Tại sao Chúa hỏi chúng ta? Phải chăng Ngài không biết nên phải hỏi dò hoặc trắc nghiệm? Chắc chắn KHÔNG phải như vậy, vì “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12). Vậy tại sao Ngài vẫn hỏi? Vì Ngài muốn chúng ta thật lòng với Ngài và chân nhận “tình trạng” của mình. Càng thật lòng thì càng được thương xót. Tội lỗi đối với Ngài chỉ là “chuyện nhỏ”.
Và đây là những điều Thiên Chúa dang hỏi mỗi chúng ta. Hãy chú ý lắng nghe và thật lòng trả lời Ngài!
TÊN NGƯƠI LÀ GÌ? (St 32:28)
Thiên Chúa có kế hoạch và mục đích riêng cho mỗi chúng ta. Ngài xác nhận và khuyến khích: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1). Gia-cóp là người đại diện chúng ta để nhận câu hỏi và lời động viên đó. Thiên Chúa muốn chúng ta đừng lừa dối để đạt được những gì Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta phải chân thật và cởi mở với chính mình, phải để cho Ngài biến đổi chúng ta tới mức hoàn thiện theo khuôn mẫu là Đức Giêsu Kitô. Nghĩa là chúng ta đừng ép Ngài theo ý muốn của chúng ta.
NGƯƠI Ở ĐÂU KHI TA ĐẶT NỀN MÓNG CHO ĐẤT? (G 38:4)
Thiên Chúa còn hỏi thêm: “Nếu ngươi thông hiểu thì cứ nói đi!” (G 38:4). Thiên Chúa hỏi như vậy là để nhắc ông Gióp nhớ thân phận bụi đất, yếu hèn và phải chết. Chỉ có Thiên Chúa là bất tử. Và chúng ta cũng thế, phải chịu một chuỗi đau khổ: Sinh, lão, bệnh, tử. Biết mình là “số không” to lớn, rỗng tuếch, trống rỗng hơn cả sự trống rỗng, nhờ đó mà bớt “chảnh”, bớt ảo tưởng, giảm kiêu ngạo để dần dần thu mình trong “vòng khiêm nhường”.
NGƯƠI ĐANG LÀM GÌ Ở ĐÂY? (1 V 19:9 và 13)
Thiên Chúa đã hỏi ngôn sứ Ê-li-a như vậy khi thấy ông chạy trốn vì khiếp đảm, sợ hãi, và nghi ngờ. Chúng ta cũng đã từng nhiều lần như vậy. Hãy cố gắng chấp nhận với sự thanh thản chứ không miễn cưỡng, thay vì than phiền và thúc thủ trong lúc gặp khó khăn, hãy cầu nguyện và tạ ơn Chúa, vì điều gì xảy ra đều có lợi cho chúng ta. Thiên Chúa hỏi vậy, chúng ta trả lời thế nào? Ước gì chúng ta cũng có thể nói như ông Ê-li-a thế này: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (1 V 19:4). Chắc chắn Ngài sẽ ôm chúng ta vào lòng để chúng ta được bình an.
TẠI SAO NGƯƠI GIẬN DỮ? TẠI SAO NGƯƠI SA SẦM NÉT MẶT? (St 4:6)
Thiên Chúa đã hỏi Ca-in như vậy vì đã ghen tức với A-ben. Và Ngài cũng hỏi mỗi chúng ta như thế. Đáng sợ thật! Vì chúng ta cũng đã và đang ghen tức với tha nhân về nhiều lĩnh vực với nhiều dạng và nhiều mức độ. Khi gặp rắc rối, đôi khi chúng ta có xu hướng “tránh né” Thiên Chúa. Vì tức giận mà Ca-in đã giết A-ben. Có thể chúng ta chưa đến nỗi giết người bằng hung khí, nhưng chúng ta cũng đã có lần “giết người” bằng nhiều cách không vấy máu. Thủ đoạn đó có thể còn đáng sợ hơn hung khí cụ thể. Một cái liếc xéo, lườm nguýt, mỉa mai, nói hành,… có sức “giết chết” người khác còn khủng khiếp hơn. Chúng ta sẽ trả lời Thiên Chúa sao đây?
AI CHO NGƯƠI BIẾT ĐIỀU ĐÓ? (St 3:11)
Đó là câu hỏi Thiên Chúa dành cho Ông Tổ Adam. Lời Chúa nhỏ nhẹ mà mạnh mẽ, soi thấu tâm can. Ngài hỏi vậy là để chúng ta có thể tự nhận thức rõ ràng. Câu hỏi này dạy chúng ta phải biết phân biệt ai đáng tin và ai không đáng tin, đừng vội tin khi nghe người khác nói. Không phải là đa nghi như Tào Tháo, nhưng là để cân nhắc, vì “cẩn tắc vô ưu”. Đa số những tin đồn đều không đáng tin!
AI CHO NGƯƠI CÓ MỒM MIỆNG, AI LÀM CHO PHẢI CÂM PHẢI ĐIẾC, AI LÀM CHO MẮT SÁNG HAY MÙ LOÀ? (Xh 4:11)
Mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa trao cho một phần việc, và chúng ta phải chịu trách nhiệm. Hãy nghĩ về Mô-sê, Đa-vít, Sa-lô-môn, Đức Maria, Đức Thánh Giuse, Thánh Catarina Siena, Thánh Augustino, Thánh Thomas Aquino, Thánh Faustina,… Đó là “điểm” để chúng ta trông cậy vào ơn Chúa, nhờ đó mà phát triển khả năng hoặc năng khiếu của mình – những “nén bạc” mà Thiên Chúa trao cho chúng ta sinh lời. Qua câu hỏi này, Thiên Chúa muốn nói rằng: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:3; Đnl 4:35-39).
CÓ PHẢI TA KHÔNG LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ? (St 18:13)
Thiên Chúa đã hỏi vậy sau khi bà Sa-ra – bà xã ông Áp-ra-ham – được tin sẽ thụ thai, dù bà đã già nua, nhưng bà đã bật cười vì không tin. Thiên Chúa để cho chúng ta gặp thử thách, đôi khi ngỡ như quá sức, không phải là Ngài thích đùa dai hoặc bỏ mặc chúng ta, mà Ngài muốn chúng ta đào sâu đức tin và sống trọn niềm tín thác vào Ngài. Khi chúng ta lo sợ hoặc hoài nghi, hãy cố gắng trấn an và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta lập công, rồi Ngài sẽ cứu, nếu chúng ta bám chắc gấu áo Ngài.
CHẲNG LẼ TAY TA QUÁ NGẮN? (Is 50:2)
Đó là vấn đề Thiên Chúa đặt ra với dân Ít-ra-en. Và ngay sau đó, chính Ngài xác nhận:“Xem đây: Ta chỉ đe một tiếng là biển cạn khô, sông ngòi thành hoang địa, cá mắc cạn nặng mùi và chết khát” (Is 50:2). Thiên Chúa luôn hiện diện trong lịch sử thế giới, trong mọi biến cố xã hội, mọi hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Khi gặp hoàn cảnh quá trái ngang, người ta thường nói: “Chỉ có trời cứu”. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo hoặc cứng lòng cũng chỉ biết nói như thế. Và quả đúng như vậy!
Thánh Phaolô nói: “Chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12:6). Ngài đã làm, và Ngài có thể biến cục đá thành con cái của Tổ phụ Áp-ra-ham kia mà (Mt 3:9), và chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được (Mt 19:26; Lc 1:37; Mc 10:27). Tuy nhiên, Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài để chúng ta có chút công trạng cho bớt “mặc cảm”. Vấn đề là chúng ta có tin hay không: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9:23).
Trầm Thiên Thu