Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn báo Công giáo và Dân tộc trong sứ vụ mới

Ngay sau khi nhận quyết định của Tòa Thánh bổ nhiệm làm tân Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc cuộc phỏng vấn trong sứ vụ mới.

 

CGvDTChúng con được biết trước đây, lúc còn là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (2009 – 2010), Đức cha từng tham gia đề án hình thành Học viện Công giáo Việt Nam. Và Học viện đã đón nhận quyết định thành lập vào năm 2015, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9.2016. Nay được bổ nhiệm làm Viện trưởng, đâu là cảm xúc đầu tiên của Đức cha? 

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Cảm xúc đầu tiên của tôi là lo lắng vì đây là Học viện Công giáo Việt Nam, tức là của cả nước chứ không chỉ của một Giáo phận. Tuy nhiên có hai điều làm tôi an tâm. Một là tôi nhìn đây là tiếng gọi của Chúa qua quyết định của Hội đồng giám mục, và Chúa đã gọi thì Chúa sẽ lo liệu. Hai là Hội đồng giám mục đã trao trách nhiệm, thì các ngài cũng sẽ đồng hành với tôi và giúp tôi chu toàn nhiệm vụ.

CGvDT: Trong cương vị tân Viện trưởng, Đức cha quan tâm hoặc ưu tiên gì để tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện? 

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ưu tư trước mắt là cơ sở vật chất. Giáo phận Bắc Ninh đã quảng đại cho Hội đồng giám mục sử dụng phần đất của Nhà hưu dưỡng Bắc Ninh (tọa lạc tại phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) để làm cơ sở cho Học viện Công giáo, nhưng phòng ốc, nhà cửa còn rất sơ sài. Vì thế, bắt buộc phải xây dựng lại để có thể tương đối đáp ứng nhu cầu học hành và nghiên cứu của một Học viện.

CGvDT: Từng lấy học vị tiến sĩ Thần học mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ và có thời gian từng làm Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, chuyên môn và kinh nghiệm đã trải qua có là lợi thế giúp Đức cha khi đảm nhiệm vai trò Viện trưởng một Học viện Công giáo?

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Đúng là kinh nghiệm có thể giúp cho tôi đảm nhận trách nhiệm mới cách tốt hơn, thế nhưng kinh nghiệm mà thôi chưa đủ, bất cứ môi trường làm việc nào cũng đòi hỏi tôi phải quan sát, lắng nghe, học hỏi thêm nhiều điều để có thể chu toàn nhiệm vụ cách tốt nhất.

CGvDT: Đức cha có dự kiến hay kế hoạch gì cho giai đoạn đầu trong trách vụ mới? 

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Học viện Công giáo Việt Nam là Học viện của Hội đồng giám mục, tuy nhiên cho đến nay sự tham gia của các Giáo phận còn khá mỏng, về nhân sự giảng dạy cũng như về sinh viên theo học. Tôi mong trong tương lai sẽ có sự tham gia tích cực hơn của các Giáo phận, như thế mới làm sáng lên ý nghĩa và tầm vóc của Học viện Công giáo Việt Nam.

CGvDT: Hiện là Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, trọng trách này có ảnh hưởng gì đến công việc của Đức cha tại Học viện Công giáo Việt Nam?

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Nhân sự giảng dạy tại Học viện khá nhiều là các linh mục và tu sĩ các dòng. Sinh viên cũng thế, cách riêng ở cấp Cử nhân thần học. Vì thế tôi nghĩ đây là điều thuận lợi vì tôi đã được quen biết nhiều với các dòng tu.

CGvDT: Là người đứng đầu một Học viện Công giáo, nơi đào tạo kiến thức – chuyên môn cho phần đông các linh mục, tu sĩ, Đức cha kỳ vọng gì cho tương lai của Học viện?

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngay từ đầu, Hội đồng giám mục đã đặt mục tiêu cho Học viện Công giáo Việt Nam là:

– Nâng cao sự hiểu biết đức tin của mọi thành phần Dân Chúa;

– Đào tạo đội ngũ giảng viên dạy Thần học tại các cơ sở đào tạo của Giáo Hội;

– Thúc đẩy suy tư thần học trong bối cảnh văn hóa Việt Nam;

– Nghiên cứu những phương pháp mới nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ và loan báo Tin Mừng trong bối cảnh thời đại;

– Đối thoại với các hệ tư tưởng và trào lưu văn hóa của thời đại.

Đây cũng chính là những mục tiêu tôi hướng tới.

CGvDT: Đức cha có nghĩ đến việc mở Học viện ra theo chiều rộng và chiều sâu, nghĩa là có thêm các cơ sở khác của Học viện ở hai giáo tỉnh miền Bắc và miền Trung, cũng như tăng thêm các phân khoa và bậc đào tạo ở Học viện?

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Thiết nghĩ phải xây dựng Học viện hiện nay cho thật tốt, sau đó mới có thể nghĩ đến việc mở rộng hơn nữa.

CGvDT: Xin cảm ơn Đức cha!

LIÊN GIANG (thực hiện)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*