Đức Thánh Cha Phanxicô tông du châu Phi – Gặp các giới chức chính quyền Uganda và Ngoại giao đoàn

WHĐ (28.11.2015) – Ngày thứ Sáu 27-11-2015, Đức Thánh Cha đã kết thúc chuyến viếng thăm Kenya với buổi gặp gỡ các giám mục Kenya lúc 11g15 tại phòng khánh tiết của Sân vận động Kasarani. Sau nghi lễ tạm biệt tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta của Nairobi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Kenya lúc 15g30 để đến Uganda, chặng thứ hai trong chuyến tông du 6 ngày tại châu Phi.

Lúc 16g50, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế Entebbe gần thủ đô Kamala của Uganda. Ra đón Đức Thánh Cha tại sân bay có Tổng thống Uganda Yoweri Museveni và phu nhân cùng với một số quan chức chính phủ; về phía Giáo hội có một số Giám mục và đông đảo tín hữu.

Sau nghi thức đón tiếp đơn giản, Đức Thánh Cha đã đến thăm xã giao Tổng thống Uganda tại Tòa nhà chính phủ lúc 17g30 và sau đó gặp gỡ các giới chức chính quyền cùng với Ngoại giao đoàn lúc 18g00 tại Hội trường của Tòa nhà chính phủ.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hãy “quản lý đúng đắn và minh bạch, phát triển con người toàn diện, phân phối khôn ngoan và công bằng những của cải mà Tạo hóa đã rộng rãi ban tặng”.

Về các vị tử đạo nổi tiếng của Uganda, Đức Thánh Cha nói “các ngài nhắc nhở chúng ta về vai trò đã và vẫn luônquan trọng của đức tin, lòng ngay thẳng và sự dấn thân vì công ích trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước này”.

Đức Thánh Cha cũng ca ngợi Uganda “đã thể hiện một mối quan tâm đặc biệt đối với việc tiếp nhận người tị nạn”, đó chính là “một phép thử về tính nhân loại của chúng ta, về sự kính trọng phẩm giá con người và nhất làvề tình liên đới với các anh chị em đang túng quẫn của chúng ta”.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha:

***

Kính thưa Tổng thống,

Kính thưa các thành viên trong Chính phủ,

Kính thưa các thành viên trong Ngoại giao đoàn,

Thưa quý Anh em Giám Mục,

Thưa quý vị,

Xin cảm ơn quý vị đã nồng nhiệt chào đón tôi, và tôi rất vui khi được đến đất nước Uganda. Chuyến viếng thăm của tôi đến đất nước của quý vị chủ yếu nhằm kỷ niệm 50 năm tuyên thánh cho các Vị Tử Đạo của Uganda do người tiền nhiệm của tôi là Đức giáo hoàng Phaolô VI. Nhưng tôi hy vọng sự hiện diện của tôi ở đây cũng sẽ được xem như là một dấu hiệu của tình bạn, lòng kính trọng và khích lệ cho tất cả các công dân của quốc gia vĩ đại này.

Các Thánh tử đạo, Công giáo cũng như Anh giáo, là những anh hùng quốc gia thực sự. Các ngài làm chứng cho nhữngnguyên tắc thể hiện trong châm ngôn của Uganda: Thiên Chúa và vì Tổ quốc tôi. Các ngài nhắc nhở chúng ta vai tròđã và vẫn luôn quan trọng của đức tin, lòng ngay thẳng và sự dấn thân vì công ích trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước này. Các ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù theo những tín ngưỡng và niềm tin khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm sự thật, làm việc cho công lý và hoà giải, cũng như tôn trọng, bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau như những thành viên của cùng một gia đình nhân loại. Những lý tưởng cao cả ấy đặc biệt cần phải có nơi những người như quý vị, là những người có trách nhiệm bảo đảm sự quản lý đúng đắn và minh bạch, sựphát triển con người toàn diện, tham gia rộng rãi vào đời sống quốc gia, cũng như phân phối khôn ngoan và công bằng những của cải mà Tạo hóa đã rộng rãi ban tặng vùng đất này.

Chuyến viếng thăm của tôi cũng nhằm mục đích thu hút sự chú ý tới toàn thể châu Phi, tới những hứa hẹn, hy vọng,những đấu tranh và thành công của châu Phi. Thế giới nhìn vào châu Phi như lục địa của hy vọng. Quả vậy, Uganda đã được Thiên Chúa chúc phúc với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà quý vị được mời gọi làm người quản lý có trách nhiệm. Nhưng trên hết, quốc gia này đã được chúc phúc qua các cư dân của nó: những gia đình vững mạnh,những người trẻ và người cao niên. Tôi nóng lòng chờ mong gặp gỡ các bạn trẻ vào ngày mai để có những lời cổ vũ và khích lệ dành cho họ. Điều quan trọng là chúng ta cho họ niềm hy vọng, cơ hội học tập và một công việc có thù lao, vànhất là cơ hội tham gia trọn vẹn vào đời sống của xã hội! Nhưng tôi cũng muốn nói đến phúc lành của quý vị là những người cao niên. Họ là những ký ức sống động của mỗi dân tộc. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của họ phải luôn đượcxem như chiếc la bàn giúp cho xã hội tìm ra hướng đi đúng đắn trước những thách đố hiện nay, bằng sự liêm chính,khôn ngoan và tầm nhìn xa.

Nơi đây, tại Đông Phi, Uganda đã thể hiện một mối quan tâm đặc biệt đối với việc tiếp nhận người tị nạn, giúp họ xây dựng lại cuộc sống trong an toàn và ý nghĩa của phẩm giá bắt nguồn từ một cuộc sống đạt được bằng lao động chân chính. Thế giới chúng ta, là nạn nhân của chiến tranh, bạo lực và nhiều hình thức bất công, đang có những làn sóng di dân chưa từng thấy. Cách chúng ta đối xử với di dân là một phép thử về tính nhân loại của chúng ta, về sự kính trọng phẩm giá con người và nhất là về tình liên đới với các anh chị em đang túng quẫn của chúng ta.

Mặc dù chuyến viếng thăm của tôi ngắn ngủi, tôi hy vọng sẽ khích lệ nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm chăm sócnhững người nghèo, các bệnh nhân và những người đang gặp khó khăn cách nào đó. Chính qua những dấu chỉ nhỏ bé này mà chúng ta thấy được tâm hồn thực sự của một dân tộc. Theo nhiều cách, thế giới của chúng ta đang trở nên ngày càng nhỏ đi, tuy nhiên, đồng thời chúng ta lại lo lắng nhìn thấy sự toàn cầu hoá của một “nền văn hóa dùng-xong-quăng-bỏ” làm cho chúng ta trở nên mù quáng đối với các giá trị tinh thần, làm cho con tim của chúng ta trở nên chai cứng trước nhu cầu của người nghèo, và cướp mất niềm hy vọng của những người trẻ của chúng ta.

Tôi vui mừng gặp gỡ quý vị và dành thời gian này với quý vị; tôi cầu xin cho quý vị và mọi người Uganda yêu quý luôn tỏ ra xứng đáng với những giá trị đã đào luyện nên tâm hồn của đất nước quý vị. Xin phúc lành của Chúa tuôn đổdồi dào trên tất cả quý vị.

Mungu awabariki! (Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị!)

 

Huy Hoàng chuyển ngữ