Ký ức và phục vụ

Kitô hữu không sống trơ trọi một mình nhưng giữa lòng một dân tộc và trong một lịch sử trần thế cụ thể, do đó, họ được mời gọi phục vụ những người khác.

 PopeFrancis-30Apr2015

 

“Ký ức và phục vụ” là hai điều then chốt trong bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Năm, ngày 30 tháng 4, trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta. Lịch sử, và qua đó là ký ức về nó, cùng với sự phục vụ là “hai đặc điểm của căn tính Kitô giáo” được mô tả trong các bài đọc trong ngày.

Bài đọc từ sách Tông Đồ Công Vụ (13: 13-25) đề cập đến Thánh Phaolô, là người đã đến thành Antiôkia và “như thường lệ đã vào một hội đường nhân ngày Sa-bát.” Ở đó, “ông được mời nói chuyện.” Điều này, trên thực tế, là “một phong tục của người Do Thái vào thời đó” khi khách đến. Thánh Phaolô tiến lên bục giảng và “bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu Kitô.” Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, “ông Phaolô đã không nói: ‘tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế; Đấng đã đến từ trời cao; Thiên Chúa đã sai Ngài đến; Ngài đã cứu độ tất cả chúng ta và ban cho chúng ta mặc khải này’. Không, không, không”. Để giải thích Chúa Giêsu là ai, vị Tông Đồ “bắt đầu lược lại toàn bộ lịch sử của dân tộc”. Kinh Thánh viết: “Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói: Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.” (CV 13: 16-17). Như thế, bắt đầu từ tổ phụ Abraham, Thánh Phaolô “đã kể lại toàn bộ lịch sử”.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng điều này không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên. Điều tương tự cũng đã được thực hiện bởi “thánh Phêrô trong bài giảng của mình, sau lễ Ngũ Tuần” và bởi “ông Têphanô trước Thượng Hội Đồng.” Nói cách khác, họ “không công bố Chúa Giêsu mà không có một lịch sử”, nhưng “công bố Chúa Giêsu trong lịch sử của một dân tộc đã được Chúa vạch ra một cuộc hành trình trong nhiều thế kỷ để trưởng thành, trong sự viên mãn của thời gian, như Thánh Phaolô nói.” Những gì Thánh Phaolô nói cũng phải được hiểu là “Khi đến thời viên mãn, Đấng Cứu Thế đến, và dân tộc sẽ tiếp tục cuộc hành trình vì Đấng Cứu Thế sẽ trở lại”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta thấy ở đây một trong những đặc điểm của căn tính Kitô: Kitô hữu là những người nam nữ trong lịch sử hiểu biết rằng câu chuyện không bắt đầu và kết thúc với tôi, nhưng tất cả đã được bắt đầu khi Chúa bước vào lịch sử nhân loại.

Để minh chứng điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại bài Thánh Vịnh rất đẹp được đọc vào lúc bắt đầu Thánh lễ: 

“Lạy Thiên Chúa,
thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận,
thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu,
đất đã chuyển rung, trời cũng tan chảy. Alleluia”. 

Như thế, “Kitô hữu là những người nam nữ của lịch sử, họ không trơ trọi một mình nhưng bao gồm trong một dân tộc đang trên đường lữ hành”. Đây là lý do tại sao không thể có khái niệm “sự ích kỷ Kitô giáo”. Không thể có một Kitô hữu hoàn hảo với một tinh thần như là được sản xuất ra từ các nhà máy, nhưng thay vào đó, Kitô hữu là những người nam nữ sống giữa lòng một dân tộc, có một lịch sử lâu dài và đang tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi Chúa lại đến” .

Điểm qua một vài sự kiện nổi bật trong lịch sử vẫn đang tiếp diễn, Đức Thánh Cha nói thêm rằng nếu chúng ta chấp nhận “chúng ta là những người nam nữ của lịch sử”, chúng ta cũng nhận ra một “lịch sử của ân sủng Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã đi trước dân Ngài, mở đường cho họ, và sống giữa họ.” Nhưng đó cũng là một “lịch sử của tội lỗi với cơ man những tội nhân, và tội ác”. Điều này cũng có thể được nhìn thấy trong đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, như khi Thánh Phaolô đề cập đến vua Đavít, một vị thánh, nhưng trước khi ông trở thành một vị thánh, ông đã phạm những tội tày trời. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh thêm là điều này cũng đúng ngay cả ngày hôm nay vì lịch sử cá nhân của mỗi người chúng ta đều cho thấy những tội lỗi của mình và ân sủng của Thiên Chúa là Đấng ở cùng chúng ta. Thiên Chúa trong thực tế đồng hành với chúng ta trong tội lỗi để tha thứ cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta để ban phát ân sủng cho chúng ta.

Vì vậy, ký ức là một thực tại rất cụ thể xuyên suốt nhiều thế kỷ: chúng ta không phải là những người không có gốc rễ. Chúng ta có gốc rễ rất sâu từ tổ phụ Abraham đến ngày hôm nay mà chúng ta không bao giờ được quên.

Để hiểu rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta được liên kết vững chắc với một dân tộc đã lữ hành qua nhiều thế kỷ, nghĩa là chúng ta phải hiểu một đặc tính Kitô thứ hai, đó là “điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng, đó là sự phục vụ”. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của ngày Thứ Năm trong tuần thứ Tư của lễ Phục Sinh đã lặp lại những gì chúng ta vẫn thường nghe trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Hãy làm cho người khác như Thầy đã làm cho anh em. Như Thầy đã đến với anh em như một người tôi tớ, anh em phải là đầy tớ của nhau, hãy phục vụ”.

Đức Thánh Cha nhận xét, “Căn tính Kitô giáo phải là phục vụ, chứ không phải là ích kỷ.” Mặc dù, người ta có thể phản bác: “Nhưng thưa Cha, tất cả chúng ta đều ích kỷ”, nhưng điều này “là một tội lỗi, là một thái độ chúng ta phải xa lánh”. Chúng ta phải “xin tha thứ, xin Chúa hoán cải chúng ta”. Là Kitô hữu “không chỉ có cái vỏ bề ngoài, cũng chẳng phải là một thực hành xã hội, đó không phải là một thứ trang điểm cho linh hồn để linh hồn có thể xinh đẹp hơn một chút.” Là Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng nói một cách dứt khoát rằng đó “là làm những gì Chúa Giêsu đã làm: tức là phục vụ. Ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” .

Để kết luận, Đức Thánh Cha đưa ra một vài gợi ý cho mỗi người chúng ta thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết, “hãy suy nghĩ về hai điều này: Tôi có một cảm thức lịch sử không? Tôi có cảm thấy mình thuộc về một dân tộc đã lữ hành từ xa xưa không?”. Có thể là hữu ích khi chúng ta “cầm lấy Kinh Thánh, và đọc Chương 26 sách Đệ Nhị Luật” Ở đó, chúng ta sẽ gặp thấy “ký ức, ký ức của người công chính” và “Chúa muốn chúng ta phải là người có ký ức biết ngần nào” – nói cách khác, chúng ta phải ghi nhớ “con đường dân tộc đã trải qua.” Sau đó, thật là tốt để xem xét “trong trái tim tôi, tôi coi trọng điều gì hơn? Tôi muốn cho người khác phục dịch tôi, tôi muốn sử dụng những người khác, cộng đồng, giáo xứ, gia đình tôi, bạn bè của tôi, hay tôi phục vụ cho họ? tôi có là một người đầy tớ hay không?

Như thế, với hai thái độ Kitô giáo “ký ức và phục vụ” chúng ta cùng hiệp nhau trong việc cử hành Thánh Thể, “mà thực sự là ký ức về sự phục vụ của Chúa Giêsu; về sự phục vụ lớn lao Ngài đã trao ban cho chúng ta là hiến mạng sống Ngài cho chúng ta”

 

Đặng Tự Do