Lời Chúa: Mc 15,1-8
Chúa Giêsu đã chết thật rồi, đã được mai táng vào chiều thứ sáu, trước lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì trời đã về chiều, việc tẩm liệm Chúa phải làm vội vàng, không chu đáo cho lắm. Mấy phụ nữ có mặt lúc ấy định rằng, sau ngày sabbat sẽ đến ướp xác Chúa cho cẩn thận.
Và đúng thế, ngày thứ nhất trong tuần, mặt trời vừa mọc, các bà đã hăng hái đến mồ, mang theo dầu thơm. Nhưng khi gần đến, các bà còn thắc mắc hỏi nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá cửa mồ cho chúng ta? Thánh Maccô cũng nói rõ, tảng đá ấy to lắm. Thế nhưng, nhìn về mộ thì thấy tảng đá đã lăn ra một bên. Vào trong mộ, tức là mộ này lớn, các bà mới vào trong được. Nhưng các bà lại thấy một điều khác thường là thay vì thấy cái xác, các bà thấy một thanh niên, mặc áo trắng, ngồi bên phải, lên tiếng nói với các bà. Các bà hoảng sợ. Maccô nhấn mạnh đến sự sợ hãi của các bà.
Làm sao không khiếp vía khi thấy một thanh niên lạ mặt ngồi trong mộ? Tuy chàng thanh niên bảo các bà đừng sợ, nhưng làm sao không sợ?
Nỗi sợ hãi của các bà cũng dễ hiểu thôi. Họ đang bị xao động vì cái chết đau đớn của Chúa Giêsu, trong đầu của họ chỉ nghĩ đến một xác chết, giờ đây lại thấy những gì không thể ngờ được, và những việc này xảy ra quá nhanh không thể định hình việc gì. Tất cả đều bất ngờ.
Khi đọc tường thuật của Maccô, chúng ta không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn, vì Maccô không giải thích gì cả, chỉ tường thuật ngắn gọn thôi.
Vậy ai đã lăn khối đá ra khỏi mộ? Không lẽ chàng thanh niên đó? Và chàng thanh niên đó là ai? Nghe thanh niên nói với các bà, chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao chàng biết những gì thuộc về Thầy của họ rành như thế? Tại sao chàng có thể ra lệnh cho các bà phải báo lại cho các môn đệ và nhất là Phêrô? Chàng thanh niên phải chăng là một thiên sứ được sai đến để loan báo cái tin lạ lùng không thể tin được: Ngài đã sống lại rồi, Ngài không còn ở đây nữa. Ngài sẽ gặp họ ở Galilê. Tại sao ở Galilê mà không là Giêrusalem?
Maccô muốn cho chúng ta thấy rằng việc Chúa sống lại không thuộc về lãnh vực tự nhiên nữa mà là một biến cố siêu nhiên. Thiên sứ được sai đến là để loan báo một điều mà người trần gian không thể biết được. Đây là một hành động của Thiên Chúa. Chúng ta không thể đưa ra những bằng chứng cụ thể, và có lẽ Chúa cũng không muốn chúng ta xem đó như là một hiện tượng tự nhiên. Chúng ta tin hay không. Niềm tin của chúng ta không cần dựa vào những chứng cứ của loài người, vì có nhiều điều trí khôn con người không thể hiểu được. Chỉ cần tin vì Thiên Chúa bảo đảm tính xác thực của sự kiện chứ không do con người với khả năng nhỏ bé của họ.
Sứ điệp của thiên sứ là trung tâm của trình thuật này: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!” Thiên sứ đã loan một tin không thể tin được! Giêsu Nadaret đã bị đóng đinh, hôm nay đã sống lại.
Khi còn giữa các môn đệ, Ngài đã báo tin ba lần là Ngài sẽ chết và trong ba ngày sẽ sống lại, nhưng giờ phút này, những lời tiên báo đó không còn nữa, nó đã chìm trong nỗi thất vọng của các môn đệ, vì thế lời loan báo của thiên sứ hôm nay là một điều vượt xa những gì họ tưởng. Đối với chúng ta, đó một tin Mừng vĩ đại, là nền tảng của đức tin Công giáo, nhưng trong hoàn cảnh của các bà đến mộ từ sáng sớm thì không rõ rệt như thế. Có thể nói, vấn đề còn trong cảnh tranh tối tranh sáng, và như thế là gây sợ hãi và hoang mang.
Đây là giai đoạn đầu tiên của mạc khải về việc Chúa sống lại. Là một mạc khải không thể lý luận, không cần bằng chứng vì nó là một hành động của Chúa cho con người. Con người không thể đòi Thiên Chúa những chứng cứ cụ thể. Chúng ta chỉ cần tin vì Thiên Chúa là bằng chứng duy nhất.
Theo đó là một lệnh truyền: “Các bà hãy về nói với môn đệ Người và ông Phêrô, như thế này: Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Chúng ta thấy, ông Phêrô được nhắc đến như một nhân vật quan trọng.
Tại sao ở Galilê mà không ở Giêrusalem? Galilê, nơi khởi điểm của Tin Mừng. Galilê sẽ là khởi điểm cho chương trình cứu độ. Hôm nay là giai đoạn khởi đầu cho việc loan báo Tin Mừng, là khởi điểm cho niềm vui cứu độ tràn vào thế giới. Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi, các ông sẽ gặp lại Ngài sau những ngày đau buồn thất vọng. Tất cả đã được đổi mới. Thiên Chúa sẽ ồ ạt tràn vào cuộc sống con người, đổi mới con người, đưa con người vào sự sống mới, sự sống xuyên qua cái chết và toàn thắng sự chết.
Xin Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đang chờ chúng ta ở Galilê, cất tảng đá lấp phần mộ của chúng ta, tảng đá của ích kỷ tham lam, kiêu căng… để chúng ta sống lại với Ngài trong ánh sáng và tình yêu.
Chúng ta nhớ lại lời tuyên bố của Ngài: “Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Hôm nay chúng ta mừng Chúa sống lại, chúng ta đang bị lôi cuốn vào một sự kiện vượt quá tầm nhìn của chúng ta, nhưng đó là sự thật. Ngài đã sống lại, Ngài không còn ở đây. Ngài đang gọi chúng ta bước về phía trước, không nuối tiếc những sung sướng trần gian, vì kho tàng chúng ta đang ở nơi Ngài. Chúng ta ở trong trần gian nhưng không thuộc về trần gian. Đó có phải là một mơ mộng của những người cuồng tín không?
Chúng ta không mơ mộng. Chúa không là một ảo ảnh. Chúa đã đến trần gian, đã thánh hóa tất cả nhờ sự có mặt của Ngài. Chúng ta được cuốn hút vào vinh quang của Ngài vì Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Ngài đã hứa như thế. Nhưng chúng ta còn cái hôm nay. Chúng ta phải sống những ngày cực nhọc mệt mõi, đây thử thách lo âu của hôm nay, nhưng không phải như những người không có niềm hy vọng. Dù thử thách hay đau khổ, chúng ta không bị đè bẹp, niềm tin sẽ là sức mạnh, niềm hy vọng chúng ta không mất, vì Chúa luôn là nguồn sống. Hãy vui luôn, thánh Phaolô bảo chúng ta như vậy, hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Hãy vui vì chúng ta đã được cứu thoát khỏi tội lỗi. Vũ trụ không còn là chướng ngại mà là con đường dẫn chúng ta về với Chúa. Hãy nhìn vũ trụ trong ánh sáng phục sinh. Hãy đi trong cuộc đời như những con người tự do, không bám ghì vào trần gian mà đưa trần gian về với Chúa.
Chúa đã chết vì yêu chúng ta, Ngài sống lại cho chúng ta. Bàn tiệc Vượt qua Ngài dọn sẵn cho chúng ta, Hãy đến chung vui với Ngài, ăn lấy Ngài để cùng Ngài vượt qua mọi khó nguy đau khổ như Ngài và làm chứng bằng cuộc sống về sự phục sinh của Ngài. Hãy loan báo cho mọi người biết Ngài đã cứu vớt tất cả trong tình yêu vô biên của Ngài.
Lm Trầm Phúc