ĐTC Phanxicô: Trong thời gian cách ly, hãy chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng

Trong thời gian cách ly không thể đến nhà thờ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cử hành Phụng vụ tại gia với Thánh giá và Tin Mừng. Hãy hết lòng cầu nguyện, chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng.

Trong bài giáo lý vào sáng thứ Tư Tuần Thánh 08/04/2020, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống cuộc Thương khó và sự chết của Chúa Giêsu như một “cử hành phụng vụ tuyệt vời tại gia” khi chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô và suy niệm Lời Chúa. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu mở trọn tâm hồn để cầu nguyện trong những ngày thánh này, để tìm thấy nơi thánh giá Chúa và Tin Mừng câu trả lời cho những vấn nạn chúng ta gặp phải trong thời gian thử thách khó khăn này.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

 Anh chị em thân mến,

Trong những tuần lo lắng bất an vì trận đại dịch đang làm cho thế giới phải đau khổ rất nhiều, trong số rất nhiều câu hỏi mà chúng ta tự hỏi, cũng có thể có những câu hỏi về Chúa: Chúa làm gì trước nỗi đau của chúng ta? Người ở đâu khi mọi thứ bị hủy hoại? Tại sao Người không nhanh chóng can thiệp giải quyết các vấn đề? Đây là những câu hỏi chúng ta đặt ra về Thiên Chúa.

Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không?

Tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mà chúng ta suy niệm trong những ngày thánh này, rất hữu ích đối với chúng ta. Thực tế là trong tường thuật này cũng có rất nhiều câu hỏi. Sau khi chào đón Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, dân chúng đã tự hỏi liệu cuối cùng Người có giải thoát dân tộc khỏi kẻ thù của họ không (x. Lc 24,21). Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế hùng mạnh, chiến thắng bằng gươm giáo. Nhưng ngược lại, một con người có tâm hồn hiền lành và dịu hiền đã đến, Người kêu gọi hoán cải và thương xót. Và chính đám đông, những người trước đó đã tung hô Người, giờ đây gào thét: “Hãy đóng đinh nó!” (Mt 27,23). Những người đi theo Người, vì bối rối hoảng sợ, đã rời bỏ  Người. Họ nghĩ: nếu số phận của Chúa Giêsu là thế này, thì Đấng Thiên Sai không phải là Ngài, vì Thiên Chúa mạnh mẽ, Thiên Chúa bất khả chiến bại.

Một người ngoại đạo đã nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa

Nhưng, nếu chúng ta tiếp tục đọc tường thuật về cuộc Thương Khó, chúng ta sẽ tìm thấy một sự thật đáng kinh ngạc. Khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, viên đại đội trưởng người La Mã, người không phải là tín đồ, không phải là người Do Thái: một người ngoại đạo, đã nhìn thấy Chúa đau khổ trên thập giá, đã nghe Chúa tha thứ cho mọi người, đã chạm vào tình yêu vô bờ bến của Chúa, ông nói: Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Ông nói điều hoàn toàn trái ngược với những người khác. Ông nói rằng có Thiên Chúa ở đó, thực sự là Chúa.

Trên Thập giá, chúng ta nhận biết chân dung của Thiên Chúa

Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: đâu là gương mặt đích thực của Chúa? Thường thường chúng ta phóng chiếu tối đa nơi Người điều phản ánh thực chất của chúng ta: thành công của chúng ta, ý thức về công lý và cả sự phẫn nộ của chúng ta. Nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không như thế. Người khác với điều chúng ta nghĩ và chúng ta không thể biết Người bằng sức mạnh của chính mình. Đây là lý do tại sao Người đã đến gần, đã đến gặp chúng ta và chính trong lễ Phục Sinh, Người mặc khải chính mình hoàn toàn. Người đã tự mặc khải hoàn toàn ở đâu? Trên thập giá. Ở đó chúng ta học các nét chân dung của Thiên Chúa.

Hãy nhìn vào Chúa chịu đóng đinh để dẹp bỏ định kiến của chúng ta về Thiên Chúa

Anh chị em, chúng ta đừng quên rằng thánh giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Sẽ thật tốt khi chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá trong thinh lặng và thấy được Chúa của chúng ta là ai: là Đấng không chỉ tay chống lại ai đó, thậm chí không chống lại những người đang đóng đinh Người, nhưng mở rộng vòng tay với mọi người; Người không đè nát chúng ta bằng với vinh quang của Người nhưng để cho mình bị lột trần vì chúng ta; Người không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói, nhưng âm thầm ban sự sống cho chúng ta; Người không trói buộc nhưng giải thoát chúng ta; Người không xem chúng ta là người xa lạ, nhưng mang lấy trên mình sự dữ chúng ta làm, tự nhận lấy tội lỗi của chúng ta. Và để xóa bỏ những định kiến của chúng ta ​​về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào Đấng bị đóng đinh.

Phụng vụ tại gia

Và  chúng ta hãy mở Tin Mừng. Trong những ngày này, tất cả đang cách lý và ở trong nhà, chúng ta cầm trong tay hai thứ này: Cây thánh giá, hãy chiêm ngắm nó; và mở sách Tin Mừng. Điều này đối với chúng ta giống như một cử hành phụng vụ tại gia tuyệt vời, bởi vì chúng ta không thể đến nhà thờ trong những ngày này. Thánh giá và Tin mừng.

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu

Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng khi mọi người đến với Chúa Giêsu để tôn vinh Người lên làm vua, ví dụ sau khi Người hóa bánh ra nhiều, Người đã rời đi nơi khác (x. Ga 6,15). Và khi ma quỷ muốn tiết lộ sự cao cả uy nghi của Chúa, Người bắt chúng im lặng (x. Mc 1,24-25). Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm, Người không muốn mọi người nhầm lẫn Thiên Chúa thực sự, Đấng là tình yêu khiêm nhường, với một vị thần giả, một vị thần trần gian thể hiện và chiến thắng bằng vũ lực. Người không phải là một thần tượng. Chính Thiên Chúa đã trở thành con người, giống như mỗi chúng ta, và thể hiện mình là một con người nhưng với sức mạnh Thiên Chúa của Người. Ngược lại, căn tính của Chúa Giêsu được tuyên bố long trọng ở đoạn nào trong Tin Mừng? Khi viên đại đội trưởng người La Mã nói: “Người này thực sự là Con Thiên Chúa.” Nó được tuyên bố ở đó, ngay khi Chúa hiến mạng sống trên thập giá, để chúng ta không còn có thể nhầm lẫn: chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng trong tình yêu, và không theo bất kỳ cách nào khác. Đó là bản tính của Người, bởi vì Ngài là như vậy. Người là tình yêu.

Quyền lực thế gian qua đi nhưng tình yêu của Thiên Chúa tồn tại

Bạn có thể phản đối: Tôi làm gì với một Thiên Chúa yếu đuối như thế? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ, một Thiên Chúa mạnh mẽ!” Nhưng bạn biết đấy, quyền lực của thế giới này sẽ qua đi, trong khi tình yêu tồn tại. Chỉ có tình yêu mới gìn giữ được sự sống mà chúng ta có, bởi vì nó ôm lấy sự mong manh của chúng ta và biến đổi nó. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng mà trong lễ Phục sinh đã chữa lành tội lỗi của chúng ta bằng sự tha thứ của Người, Đấng làm cho sự chết trở thành con đường đến sự sống, Đấng biến đổi nỗi sợ hãi của chúng ta thành sự tín thác, nỗi thống khổ của chúng ta thành hy vọng. Phục sinh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở thành điều tốt đẹp, Đấng mà với Người, chúng ta có thể thực sự tin tưởng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp. Và đây không phải là ảo ảnh, bởi vì cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu không phải là ảo ảnh: đó là một sự thật! Bởi vì vào sáng ngày Phục sinh chúng ta được nghe nói: “Đừng sợ!” (x. Mt 28,5). Và những câu hỏi đau khổ về sự ác không biến mất đột ngột, nhưng tìm thấy trong Đấng Phục sinh nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị đắm chìm.

Biến đổi lịch sử bằng cách đến gần Chúa và đón nhận ơn cứu độ

 

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử bằng cách trở nên gần gũi với chúng ta và biến nó trở thành lịch sử cứu độ, mặc dù vẫn còn những sự ác trong lịch sử. Người đã biến nó thành lịch sử cứu độ. Khi hiến dâng sự sống trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đã chiến thắng sự chết. Từ trái tim rộng mở của Đấng chịu đóng đinh, tình yêu của Thiên Chúa đến với mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử của mình bằng cách đến gần Người, đón nhận ơn cứu độ mà Người ban cho chúng ta.

Chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng

 

Anh chị em, chúng ta hãy mở trọn tâm hồn cầu nguyện, trong tuần này, trong những ngày này: với Thánh Giá và với Tin Mừng. Xin anh chị em đừng quên: Thánh giá và Tin Mừng. Phụng vụ tại gia sẽ là thế. Chúng ta hãy mở trọn tâm hồn cầu nguyện, hãy để ánh mắt của Chúa nhìn chúng ta, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương, vì Chúa không bỏ rơi chúng ta và không bao giờ quên chúng ta. Và với những ý tưởng này, tôi cầu chúc anh chị em một Tuần Thánh và một lễ Phục sinh thánh thiện.

Hồng Thủy

(VaticanNews Tiếng Việt 08.04.2020)