Sau khi hiện ra tại La Salette – Fallavaux, gần làng Corps ngày 19 tháng 9 năm 1846, ngày 17 tháng giêng năm 1871, tức 25 năm sau, Đức Trinh Nữ Maria lại hiện ra tại làng Pontmain, tỉnh Mayenne, vùng tây bắc nước Pháp.
Đức Mẹ đã hiện ra trong bối cảnh của cuộc chiến giữa quân Phổ và quân Pháp. Các đạo binh của Pháp thất bại khắp nơi. Thành phố Metz, pháo đài quan trọng nhất của Âu châu, đã bị bao vây hồi tháng 8 năm đó, và vào tháng 10 đã phải đầu hàng quân Phổ. Thủ đô Paris bị bao vây và dân chúng chết vì đói. Đệ Nhị Đế Quốc đã sụp đổ và các đội quân Phổ và đồng minh chiếm một phần lớn nước Pháp. Ngày 12 tháng giêng năm 1871 quân Phổ có mặt tại thành phố Mans và tiến về phía tây, tức tiến về Mayenne. Dân chúng vô cùng lo sợ vì nhiều chồng con của họ đã tòng quân và không có tin tức gì. Ngoài chiến tranh ra, lại còn có một trận dịch thương hàn và đậu mùa hoành hành, khiến cho người dân rất khổ sở. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng ấy họ quay về với tôn giáo và cầu xin Chúa cứu giúp.
Đêm ngày 17 tháng giêng năm 1871 tuyết rơi phủ kín làng Pontmain. Hai chú bé Eugène 12 tuổi và Joseph Barbedette 10 tuổi giúp cha chất các cây kim tước vào trong lẫm. Eugène ra khỏi lẫm để nhìn thời tiết. Chính lúc đó chú bé kêu lên là thấy “một Bà đẹp” hiện ra trên mái nhà đối diện. Bà mặc một chiếc áo có đầy sao nhìn chú bé và mỉm cười, hai tay giang ra. Nghe chú bé kêu dân làng chạy tới coi và các trẻ em khác cũng tuyên bố là chúng trông thấy “Bà đẹp”. Chúng bảo đảm là có một quả cầu hình trái xoan mầu xanh với 4 cây nến tắt đến vây quanh bà. Cha Guérin, cha sở Pontmain, liền tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện chung quanh các trẻ em. Trong khi cộng đoàn lần hạt Mân Côi và đọc kinh Magnificat, thì các trẻ em nói rằng có một băng rôn giữa trái cầu hình xoan và mái nhà, trên đó có ghi sứ điệp của Bà đẹp: “Các con hãy cầu nguyện. Thiên Chúa sẽ nhận lời các con trong ít thời gian. Con Ta sẽ để cho mình cảm động”.
** Trong khi cộng đoàn cầu nguyện, thì các trẻ em bỗng trở nên rất buồn. Chúng giải thích rằng gương mặt của Đức Trinh Nữ cũng đã trở nên buồn bã, và một cây thánh giá lớn mầu đỏ có Chúa Giêsu đẫm máu hiện ra trước Mẹ. Trên đỉnh thánh giá có một bảng mầu trắng mang tên Giêsu Kitô. Các trẻ em giải thích rằng bà cầm thánh giá trên tay và giơ nó cho các em, trong khi một ngôi sao thắp sáng lên từng cây nến một, cho tới lúc đó vẫn tắt.
** Sau đó khi cha sở bắt hát thánh thi “Kính chào Mẹ là Sao Biển”, các trẻ em miêu tả rằng thánh giá biến mất, Đức Trinh Nữ lấy lại dáng điệu ban đầu, hai tay giang ra hướng về chúng, có một thánh giá nhỏ mầu trắng nhô lên trên mỗi vai, và cảnh tượng được phủ một mảnh voan trắng trước khi biến mất. “Tất cả đã hết”, các em nói. Khi đó dân làng trở về nhà. Ngày 26 tháng giêng cuộc đình chiến được ký kết với quân Phổ. Vua Phổ được công bố là hoàng đế nước Đức. Dân chúng làng Pontmain và vùng phụ cận coi đó là một ơn của việc Đức Mẹ hiện ra, nhất là vì quân Phổ đã không tiến vào Laval. Thế là các tín hữu tuốn về hành hương Pontmain.
ĐC Casimir Wicart, Giám Mục giáo phận Laval, ra lệnh điều tra các vụ hiện ra. Chính Đức Cha đã đến hỏi bốn trẻ em đã tuyên bố là trông thấy Đức Mẹ: hai anh em Joseph và Eugène Barbedette, Françoise Richer và Jeanne Marie Lebossé. Theo tiến trình thường tình cuộc điều tra tiến hành kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng kết thúc ngày mùng 2 tháng 2 năm 1872. ĐC Wicart công nhận tính cách đích thực việc Đức Mẹ hiện ra và cho phép tôn sùng Đức Mẹ Pontmain. ĐC tuyên bố như sau: “Chúng tôi xét rằng Đức Trinh Nữ Maria vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, đã thật sự hiện ra ngày 17 tháng giêng năm 1871 với Eugène và Joseph Barbedette, Françoise Richer và Jeanne Marie Lebossé trong thôn Pontmain”.
Sau khi việc Đức Mẹ hiện ra được giáo quyền công nhận, cha Guérin, cha sở làng Pontmain, bảo đảm việc tiếp đón các tín hữu hành hương cùng với các nữ tu của trường học giáo xứ. Nhưng sau khi ngài qua đời năm 1872, ĐGM mời các cha thừa sai Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm linh hoạt các cuộc hành hương đầu tiên tới Pontmain và giảng trong vùng.
ĐC Wicart đặt viên đá đầu tiên xây vương cung thánh đường Đức Bà Pontmain ngày 18 tháng 6 năm 1873, nhưng ngài qua đời ít lâu sau đó. Các Giám Mục kế vị tiếp tục công trình xây cất, và vương cung thánh đường được đã hoàn thành năm 1890, nhưng vì lúc đó giáo phận Laval không có Giám Mục, nên nhà thờ đã chỉ được Đức Cha Pierre Geay thánh hiến ngày 15 tháng 10 năm 1900. Ngày 21 tháng hai năm 1905 ĐGH Pio X nâng nhà thờ Đức Bà Pontmain lên hàng vương cung thánh đường. Trong các ngày 22 tới 24 tháng 9 năm 1908 nhà thờ được tuyên bố là Vương cung thánh đường “Đức Bà hy vọng Pontmain” trước sự hiện diện của 2 Tổng Giám Mục, 4 Giám Mục, 600 linh mục và 15.000 tín hữu. Năm 1964 các lễ nghi kỷ niệm 75 năm Đức Mẹ hiện ra đã do Đức Sứ Thần Toà Thánh Roncali chủ sự, sau này sẽ là ĐGH Gioan XXIII.
** Vương cung thánh đường có các kính mầu rất đẹp được nhiều chuyên viên khác nhau làm từ năm 1874 tới 1998. Tín hữu có thể suy niệm với các cảnh diễn tả trên các kính mầu. Trong cung thánh nhóm kính mầu thứ nhất có các cảnh: thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Đức Maria thăm bà Elisabét, Chúa Giêsu sinh ra, các mục đồng thờ lậy Chúa Hài Nhi, các đạo sĩ thờ lậy Chúa Hài Đồng. Nhóm kính mầu thứ hai có các cảnh: dâng Chúa Giêsu vào Đền thở, trốn sang Ai Cập, Chúa Giêsu ở trong Đền thờ năm lên 12 tuổi, tiệc cưới làng Cana. Nhóm kính mầu thứ ba gồm các cảnh: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ trên đường lên núi Sọ, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với Mẹ Maria, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Mẹ ngủ, Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đội triều thiên cho Đức Mẹ. Nhóm kính mầu thứ bốn gồm các cảnh: Sáng thế và cuộc tạo dựng mới, các vua tổ phụ của Chúa Giêsu, Đức Mẹ sinh ra, các thiên thần hát mừng, dâng Đức Mẹ vào Đền thánh, Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi, Chúa Kitô vinh quang đang đọc sách, công bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, ĐC Wicart dâng vương cung thánh đường cho Đức Mẹ, cảnh đặt viên đá đầu tiên.
Các kính mầu trong nhà nguyện Đức Bà gồm các cảnh tả lại cuộc đời thánh Giuse: báo mộng cho Giuse, đám cưới, Chúa Giêsu sinh ra, trốn sang Ai Cập, tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ, thánh Giuse canh giữ Thánh Gia, thánh Giuse thợ mộc, thánh Giuse qua đời, đội triều thiên cho thánh Giuse.
Các kính mầu trong nhà nguyện Thánh Thể gồm các cảnh: vua Đavít chơi hạc cầm, Chúa Giêsu và người đàn bà xứ Samaria, Mục Tử Nhân Lành, ông Môshê cho nước vọt ra từ tảng đá, người lính đâm cạnh sườn Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cho bà Maria Margarita xem Tim Ngài, tư tế Melkixêđê dâng bánh rượu, thánh Gioan tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly, hai môn đệ làng Emmaus.
Các kính mầu của gian ngang vương cung thánh đường phiá nhà nguyện Thánh Thể, gồm các cảnh: kinh cầu Thánh Tâm, cuộc đời Chúa Giêsu, các dụ ngôn trong Phúc Âm, các dấu chỉ hiện ra.
Các kính mầu gian ngang phía nhà nguyên Đức Mẹ, gồm các cảnh: kinh cầu Đức Bà, cuộc đời Chúa Giêsu, các dấu chỉ hiện ra.
Các kính mầu của các nhà nguyện bên cạnh phiá Đông gồm: nhà nguyện Mân Côi, thánh Phêrô, nhà nguyện thánh Phanxicô thành Assisi,
Các kính mầu nhà nguyện bên cạnh phía Tây gồm nhà nguyện thánh Anna, Chúa Kitô vinh quang, nhà nguyện Phong trào Thánh Thể.
Sự kiện Đức Mẹ hiện ra và được giáo quyền công nhận khiến cho làn sóng tín hữu kéo nhau hành hương tới Pontmain gia tăng nhanh chóng. Trong ngày kỷ niệm một năm Đức Mẹ hiện ra ngày 17 tháng giêng năm 1872 đã có 8.000 người hành hương tuốn về Pontmain.
** Năm 1903 các cha dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm bị trục xuất khỏi Pháp sau khi có đường lối chính trị tách biệt các Giáo Hội và Nhà nước. Các cha đã chỉ trở lại Pontmain sau Đệ Nhất Thế Chiến. Trong suốt thời gian này chính cha sở Pontmain lo lắng tiếp đón các khách hành hương. Các tu sĩ Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện vẫn tiếp tục công tác tiếp đón và linh hoạt các đoàn hành hương.
Liên quan tới bốn trẻ em đã được trông thấy Đức Mẹ hiện ra thì hai bé trai Joseph và Eugène sau này vào chủng viện và trở thành cha sở. Françoise Richer trở thành bà quản gia giúp việc cho cha Eugène Barbedette, trong khi Jeanne Lebossé thì vào dòng tu.
Nữ công tước De Pange, con gái công tước De Broglie, kể rằng bà mẹ của bà nghi ngờ không tin việc Đức Mẹ hiện ra. Vì lập gia đình với một nhà chính trị nên bà không tin các hậu quả chính trị, mà xem ra biến cố Đức Mẹ hiện ra đã khơi dậy. Nhưng bà đặc biệt bị đánh động bởi kiểu diễn tả Đức Mẹ. Có dip nói chuyện với cha Eugène Barbedette bà hỏi cha bức tượng nhỏ đó có thực sự giống hình Đức Mẹ cha đã trông thấy không. Dù cha luôn luôn trả lời là giống, nhưng bà không tin, trong khi cô con gái thì tin, và cô viết trong nhật ký của mình: “Chắc chắn là cha Eugène Barbedette chân thành và vô vị lợi, khi ngài nói về thị kiến trên trời đã soi sáng tuổi trẻ của ngài… Ngài đã chỉ là một đứa bé nhà quê nghèo nàn… Ngài đã chỉ biết đọc một chút, cũng như các đứa trẻ khác đã trông thấy Đức Mẹ như ngài. Chúng đã đánh vần từng chữ một: “Các con hãy cầu nguyện… Thiên Chúa sẽ nhận lời các con trong vòng ít lâu nữa…” Nhưng các trẻ em lưỡng lự trên các chữ tiếp theo và đã đọc “Con Ta mệt mỏi”, điều này xem ra ít rõ ràng và gây gương mù gương xấu cho các người đạo đức đứng chung quanh các trẻ em được thị kiến. Các em đã phải đánh vần nhiều lần trước khi đọc hết cả câu: “Con Ta để cho mình cảm động”…Cho dù xem ra các sự kiện có ngây ngô và ít tin được, nhưng phải thừa nhận rằng cha Barbedette đã cho người ta cảm tưởng là một người hoàn toàn có ý thức và có lý trí, và không có dấu hiệu nào của việc loạn óc”.
Trong các năm 1900 có ai đó đem một tượng Đức Mẹ Pontmain về Libăng, và để tại làng Béchouate. Khi Đức Mẹ hiện ra tại làng này trong các năm 1976 và 2004, bức tượng này, mà bản gốc đã bị lãng quên, được dùng để yểm trợ óc tưởng tượng của tín hữu.
Cha Claude Poussier, giám đốc đền thánh Đức Bà Pontmain, sẽ nhắc lại nguồn gốc bức tượng này, khi ngài đến hành hương tại Béchouate hồi tháng giêng năm 2005. Nhân dịp đó sứ điệp của Đức Bà Pontmain đã được dịch ra tiếng A rập và được khắc trên đền thánh Béchouate như tín hữu hành hương có thể trông thấy hiện nay.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 05.04.2017)