Gợi ý suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa thăng thiên năm B Lời Chúa: Mc 16,15-20

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lễ Chúa thăng thiên năm B

Lời Chúa: Mc 16,15-20

 CN Chua Thang Thien_nam B

 

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu ở lại với các môn đệ 40 ngày, và trước mặt các môn đệ, Ngài lên trời. Ngài khép lại một cánh cửa để mở ra một chân trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài tạo vật…”

Đoạn Tin Mừng của thánh Maccô thuật lại việc Chúa lên trời quá ngắn gọn, phải được bổ túc bằng tường thuật của thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta mới thấy toàn cảnh.

Việc Chúa lên trời là một biến cố có tầm vóc rộng lớn hơn chúng ta tưởng. Ngài lên trời chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa chứ không chỉ là con người. Chính Ngài đã nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”.

Các môn đệ trước kia, khi Thầy còn sống giữa họ, mặc dù Phêrô đã tuyên xưng: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống. Dù ông đã chứng kiến vinh quang của Ngài trên đỉnh núi biến hình, các ông vẫn xem Ngài là Thầy như là một con người. Giờ đây, khi Ngài đượccất lên trời, các ông mới biết Ngài là ai, là người Con Một đầy ân sủng và chân lý”.

“Ngài được cất lên”, câu nầy không thể hiểu theo nghĩa thông thường. Thánh sử phải dùng ngôn ngữ thông thường để diễn tả những thực tại thiêng liêng, vì thế chúng ta không thể hiểu theo những hình ảnh thực tế mà phải tìm thấy những gì thánh sử muốn nói. “Ngài được cất lên” nghĩa là Ngài không còn thuộc về thế giới vật chất của chúng ta, Ngài là Thiên Chúa. Ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn không thể diễn tả những gì vượt xa tầm mức của chúng ta.

Các môn đệ nhìn trời, luyến tiếc. Họ cảm thấy mất đi cái gì họ đang nắm trong tay. Thầy vẫn là nơi họ nương tựa, giờ đây không còn ở với họ nữa. Một người thân của chúng ta đi xa và sẽ không trở về, chúng ta cảm thấy thế nào ?

Ngài không lên không trung. Thiên đàng không ở trên không trung. Một áng mây bao phủ lấy Ngài. Áng mây, theo Cựu Ước là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, và chính Chúa đã nói giữa Hội Đồng Do thái: “Rồi đây các ông sẽ thấy Con Người ngự trên áng mây”, nghĩa là các ông sẽ biết tôi là Thiên Chúa. Ngài rời bỏ thế gian, rời bỏ các môn đệ nhưng sẽ hiện diện một cách khác, Ngài “ở trong”. Thân xác hạn chế Ngài, giờ đây, Ngài có thể hiện diện trong mọi người và như thế, Ngài hoạt động hữu hiệu hơn, rộng rãi hơn. Ngài làm việc trong mọi người, trong Giáo Hội Ngài. Ngài cắt tỉa những cành nho của Ngài.

Trước khi ra đi, về với Chúa Cha, Ngài đã cẩn thận báo trước: “Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em, và Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy… Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha”. Ngài cũng hứa là sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế.Nhưng khi Ngài lên trời, các ông cứ đứng nhìn trời luyến tiếc. Họ vẫn không thể hiểu được rằng Thầy không lìa bỏ họ, mà ngược lại, Ngài sẽ có mặt một cách hữu hiệu hơn, rộng rãi hơn.

Ngài trao cho họ một sứ vụ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Ngài không bảo họ ở lại trong cuộc sống nhàn hạ của mình, chỉ lo cho cuộc sống vật chất, mà phải ra đi. Ra đi là từ bỏ mọi cái gì mình thích, bỏ cả những mơ mộng trần thế: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá và theo Ta”. Lúc Chúa lên trời là lúc chúng ta phải đi ra, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói. Ra đi loan báo những gì Chúa đã làm, loan báo ơn cứu độ, loan báo tình yêu của Chúa. Chúng ta không thể đứng nhìn trời hay trông đợi Ngài khôi phục nước Itraen như các môn đệ đã ước mơ, hay cứ đặt câu hỏi: tại sao. Tại sao có chiến tranh, tại sao sự ác và đau khổ cứ tràn ngập cuộc sống ?

Không có lúc nào thế giới cần Tin Mừng như hôm nay. Khoa học đem lại tiện nghi nhưng không đem lại được bình an. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, chúng ta đang sống trong một nền văn minh của sự chết, hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống và của tình thương. Ông Gabriel Marcel đã nói từ lâu: Chúng ta đang sống trong một thế giới đã gãy đổ. Chỉ có Tin Mừng của Chúa mới khôi phục lại sự bình an và giá trị cho con người. Chỉ khi con người biết mình là con Thiên Chúa, con người mới biết yêu thương nhau. Đó là điều chúng ta phải loan báo không ngơi nghỉ.

Loan báo Tin Mừng. Sứ vụ của chúng ta thật lớn lao! Chúng ta có rất nhiều phương tiện và khả năng, nhưng gần như chúng ta không sử dụng một cách chính xác, chúng ta không tận dụng mà bỏ rơi và chúng ta nói rằng tôi không biết làm sao loan báo Tin Mừng. Như thánh Phaolô nói, mỗi người được một ơn gọi khác nhau, nhưng mọi người đếu là một thân thể, hoạt động trong thân thể đó theo hoàn cảnh của mình. Công Đồng Vatican II cũng thối thúc tất cả con cái Giáo Hội đem hết năng lực loan báo kho tàng tình yêu Chúa.

Chúng ta làm được gì? Cầu nguyện. Đó là phương tiện mà mọi người không trừ ai có thể làm và bất cứ lúc nào. Đa số chúng ta quên cầu nguyện cho việc truyền giáo, quên cầu nguyện cho những người đang chờ đợi Tin Mừng. Có ai trong chúng ta đứng giữa đường, nhìn thấy những người đi qua mà cầu nguyện cho họ?

Chúa bảo chúng ta làm chứng cho Ngài. Làm chứng bằng chính bản thân chúng ta, bằng chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy sống tốt, và thật tốt để mọi người thấy những việc lành chúng con mà ngợi khen Cha trên trời. Đây cũng là một phương tiện trong tầm tay chúng ta, và là một phương tiện hữu hiệu nhất, hơn cả những bài giảng hùng hồn nhất.

Một phương tiện khác: yêu thương. Đây cũng là một phương tiện mà chúng ta vẫn có sẵn. Ở đâu tình yêu được tỏ hiện thì nơi đó Thiên Chúa được loan báo. Tin Mừng là chính Chúa và Thiên Chúa là Yêu thương. Một người Công giáo và là một triết gia nói: “Từ khi có Chúa Giêsu trên trần gian thì cuộc đời của mỗi tín hữu là một quyển sách Tin Mừng được mở ra”.

Thánh Maccô cũng nói: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Chúng ta làm những gì có thể làm được và chính Chúa hoạt động trong các tâm hồn. và trong mỗi người chúng ta. Có lẽ chúng ta không trừ quỷ, không cầm rắn trong tay, không nói tiếng mới lạ, nhưng chúng ta có thể giúp người khác thấy được Thiên Chúa một cách nào đó mà chúng ta không thể biết.

Ngày hôm nay, Chúa thăng thiên chính là ngày xuất hành của chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ đi trong sa mạc loài người, chúng ta sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Nếu chúng ta tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng không có gì vô ích. Cứ ra đi trong cuộc đời với một khí giới duy nhất là niềm tin. Hãy đứng lên và đi. Chúa đã nói với người bất toại như thế, Ngài cũng bảo chúng ta như thế. Hãy đi, mang trong tâm hồn sự hiện diện vô hình của Chúa, mang kinh nghiệm của chúng ta là sự hiện diện của Lời nhập thể. Lời nhập thể không phải là của chúng ta mà là của những người đang mong đợi Lời đó.

Chúa Giêsu không đòi những gì quá sức chúng ta, Ngài chỉ mong chúng ta bước một bước đầu tiên và Ngài sẽ cầm tay chúng ta giúp chúng ta bước tới. Chúng ta không là một Phaolô vĩ đại, một Phanxicô Saviê hăng say nhưng chúng ta có thể là một tiếng kêu trong sa mạc loài người. Hãy cầu xin cho mọi người anh em chúng ta nhận thấy tiếng gọi ra đi của Chúa để cùng nhau, mọi người đều trở thành một loan báo sống động của Chúa, để ngày nào đó, chúng ta cùng thăng thiên, vì Thầy ở đâu anh em cũng sẽ ở đó với Thầy.

Chúa về trời, nhưng Ngài vẫn còn đây, là tấm bánh hằng sống. Ngài không lệ thuộc vào thời gian, không gian nữa, Ngài đi và vẫn ở lại bằng nhiều cách, và cách rõ rệt nhất là Thánh Thể của Ngài trao ban làm của ăn để giúp chúng ta đủ sức lên đường mỗi ngày. Ăn lấy Tấm Bánh Tình Yêu nầy, chúng ta sẽ thấy vững mạnh hơn, can đảm hơn. Thật kỳ diệu những gì Chúa làm cho chúng ta ! Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta thành những con người nhỏ hèn mà thật lớn lao, là những người được tham gia vào công việc cứu độ của Ngài.

Lm Trầm Phúc