Giáo dân không cần một “giám mục dẫn đường” nhưng cần một “giám mục mục tử”. Đức Phanxicô khẳng định như trên trước Hội đồng Giám mục Ý (CEI), trong lần khai mạc buổi họp khoáng đại lần thứ 68 vào ngày thứ hai 18-5-2015 ở Vatican.
Trước các giám mục Ý nhóm họp cho đến ngày thứ năm 21-5, Đức Phanxicô đã lên tiếng biện hộ cho sự “củng cố vai trò thiết yếu của giáo dân trong việc đảm nhiệm các trách vụ thuộc về của họ”. Và ngài tuyên bố với các giám mục: “Trong thực tế, các giáo dân được đào tạo trong một tinh thần Kitô chân chính sẽ không cần một giám mục-dẫn đường hay một Đức ông-dẫn đường (…) để đảm nhiệm các trách nhiệm riêng của họ ở trên mọi mức độ, từ chính trị đến xã hội, từ kinh tế đến luật pháp. (…) Ngược lại, họ cần một giám mục-mục tử.”
Giám mục theo tiêu chuẩn của Đức Phanxicô
Khi than phiền sự “thiếu nhạy cảm về mặt mục vụ và tu hành” trong Giáo hội, Đức Phanxicô nhấn mạnh các suy tư này nảy sinh từ cái nhìn tổng quát mà ngài đã hình thành được qua vô số cuộc gặp gỡ với các hội đồng giám mục khác nhau từ khi ngài được bầu chọn. Nhưng chỉ với các giám mục Ý là ngài muốn chia sẻ những chuyện này.
Sự nhạy cảm tu hành mà Đức Phanxicô nói ở đây là “có cảm nhận như cảm nhận của Chúa Kitô, biết khiêm tốn, biết thương xót, có cá tính cụ thể, có đức ái cụ thể và có minh triết.” Và Đức Phanxicô nhắc lại cho các giám mục Ý một vài bổn phận của họ: đó là dám “tố cáo và đấu tranh chống não trạng lan tràn của nạn tham nhũng công cũng như tư, làm nghèo đi mà không biết nhục cho các gia đình, những người về hưu, những người lao động chân chính, các cộng đoàn Kitô, gạt bỏ một cách có hệ thống những người trẻ, mặc cho họ không có tương lai và nhất là loại ra bên lề những người yếu, những người thiếu thốn”. Chính vì vậy điều tiên quyết các giám mục phải làm là đi ra với dân Chúa để “bảo vệ họ khỏi bị các ý thức hệ thống trị, lấy đi bản sắc và nhân phẩm của họ”.
Đức Phanxicô cũng yêu cầu các chọn lựa mục vụ và các văn kiện tài liệu không nên dành ưu tiên cho “khía cạnh lý thuyết giáo điều trừu tượng” làm cho nó không cụ thể và chỉ để dành cho “một vài nhà nghiên cứu và chuyên gia”. Ngược lại, các suy tư trừu tượng này phải được diễn dịch ra “trong những đề nghị cụ thể và có thể hiểu được”.
Sự suy yếu đoàn thể tính
Đức giáo hoàng cũng than phiền về sự “suy yếu lan rộng” của đoàn thể tính trong lòng Giáo hội trong cuộc tranh luận kín với các giám mục sau bài diễn văn của ngài. “Trong một vài nơi trên thế giới, chúng ta ghi nhận có sự suy yếu lan rộng của đoàn thể tính, trong các chương trình mục vụ hay trong sự chia sẻ các công việc về kinh tế-tài chánh”. Và giáo hoàng cũng lấy làm tiếc trong những sự kiện các cộng đoàn Kitô tổ chức, họ đã chú trọng đến các “tiếng nói quen thuộc” làm “ru ngủ” các cộng đoàn, “đồng hóa các chọn lựa, các ý kiến và các con người”.
Cuối cùng, Đức giáo hoàng cũng lo cho hiện tượng mà theo ngài, đó là sự không nhạy cảm về mặt tu hành: để các “nhà dòng, đan viện già nua, đến mức không còn là chứng tá trung thành của vị sáng lập Dòng”. Và ngài xin các giám mục Ý: “Tại sao không thể hiệp nhất lại trước khi quá trễ?”
(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 25.05.2015/ lavie.fr, 20-05-2015)