Hôn nhân theo kiểu “Sống thử – Sống chung” và những vấn đề cần suy nghĩ

Bài 2. Những hậu quả về mặt tâm lý

 

Nói về tính chất “tạm thời” trong quan niệm “sống thử”, chúng ta có thể nhắc đến nhưng suy nghĩ của nhà nghiên cứu xã hội Pierpaolo Donati liên quan đến những ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý của việc “thử nghiệm” trong đời sống cá nhân và gia đình, nhất là đến tính cách trưởng thành của một nhân vị.

 

Thông thường, một điều gì đó đang trong thời kỳ thử nghiệm luôn mang tính tạm thời, chưa hoàn hảo và cần phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian. Cá nhân con người cũng phải trải qua những giai đọan phát triển tự nhiên và dần dần hoàn thiện về mặt sinh lý cũng như tâm lý. Mức độ hoàn thiện hay trưởng thành nhân vị cách chung được phân định theo thời gian của tuổi đời và thông qua việc giáo dục. Người ta sẽ đánh giá tính cách trưởng thành trọn vẹn khi một người có khả năng đảm đương trách nhiệm của chính bản thân và thực thi vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.

 

Trong trường hợp của việc thiết lập mối quan hệ hôn nhân, các xã hội dân sự đều có quy định về tuổi đời để được kết hôn, cũng có nghĩa là người ta chấp nhận một mức độ nhất định nào đó về sự trưởng thành (cả tâm lý lẫn thể lý).

 

Việc “sống thử” là quyết định của hai người yêu nhau và đây là quyết định của những gì liên quan đến “chuyện người lớn”. Họ đã là người trưởng thành theo luật tự nhiên cũng như luật dân sự, nhưng xem ra quyết định “thử” của họ không mấy “trưởng thành” theo nghĩa chính xác của từ “quyết định”, vì họ không dựa trên một cơ sở chắc chắn nào. Cái mà người ta vẫn thường nhắc tới như là căn bản của đời sống hôn nhân là tình yêu thì ở đây chỉ là “trò chơi hên xui may rủi”chứ không là một sự tìm kiếm được định hướng nghiêm túc. Cái không thể thiếu trong việc thiết lập mọi mối quan hệ giữa con người là sự tôn trọng phẩm giá và tinh thần trách nhiệm đối với người khác thì ở đây xem ra không hiện diện hoàn toàn, vì người ta đã xem thường ngay từ đầu tính chất huyền nhiệm “cần được khám phá” nơi con người của người bạn đời (hiểu theo kiểu nói thông thường: Chúng tôi muốn hiểu rõ về con người của nhau để có thể yêu nhau nhiều hơn hoặc để có thể tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi chung sống,v.v…), và người ta bỏ qua ngay cả dấu hiệu bên ngoài đơn sơ nhất của một cam kết, hoặc có chăng chỉ làm một sự thỏa thuận ngầm mà thôi và từ đó không thể quy kết trách nhiệm cho bất kỳ một ai.

 

Tình trạng sống thử như thế biểu lộ dấu hiệu một cuộc hôn nhân không trọn vẹn và không hy vọng có ngày trở nên trọn vẹn (điều mà chẳng mấy ai mơ ước); biểu lộ dấu hiệu của một gia đình luôn sống trong tình trạng thử thách và chờ đợi những điều bất thường xảy ra mà không nhất thiết phải chuẩn bị đương đầu làm gì cho phức tạp ngoài giải pháp “sẵn sàng chia tay” (điều mà trong thực tế chẳng mấy ai mong chờ); biểu lộ dấu hiệu tình yêu của những người chưa có đủ khả năng trao ban và đón nhận cách chính chắn lại cứ đòi hỏi sự hoàn hảo và trao hiến trọn vẹn nơi người khác (tính ích kỷ và chủ nghĩa cầu toàn), biểu lộ dấu hiệu của một sự lựa chọn để xây dựng tương quan tình người bị “điều kiện hóa” thường xuyên (muốn yêu thương nhưng lại “sợ ràng buộc”, muốn cho đi nhưng lại “sợ mất mát”, muốn có hạnh phúc sung sướng nhưng lại “sợ vất vả”…).

 

Trong thực tế, tình trạng “thử” để có những trải nghiệm trong đường tình yêu và tìm hạnh phúc gia đình thường để lại cho người ta những hậu quả không lường đoán trước, và chưa hẳn những “kỷ niệm” theo kiểu đó luôn là những điều hạnh phúc, bất ngờ và thú vị. Có một nhà thơ người Anh viết rằng “cái na ná của tình yêu thì có vô số mà đích thực tình yêu thì chỉ có một”. Phải chăng vì khao khát sở hữu một tình yêu đích thật mà nhiều người vẫn thích phiêu lưu trong trò chơi tìm kiếm nó giữa vô số tình yêu “na ná”, để rồi chẳng còn đủ sức để phân biệt đâu là cái thực sự mình cần và tìm kiếm.

 

Trên một phương diện nào đó, lý do “biết rõ về nhau để yêu thương nhau và sống cho hòa hợp hơn” có thể được nhiều người chấp nhận và cho rằng việc sống thử là cần thiết trước khi kết hôn “vĩnh viễn”, nhưng thực tế các điều tra xã hội cho thấy: con số những trường hợp ly dị nơi các cặp đã từng sống thử trước hôn nhân thường cao hơn các trường hợp còn lại. Từ điểm thực tế này, ta có thể thấy hôn nhân theo kiểu sống thử rất mong manh vì không có điều gì nghiêm túc cả: tất cả chỉ để thử nghiệm thôi! Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm khi phải chọn lựa tình yêu. Tình yêu không đơn giản là trò chơi cút bắt!

 

Lê An Phong SBD