Khôi hài và cộng đoàn

Người Pháp có riêng một ngày trong năm để “chọc quê” nhau, gọi là ngày “cá tháng tư” (poisson d’avril). Trong ngày ‘chơi khăm’ này, mọi người đều có ‘quyền chọc quê’ người khác và không ai được phép ‘bực tức’, dù cho có bị ‘thiệt thòi to lớn’ dường nào. Trò chơi gây tiếng cười này hẳn cũng tạo ra một bầu khí ít nhiều ‘chịu đựng’ nhau, nhưng có thể ‘chấp nhận được’. Hơn nữa, đó là trò chơi làm thư giãn tinh thần trong cuộc sống quá nhiều căng thẳng này. Trò đùa truyền thống ngày 01 tháng 04 hẳn là nét hóm hỉnh và duyên dáng của bao thế hệ Pháp. Nhưng dường như tính chất ‘chơi khăm’ nhường chỗ cho một điều gì thú vị hơn và đằng sau nó là cả một bầu khí thân ái và gần gũi, vì lẽ người trong cuộc chơi hiểu trò chơi. Mọi người ‘vào cuộc’ với một tinh thần hài hước, vui đùa, nhuộm màu sắc tôn trọng người khác, cho dù ở mức độ tối thiểu đi chăng nữa. Từ đó, cuộc sống bớt tẻ nhạt hơn một chút, bớt căng thẳng một chút và cuối cùng, có thể nói, là một bài học nhớ đời: cảnh giác.

Cuộc sống luôn cần những tiếng cười. “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Những ngày chơi khăm như thế chỉ là một cơ hội nhỏ. Chấp nhận những trò ‘đùa” nho nhỏ để đổi lấy tiếng cười tự nhiên, bộc phát, quả cũng đáng lắm thay!

Trong những nền văn hóa cổ xưa, việc nói chơi đùa giỡn giữa các cá nhân hay giữa các tập thể thường được quy định. Những vai hài hay những người pha trò giúp vui thường có địa vị ngang hàng với các tư tế. Luôn có những tư tế cũng như luôn có những người giúp vui để phục vụ trong các lễ hội, để nhắc nhở dân chúng về các giá trị quan trọng trong nền văn hóa của họ, chẳng hạn như nhu cầu quan tâm đến hạnh phúc của người khác, của dòng họ và cả của bộ tộc nữa. Sự sống còn của bộ tộc tùy thuộc phần lớn vào các tư tế và những người giúp vui này. Vai trò của người giúp vui không chỉ là giúp vui mà còn chi phối cả việc cai trị, điều hành nữa (xc Howard R. Pollio, “What’s So Funny”).

Như thế, ý thức về vai trò của tiếng cười, của đùa giỡn trong cuộc sống đã có từ xa xưa và trở thành một nét văn hóa cần thiết, một nét đặc trưng trong đời sống. Có lẽ Magadma Gandhi đã hiểu rõ điều này, khi nói: “Óc khôi hài là cây gậy giữ thăng bằng khi chúng ta đang bước trên sợi dây cuộc đời. Nếu tôi không có óc khôi hài thì chắc chắn tôi đã tự tử từ lâu rồi.” Sợi dây cuộc đời vốn đã căng để chúng ta bước đi trên đó, cần có những lúc cho nó ‘chùng xuống’. Niềm vui, sự khôi hài đi vào cuộc đời tự nhiên và cần thiết biết bao!

Hơn nữa, thánh Thomas xếp vui vẻ vào hàng các nhân đức. Vui vẻ là khả năng biến điều mình đã nghe và xem thành một nụ cười tươi vui, trong mức độ và cách thế xứng hợp (IIa. IIae, q.168, a.2). Nhân đức là trung dung, không thiên lệch, không quá đáng ‘trong mức độ và cách thế xứng hợp’. Nhân đức khôi hài nâng cao tâm hồn, nâng cao sự cảm thụ cuộc đời và đời người. Trước nghịch cảnh, óc khôi hài giúp lý giải một cách tích cực hơn, đồng thời giúp nhìn những nghịch lý, rởm đời cách quảng đại hơn. Sự phê phán, nếu có, vẫn là nhẹ nhàng, phát xuất từ lòng thông cảm và hiểu được thân phận yếu đuối của con người. Niềm vui thì hay “lây lan”. Niềm vui tạo nên bầu khí gần gũi, thân quen. Có thể nói, niềm vui là chính nét khôi hài tiềm ẩn ở chiều sâu thẳm. Và khôi hài là chính niềm vui được thể hiện ra bên ngoài.

Khôi hài là một cảm quan giúp chúng ta thưởng lãm cách bao dung những cái nghịch thường, lập dị của cuộc đời, và rồi dùng lời nói, văn chương hay những loại hình nghệ thuật khác để nói lên cảm quan đó. Khôi hài có thể là một tính chất nơi một người – ‘người có óc khôi hài’ hoặc có thể nói về một cái gì bên ngoài – ‘một màn kịch khôi hài’.

Tính chất bao dung là tuyệt đối cần thiết cho óc khôi hài. Không phải chỉ là nhận ra những cái lập dị, ngược đời, những cái ‘rởm đời’, nhưng là thái độ bao dung chấp nhận những cái đó. Nếu người ta cảm thấy bị xúc phạm hay bực mình thì không còn phải là khôi hài, và tất nhiên cũng chẳng có niềm vui đúng nghĩa nữa. Lúc đó, khôi hài trở thành sự châm biếm mỉa mai.

Khi chứng kiến một bà ‘quý tộc’ trợt vỏ chuối, tự nhiên người ta dễ dàng bộc phát tiếng cười. Tiếng cười bộc phát đó là biểu hiện tính chất khôi hài trước cái nghịch thường ‘trợt vỏ chuối’. Điểm nghịch thường ở đây chính là cái lố bịch, cái đáng lẽ không nên xảy ra, và chính người trong cuộc cũng không dự liệu được tình huống này. Tiếng cười ở đây là một sự khôi hài “phá tan tính phô truơng và cao ngạo của con người” (Henry Bergson). Bà ‘quý tộc’ ăn mặc sang trọng, chẳng may đạp vỏ chuối và té xuống thì cũng giống như biết bao người khác đã từng như thế. Nhưng, một bà sang trọng trong cái vẻ ‘đáng kính, trịnh trọng’ dường ấy mà ‘trợt vỏ chuối’ thì quả là ‘nực cười’. Dù cho bà không bị mảy may thương tích nào, nhưng có điều là phẩm giá của bà bị tổn thương đôi chút. Hóa ra là: Bà quý tộc cũng chỉ là một con người như bất cứ ai, và cái cơ chế quý tộc mà bà là người đại diện cũng chẳng phải là cái gì trường cửu. Trong giây lát, cái cơ cấu xã hội bất di bất dịch kia xem ra cũng chẳng cần thiết bao nhiêu.

Mở Tin mừng ra, người ta cũng có thể thấy được những cú ‘trợt vỏ chuối’ như thế, nhưng còn ngoạn mục hơn nhiều – của những người biệt phái, Pharisêu. Chắc hẳn, Đức Giêsu là người chứng kiến và khám phá ra đầu tiên? Cái vẻ ‘lụng thụng’, ‘luộm thuộm’ của những kẻ ‘dài tua áo’, ‘mang thẻ kinh’ chỉ có thể bị nhận diện bởi một đầu óc tinh tế. Đức Giêsu trong câu chuyện dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đần thờ cầu nguyện, thể hiện rõ nét khôi hài ‘nghịch thường’ này.

Người biệt phái tự mãn về những ‘thành tích’ mình đạt được. Ông nôn nóng kể lại cho Thiên Chúa nghe và nghĩ là Thiên Chúa sẽ nghe lời ông cầu. Và rất có thể bất cứ người thứ ba nào cũng có thể nghĩ: Chúa sẽ nghe lời ông (có lẽ chúng ta đã ‘không may lắm’ khi đã có sẵn đoạn kết câu chuyện này). Ngược lại, người thu thuế, một hạng người bị xã hội khinh miệt và chắc chắn không có quyền đòi Thiên Chúa nghe lời anh cầu… Chúng ta đã có câu kết luận của Đức Giêsu, một câu kết luận nghịch thường và nực cười mà người Do thái, thính giả câu chuyện không chờ. Óc khôi hài chính là óc tinh tế vậy.

Đến bao giờ trên đời này hết những cái ‘lụng thụng’, ‘luộm thuộm’, ‘rởm đời’ tương tự như thế nhỉ??? Trong một mức độ nào đó, những thứ trên gây phiền toái không ít cho đời sống cộng đoàn. Lúc đó, khôi hài trở thành một công cụ kềm chế mọi người trong khuôn khổ quy định tối thiểu. Lo sợ bị chọc quê làm cho người ta phải rập theo khuôn mẫu. Sự kiềm chế ở đây giữ thăng bằng, cân đối, hòa hợp cho cộng đoàn.

Cộng đoàn vẫn được coi là gồm từ hai phần tử trở lên. Cộng đoàn là phong phú và đa dạng trong hiệp nhất, chứ không phải đồng nhất. Sự ‘rập khuôn’ làm đánh mất tính cách độc đáo của cá nhân và đương nhiên cũng đánh mất cộng đoàn đúng nghĩa. Sự phong phú của một cộng đoàn hình thành bởi sự phong phú của mỗi cá nhân, nhưng miễn sao tất cả phải hòa hợp, bổ túc cho nhau, không ‘phá’ nhau. Nếu không như thế, sự hiệp nhất, gặp gỡ có nguy cơ bị phá vỡ. Như thế, có thể nói ‘nỗi lo sợ bị chọc quê’ giữ cho các thành viên có được một ý thức tối thiểu ‘thuộc về cộng đoàn’. Mọi việc làm, mọi lời nói… dù ở bất cứ nơi nào… đều được thực hiện với tư cách cộng đoàn người đó thuộc về.

Nhưng, coi chừng, sự khôi hài trở thành sự diễu cợt, không còn tính bao dung nữa. Sự diễu cợt trong cộng đoàn là một ‘căn bệnh nguy hiểm’ không thể chấp nhận được vì nó tàn phá cộng đoàn, phá hủy sự hiệp thông. Đôi khi nó thể hiện qua những lời mỉa mai, lời khen ‘vờ vĩnh’. Đôi khi nó phát xuất từ lòng ganh tị và ghen tuông. “Sự đố kị và tính ghen tuông là kẻ thù lớn nhất của cộng đoàn tu sĩ độc thân” (A.V. Kam). Sự diễu cợt, mỉa mai là một thương tật của nhân cách. Nó làm cho nhân cách trưởng thành khó phát triển thích hợp được. Sự khôi hài không góp mặt trong những diễu cợt, mỉa mai.

Thế nên, sự khôi hài phát xuất từ lòng nhân ái. Óc khôi hài chính là lòng nhân ái vậy. Từ tấm lòng đến với một tấm lòng bằng niềm vui và thông cảm. “Anh em hãy sửa bảo lẫn nhau, sao cho thật khôn khéo” (Cl 3,16b).

Hơn nữa, có nói chơi nói giỡn là vì có căng thẳng, và chẳng ai muốn căng thẳng bộc phát thành đụng độ. Tính khôi hài xuất hiện để căng thẳng không biến thành đụng độ. Lẽ thường tình, có đụng độ xảy ra, vì ‘khoảng cách an toàn’ đã bị vượt qua. Giữa mỗi người, cũng như cộng đoàn luôn có một ‘khoảng cách an toàn’. Khoảng cách an toàn giữa các cuộc tranh cãi, căng thẳng rất mong manh. Lúc đó, các ‘quan hệ đùa giỡn’ tạo ra một khoảng cách an toàn cần thiết.

Một cộng đoàn, trong đó các thành viên quá ‘xuề xòa’, ‘quá nhếch nhác’, thì nguy cơ xuất hiện sự thiếu tôn trọng nhau đúng mức. Sự tôn trọng nhau tối thiểu không còn. Khoảng cách an toàn tối thiểu không còn nữa. Nhưng, nếu khoảng cách quá lớn, ‘kính nhi viễn chi’, thì lúc đó, có nguy cơ đứng trên bờ vực thẳm của sự sụp đổ. ‘Kính nhau quá’ cũng đồng nghĩa với ‘xa nhau lắm’. Những thành viên ăn cùng một mâm, làm cùng một phòng… nhưng không ‘sống cùng nhau’. Đi bên nhau nhưng không hòa nhập, cảm thông với nhau. Tai họa! Thiên tai!

Trong một cộng đoàn tu trì, các quan hệ ‘đùa giỡn’ này có thể dễ dàng phát triển. Để tránh căng thẳng, người ta nói giỡn với nhau. Dĩ nhiên, nguyên nhân của sự căng thẳng vẫn chưa được giải tỏa. Một cộng đoàn tu sĩ coi quan hệ đùa giỡn là hình thức giao lưu ưa thắng và chính yếu giữa các thành viên với nhau thì chỉ là một cộng đoàn rất nông cạn.

Nhưng dẫu sao, vẫn phải khôi hài, đùa giỡn một chút. Óc khôi hài là một thứ dầu nhớt tốt nhất làm trơn cơ cấu hiệp nhất. Thực tế, đã là cộng đoàn, không ai muốn có đụng độ, xáo trộn. Ai cũng muốn yêu thương, hòa đồng với người khác, nhưng khốn nỗi, cách thể hiện còn quá hạn chế. Người ta e ngại phải bộc lộ tình cảm cách ‘lộ liễu quá’, hoặc sự tế nhị trong việc thể hiện tình yêu thương không phải là dễ dàng gì. Vẫn biết, chân thành, trung thực là những giá trị đáng trân trọng nhất trong gặp gỡ giao tiếp. Nhưng liệu rằng sự chân thành đó được nhìn nhận thế nào, trong góc độ nào và đạt hiệu quả bao nhiêu vẫn là một câu hỏi lớn. Thế nên, niềm vui, khôi hài mang tính cách ‘song quan’. Người ta vẫn nói đến cái ‘nửa đùa, nửa thật’ đấy chứ. Hẳn đó là một thứ ‘Castrol nhẹ nhàng nhưng lại gây niềm vui và hiệp nhất’.

Như thế đấy, tiếng cười, khôi hài, niềm vui trong cộng đoàn. Nhưng vẫn cần có đỉnh cao của khôi hài: khôi hài chính mình.

Nếu các thành viên trong cộng đoàn biết ‘khôi hài chính mình’ thì cộng đoàn đó đã là một cộng đoàn thánh, tràn đầy sức sống và niềm vui. Đáng mong ước thay!

Nếu các thành viên trong cộng đoàn biết mình chỉ là một ‘vai hề’, thì vở kịch cộng đoàn mà vai chính là Đức Giêsu sẽ hấp dẫn hơn. Nên nhớ rằng, trong nền văn hóa của chúng ta, vai hề chẳng có giá trị bao nhiêu…

Cộng đoàn là nơi gặp gỡ nhau. “Gặp gỡ là cơ hội tán thưởng lẫn nhau” (A.V. Kam), Gặp gỡ trong vui tươi và khiêm tốn. Vui tươi là một trong những tính chất chính yếu, một nét đặc trưng dễ nhận thấy nơi một cộng đoàn cũng như nơi một tu sĩ độc thân. Chẳng có một vị thánh nào là vị thánh buồn cả. “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”. Vì “niềm vui luôn báo hiệu rằng cuộc sống đã thành đạt, đã chiến thắng…” (H. Bergson).

Niềm vui là sự thanh thoát, nhẹ nhàng, thoát ra khỏi cái tôi. Người ta không thể vui được khi còn chồng chất trên vai biết bao lo lắng cho cái tôi – ngay cả sự bận tâm lo lắng đến sự thánh thiện của riêng mình. Vì dưới đáy những lo lắng đó vẫn ẩn giấu một cái tôi. Lối sống nhẹ nhàng tỏa sáng trong công việc đời thường mỗi ngày: ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi… đầy an vui (thiền định). Đời sống như thể là ‘rong chơi’, như thể là ‘sống có phép lạ’… (du hí thần thông tam muội). Nụ cười nói lên Nước Trời đang ở nơi đây, ngay trong lòng người. Niềm vui là dấu chứng, là hoa trái của một người sống trong Thánh Linh.Sự khôi hài nhắm đến chính mình khởi phát từ niềm vui này. Những người tốt nhất là những người biết cười vào chính bản thân mình. Người tội lỗi không có khả năng khôi hài này đúng nghĩa, họ chỉ ‘đùa cợt cà chơn’. Những người đạo đức biệt phái không cười chính mình được, họ chỉ ‘làm hề lố bịch’.

Nhưng quả thật, không dễ gì dám cười chính mình đâu. Không dễ gì dám biến mình thành mục tiêu của sự khôi hài đâu. Khôi hài về những cái điên rồ, những cái kệch cỡm, những cái nghịch thường, những cái làm ra vẻ quá quan trọng của mình. Làm được như thế, đòi có một sự khiêm tốn, nền tảng đạo đức Kitô giáo.

Khiêm tốn chính là nền tảng của khôi hài nhắm đến chính mình. Khiêm tốn là nhận ra chính mình như hiện có. Nhưng ‘chúng ta nào có gì đâu? Và nếu có được gì thì chẳng phải là do nhận được đó sao?” (xc 1Cr 4,7). Trong Cựu ước, mẫu ‘người nghèo của Giavê’ là mẫu người nhận thấy mình trống không, chẳng có gì, và chờ đợi Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống đó. Người có ‘tinh thần nghèo khó’ trong Tân ước cũng thế. Họ tự xóa mình đi và nhìn nhận mình chỉ là một số không lớn. Thế nên, không thiếu những cái mà chúng ta có thể tự cười mình, cho đến chết cũng chưa hết. Chúng ta nhìn thấy mình hạn hẹp, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn muốn yêu thương và giải thoát chúng ta.

Đến là nực cười một vị Thiên Chúa cao cả lại hiến mình cho con người tội lỗi, hữu hạn, chúng ta. Một vị Thiên Chúa cao cả ‘khôi hài’ trước những âm mưu đen tối của các vua chúa trần gian. “Đấng từ trời cao thẳm thấy thế mỉm cười, coi chúng như trò đùa đáng mai mỉa”  (Tv 2). Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa phong phú biết bao! Gerard Manley Hopkins đã nói đến con người ‘phi lý’ và ‘trò đùa’ chúng ta trong ngày khải hoàn phục sinh:

“Trong chớp nhoáng khi tiếng kèn thổi vang,
Đùng một cái tôi trở thành như Đức Kitô
Vì điều Người đã có, bây giờ tôi cũng có
Thằng Jack này,
một trò đùa, một mảnh bình vỡ
một miếng giẻ rách, một que củi,
viên kim cương chết dở đã trở thành viên kim cương bất tử…”

Người ta càng biết mình, thì người ta càng thấy mình chẳng là gì khi so sánh với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Như Kierkegaard nói: “Càng sống xuyên suốt và đúng với thực chất con người mình, con người càng thấy mình nực cười”. Đến như đại thi sĩ, triết gia, văn sĩ… đã đạt giải Nobel Rabindranath Tagore cũng chỉ cho mình là một đứa trẻ con ca hát múa nhảy trước mặt Thượng Đế. Ông ví mình như cây sáo, để Thượng Đế phả hơi nhạc vào, làm cất lên nhạc điệu du dương làm vui lòng Người. Cái khôi hài của một thánh nhân? “Con người biểu lộ tính tình rõ nhất trong những cái mà họ cho là khôi hài” (Goeth). Có những điều thật bình thường, nhưng dưới con mắt khôi hài thì lại có một ý nghĩa mới.

Nhưng, chỉ trong đức tin và lòng hoán cải, con người mới dễ nhận diện chính mình. Đức tin dẫn đưa con người nhận chân Thiên Chúa cao cả tuyệt đối, đồng thời nhận ra mình chỉ là một tạo vật thấp bé. Lòng hoán cải là tình trạng tỉnh thức trong tương giao với con người, với tạo vật. Các thánh là mẫu người tiêu biểu cho đức tin và lòng hoán cải này.

Khi bước lên đoạn đầu đài, thánh Thomas More đã không khiếp hãi mà lại còn diễu cợt chính mình. Ngài kéo bộ râu dài qua một bên để khỏi bị lưỡi dao lý hình chém đứt. Ngài nói “vì bộ râu này đâu có phản bội”. Nét hóm hỉnh và duyên dáng của một thánh nhân!

Nói tóm lại, óc khôi hài cảm quan thưởng lãm cách bao dung những cái ‘rởm đời’ trong cuộc sống, cắm rễ sâu trong sự khiêm tốn, sự nhận chân Thiên Chúa, người khác và chính mình. Đỉnh cao của sự thưởng lãm này là nhận ra mình kệch cỡm, điên rồ và tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là Tình yêu và lòng thương xót cao cả.

Hơn nữa, đời tu là một trò đùa vì Chúa. Lối sống của các tu sĩ tương phản sống động với những điều mà trần gian cho là quan trọng, quý nhất, tức là khả năng yêu đương, nhu cầu làm chủ tài sản và tự do điều hành cuộc sống riêng mình.

Theo lối thánh Augustin nói: “Hỡi con người, hãy biết mình là con người. Tất cả sự khiêm tốn của bạn là biết chính mình”. Có thể nói: “Hỡi tu sĩ, hãy biết mình chỉ là những diễn viên hề trong màn kịch cuộc đời mà Thiên Chúa giữ vai chính. Hãy đóng cho trọn vẹn vai trò của bạn…”
 

 
Tác giả bài viết: Lm. An-phong Vũ đức Trung OP 
Nguồn tin: Viết theo Stategies for Growth in Religious Life” của G.A. Arbuckle, S.M.