Hỏi Đáp:
Làm gì khi người ta không tha và không chấp nhận lời xin lỗi của mình?!
Con xin chào bác!
Bác có còn nhớ chàng trai 27 tuổi bị người yêu giận đã nhờ bác cố vấn không? Cháu chính là người đó, và hôm nay cháu lại mạo muội làm phiền bác nữa rồi!
Bác ơi, sau một thời gian chai mặt làm lành với người yêu, cháu đã làm đủ mọi cách như bác đã chỉ cho cháu, nhưng hầu như chẳng có tác dụng gì. Tuy đã 27 tuổi đầu, nhưng đây là mối tình đầu tiên của cháu. Vì vậy, thú thật với bác là cháu chẳng có kinh nghiệm trong chuyện yêu đương. Từ lúc chấp nhận yêu cô ấy cho tới bây giờ, cháu luôn mong muốn tình yêu của chúng cháu có thể tiến đến một kết cục tốt đẹp là hôn nhân, nhưng cháu đã vụng về đánh mất tình yêu của cháu. Dù đã kiên trì xin cô ta tha lỗi, nhung cô ta một mực kiên quyết rằng cháu đã làm tổn thương cô ta quá nhiều, cô ta không thể chấp nhận được (người yêu của cháu rất cá tính), cô ta bảo, dù có quay lại thì tình cảm của chúng cháu không thể được như xưa nữa, giọt nước đã tràn ly thì không thể lấy lại được nữa! Và… cô ta kiên quyết không còn cơ hội nào cho cháu nữa, cô ta nhất định không cho cháu cơ hội nào để hai người có thể kết nối lại.
Bác biết không, mỗi lần cháu nghĩ ra một cách gì đó để làm lành với cô ta, cháu cảm thấy phấn khởi và hy vọng nhiều lắm, nhưng khi bị cô ta từ chối, thì cháu thấy thất vọng ê chề lắm! Cháu thật sự yêu cô ta rất nhiều. Cho tới lúc này, cô ta là người đầu tiên và cũng là người yêu duy nhất của cháu. Tình yêu của chúng cháu đã trải qua hơn 4 năm với biết bao kỷ niệm vui buồn! Cháu nghĩ cháu không thể quên được cô ta, nhưng cô ta là người rất cá tính và cương quyết, và cô ta cương quyết quên cháu, cháu nghĩ cô ta có thể làm được.
Sau một thời gian suy nghĩ kỹ càng, cháu nhận thấy cháu thực sự rất yêu cô ta, và cô ta là người mà cháu muốn làm người bạn đời để cùng nhau đi hết đoạn đường còn lại. Cháu đã nói với cô ta rằng: “Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì anh vẫn mãi chờ đợi em, chờ đợi em tha thứ cho anh và cho anh một cơ hội để chúng ta có thể bắt đầu một tình yêu mới”. Cháu biết tình yêu phải tự nguyện và xuất phát từ hai phía, dù cháu yêu người ta nhưng người ta không đáp lại thì cháu cũng chẳng làm được gì. Nhưng đối với cháu, cô ta là người đáng để cháu chờ đợi, cháu thật sự không muốn mất đi một mối tình đã vun đắp hơn 4 năm trời.
Có phải là cháu thật ngốc nghếch khi đợi chờ trong vô vọng, đợi chờ người có thể sẽ chẳng còn thuộc về mình nữa! Cháu làm như thế có phải là quá si tình, quá dại dột? Và… với một người nhiều kinh nghiệm về tâm lý, bác thấy cháu làm như thế là đúng đắn hay là yêu đương mù quáng? Cháu mong sớm nhận được hồi âm của bác.
Cháu chúc bác luôn dồi dào sức khỏe và thành công trong công việc.
Cháu N.N
Đáp:
N & N thân mến,
Nếu cháu đã làm tất cả những gì mình có thể làm để tạo cơ hội mong nối lại nhịp cầu đã gẫy, và làm cho tình yêu nở hoa mà “người ta” vẫn giận hờn, vẫn tránh mắt, và vẫn xua đuổi cháu thì rất có thể:
1. Người ta còn giận hờn cháu, muốn cháu xuống nước năn nỉ thêm nữa cho bõ cơn giận!
2. Hoặc người ta là một người tự ái cao. Con người với cái tôi quá lớn, luôn phóng đại các lỗi của người khác nhưng lại coi nhẹ “nhân vị” và “phẩm giá” của người khác. Mặc cho người khác phải hạ mình xuống nước, năn nỉ.
3. Cũng có thể người ta đang mơ màng về một đối tượng nào đó giầu có hơn, trí thức hơn, bảnh trai hơn, lãng mạn, biết nịnh đầm hơn, nhưng lại “dễ bảo hơn” giống người anh rể của người ta vậy…
4. Hoặc trên thực tế trong lúc giận hờn, “người ta” đã tìm được đối tượng khác để thay thế cháu rồi.
Nếu một trong bốn lý do trên hoặc cả bốn lý do trên đúng, thì sau đây là những lời khuyên cần thiết:
1. Hãy “can đảm” và bắt đầu từ hôm nay, nhất định không săn đón, không thăm hỏi, không gọi điện thoại, không take message, không gửi email cho “người ta” nữa. Hãy coi như những gì cháu đã làm tạm đủ rồi. Đây là cách cư xử mang tính quyết định, mạnh mẽ, dứt khoát “một mất, một còn!” Tuy nhiên, quyết tâm này rất khó thực hiện đối với một chàng trai trẻ, si tình, thật thà, và yêu lần đầu như cháu.
2. Sau khi N & N đã “làm bộ” lờ đi 2 hoặc 3 tháng bỗng dưng “người ta” gọi điện thoại, gửi message, email, hoặc bắn tiếng gần xa thì có thể hiểu là người ta đã có dấu hiệu mở đường để nối lại tình xưa. Nếu đây là dấu hiệu tích cực, thì cả hai nên làm lại từ đầu.
3. Nhưng nếu sau 3 hoặc 4 tháng mà không nhận được tin gì từ người ta thì N & N cần phải cam đảm (lại thêm một can đảm nữa) là “rút lui”. Quyết định này cũng lại là quyết định rất khó và rất đau lòng cho cháu.
Tình một chiều không phải là tình chân thật, tình đem lại hạnh phúc. Khi ai đó đến với mình không biết tôn trọng, không tha thứ, không có sự tương kính, không biết thông cảm và trao đổi được với nhau thì đó chỉ là tình hờ, tình khờ, tình gượng ép, tình có điều kiện. Những loại tình này rất dễ đổ vỡ và đưa đến thất bại dù sau này hai người có cưới nhau đi nữa.
Thực tế, ai cũng có cái tôi cần được bảo vệ, nhưng không được dùng “cái tôi” của mình để đè bẹp “cái tôi” của người khác. Cá tính cao ngạo, bướng bỉnh của một người có thể làm nên sự khác biệt nơi người đó, nhưng trong đời sống vợ chồng nó rất dễ dàng dẫn đến hiểu lầm nhau, khó chịu với nhau, coi thường nhau, lấn lướt nhau, và dĩ nhiên giận hờn, cãi vã với nhau. Để sống hạnh phúc với nhau, ngoài tình yêu chân thành, vợ chồng còn phải có thiện chí phục thiện, sẵn sàng hy sinh cái tôi riêng mình vì hạnh phúc chung. Những người cao ngạo, giầu tự ái và tự tôn quá mức có ít khả năng kìm hãm cái tôi, và cũng do đó, không dễ hy sinh cái tôi cho tình yêu và hạnh phúc chung.
Cầu chúc N & N sáng suốt và biết tự kìm hãm cảm tình của mình để tìm ra cho tương lai mình một quyết định sáng suốt và một chọn lựa đúng.
Trần Mỹ Duyệt