Đà gia tăng của Kitô Giáo

Cuộc điều tra hàng năm tựa là “Tình Trạng Kitô Giáo Hoàn Cầu” của International Bulletin of Missionary Research (Tập San Nghiên Cứu Truyền Giáo Quốc Tế) cung cấp cho ta nhiều con số đa dạng: một số khá ấm lòng, một số khá ngã lòng; nhưng phần lớn giúp ta nắm được bản chất giây phút hiện tại trong lịch sử Kitô Giáo.

 

 catholic-Đà gia tăng của Kitô Giáo

 

Cuộc điều tra năm nay lấy năm 1900 làm mốc để đưa ra các dự phóng cho năm 2050. Trong khoảng 1 thế kỷ rưỡi này, có nhiều tin vui về điều kiện nhân bản khắp thế giới mà ta cần lưu ý khi nhớ lại những tin buồn của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Thí dụ: năm 1900, 27.6 phần trăm người trưởng thành trong tổng số 1.6 tỷ người trên thế giới biết đọc biết viết. Năm 2015, 81 phần trăm người trưởng thành trong tổng số 7.3 tỷ người trên thế giới biết đọc biết viết, và người ta dự đoán, đến năm 2050, 88 phần trăm người trưởng thành trong một thế giới gồm 9.5 tỷ người sẽ biết đọc biết viết. Quả là một thành tựu lớn lao.

Trong số 7.3 tỷ người hiện nay trên thế giới, 89 phần trăm là tín hữu các tôn giáo, trong khi 1.8 phần trăm cho là mình vô thần và 9 phần trăm khác cho là mình bất tri (agnostics): điều này cho thấy những người hô hoán vô thần như Richard Dawkins và bằng hữu ông ta không hẳn đang thắng thế…

Năm 1900, có 267 triệu người Công Giáo trên thế giới; ngày nay, Giáo Hội hoàn cầu đếm được 1.2 tỷ chi thể và số này được dự phóng tăng lên 1.6 tỷ vào giữa thế kỷ này. Tuy vậy, vào 1 phần tư cuối cùng của thế kỷ 20, Công Giáo bị Hồi Giáo chiếm mất địa vị cộng đồng tôn giáo lớn nhất hoàn cầu, khi dân số Hồi Giáo khắp thế giới tăng từ 571 triệu người năm 1970 lên 1.7 tỷ người hiện nay.

Trong hơn một thế kỷ qua, sự gia tăng kỳ diệu nhất trong Kitô Giáo diễn ra tại Phi Châu: năm 1900, số Kitô hữu tại đây chỉ là 8.7 triệu người, ngày nay, họ là 542 triệu người và có lẽ sẽ tăng tới 1.2 tỷ người vào năm 2050, lúc con số Kitô hữu Phi Châu sẽ bằng con số Kitô hữu Mỹ Châu La Tinh và Âu Châu gom lại. Kitô Giáo thế kỷ 21 cũng là một thực tại có tính đô thị hơn so với 100 năm trước đây. Năm 1900, 29 phần trăm dân số Kitô Giáo thế giới sống tại các đô thị; nay là 65 phần trăm, mặc dù dự phóng tới năm 2050, có thể giảm xuống 59 phần trăm. Nhưng có lẽ các con số đáng ngạc nhiên nhất trong cuộc điều tra lần này liên quan tới các Kitô hữu Ngũ Tuần và Đặc Sủng. Năm 1900, họ chỉ là 981,000 người, ngày nay họ là 643,661,000 người; và tới năm 2050, dự phóng họ sẽ lên tới hơn 1 tỷ người. Chỉ xét về con số mà thôi, Kitô Giáo Ngũ Tuần và Đặc Sủng là hiện tượng phát triển nhanh nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới.

Ba hiện tượng trên, tức gia tăng tại Phi Châu, đô thị hóa và Phái Ngũ Tuần, cũng góp phần giải thích sự phân mảnh càng ngày càng lớn lao hơn của thế giới Kitô Giáo. Điều có thể gọi là Kitô Giáo tự lập (entrepreneurial), tức tự lập ra chính Giáo Hội của mình, là thành phần có mặt cả ở ba hiện tượng này. Chính vì thế, con số các hệ phái Kitô Giáo tăng từ 1,600 năm 1900, lên 45,000 hiện nay, và dự phóng sẽ lên tới 70,000 vào năm 2050.

Dù có sự gia tăng tốt đẹp như trên, Kitô Giáo xem ra không tiến triển bao nhiêu nếu kể về phần trăm so với dân số thế giới. Thực vậy, năm 1900, phần trăm ấy là 34.5; đến năm 1970, xuống còn 33.3, rồi 32.4 năm 2000; nhưng lên 33.4 hiện nay, và dự phóng sẽ lên 33.7 năm 2025 và 36 năm 2050.

Hiện tượng trên phần lớn do sự giảm sút Kitô Giáo tại Âu Châu. Tại đây, người ta thấy phần trăm gia tăng người Kitô hữu hàng năm được kể là thấp nhất: 0.16 phần trăm. Nói về con số Kitô hữu so với dân số Kitô Giáo thế giới, thì Kitô Giáo Âu Châu giảm sút đáng kể hơn cả: năm 1900, họ chiếm 66 phần trăm, hiện nay, họ chỉ là 23 phần trăm. Điều này khiến người ta khó chịu khi các lãnh tụ Kitô Giáo Âu Châu, bất kể là Công Giáo hay Thệ Phản, lên mặt “dạy đạo” cả thế giới, coi người không bằng mình. Như trường hợp Đức HY Kasper tại Thượng Hội Đồng năm rồi, coi thường các đóng góp của Phi Châu.

Một con số được George Weigel tỏ ra ái ngại là theo dự phóng của cuộc điều tra, chỉ có 14 phần trăm những người không phải là Kitô hữu hiện nay biết tới 1 người Kitô hữu. Điều này cho thấy cả sự cô lập giữa các nhóm tôn giáo với nhau lẫn sự thất bại của việc truyền giảng Tin Mừng. Bởi thế, vẫn còn cần rất nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, nhất là nơi những người chưa bao giờ tiếp xúc với đức tin.

 

Vũ Văn An