Trong dòng lịch sử vào năm 33. sau Chúa giáng sinh, Chúa Giêsu lần đầu tiên cỡi trên lưng một con lừa tiến vào thành thánh Giêsrusalem dịp lễ Vượt Qua ( Pascha)của người Do Thái, như trong các Phúc âm thuật lại – theo Thánh Gioan 12,13-15, Matheo 21,1-11, Lc 19,28-40 – và được dân chúng chào mừng đón tiếp tung hô vạn tuế Hosiana.
- Con lừa trong nếp sống văn hóaHình ảnh Chúa Giêsu vào thành Gierusalem được đón tiếp tưng bừng như thế dưới mắt của quân đội Roma đang thống trị nước Do Thái lúc đó là một sự khiêu khích thách thức quyền hành của đế quốc Roma.Dưới con mắt người Do Thái lúc đó là hình ảnh vị vua cứu tinh cho dân đang mong thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.
Nhưng Chúa Giêsu tiến vào thành Giêsurusalem không phải với tư cách sứ mạng như thế. Ngài đến là hình ảnh hiện thân của một vị vua hòa bình. Vì thế Ngài cỡi trên lưng con lừa con còn non trẻ chưa chở ai bao giờ.
Con Lừa hồi đó theo văn hóa bên vùng Trung Đông chỉ dùng để chở đồ, chở người vượt qua vùng đồi núi hẻo lánh thôi.
Nếu là người có quyền hành sức mạnh thì cỡi ngựa, chứ xưa nay không có vị tướng hay vua chúa nào cỡi lừa cả. Chính vì thế, không gây ra sự khó chịu cùng vướng cản trở cho quân lính Roma. Và cũng vì thế gây ra sự thất vọng cho dân Do Thái.
2. Con lừa và Chúa Giêsu
Chúa Giêsu cỡi lừa đi vào thành Giêsusalem là một vị vua hoà bình , vị vua bẻ gẫy chiếc cung binh khí chiến tranh, vị vua của nếp sống đơn giản, vua của người nghèo, như Ngôn sứ Sacharia đã nói từ trước.
„ Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.“ (Sacharia 9,9)Cảnh các Tông đồ trải áo trên lưng lừa cho Chúa cỡi, và dân chúng thấy vậy cũng trải áo trên đường nơi Chúa đi qua, có truyền thống gốc tích trong nước Israel, như trong sách Các Vua thuật lạ „ ĐỨC CHÚA phán rằng: Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua Ít-ra-en.”13 Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: “Giê-hu làm vua! ” (2 Các Vua, 9,13.)
Dân chúng reo hò vạn tuế Chúa Giêsu. Lời họ mừng rỡ tung hô Chúa Giêsu đang trên lưng lừa là những lời trong Thánh Vịnh 118, 26-27. „Hosiana, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa đến, Chúc tụng triều đại của Vua David đang đến. Hosiana trên nơi cao thẳm.“
3. Từ Hosiana đến Crucifigere – Đóng đinh vào thập gía.
Dân Do Thái thời Chúa Giêsu luôn mong mỏi chờ đợi vị cứu tinh đến giải thoát đất nước họ khỏ ách đô hộ thống trị của đế quốc Roma. Vì thế khi thấy một vị được tôn phong như thần thánh cỡi lừa vào thánh Giêrusalem, họ những tưởng là vị cứu tinh đến làm tròn đầy niềm hy vọng trông mong cho họ, cho đất nước Do Thái, nên họ theo Kinh Thánh đã viết, chạy ra ngoài đường chào đón với lòng hân hoan phấn khởi cuồng nhiệt.
Nhưng họ đã thất vọng. Chúa Giêsu đến vào thành Gierusalem không phải là vị cứu tinh giải thoát khỏi đế quốc chính trị Roma lúc đó, như họ mong tưởng. Mà ngài đến là vị vua hòa bình, vua của nước Thiên Chúa tình yêu.
Nên từ lời hoan hô cuồng nhiệt Hosiana ngày đầu tuần, họ đã thay đổi thành lời hô hoán Crucifigere- đóng đinh nó vào thập gía, ngày thứ sáu tuần thánh.
Nơi Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên Chúa và con người. Về phía bản tính con người, ngài được hoan hô Hosiana, rồi lại bị xỉ vả Crucifigere, lên án đóng đinh nó vào thập gía. Ngài đã trở nên ánh sáng hy vọng là người hướng dẫn, sau đó liền bị phản bội và lên án cho đến chết.
Nhưng về bản tính Thiên Chúa, Ngài không nằm dừng lại nơi đó. Sau khi chết được an táng trong lòng mộ huyệt, Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Ngài là ơn cứu độ cho con người khỏi hình phạt tội lỗi do Ông Bà nguyên tỗ Adong-Evà gây ra.
Giáo Hội Chúa Kito hằng năm đều rước lá mừng kỷ niệm biến cố ngày xưa Chúa Giêsu vào thành Gierusalem, ngày Chúa Nhật đầu tuần thánh với tâm tình vui mừng, cùng tưởng nhớ tới biến cố Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trước khi chịu đóng đinh chết trên thập giá là lễ hiến tế đền tội cho mọi người trần gian.
Tập tục rước lá kỹ niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Gierusalem được biết đến rộng rãi hồi thế kỷ thứ 4. thứ 5. và thứ 8. Ngày xưa lúc Chúa Giesu cỡi lừa vào thành Gierusalem, dân chúng mừng rỡ nói lời Hosiana chúc tụng Đấng nhân Dang Thiên Chúa đến.
Ngày nay Giáo Hội Chúa Kitô chào mừng Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đến hiện diện ở giữa con người. Đồng thời Giáo Hội chào mừng Ngài luôn luôn đến ở lại với chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến với Ngài đang đến.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long