Như chúng ta đã biết thói quen lần hạt kính Đức Mẹ chắc hẳn đã bắt đầu rất sớm trong các thế kỷ thứ III thứ IV với các vị ẩn tu trong sa mạc. Để đếm kinh các vị thường dùng các viên đá hay sỏi nhỏ, hoặc các loại hạt, hay các dây có nút thắt, hay chuỗi hạt. Dấu vết các chuỗi hạt như các chuỗi hạt của chúng ta ngày nay đã có từ thế kỷ thứ VII. Chẳng hạn các chuỗi hạt của thánh nữ Gertrude, viện mẫu đan viện Biển Đức Nevelles qua đời năm 664, có hình dạng giống như tràng hạt của chúng ta ngày nay.
Vào giữa thế kỷ thứ IX bên cạnh các đan viện có nhiều giáo dân muốn sống theo tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm của các đan sĩ, nhưng họ không biết đọc biết viết cũng không thể học thuộc lòng 150 thánh vịnh để cầu nguyện như các vị. Do đó bên Ailen có một đan sĩ đề nghị các giáo dân này đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế cho 150 thánh vịnh, gọi là thánh vịnh Lạy Cha. Sau đó thánh vịnh Lạy Cha được chia làm ba phần, mỗi phần 50 kinh, và tín hữu đọc tương đương với ba lần các đan sĩ đọc Kinh Thần Vụ. Rồi từ thánh vịnh Lạy Cha Pater Noster Kitô hữu mau chóng thay thế vào bằng thánh vịnh Kính Mừng Ave Maria. Và thói quen này cũng lan nhanh sang các nước Âu châu. Nhưng kinh Kính Mừng chỉ gồm phần đầu tức lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và lời bà Elidabét ca ngợi Đức Trinh Nữ và Chúa Giêsu là hoa quả lòng Mẹ.
Vào thế kỷ XV tu sĩ Enrico di Kalbar, sống trong dòng Certosino tại Koeln bên Đức – là dòng do thánh Brunone thành lập năm 1084 tại Certosa trên núi Alpes bên Italia – chia thánh vịnh Ave Maria thành 15 đơn vị, tức thành 15 chục, mỗi chục 10 Kinh Kính Mừng, và xen kẽ Kinh Lạy Cha vào giữa các chục. Cách đọc kinh này được trình lên đan viện trưởng dòng Certosino tại Luân Đôn, từ đó nó được phổ biến trong toàn Anh quốc, rồi lan sang Âu châu.
Cũng trong cùng thời gian này có một thủ bản Kinh Mân Côi suy niệm, do học giả Andreas Heinz khám phá ra năm 1977, được dùng bởi các nữ tu Biển Đức đan viện thánh Toma trên sông Kyll, cách thành phố Trier bên Đức 40 cây số.
Vào năm 1409 Domenico Helian, hay Domenico người Phổ, một tập sinh thuộc đan viện Certosa tại Treves, phải trải qua một thời gian khó khăn trong đời tu trì. Do lời khuyên của bề trên là cha Adolfo thành Essen, thầy Domenico mới thêm vào mỗi kinh Kính Mừng sau tên Giêsu suy niệm về một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Việc thêm phần suy niệm này trong lúc lần hạt Mân Côi đã thông dụng trong môi trường Xitô và các đan sĩ Xitô đề nghị 90 suy niệm.
Giữa các năm 1410-1439, do sự ước ao của các anh em Flamand cùng dòng, tu sĩ Dominico Helian, hay Domenico nước Phổ (Prussia), đã hệ thống hóa kiểu đọc thánh vịnh Ave Maria và đề nghị 150 lời suy niệm nhưng chia thành ba phần tương đương với các Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Kitô, cuộc sống công khai, cuộc khổ nạn cái chết, và sự sống lại của Người.
Các lời suy niệm được đan sĩ Domenico nước Phổ làm thành công thức ấy có 14 suy niệm liên quan tới cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu Kitô, 6 suy niệm liên quan tới cuộc sống công khai, 24 suy niêm liên quan tới cuộc khổ nạn cái chết, và 6 suy niệm liên quan tới sự vinh hiển của Chúa Kitô và Đức Maria Mẹ Người. Hình thức 50 lời suy niệm này trở thành chuỗi Mân Côi Certosino, bao gồm mọi khía cạnh cuộc sống của Chúa Giêsu. Chính đan sĩ Domenico minh giải tinh thần của phương pháp đọc kinh này như sau: ”Không cần phải dừng lại trên các lời dùng đó đây trong việc loan báo các điểm suy niệm. Mỗi người có thể tùy thích, theo lòng sùng mộ riêng, kéo dài hay rút ngắn lại hoặc thay đổi chất liệu trong cách này hay cách khác, điều này tùy thuộc thời gian mà mỗi người có được, và tùy thuộc hoàn cảnh họ đang sống”.
Rõ ràng đây là tinh thần chiêm niệm hướng tới lời cầu nguyện thinh lặng, mà trong nội tâm linh hồn muốn chú ý tới sự hiện diện của Chúa, và hoàn toàn chìm đắm trong kinh nghiệm Tình Yêu của Người. Việc đọc to tiếng chỉ là một phương thế giúp đạt sự cầm trí ấy, và như thế có thể ngưng, khi linh hồn cảm thấy ở trong Thiên Chúa trong thinh lặng, rồi lại bắt đầu khi lại cảm thấy cần tập trung và hướng tới Chúa. Như vậy, cũng không bắt buộc phải đọc hết 50 kinh Kính Mừng, vì đây là vấn đề phẩm chất lời kinh hơn là số lượng đọc được.
Ban đầu kinh Kính Mừng kết thúc sau công thức suy niệm, theo sau là tiếng Amen và Halleluia, bởi vì phần hai của kinh Kính Mừng chưa được phổ biến.
Cũng nên xác nhận rằng phần hai của Kinh Kình Mừng, như chúng ta đọc ngày nay, cũng nảy sinh trong dòng Certosino, như là việc sáng tác các lời khẩn nài, được tìm thấy lần đầu tiên trong một cuốn Kinh Thần Vụ Certosino thuộc thế kỷ XIII, trong có các câu như: ”Sancta Maria ora pro nobis” ”Thánh Maria xin cầu cho chúng con”; ”Ora pro nobis peccatoribus” ”Xin cầu cho chúng con là các người tội lỗi”; ”Sancta Maria Mater Dei” ”Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa”; ”Nunc et in hora mortis. Amen” ”Khi nay và trong giờ chết. Amen”.
Đặt chung tất cả các lời khẩn cầu ấy với nhau, chúng ta có phần hai của kinh Kính Mừng: ”Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae. Amen” ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen”.
Như vậy có thể nói rằng tràng hạt Mân Côi hay kinh Mân Côi đã nảy sinh trong dòng các đan sĩ Certosino, mà lý tưởng là một cuộc sống rất trong trắng đơn sơ, hướng về Thiên Chúa như Sự Thiện Tối Cao Duy Nhất, và đặc biệt gắn bó với Đức Trinh Nữ Thánh Maria, bằng cách phản ánh như ân sủng sự giống Linh Hồn Mẹ, là linh hồn chiêm niệm kết hiệp với Chúa Kitô nhất trong mọi thụ tạo, trong Chúa Thánh Thần.
Để phổ biến thói quen đạo đức lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, các tu sĩ Certosino thường kể hai câu chuyện thị kiến như chúng ta đã biết.
Vì Kinh Mân Côi được phổ biến nhiều nơi nên chắc chắn là thánh Đaminh và các tu sĩ dòng Anh em thuyết giáo của thánh nhân cũng có thói quen cầu nguyện với các lời kinh đơn sơ này. Sự kiện các tu sĩ nam nữ dòng Đa Minh vẫn đeo tràng chuỗi 150 trên dây lưng là bằng chứng cho lòng sùng mộ ấy.
Gương của tu sĩ dòng Certosino thành Koeln đã được nhiều người tiếp tục và được theo rộng rãi sau đó. Trong thế kỷ XV có rất nhiều thánh vịnh thánh mẫu loại này. Các điệp khúc quy chiếu về Phúc Âm đạt con số rất cao tới 300, thay đổi tùy từng vùng, theo các sùng kính mà tín hữu muốn nhấn mạnh nhất.
Cùng thời với tu sĩ Domenico nước Phổ có tu sĩ Alain de la Roche, người Pháp gốc vùng Bretagne, dòng Da Minh sống giữa các năm 1428-1478, là người đã phổ biến thánh vịnh thánh mẫu một cách ngoại thường, qua việc giảng dậy và nhất là qua các huynh đoàn thánh mẫu do tu sĩ thành lập. Cũng từ thời đó người ta bắt đầu gọi hình thức lòng sùng kính này là ”Rosario della Beata Vergine Maria” – ”Chuỗi hoa hồng của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc”.
Chính tu sĩ Alain de la Roche nói về chuỗi hoa hồng cũ và chuỗi hoa hồng mới, vì muốn phân biệt việc đọc các Kinh Kính Mừng đơn sơ với việc đọc các Kinh Kính Mừng có lời suy niệm về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, được phân chia thành ba phần: nhập thể, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, và sự vinh hiển của Chúa Kitô và của Đức Maria, mà trong cách lần hạt Mân Côi ngày nay chúng ta gọi là năm sự Vui, năm sự Thương và năm sự Mừng. Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ thêm vào năm sự Sáng nữa, dành cho cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô.
Vào khoảng năm 1470 tu sĩ Alain de la Roche khai mào một giai đoạn mới trong việc phổ biến thói quen đạo đức lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Có lẽ tu sĩ Alain de la Roche lẫn lộn Domenico Helian người Phổ với thánh tổ Đa Minh của dòng, hay có lẽ do một ”thị kiến” mà các tu sĩ Đa Minh giải thích như là ”sự linh hứng” nên đã phổ biến nó trong truyền thống của Giáo Hội. Theo đó Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi đã hiện ra với thánh Đa Minh và ban chuỗi Mân Côi cho thánh nhân như phương thế mạnh mẽ giúp hoán cải các người Albigeois lạc giáo gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội, và giúp hoán cải các kẻ tội lỗi thời đó.
Tuy không thể chấp nhận truyền thuyết này trong sự chắc chắn tuyệt đối của nó, nhưng cũng không thể là một sai lạc lịch sử hoàn toàn. Như chúng ta đã thấy thánh vịnh Ave Maria đã có trước thời thánh Đa Minh sống giữa các năm 1170-1221. Chắc chắn là thánh Đa Minh và các tu sĩ của dòng Anh em thuyết giáo đã không sử dụng hình thức lần hạt do đan sĩ Certosino Domenico Helian đã hệ thống hóa, nhưng dùng một hình thức lần hạt khác có thể giống như vậy, mà thánh nhân và các tu sĩ Đa Minh khó mà không biết đến. Chúng ta hãy nghĩ tới các huynh đoàn thánh mẫu do thánh Pietro thành Verona, môn đệ của thánh Đa Minh, thành lập, và ảnh hưởng của chúng đối với việc phổ biến lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, thì đủ hiểu.
Thật vậy, trong các thế kỷ khi thánh vịnh kinh Pater Noster Lạy Cha và thánh vịnh kinh Ave Maria Kính Mừng phát triển chúng ta đã thấy giữa các tu sĩ Đa Minh có gương sùng kính Đức Mẹ của thầy Romeo di Livia. Người ta kể rằng trong các bài giảng của mình tu sĩ Romeo di Livia luôn luôn nói về Đức Trinh Nữ, và không bao giờ ngừng lập lại lời sứ thần Gabriel chào Đức Maria. Tu sĩ Romeo di Livia chiêm ngắm lâu giờ các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Người qua đời tay còn cầm sợi dây có các nút thắt mà người thường dùng để đếm 1.000 kinh Kính Mừng đọc kính Đức Mẹ mỗi ngày.
Tu sĩ qua đời khi khắc ghi nơi các anh em khác lòng sùng kính này đối với Đức Trinh Nữ diễm phúc và Chúa Hài Đồng Giêsu” (Salanac-Gui, De Quattuor, pp.161-162).
(Thánh Mẫu Học bài 346)
Linh Tiến Khải