Một vị Hồng Y người Nam Phi, từng là một trong bốn Hồng Y Thừa Ủy tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nói với một cơ quan thông tấn Áo rằng ngài hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một “sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội” trong tài liệu hậu Thượng Hội Đồng.
Đức Hồng Y Wilfrid Napier nói với kath.net: “Tôi hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô soi sáng rõ ràng hơn về những gì các cặp vợ chồng cần phải làm để xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp, và bền chặt thông qua Bí Tích Hôn Nhân và một cuộc sống gia đình có tổ chức xây dựng được trên nền tảng lời cầu nguyện, những việc tôn sùng và các bí tích, tất cả cùng tổ chức với nhau như một gia đình”.
Ngài nói thêm:
“Chúng ta nên mong đợi một sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội với sự nhấn mạnh vào việc chuẩn bị và đồng hành với cô dâu chú rể và những người trong hoàn cảnh khó khăn”
Chỉ trích “nỗi ám ảnh của các phương tiện truyền thông phương Tây liên quan đến những người ly dị và tái hôn dân sự và tình dục đồng giới,” ngài nhận xét rằng “chúng ta không nghi ngờ gì là họ đã cố ý muốn lèo lái chương trình nghị sự” của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình qua các áp lực từ các phương tiện truyền thông.
Được hỏi tại sao Giáo Hội tại châu Phi đang tăng trưởng mạnh trong khi Giáo Hội tại châu Âu đang có chiều hướng giảm sút, Đức Hồng Y nhận định rằng:
“Khi bạn nhìn vào châu Phi, đặc biệt là từ quan điểm của việc phát triển con người, tổ chức xã hội và đời sống chính trị, bạn sẽ đánh giá cao ngay tại sao người châu Phi nói chung, có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng họ cần Thiên Chúa. Ở châu Phi, thật là dễ dàng hơn nhiều để nhận ra và khẳng định rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc sống của bạn ở đâu và như thế nào. Nhận thức này làm cho con người dễ dàng chấp nhận và thực hành tôn giáo là điều mang lại cho họ một sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Châu Âu và phương Tây có thể học hỏi điều gì nơi chúng tôi? Nền văn hóa toàn cầu có xu hướng cổ võ cho việc tự lực cánh sinh hay thậm chí tự túc tự mãn, đó là một bước nhảy ngắn tới chỗ nói rằng, ‘Tôi OK. Tôi không thực sự cần đến Thiên Chúa!’ Con người cần học biết và nhận ra họ cần đến Thiên Chúa biết là ngần nào.
Và điều đó sẽ chuyển hóa thành sự tha thiết hơn đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, nơi giáo huấn của Giáo Hội bắt nguồn, và đặc biệt là một phong cách sống trong đó không ngừng nới rộng không gian cho Chúa Giêsu Kitô như là Đấng thực sự đang hiện diện nơi chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta.”
(Đặng Tự Do, VCN 21.11.2015)