhận và tin như vậy, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó cho chúng ta. Còn sống cho Thiên Chúa thì Phaolô dạy : “Do tình yêu thương của Chúa Giêsu cảm thúc, chúng tôi nghĩ rằng Chúa đã chết cho mọi người nên mọi người phải coi đời cũ mình đã chết. Vì ngài đã chết cho chúng ta, nên chúng ta không sống vị kỷ, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta” (2Cr 5,14-15).
Để thực hiện hai điều trên Phaolô bảo : “Chớ để… chớ chiều… chớ nộp mình cho tội lỗi như là đồ dùng về sự gian ác, nhưng hãy phó và dâng chi thể mình cho Thiên Chúa như đồ dùng về sự công chính” (Rm 6,12-13).

Hãy dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền: Từ khi Chúa bắt đầu thi hành chức vụ cho tới ngày Ngài về trời, dầu Chúa đã dạy chung cho dân chúng và riêng cho các Tông đồ, nhưng phần riêng cho các tông đồ nhiều nhất. Giờ đây, họ phải dạy lại cho các tín hữu. Vì vậy, các Tông đồ đã giảng dạy, đã viết sách Tin Mừng, các thơ tín, là truyền lại mạng lệnh của Chúa cho nhân loại nói chung và cho Hội Thánh nói riêng. Trải qua các thời đại, kẻ trước người sau, không ngừng dạy dỗ để mọi người tuân nghe lời Chúa.

3. Lời hứa trọng đại: Ngài hứa luôn ở với họ: Chúa luôn ở với Hội Thánh, không khi nào bỏ Hội Thánh mà Ngài đã mua bằng chính máu của Ngài. Hội Thánh là cơ nghiệp của Ngài, là nhà của Ngài, là tuyển dân của Ngài, là bầy chiên của Ngài, là hiền thê của Ngài, là thân thể của Ngài. Ngài dùng nhiều hình ảnh như thế để phô bày giá trị của Hội Thánh . Ngài bảo vệ Hội Thánh mà không ai có thể tiêu diệt được (Mt 16,18). Ngài chăm sóc Hội Thánh như mục tử với bầy chiên, không ai có thể cướp họ khỏi tay Ngài (Ga 10, 27-30). Ngài chăm sóc từng sợi tóc trên đầu họ (Mt 10,30). Ngài biết hết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta nên đã dự liệu tất cả. 

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, Chúa đã hứa sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúng con cảm tạ Chúa về hồng ân cao cả này. Xin cho chúng con ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con, để chúng con luôn yêu thương, tôn trọng mỗi người như Chúa vẫn hằng yêu thương và ở lại với chúng con.

Chúa đã kêu mời chúng con hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Vâng lạy Chúa, con không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Ngài đã ban tặng cho con. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia. Xin cho Tin Mừng và tình yêu Chúa ngày càng được lan rộng ngang qua đời sống chứng tá của mỗi người Kitô hữu chúng con.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền