DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP “CHĂM SÓC LÀ CÔNG VIỆC, CÔNG VIỆC LÀ CHĂM SÓC” CỦA BỘ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
Thứ Tư, ngày mồng 08 tháng 05 năm 2024
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Nhân cuộc gặp gỡ của anh chị em, tôi vui mừng chào đón anh chị em, như là đối tác của Tổ chức Lao động Quốc tế, của các Hội đồng Giám mục, của các Dòng tu, của các tổ chức Công giáo và các hệ phái khác, của các công đoàn và các nhóm cơ sở khác tham gia vào dự án “Tương lai của Công việc: Việc làm sau Thông điệp Laudato Si’”.
Trong 6 năm qua, anh chị em đã tham gia vào việc suy tư, đối thoại và nghiên cứu, đề xuất các mô hình hành động đổi mới nhằm tạo ra công việc công bằng, chính đáng và xứng nhân phẩm cho tất cả mọi người trên thế giới. Tôi xin cảm ơn quý Bề trên của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã khuyến khích những nỗ lực này. Tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế đã làm việc để điều phối và quản lý dự án. Cảm ơn anh chị em rất nhiều!
Trong những ngày tới, cuộc họp mặt của anh chị em sẽ tập trung vào chủ đề “Chăm sóc là công việc, công việc là chăm sóc”. Xây dựng một cộng đoàn chuyến đổi toàn cầu. Điều này sẽ cho phép anh chị em tiến đến giai đoạn thứ hai của dự án này, đó là áp dụng phương pháp phân định xã hội chung. Thật vậy, điều cần thiết là phải tập hợp tất cả các nguồn lực cá nhân và tổ chức của chúng ta để bắt đầu tìm hiểu đầy đủ về bối cảnh xã hội nơi chúng ta đang hoạt động, cố gắng nắm bắt tiềm năng, đồng thời, nhận ra trước những căn bệnh mang tính hệ thống có thể trở thành bệnh dịch xã hội.
Anh chị em đã xác định được 5 vấn đề có tầm quan trọng then chốt đối với toàn xã hội. Tôi muốn đề cập ngắn gọn về 5 vấn đề này.
Trước hết, công việc xứng nhân phẩm và ngành khai thác mỏ. Như tôi đã quan sát, và nhắc lại trong Thông điệp Laudato Si’, việc xuất khẩu một số nguyên liệu thô với mục đích duy nhất là đáp ứng thị trường của các nước công nghiệp hóa miền Bắc Bán Cầu đã không tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả ô nhiễm thủy ngân hoặc sulfur dioxide trong các mỏ. Điều quan trọng là điều kiện làm việc phải gắn liền với các tác động đến môi trường, nhất là chú ý đến những hậu quả có thể xảy ra đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của những người liên quan cũng như sự an toàn của họ.
Chủ đề thứ hai là việc làm xứng nhân phẩm giá và bảo đảm về lương thực. Báo cáo về Khủng hoảng Lương thực Toàn cầu được công bố gần đây cho thấy, vào năm 2023, hơn 280 triệu người tại 59 quốc gia và một số vùng lãnh thổ phải đối diện với tình trạng thực phẩm bấp bênh nghiêm trọng ở mức độ cao, và cần phải được hỗ trợ khẩn cấp. Chúng ta cũng không được quên rằng những khu vực bị chiến tranh tàn phá như Gaza và Sudan có số lượng người dân phải đối diện với nạn đói lớn nhất. Thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, cùng với những biến động kinh tế, là những yếu tố quan trọng thêm vào dẫn đến tình trạng lương thực bấp bênh, vốn liên kết với những điểm dễ bị tổn thương về mặt cơ cấu như nghèo đói, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Chúng ta không được bỏ qua vấn đề thứ ba, liên hệ tới mối tương quan giữa việc làm xứng nhân phẩm và việc di cư. Vì những lý do khác nhau, nhiều người di cư để tìm việc làm, trong khi những người khác di cư vì thấy mình bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương, nơi thường bị chia cắt bởi bạo lực và nghèo đói. Những di dân này, cũng do định kiến, do thông tin không chính xác, hoặc do ý thức hệ, thường bị coi là một vấn đề, là một gánh nặng kinh tế, trong khi trên thực tế, bằng công việc của mình, họ góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia sở tại, và quốc gia quê hương của họ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến tỷ lệ sinh thấp. Những quốc gia giàu có này không muốn sinh con: ai cũng có một con chó hoặc một con mèo nhỏ, nhưng họ không có con. Tỷ lệ sinh giảm là một vấn đề và việc di cư giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng gây ra tỷ lệ sinh giảm này. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Mặc dù vậy, nhiều người di cư và người lao động dễ bị tổn thương vẫn chưa được hưởng đầy đủ các quyền của mình, họ bị coi là những “công dân hạng hai”, bị loại khỏi khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc, hỗ trợ, các kế hoạch tài chính, và các dịch vụ tâm lý xã hội.
Từ quan điểm này, điều quan trọng là phải tập trung vào mối tương quan giữa công việc xứng nhân phẩm và công bằng xã hội. Cụm từ “công bằng xã hội” này xuất phát từ những Thông điệp xã hội của các Giáo hoàng, vốn là cụm từ không được các nền kinh tế tự do và tiên tiến chấp nhận. Thật vậy, rủi ro mà chúng ta gặp phải trong xã hội hiện nay là chấp nhận một cách thụ động những gì đang diễn ra xung quanh mình, hoặc vì sự thờ ơ nào đó, hoặc đơn giản là vì chúng ta không ở vị thế có thể giải quyết các vấn đề thường phức tạp, và tìm ra những giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề này. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta cho phép sự bất bình đẳng và bất công xã hội gia tăng, ngay cả trong các mối tương quan lao động và các quyền cơ bản của người lao động. Và điều này là không tốt!
Khía cạnh cuối cùng mà anh chị em xem xét là công việc xứng nhân phẩm và sự chuyển đổi sinh thái phù hợp. Khi cân nhắc về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa công việc và môi trường, cần phải suy nghĩ lại về các loại công việc cần được thúc đẩy để chăm sóc ngôi nhà chung, nhất là trên cơ sở các nguồn năng lượng mà công việc này đòi hỏi.
Anh chị em thân mến, 5 khía cạnh này tiêu biểu cho những thách đố quan trọng. Tôi cảm ơn anh chị em vì đã đón nhận những thách đố đó và đối diện với chúng bằng niềm say mê và năng lực. Thế giới cần một sự dấn thân đổi mới, một hiệp ước xã hội mới gắn kết chúng ta với nhau, – các thế hệ già và trẻ – để chăm sóc cho công trình sáng tạo, cũng như cho tình liên đới và bảo vệ lẫn nhau trong cộng đồng nhân loại. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em và công việc của anh chị em trong những ngày này! Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi, vì công việc của tôi không hề dễ dàng! Cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (08. 05. 2024)