Đức Thánh Cha Phanxicô tông du châu Phi
(25-30 tháng Mười Một 2015)
*
Diễn văn tại Văn phòng Liên hiệp quốc ở Nairobi (U.N.O.N.)
Thứ Năm 26 tháng Mười Một 2015
Tôi muốn cảm ơn bà Sahle-Work Zewde, Tổng giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc tại Nairobi, đã mời tôi đến thăm Văn phòng này và đã có lời chào đón tôi, cũng như ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, và ông Joan Clos, Giám đốc điều hành của Tổ chức UN-Habitat. Tôi cũng nhân cơ hội này xin chào các nhân viên và tất cả những ai làm việc trong các tổ chức này và đang hiện diện nơi đây.
Trên đường đến hội trường này, tôi đã được yêu cầu trồng một cây trong công viên của Trung tâm Liên hiệp quốc. Tôi rất vui khi thực hiện cử chỉ tượng trưng đơn giản này, là điều rất có ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa.
Trồng cây trước hết và trên hết là lời mời gọi tiếp tục cuộc chiến chống lại các hiện tượng như phá rừng và sa mạc hóa. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ và trách nhiệm quản lý “những lá phổi rất đa dạng về sinh học của hành tinh chúng ta”; trên lục địa này, những lá phổi ấy là “lưu vực Congo”, một nơi rất cần thiết “cho toàn bộ trái đất và cho tương lai của nhân loại”. Nó cũng chỉ ra rằng cần phải ca ngợi và khuyến khích “sự dấn thân của các cơ quan quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đã cuốn hút sự chú ý của công chúng vào những vấn đề này và có những hợp tác rất quan trọng, áp dụng các phương tiện gây áp lực hợp pháp, để bảo đảm rằng mỗi chính phủ cần thực thi trách nhiệm đúng đắn và bất khả xâm phạm của mình để bảo tồn môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình, mà không đầu hàng trước những lợi ích địa phương hoặc quốc tế nguỵ tạo” (Laudato Si’, 38).
Trồng một cây cũng là điều khích lệ để tiếp tục tin tưởng, hy vọng, và trên hết là tập luyện để đảo ngược tất cả những tình trạng bất công và thiệt hại ấy mà chúng ta đang nếm trải.
Trong ít ngày nữa một cuộc họp quan trọng về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris, nơi mà cộng đồng quốc tế sẽ lại một lần nữa đối mặt với những vấn đề này. Thật đáng buồn, và tôi dám nói rằng sẽ là một thảm hoạ, nếu những lợi ích riêng lấn át công ích và đưa đến việc thao túng thông tin để bảo vệ các kế hoạch và các dự án của riêng mình.
Trong bối cảnh quốc tế này, chúng ta đang phải đối mặt với một sự lựa chọn mà chúng ta không thể làm ngơ: hoặc cải thiện hoặc phá huỷ môi trường. Mỗi bước ta đi, dù lớn hay nhỏ, cá nhân hay tập thể trong việc chăm sóc thiên nhiên, sẽ mở ra một con đường chắc chắn cho “sự sáng tạo quảng đại và xứng đáng vốn sẽ mang lại điều tốt nhất cho con người”(Laudato Si’, 211).
“Khí hậu là tài sản chung, thuộc về mọi người và dành cho mọi người”; “sự biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu với những hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và đối với việc phân phối tài nguyên; đây là một trong những thách đố chủ yếu đang đặt ra cho nhân loại ngày nay” (Laudato Si’, 23 và 25). Đối phó với những thách đố này, chúng ta “cần phải có tầm nhìn hướng đến những quyền căn bản của người nghèo và những người chịu thiệt thòi” (Laudato Si’, 93), bởi vì “việc lạm dụng và phá hoại môi trường còn kèm theo quá trình không ngừng loại bỏ môi trường” (Diễn văn tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, 25-09-2015).
COP21 (Hội nghị Paris về Biến đổi khí hậu) là một chặng quan trọng trong tiến trình phát triển hệ thống năng lượng mới, hệ thống này nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhắm đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng rất ít hoặc không có carbon. Chúng ta đứng trước trọng trách chính trị và kinh tế buộc phải nhận thức lại và điều chỉnh mô hình phát triển hiện nay đang có những rối loạn và biến dạng.
Thỏa ước Paris có thể mang lại tín hiệu sáng sủa theo chiều hướng này, với điều kiện, như tôi đã nói trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, chúng ta tránh “mọi cám dỗ sa vào thứ khoa trương duy danh chủ nghĩa mơn trớn lương tri của chúng ta. Chúng ta cần bảo đảm rằng các định chế của mình đều thực sự mang lại hiệu quả” (Dvđd.). Vì lẽ đó, tôi bày tỏ hy vọng COP21 sẽ đạt được thỏa thuận mang tính toàn cầu và có ý nghĩa “biến đổi” dựa trên những nguyên tắc về sự liên đới, công lý, bình đẳng và tham gia; một thỏa ước nhắm đến ba mục tiêu phức hợp và phụ thuộc vào nhau: hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng nghèo đói và bảo đảm quyền con người được tôn trọng.
Trước những khó khăn đang gặp phải, cần gia tăng “nhận thức hành tinh của chúng ta là quê hương và nhân loại là một dân sống dưới mái nhà chung” (Laudato Si’, 164). Không quốc gia nào “có thể hành động độc lập tách khỏi trách nhiệm chung. Nếu thực sự mong muốn sự thay đổi tích cực, chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận mình phụ thuộc vào nhau” (Diễn văn tại buổi tiếp kiến Các Phong trào Bình dân, 09-07-2015). Sẽ phát sinh vấn đề nếu chúng ta coi việc phụ thuộc vào nhau đồng nghĩa với áp chế, khuất phục để đoạt lợi của người khác, của người thấp cổ bé miệng.
Tất cả các bên cần phải đối thoại chân thành và cởi mở với sự hợp tác trong tinh thần trách nhiệm: chính quyền, cộng đồng khoa học, giới doanh nghiệp và xã hội dân sự. Không thiếu những bằng chứng tích cực; những bằng chứng này cho thấy sự hợp tác thực sự giữa chính trị, khoa học và thương mại đều có thể đạt được những kết quả đáng kể.
Đồng thời chúng ta tin rằng “con người, dù có khả năng làm những điều tồi tệ nhất, cũng vẫn có khả năng vượt lên chính mình, để chọn điều tốt đẹp và làm lại từ đầu” (Laudato Si’, 205). Xác tín này khiến chúng ta hy vọng, trong khi thời kì hậu-công nghiệp có lẽ sẽ được nhớ tới như một trong những giai đoạn vô trách nhiệm nhất trong lịch sử thì “nhân loại trong giai đoạn bình minh của thế kỷ XXI sẽ được ghi nhớ bởi đã quảng đại gánh vác trách nhiệm nặng nề của mình” (Laudato Si’, 165). Nếu điều đó xảy ra, thì các nền chính trị và kinh tế cần được đặt vào vị trí phục vụ các dân tộc, để “con người, hài hòa với thiên nhiên, cấu trúc toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối của mình sao cho từng cá nhân con người thấy những khả năng và nhu cầu của mình đều được thể hiện trong đời sống xã hội. Hoàn toàn không ảo tưởng duy tâm chủ nghĩa, mà là một viễn cảnh hiện thực mang lại cho con người và phẩm giá làm người một khởi điểm và cùng đích mọi sự (Dvđd).
Sự thay đổi thật cần thiết này, tất nhiên, không thể diễn ra nếu không có sự cam kết có thực chất đối với giáo dục và huấn luyện. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu chưa có những giải pháp về chính trị và kỹ thuật song hành với tiến trình giáo dục mang lại những cách sống mới. Đó là một nền văn hóa mới. Điều này đòi hỏi một tiến trình giáo dục vun trồng nơi các trẻ em nam nữ, phụ nữ và nam giới, người trẻ và người lớn, biết tiếp nhận nền văn hóa chăm sóc – chăm sóc bản thân, chăm sóc mọi người, chăm sóc môi trường – thay cho thứ văn hóa rác thải, loại “văn hóa dùng-xong-quăng-bỏ”, dùng xong rồi quăng bỏ cả mình, cả người khác và cả môi trường. Qua việc cổ võ nhận thức “chúng ta có nguồn gốc chung, chúng ta phụ thuộc nhau và tương lai được chia sẻ cho mọi người”, chúng ta sẽ ủng hộ sự phát triển những xác tín, thái độ và lối sống mới”. “Thách đố lớn về văn hóa, tinh thần và giáo dục đặt ra trước chúng ta, và đòi chúng ta phải giải quyết trên con đường dài đổi mới” (Laudato Si’, 202). Chúng ta vẫn còn thời gian.
Có nhiều gương mặt, câu chuyện và hậu quả rõ rệt trong cuộc sống của hàng ngàn con người đã bị loại văn hóa xuống cấp và rác thải cúng cho các ngẫu tượng lợi nhuận và tiêu thụ. Chúng ta cần phải được báo động trước dấu chỉ đáng buồn của thứ “toàn cầu hóa sự dửng dưng”, đó là tình trạng chúng ta đang quen dần những đau khổ của tha nhân, coi đó là điều bình thường (x. Thông điệp Ngày Lương thực Thế giới 16-10-2013, 2), kể cả còn tệ hơn nữa, là trở nên thụ động trước kiểu “dùng xong quăng bỏ” thật đáng sợ và những hình thức loại trừ trong xã hội, chẳng hạn các hình thức nô lệ mới, buôn bán người, lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng. “Sự gia tăng đáng buồn con số di dân tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói do môi trường bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng hơn. Họ không được các quy ước quốc tế công nhận là người tị nạn; họ mất cả cuộc đời để lại đằng sau mà chẳng nhận được bất cứ sự che chở nào về luật pháp” (Laudato Si’, 25). Nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện, nhiều ước mơ đã bị đánh chìm trong thời đại ngày nay. Chúng ta không thể cứ giữ thái độ dửng dưng trước tình trạng này được nữa. Chúng ta không được quyền.
Cùng với sự thờ ơ đối với môi trường, giờ đây có những lúc chúng ta còn chứng kiến tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, và trong nhiều trường hợp, đáng buồn thay tiến trình này đưa đến “sự phát triển mất cân đối và hỗn loạn của nhiều thành phố, sống ở những thành phố này không có lợi cho sức khỏe và cũng chẳng có hiệu quả gì” (Laudato Si’, 44). Chúng ta ngày càng thấy những triệu chứng đáng quan ngại về một xã hội xuống dốc, xã hội đó đang sản sinh “bạo lực ngày càng nhiều và xuất hiện những hình thức xâm hại mới trong xã hội, nạn buôn bán ma túy, tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ đang tăng lên, mất căn tính (Laudato Si’, 46), mất gốc và vô danh giữa xã hội (x. Laudato Si’, 149).
Đến đây tôi muốn đưa ra lời khích lệ tất cả những ai đang làm việc ở cấp địa phương cũng như quốc tế: tiến trình đô thị hóa sẽ trở thành phương tiện hiệu quả của phát triển và hội nhập. Nghĩa là sẽ bảo đảm cho mọi người, nhất là những ai đang sống tại những khu xóm xa xôi, về những quyền căn bản là có được những điều kiện sống đàng hoàng, có được đất đai, nhà ở và việc làm. Cần cổ võ những chương trình quy hoạch thành phố và bảo trì những khu vực công cộng theo hướng này đồng thời xem xét các quan điểm của người dân địa phương; như vậy sẽ giúp hạn chế nhiều trường hợp bất bình đẳng và tình trạng nghèo đói ở thành phố từng rơi vào bế tắc không chỉ về kinh tế, mà trước hết còn về xã hội và môi trường. Hội nghị Habitat-III (Hội nghị Liên hiệp quốc về nhà ở và phát triển đô thị bền vững – Chú thích của ND) sắp tới, được tổ chức tại Quito vào tháng Mười 2016, sẽ là một cơ hội quan trọng nhằm xác định những phương cách giải quyết các vấn đề này.
Trong vài ngày tới, tại Nairobi sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 10. Năm 1967, vịtiền nhiệm của tôi là Đức giáo hoàng Phaolô VI, khi nhìn thấy một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và thấy trước thực tế toàn cầu hóa hiện nay, đã suy tư về việc làm sao các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia có thể chứng tỏ là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển của các dân tộc hay, trái lại, là một nguyên nhân của sự nghèo đói cùng cực và sựloại trừ (Populorum Progressio, 56-62). Trong khi nhìn nhận rằng đã có nhiều việc được thực hiện trong lĩnh vực này,dường như chúng ta vẫn chưa đạt được một hệ thống thương mại quốc tế công bằng và hoàn toàn phục vụ cuộc chiến chống lại nghèo đói và sự loại trừ. Các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia, như là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ giữa các dân tộc, có thể gây thiệt hại cho môi trường cũng nhiều như đổi mới môi trường và giữ gìn nó cho các thế hệ tương lai.
Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận tại Hội nghị Nairobi sắp tới sẽ không chỉ đơn giản là việc cân đối các lợi ích đangxung đột, nhưng thực sự là một việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và sự phát triển toàn diện của con người,nhất là những người túng thiếu nhất. Đặc biệt tôi muốn liên đới với mối quan tâm của tất cả các nhóm đang tham gia các dự án phát triển và chăm sóc sức khỏe – bao gồm cả những dòng tu phục vụ người nghèo và những người bị bỏ rơi -liên quan đến những thoả ước về tài sản trí tuệ và tiếp cận thuốc men và dịch vụ y tế thiết yếu. Các thoả ước thương mại tự do trong khu vực về việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học, không nên chỉ duy trì nguyên vẹn các quyền hạn đã được cấp cho các quốc gia bởi các thỏa thuận đa phương, mà còn phải là một phương tiện để bảo đảm mức tối thiểu về chăm sóc sức khỏe và tiếp cận điều trị cơ bản cho mọi người. Còn các cuộc thảo luận đa phương nên để cho các nước nghèo hơn có thời gian, sự linh hoạt và các ngoại lệ cần thiết để họ tuân thủ các quy định thương mại một cách có trật tự và tương đối suôn sẻ. Tính tương thuộc và sự hội nhập của nền kinh tế không được gây thiệt hại tối thiểu cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội hiện có; nhưng phảithúc đẩy sự sáng tạo của các hệ thống ấy và vận hành tốt. Một số vấn đề về sức khỏe, như việc loại bỏ bệnh sốt rét và bệnh lao, việc điều trị các chứng bệnh được gọi là “bệnh mồ côi”, và các lĩnh vực bị lãng quên của y học nhiệt đới, đòi hỏi sự quan tâm cấp bách về mặt chính trị, vượt trên mọi lợi ích thương mại hay chính trị nào khác.
Châu Phi đem lại cho thế giới một vẻ đẹp và sự phong phú tự nhiên đã tạo niềm hứng khởi để ngợi ca Đấng Tạo Hóa. Gia sản này của châu Phi và của tất cả nhân loại không ngừng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do tính ích kỷ đủ loạicủa con người và do sự lạm dụng những tình trạng nghèo đói và loại trừ. Trong bối cảnh các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và giữa các dân tộc, chúng ta không thể im lặng trước các hình thức buôn lậu nảy sinh trong các tình huống đói nghèo rồi lại dẫn đến đói nghèo hơn và bị loại trừ. Nạn buôn bán bất hợp pháp kim cương và đá quý, kim loại quý hiếm hoặc có giá trị chiến lược lớn, gỗ, vật liệu sinh học và sản phẩm từ động vật, chẳng hạn như buôn bán ngà voi và do đó giết hại loài voi, đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị, tội phạm có tổ chức và khủng bố. Tình trạng này cũng là một tiếng kêu than của con người và của chính trái đất, cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe.
Trong chuyến viếng thăm mới đây của tôi đến trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, tôi đã bày tỏ mong muốn và hy vọng rằng công trình của Liên hiệp quốc và tất cả các hoạt động đa phương của Liên hiệp quốc có thể “bảo đảm được một tương lai an toàn và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Và nó sẽ làm được như thế, nếu các đại diện của các quốc gia biết bỏ qua một bên những lợi ích của đảng phái và ý thức hệ để thành tâm nỗ lực phục vụ công ích”. (Diễn văn tại Liên hiệp quốc, 25-09-2015).
Một lần nữa tôi xin bày tỏ sự ủng hộ của cộng đồng Công giáo, và của riêng tôi; chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và nỗ lực để những thành quả của sự hợp tác khu vực –thể hiện trong Liên minh châu Phi và nhiều hiệp định châu Phi ngày nay về thương mại, hợp tác và phát triển–, sẽ được quyết tâm theo đuổi và luôn lưu tâm đến lợi ích chung của những người con của vùng đất này.
Nguyện xin phúc lành của Đấng Tối Cao ở với từng người trong quý vị và các dân tộc của quý vị. Xin cảm ơn.
Đức Thành chuyển ngữ