Chủ đề mà chúng ta sẽ bàn tới trong bài chia sẻ này có lẽ không có gì mới mẻ, bởi vì chuyện tình yêu, trao hiến, sống chung, chia sẻ cơm áo gạo tiền… đang trở thành một điều gì đó “bình thường” và được coi là “mode” mới trong nếp sống hiện đại, nhất là với thế hệ trẻ và với nhiều người lớn đang sống trong các nước phát triển.
Thực tế cuộc sống của giới trẻ Việt nam, nhất là trong giới sinh viên và lớp công nhân trẻ xa nhà sống trong các khu công nghiệp, từ cảnh “góp gạo thổi cơm chung” để chia sẻ gánh nặng kinh tế, đến cảnh thuê nhà sống theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” trong các khu nhà trọ đang được nhiều người nói đến. Báo chí và các chương trình phát thanh trong nước cùng đã đề cập đến tình trạng này.
Về vấn đề này, ý kiến của các bạn trẻ cũng rất khác nhau: Có nhiều bạn trẻ đồng ý và cho rằng chuyện đó không xấu xa tội lỗi gì mà còn hợp thời nữa, giống như trào lưu “sống thử”, “sống chung ngoài hôn phối” ở các nước phát triển; số khác (nhất là các bạn nữ) thì không đồng ý, vì nhìn thấy những hậu quả về mặt tâm lý, thể lý và nhiều vấn nạn khác nữa từ việc sống thử trước hôn nhân.
Ở nhiều nơi trên thế giới chuyện hôn nhân thử nghiệm khá phổ biến, nhưng không luôn được xem là hợp thời và tốt đẹp vì nó tạo ra những vấn nạn cho xã hội. Nếp sống văn hóa Việt nam vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống về gia đình, nhưng liệu với cánh cửa rộng mở ra thế giới, chúng ta có thể đón nhận những kinh nghiệm gì từ hiện tượng xã hội nói trên?
Xin chia sẻ cùng mọi người một vài suy nghĩ cá nhân, cùng với những nhận định tham khảo từ quan điểm của nhà xã hội học Pierpaolo Donati, một chuyên gia nghiên cứu xã hội học về gia đình ở Italy và Châu Âu trong nhiều năm nay, và từ những thống kê xã hội của Cộng đồng chung Châu Âu C.E năm 2007-2008, qua 4 loạt bài nhỏ.
Bài 1: Sống thử – sống chung có phải là một kiểu sống hiện đại và hợp thời, một sự lựa chọn tình yêu theo tự do và phù hợp lợi ích cá nhân?
Hạn từ “ sống thử” hay đi xa hơn “chung sống ngoài giá thú” muốn nói tới cuộc sống của một cặp nam nữ theo kiểu gia đình “kết hợp tự do” trong một thời gian và không gian nhất định, nhưng không có ràng buộc hôn nhân bằng giá thú trước mặt pháp luật và cộng đồng.
Những người lựa chọn sống chung thường vì mục tiêu chia sẻ tình cảm và kinh nhiệm sống (và cả nhu cầu tình dục nữa!), hoặc đang trong thời kỳ chờ đợi giải quyết vướng mắc từ một vụ hôn phối đã ly dị mà chưa có sự đồng thuận từ phía khác. Họ muốn chia sẻ cả những khó khăn và gánh nặng về kinh tế, tuy nhiên trong nhiều trường hợp đây không là vấn đề thiết yếu. Phần lớn, nhất là người trẻ, muốn sống theo kiểu tự do, không muốn bị ràng buộc bởi một khế ước, ngay cả khế ước tình yêu.
Mục tiêu ban đầu của việc sống thử hay chung sống tự do ngoài hôn nhân xem ra rất “hợp lý”: đó là việc tìm kiếm sự hòa hợp (hay tìm kiếm khả thể hòa hợp cao nhất) giữa hai nhân vị để xây dựng hạnh phúc, với mơ ước có được một tình yêu thực sự bền lâu. Nhưng trong cách thực hiện lối sống này, ta có thể thấy phát lộ ngay từ đầu một sai lầm khá nghiêm trọng trong cách suy nghĩ: làm sao có thể xây dựng một giá trị bền lâu nếu ngay từ đầu người ta đã nghĩ ngay là nó sẽ không tồn tại lâu dài hoặc sẽ đổ vỡ nhanh chóng.
Dù tình yêu và gia đình có thay đổi kiểu cách hay khuôn mẫu, thì đó luôn là những giá trị nhân bản trường tồn và đòi hỏi chúng ta phải sống trong sự chuẩn bị bản thân, cùng với những kế hoạch và những dự tính nghiêm túc. Để một tình yêu bền vững lâu dài cần có sự vun đắp liên tục từ phía những người yêu nhau, đòi hỏi từ hai phía sự phân định, cân nhắc, lựa chọn một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hơn là cứ chơi trò “thử rồi sẽ biết” và “biết rồi sẽ tính”.
Về tính nghiêm túc trong chọn lưa tình yêu và xây dựng gia đình, ở đây chúng ta không muốn nhấn mạnh đến những qui ước có tính chất khắt khe hay những luật lệ bị xem là cổ hủ và không hợp thời (điều mà phần lớn các bạn trẻ bị “dị ứng” và hay ao ước “làm cuộc cách mạng” để thay đổi) cho bằng nhắc lại nền tảng căn bản để xây dựng một tình yêu và gia đình bền vững. Nơi các nền văn hóa khác nhau, chúng ta sẽ bắt gặp những khóe nhìn khác nhau về cách sống và những biểu hiện riêng biệt nơi tình yêu và gia đình, nhưng hầu như trong mọi nơi và mọi thời, dù được biểu hiện một cách rõ rệt hay tiềm tàng, người ta vẫn luôn chân nhận nguyên tắc để xây dựng tình yêu-hôn nhân và gia đình là sự tôn trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và lòng ao ước đạt được hạnh phúc có tính trường cửu.
Nhiều người nói rằng nguyên nhân của trào lưu “sống thử” là việc hiện đại hóa xã hội và xu hướng tiêu thụ. Ngày nay, xã hội tiêu thụ thời hiện đại cho phép người ta “sử dụng và bỏ đi”, “dùng thử trước và lựa chọn sau” với các thứ đồ vật và hàng tiêu dùng các loại. Xu hướng này đang lan vào ngay cả trong sự lựa chọn tình yêu và gia đình. Nhiều người đang quên đi một điều quan trọng: dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, người ta cũng không cho phép chối bỏ con người và những quyền lợi căn bản của họ. Con người, với phẩm giá của mình, luôn cần được tôn trọng và bảo vệ. Như vậy, liệu có “hợp thời” và “hiện đại” hay không nếu bạn xem người mình yêu như một “món hàng dùng thử”, nếu thích hợp thì chọn, không thích hợp thì bỏ qua và tiếp tục chọn lực một món mới? Thử hỏi ai có quyền xem bạn là “cổ hủ” nếu bạn muốn yêu một người và bạn muốn gần gũi, tìm hiểu người đó với tất cả tâm hồn, ao ước được cùng chung sống với người đó đến trọn đời và sẵn sàng chấp nhận cả những “rủi ro” trong cuộc hành trình tìm tình yêu thật sự với người mình yêu?
Bạn muốn tìm một người để trăm năm chung chia tình cảm và mọi thứ khác cho cuộc đời bớt cô đơn, nhưng trong thâm tâm bạn đã không muốn sống hết mình và sống có trách nhiệm với người ấy thông qua một lời thề hứa nghiêm túc và chân thành. Sự dối trá đã nhen nhúm từ đây, ngay từ lúc khởi đầu, và bạn thử suy nghĩ xem, trên nền tảng của sự giả dối liệu người ta có thể xây dựng được gì to lớn và bền vững chăng?
Khi sống với người khác, chuyện xung đột ít nhiều sẽ xảy ra và khó khăn trong tương quan sẽ không bao giờ thiếu. Trong những lúc ấy, người ta sẽ rất dễ dàng chọn lựa và thỏa thuận điều có lợi cho đôi bên, nhưng từ căn bản và tự nhiên ai cũng thích chọn điều có lợi cho mình hơn, phần thiệt hại còn lại thì… ai dại nấy chịu! Một sự chọn lựa hoàn toàn vì lợi ích nhỏ nhoi và có tính tự do cá nhân như thế là một điều tiêu cực, ngay cả khi nó núp dưới danh nghĩa lớn lao của lòng tốt: “vì không muốn làm khổ đời nhau mãi mãi nên tốt nhất chỉ tạm thời thôi!”.
Điều đáng nói là chuyện tình yêu của một người không là chuyện cá nhân nhỏ bé vì nó chạm tới ít nhất là hai người và liên quan tới cả một thế hệ (trong trường hợp hai người “lỡ” có con cái với nhau). Gia đình nhỏ bé mà mỗi người chúng ta xây dựng là viên đá cần thiết để kiến tạo tòa nhà xã hội to lớn nên không sẽ là chuyện nhỏ và chuyện riêng tư cách hoàn toàn.
(Xin xem tiếp bài 2)
Lê An Phong, SDB