Lòng thương xót Chúa (Phần 4)
1. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
“Thiên Chúa ban tặng lòng thương xót của Ngài cho ai muốn đón nhận, dù họ xa lánh và hoài nghi lòng thương xót đó. Với con người hôm nay, tiếc thay có quá nhiều cái tầm thường và ảo tưởng sai lầm trong họ, cần phải trao cho họ khả năng dấn thân vào con đường đưa đến sự sống viên mãn” (Thánh Gioan Phaolô II, sứ điệp mùa chay năm 2000).
“Trong lòng thương xót Chúa, thế giới sẽ tìm được bình an và con người sẽ thấy hạnh phúc! (Thánh Gioan Phaolô II, Cracovie, 2002).
“Giáo Hội sống một cách chân thật khi tuyên xưng lòng thương xót, thuộc tính đáng mộ mến nhất của Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, khi Giáo Hội dẫn con người đến nguồn của lòng thương xót của Ngài, Giáo Hội vừa là người nhận vừa là người trao… Vì tội lỗi đang hoành hành trên thế gian nên Thiên Chúa đã ban Con Một, Thiên Chúa là tình yêu không thể mạc khải gì khác ngoài lòng thương xót… Không chỉ nói về lòng thương xót mà Ngài còn giải thích bằng các hình ảnh và dụ ngôn, nhưng nhất là Ngài nhập thể và nhân cách hóa lòng thương xót. Theo một nghĩa nào đó, Ngài chính là lòng thương xót. Với ai nhìn và thấy lòng thương xót, Thiên Chúa trở nên hữu hình như Chúa Cha “giàu lòng thương xót” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Dives in Misericordia).
2. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
“Chỉ có lòng thương xót Chúa làm sáng tỏ mầu nhiệm con người… Khi chiêm ngắm các vết thương sáng láng của Đức Kitô phục sinh, nữ tu Faustina Kowalska đã nhận sứ điệp niềm tin cho nhân loại, sứ điệp lòng thương xót Chúa mà Đức Gioan Phaolô II đã tạo nên tiếng vang và giải thích, sứ điệp đó thật sự là sứ điệp trung tâm, nhất là với thời đại chúng ta: lòng thương xót như là sức mạnh, như là rào cản thiên linh chống lại sự dữ của thế gian” (Đức Bênêđíctô XVI, 31.05.2006).
“Cần phải trở về với tòa cáo giải, là nơi cử hành Bí Tích Hòa Giải, nhưng cũng là nơi thường xuyên “ở” hơn, để tín hữu có thể thấy lòng thương xót, lời khuyên và an ủi, cảm nhận được yêu thương và hiểu Thiên Chúa và sự hiện diện của lòng thương xót Chúa, bên cạnh sự hiện diện đích thực của Bí Tích Thánh Thể” (Đức Bênêđíctô XVI, huấn từ cho những tham dự viên khóa họp lần thứ XXI do Tòa Ân giải tối cao tổ chức, 11.03.2010).
“Lòng thương xót Chúa không chỉ là tha tội; nhưng còn là việc Thiên Chúa, Cha chúng ta, dẫn chúng ta trên đường chân lý và ánh sáng, đôi khi có đau khổ, bách hai, sợ hãi, Ngài không muốn chúng ta hư mất. Sự diễn tả kép về lòng thương xót này chỉ ra rằng Thiên Chúa trung thành với giao ước đã ghi ấn tính với mỗi kitô hữu trong Bí Tích thánh tẩy. Khi đọc lại lịch sử riêng tư mỗi người và lịch sử phúc âm hóa mỗi quốc gia, chúng ta có thể nói cùng với vịnh gia (tác giả Thánh vịnh): “Tôi sẽ không ngừng ngợi ca lòng thương xót Chúa” (Tv 89 (88), 2″ (Đức Bênêđíctô XVI, huấn từ tại nhà thờ chính tòa Cotonou, 18.11.2011).
3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Giáo Hội Phanxicô nói rằng “lòng thương xót là con đường của hòa bình thế giới”. Theo ngài, để có lòng thương xót cần phải có hai thái độ, thứ nhất là biết mình; thứ hai là mở rộng lòng mình ra. Dịp khác, ngài nói rằng ” lòng thương xót mạnh hơn các thành kiến”. Đó là chủ đề ngài giảng dạy trong một buổi yết kiến chung khi ngài giải thích về cuộc gặp gỡ với thiếu phụ Samaria bên cạnh giếng Gia cóp. Trong ngày lễ tha thứ mà Giáo Hội Ý có thói quen tổ chức vào mùa chay, ngài kêu mời mọi người “hãy đón nhận lòng thương xót và trao ban lòng thương xót “. Còn trong buổi đọc kinh truyền tin ngày 4 tháng 6 năm 2014, ngài dạy chúng ta rằng ” lòng thương xót Chúa là vô giới hạn”; ” lòng thương xót Chúa là việc săn sóc các vết thương tội lỗi chúng ta”.
Trên chuyến bay từ Rio về Roma, Đức Phanxicô nói: “Trước tiên, cần phải chăm sóc những người bị thương tích. Giáo Hội là mẹ. Giáo Hội phải đi trên con đường của lòng thương xót và tìm ra cách diễm tả lòng thương xót cho tất cả mọi người. (…) Giáo Hội không chỉ chờ đợi các trường hợp ly dị-tái hôn nhưng đi tìm được họ. Đấy là lòng thương xót! Vấn đề đích thực là vấn đề hiệp thông cho tất cả những người tái hôn – vì ly dị có thể hiệp thông nhưng không thể thành hôn lần hai. Nơi đó, cần phải suy xét lại mục vụ hôn nhân vì chúng ta có vấn đề về hiệp thông” (Đức Thánh Cha trở về sau Đại Hội giới trẻ, 2013).
Lm. Vinh sơn Đinh Minh Thỏa
(Còn nữa)