Cuộc gặp gỡ sẽ được tổ chức vào ngày cuối cùng của Hội nghị thế giới về chứng tự kỷ do Toà Thánh Vatican tổ chức.
Các nhà khoa học, các bác sĩ và gia đình của những người mắc chứng tự kỷ sẽ thảo luận về những khám phá mới nhất đối với chứng rối loạn này và sẽ trao đổi kinh nghiệm làm sao đến với những người mắc chứng tự kỷ một cách tốt nhất.
Giáo sư tâm thần học Stefano Vicari thuộc bệnh viện “Hài nhi Giêsu” ở Roma cho biết: “Chúng tôi tin rằng phương pháp điều trị hiệu quả nhất mang tính lâu dài: mỗi tuần hơn 20 giờ. Đó là một kỳ công đáng kể, và chủ yếu phải có sự tham gia của cha mẹ”.
Cứ 100 trẻ em sinh ra có một em mắc chứng tự kỷ, nhưng người ta không nhận ra các triệu chứng tự kỷ trước khi trẻ được 18 tháng tuổi. Chẩn đoán sớm có thể giúp điều trị một số biểu hiện của chứng rối loạn này.
Giáo sư nói thêm: “Một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho cha mẹ là đứa trẻ không nói được. Hơn nữa, trẻ cũng không giao tiếp được qua cử chỉ”.
Đó là những đứa trẻ không nói được, không ra hiệu được, khó giao tiếp với người khác. Nhưng dù sao chúng vẫn là những con người. Vì thế Toà Thánh muốn nâng cao nhận thức về tình trạng của các gia đình có trẻ em mắc chứng tự kỷ, bởi vì những người tự kỷ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.
Giáo sư Stefano Vicari nói: “Gia đình của một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ là một gia đình có nguy cơ cao. Nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ đã đổ vỡ, trước hết là vì gánh nặng của việc gặp phải một khuyết tật như thế, vốn làm lung lay nền tảng của cuộc sống gia đình”.
Người cha của một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ cho biết: “Thật bất ngờ, sau rất nhiều nỗ lực với đứa con trai yêu quý, vợ chồng tôi bỗng nhận được một món quà quý giá. Đột nhiên, đứa con 7 tuổi của chúng tôi chạy đến và nói: Con yêu bố mẹ nhiều lắm, con yêu bố mẹ”.
Nhiều ca sĩ Italia cũng sẽ tham dự buổi gặp gỡ này cùng với Đức Thánh Cha. Các ca sĩ này muốn giúp đỡ các bệnh nhân nhỏ bé nhất thoát khỏi sự cô lập, và chỉ cho những em này thấy rằng xã hội vẫn cần đến chúng.
(Theo Rome Reports)
Minh Đức
WHĐ