Hạt giống vâng phục

Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B ( Gr 31, 31-34; Dt 5, 7-9; Ga 12, 26)

Cuộc sống quanh ta chuyện sinh nở là chuyện của tự nhiên, của quy luật cuộc sống.

 

Như hạt lúa rơi vào trong lòng đất không thối đi thì làm sao nó sinh mầm và sinh cây khác để cho ta được lúa để ăn ?

 

Và rồi, trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng chỉ dùng những hình ảnh hết sức gần gụi, hết sức bình dị như thế để nói về Nước Trời, để nói về kho tàng trên trời … và để nói về chính mình. Có khi Chúa Giêsu ví mình như con chiên hiền lành bị mang đi làm thịt nhưng có khi Chúa Giêsu ví mình như hạt lúa như trang Tin Mừng hôm nay.

 

Hết sức giản đơn, Chúa nói : “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

 

Nói như thế vẫn  sợ các môn đệ không hiểu để rồi Ngài lại giải thích thêm : “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”.

 

Chúa Giêsu không còn úp mở gì nữa. Nói như thế nghĩa là Chúa cho biết rằng Chúa phải chết cách nào.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu và nhất là cái chết của Chúa Giêsu đó chính là cuộc đời và cái chết của sự vâng phục. 

 

Trong thư Do Thái, chúng ta vừa nghe : Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

 

Trong thư Philip, Thánh Phaolô đã nói rõ :

 Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự. ( Pl 2, 6-8 )

 

Vâng phục chính là đặc tính, là căn cốt của cuộc đời Chúa Giêsu. Hạt lúa mục nát nơi đời Chúa Giêsu đã vào trần gian sống cả cuộc đời bằng đời sống vâng phục.

 

Ta, là những người đi theo Chúa, ta cũng được mời gọi sống như hạt lúa mì đàn anh, hạt lúa mì anh Trưởng, anh Cả của ta đó chính là Chúa Giêsu.

 

Thật sự mà nói, thử thách nhất đời con người đó chính là sự vâng phục, vâng lời Thiên Chúa.

 

Nhìn suốt chiều dài lịch sử cứu độ, thấp thoáng đâu đó cho ta hình ảnh, cách sống vâng phục Thánh ý Thiên Chúa trên đời mình. Các vị chứng nhân anh dũng đã sống đời vâng phục trong mỗi cảnh sống của mỗi người.

 

Thấp thoáng ta vẫn thấy hình ảnh của Abraham. Abraham đã trọn đời vâng lời Thiên Chúa để lên đường mà đi và chẳng biết mình đi đâu cả. Cứ đi và cứ đi theo lời của Thiên Chúa. Và bi đát, đỉnh điểm nhất đời ông đó chính là việc sát tế đứa con đầu lòng và là đứa con duy nhất của đời ông. Dẫu thử thách đến tột cùng như thế nhưng ta thấy Abraham đã vâng lời Thiên Chúa để sát tế đứa con yêu của mình.

 

Ta vẫn thấy hình ảnh của một Têrêsa Hài Đồng Giêsu ở bên đời. Sống trong 4 bức tường của đan viện đầy dẫy những khó khăn thử thách nhưng Têrêsa vẫn hoàn toàn tin tưởng và phó thác đời mình trong lòng bàn tay của Chúa.

 

Hay gần ta, ta thấy một hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã sống trong thân phận tù đày và đặc biệt là biệt giam nhưng Ngài đã không hề một tiếng kêu ca phàn nàn ai oán. Sống như thế, Ngài không những đã rèn luyện mình nhưng Ngài đã làm cho những người cai ngục cảm nhận được một Thiên Chúa vâng phục trên đời của Ngài.

 

Thật sự không phải dễ sống đời vâng phục chịu đựng như thế bởi lẽ ta cũng là con người. Là con người. ai ai cũng mang trong mình yếu đuối của phận người để rồi ta muống chứng tỏ mình với người khác. Ta muốn chứng minh rằng ta tự do, ta có quyền trên người khác và rồi ta muốn làm gì thì làm và không cần biết cũng như chẳng cần vâng phục ai cả. Đó cũng chỉ là cái lý của ta nhưng ta vẫn còn đó một Đấng để ta vâng phục đó chính là Thiên Chúa.

 

Bình gốm làm sao qua khỏi bàn tay của thợ gốm đó chính là Thiên Chúa. Cuộc đời của ta từng phút từng giây ở trong lòng bàn tay của Chúa nhưng đôi khi ta bé cái lầm, ta tưởng rằng ta định đoạt được cuộc đời của ta. Thế nhưng, thật sự trong sâu lắng của cuộc đời, chỉ cần một cơn gió thoảng, dù làn gió biến đi cũng không còn mang vết tích. Thân phận mong manh mỏng dòn của đời ta là thế đó nhưng mấy ai chân nhận ra sự mong manh mỏng dòn của đời ta.

 

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã gợi lên cho ta thân phận của Ngài. Dù Ngài là Thiên Chúa đó nhưng Ngài đã sống vâng phục và vâng phục cho đến bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá.

 

Đời của ta một ngày nào đó cũng trở về với lòng đất mẹ. Thế nhưng, chuyện quan trọng là ta có phải là hạt giống biết vâng phục thánh ý của Thiên Chúa như Chúa Giêsu hay ta tự cao tự đại.

 

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta biết học thế nào là bài học vâng phục mà chính Chúa Giêsu đã học và đã sống. Có như thế, khi ta nằm xuống ta mới sinh được hoa quả của cuộc đời vâng phục.

 

Huệ Minh