Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót
Phanxicô,
Giám Mục Rôma, Tôi Tớ của Các Tôi Tớ Thiên Chúa,
gửi đến tất cả những ai đọc Tông Sắc này
Ân Sủng, Lòng Thương Xót và Bình An.
1. Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), sau khi đã mặc khải cho Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại, đầy lòng trắc ẩn và trung tín” (Xh 34,6), đã không ngừng mặc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. “Lúc đến thời gian viên mãn” (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người (x. Công Đồng Vaticanô II, Dei Verbum, 4).
2. Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.
3. Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha. Đây là lý do thúc đẩy tôi công bố một Năm Thánh Ngoại thường của Lòng Thương Xót, như một thời gian thuận lợi cho Giáo Hội, để chứng từ của các tín hữu được nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn.
Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày 8 tháng 12 năm 2015, lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày lễ phụng vụ này nhắc nhớ hành động của Thiên Chúa ngay từ ban đầu trong lịch sử nhân loại. Sau khi nguyên tổ Ađam – Evà phạm tội, Thiên Chúa đã không muốn bỏ mặc con người dưới quyền lực của sự dữ. Vì thế, Ngài đã nghĩ đến Đức Maria thánh thiện và được trở nên tinh tuyền trong tình yêu thương (x. Ep 1,4), và muốn chọn Đức Trinh nữ làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc loài người. Trước sự nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đã đáp lại bằng sự tràn đầy của tình yêu. Lòng thương xót luôn lớn hơn tội lỗi và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tôi sẽ vui mừng mở Cửa Thánh vào ngày Đại lễ kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong Năm Thánh này, đó sẽ là Cửa Lòng Thương Xót; bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng.
Sau đó, vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, sẽ mở Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa Rôma, tức Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Vào những tuần tiếp theo, các Cửa Thánh tại các Vương Cung Giáo Hoàng Thánh Đường khác sẽ được mở ra. Cũng vào chính Chúa Nhật đó, tôi ấn định rằng, nơi mỗi Giáo Hội địa phương, có thể mở Cửa Lòng thương xót trong suốt Năm Thánh, tại Nhà Thờ Chánh Tòa là Thánh Đường Mẹ của tất cả các tín hữu, hoặc tại Nhà thờ Đồng Chánh Tòa, hoặc tại một thánh đường đặc biệt. Thẩm quyền địa phương cũng có thể mở Cửa Lòng Thương Xót tại những Đền Thánh có đông khách hành hương, những người khi đến đó sẽ được ơn thánh tác động trong tâm hồn và tìm thấy con đường hoán cải. Bởi thế, mỗi Giáo Hội địa phương sẽ trực tiếp dự phần để sống Năm Thánh này như một tác động ngoại thường của ân sủng và năng lực canh tân thiêng liêng. Như thế, Năm Thánh này sẽ được cử hành tại Rôma cũng như tại các Giáo Hội địa phương như một dấu chỉ hữu hình cho tình hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội.
4. Tôi chọn ngày 8 tháng 12 vì ý nghĩa phong phú của ngày này trong lịch sử gần đây của Giáo Hội. Thật vậy, tôi muốn mở Cửa Thánh vào dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Giáo Hội cần giữ cho biến cố này luôn sống động. Chính Công Đồng này đã đưa Giáo Hội vào một lối đi mới trong lịch sử. Các Nghị Phụ Công Đồng đã nhận thức thật rõ ràng, như hơi thở thực sự của Thánh Thần, nhu cầu phải nói về Thiên Chúa cách sáng tỏ hơn cho con người thời đại ngày nay. Những bức tường đã từng vây khép Giáo Hội trong một thứ pháo đài yên ổn, nay đã bị phá bỏ, và đã đến lúc phải loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. Đây là lối đi mới của công cuộc Phúc-âm-hóa vẫn được thực hiện từ lâu. Đây là phận vụ mới của tất cả các Kitô hữu nhằm làm chứng cho đức tin cách nhiệt thành và xác tín hơn. Giáo Hội sẽ quan tâm hơn đến trách nhiệm trở nên dấu chỉ sống động cho tình yêu của Chúa Cha giữa trần thế.
Chúng ta nhớ lại những lời nói đầy ý nghĩa của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, phát biểu vào ngày khai mạc Công Đồng, để xác định hướng đi của Công Đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Trong khi giơ cao ngọn đuốc chân lý đức tin nơi Công Đồng này, Giáo Hội Công Giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và tình nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ” (Diễn từ khai mạc Công Đồng Vaticanô II, Gaudet Mater Ecclesia,11.10.1962, 2-3). Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI cũng phát biểu theo ý hướng đó vào lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng ta muốn nhấn mạnh hơn nữa rằng, nét đặc trưng của Công đồng này chính là đức ái … câu chuyện về người Samaria nhân hậu là mẫu gương và là chuẩn mực cho linh đạo của Công Đồng… Công Đồng đã mang lại cho con người thời nay nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ. Những sai lầm chắc chắn phải bị loại bỏ, vì đức ái cũng như sự thật đều đòi hỏi điều ấy, nhưng đối với con người thì chỉ có khuyên bảo, với thái độ tôn trọng và yêu thương. Thay vì gây nên đau lòng bằng việc xác định bệnh trạng, cần phải tạo niềm an ủi bằng việc mang lại những phương dược chữa lành; Công Đồng muốn nói với con người đương đại, không phải những lời tiên đoán thảm khốc, nhưng là các sứ điệp mang đến hy vọng và tin tưởng… Một điểm khác cần phải lưu tâm, đó là tất cả giáo huấn phong phú này đều được quy về một hướng duy nhất, đó là phục vụ con người, trong mọi tình huống của cuộc sống, trong từng nhược điểm và trong mọi nhu cầu” (Diễn từ bế mạc Công Đồng Vaticanô II, 7.12.1965).
Với tâm tình tri ân cảm tạ về những gì Giáo Hội đã nhận lãnh, và với ý thức trách nhiệm về trách vụ trước mắt, chúng ta sẽ bước qua Cửa Thánh, với trọn niềm tín thác vào sức mạnh của Chúa Phục Sinh không ngừng nâng đỡ và bảo vệ chúng ta trên đường lữ hành. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt từng bước đi của các tín hữu trong việc cộng tác vào công trình cứu độ do Chúa Kitô thực hiện, luôn hướng dẫn và giúp đoàn Dân Chúa chiêm ngưỡng dung mạo của lòng thương xót (x. CĐ Vaticanô II, Lumen Gentium, 16; Gaudium et Spes, 15).
5. Năm Thánh sẽ bế mạc vào Đại lễ kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, ngày 20 tháng 11 năm 2016. Trong ngày đó, chúng ta sẽ đóng Cửa Thánh lại trong tâm tình tri ân cảm tạ Ba Ngôi Chí Thánh đã ban cho chúng ta một thời gian ngoại thường của ân sủng. Chúng ta ký thác đời sống Giáo Hội, tất cả mọi người và toàn thể vũ trụ này cho Chúa Kitô, xin Chúa tuôn đổ lòng thương xót của Người như sương mai, thúc đẩy mọi người cùng hoạt động để xây dựng một tương lai trổ sinh hoa trái dồi dào. Tôi mong muốn biết bao cho những năm sắp tới được ngập tràn lòng thương xót, đưa chúng ta đến với mọi người, mang lại cho họ lòng nhân từ và khoan hậu của Thiên Chúa. Chớ gì hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến tất cả mọi người, các tín hữu cũng như những người đang còn xa cách, như là dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.
6. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4). Những lời của Thánh Tôma Aquinô cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là dấu chỉ của sự bất tài, nhưng là của sự toàn năng. Vì thế, trong một lời nguyện nhập lễ rất cổ xưa, phụng vụ đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa thể hiện quyền năng của Chúa cách tỏ tường nhất khi Chúa tha thứ và xót thương…” (Chúa Nhật XXVI Thường niên. Lời Tổng nguyện này có từ thế kỷ VIII, trong các văn bản Thánh Thể học của tậpSacramentarium Gelasianum [1198]). Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện và đầy lòng thương xót.
“Nhẫn nại và hay thương xót” là những lời thường đi liền nhau trong Cựu Ước để diễn tả bản tính của Thiên Chúa. Bản tính thương xót của Ngài được thể hiện cách cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậu của Ngài chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt. Các Thánh vịnh đặc biệt nhấn mạnh đến sự cao cả nơi hành động của Thiên Chúa: “Ngài thứ tha mọi lầm lỗi của ngươi, Ngài chữa lành tất cả bệnh hoạn của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu, Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). Một Thánh vịnh khác còn chứng thực rõ ràng hơn về những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót: “Chúa giải thoát tù nhân, Chúa mở mắt cho kẻ đui mù, Chúa nâng dậy những người bị áp bức, Chúa yêu thương người công chính, Chúa bảo vệ khách kiều cư, nâng đỡ cô nhi quả phụ và phá tan lối đi của người gian ác” (Tv 146,7-9). Và một số câu Thánh vịnh khác: “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một điều gì trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Ngài tỏ bày tình yêu của Ngài, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con của mình. Phải nói đây là một tình yêu “thấu tận ruột gan”. Tình yêu này phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, thật tự nhiên, đầy nhân từ và trắc ẩn, khoan dung và luôn tha thứ.
7. “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”: đây là điệp khúc được lập lại sau mỗi câu trong Thánh vịnh 136, khi kể lại lịch sử của việc Thiên Chúa đang tỏ mình ra. Yếu tố lòng thương xót làm cho tất cả các biến cố trong Cựu Ước mang ý nghĩa cứu độ sâu xa. Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân tộc Israel trở thành lịch sử cứu độ. Khi lập lại liên tục câu “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”, Thánh vịnh này như muốn phá vỡ vòng vây của không gian và thời gian, để đặt tất cả vào mầu nhiệm của tình yêu. Thánh vịnh như thể muốn nói rằng, không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha. Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa Thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel” – vào những ngày lễ phụng vụ quan trọng nhất.
Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này. Thánh sử Matthêu chứng thực điều ấy khi nói “đọc thánh ca xong” (26,30), Chúa Giêsu và các môn đệ đi lên núi Cây Dầu. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt qua, Chúa Giêsu đã đặt động tác tối thượng này của mặc khải dưới ánh sáng của lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua cuộc khổ nạn và cái chết, với ý thức về mầu nhiệm tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên cây Thập giá. Được chính Chúa Giêsu dùng để cầu nguyện, Thánh vịnh này càng đáng được quí chuộng hơn nơi các Kitô hữu chúng ta, thúc đẩy chúng ta luôn lập lại trong đời sống hằng ngày điệp khúc: “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”.
8. Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ vụ mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16), Thánh sử Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và là lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Tình yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ bày trong cả cuộc sống của Chúa Giêsu. Bản thân Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện. Các mối liên hệ giữa Người và những ai tìm đến với Người, là một tương quan đặc thù duy nhất và không thể tái diễn. Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót.
Khi nhìn đám đông dân chúng đi theo mình, Chúa Giêsu thấy họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt, Người đã chạnh lòng thương (x. Mt 9,36). Với tình yêu xót thương này, Người đã chữa lành các bệnh nhân được mang đến cho Người (x. Mt 14,14), và với một ít bánh và cá, Người đã cho đám đông được ăn no thỏa (x. Mt 15,37). Điều đã tác động Chúa Giêsu trong tất cả các trường hợp đó, không gì khác hơn là lòng thương xót, một lòng thương xót hiểu được tâm tư của những kẻ Người gặp gỡ, và Người đến để đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ. Khi gặp bà góa thành Nain đang đưa người con trai duy nhất của mình đi chôn, Người đã chạnh lòng thương trước nỗi đau tận cùng của người mẹ đang khóc con, và đã trao lại cho bà người con được hồi sinh từ cõi chết (x. Lc 7,15). Sau khi trừ quỷ cho một người ở Ghêrasa, Người trao cho anh ta sứ mạng “trở về với thân nhân, nói cho họ biết việc Chúa đã làm cho anh, và đã thương xót anh như thế nào” (Mc 5,19). Việc kêu gọi Matthêu cũng xảy ra trong khung cảnh của lòng thương xót. Khi Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, ánh mắt Người chăm chú nhìn vào đôi mắt của Matthêu. Ánh mắt đầy lòng thương xót đã thứ tha tội lỗi của con người ấy, và bất chấp sự phản đối của các môn đệ khác, Người đã chọn Matthêu, một kẻ tội lỗi và là người thu thuế, để trở thành một trong Nhóm Mười Hai. Thánh Bêđa Venerabilis, khi diễn giải đoạn Tin Mừng này, đã viết: Chúa Giêsu đã chăm chú nhìn và đã chọn Matthêu “miserando atque eligendo” (x. Hom. 21: CCL, 122, 149-151). Lời diễn giải này đã đánh động tôi đến độ tôi đã chọn làm câu tâm niệm.
9. Trong các dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa như một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta đã quá biết những dụ ngôn ấy, đặc biệt là ba dụ ngôn: về con chiên lạc, về đồng xu thất lạc và về người cha với hai đứa con (x. Lc 15,1-32). Các dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa luôn tràn ngập vui mừng, nhất là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ.
Trong một dụ ngôn khác, chúng ta nhận được một giáo huấn quan trọng cho đời sống Kitô hữu. Để trả lời cho câu hỏi của Phêrô về số lần phải tha thứ, Chúa Giêsu nói: “Thầy không bảo là bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) và Người kể dụ ngôn về “người đầy tớ nhẫn tâm”. Khi bị chủ đòi một món tiền nợ khổng lồ, hắn đã quì xuống van xin và chủ đã tha hết nợ cho hắn. Nhưng sau đó hắn gặp một người cũng là đầy tớ như hắn, người này mắc nợ hắn vài xu, và anh ta quỳ xuống van xin hắn thương tình, nhưng hắn từ khước và tống người kia vào tù. Khi chủ nghe biết thì vô cùng tức giận, gọi hắn lại mà bảo: “Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt18,33). Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Dụ ngôn này chứa đựng một giáo huấn tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc. Bởi thế, chúng ta hãy nghe lời huấn dụ của Thánh Tông đồ: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Nhưng trên hết, hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, Đấng đã xác định lòng thương xót chính là sự hoàn thiện của cuộc sống và là tiêu chuẩn cho sự khả tín của đức tin: “Phúc cho ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương ” (Mt 5,7): đây là mối phúc chúng ta đặc biệt cần phải khao khát trong Năm Thánh này.
Như chúng ta đã thấy, trong Thánh Kinh, lòng thương xót là từ then chốt để nói về hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không chỉ khẳng định, nhưng còn làm cho tình yêu của Ngài trở nên hữu hình và có thể chạm đến được. Quả thực, tình yêu không bao giờ là một từ ngữ trừu tượng. Tự bản chất, tình yêu nói lên điều gì đó cụ thể: ý hướng, thái độ và cách hành xử được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Ngài cảm thấy bị ràng buộc với chúng ta, nghĩa là Ngài muốn điều tốt cho chúng ta, muốn thấy chúng ta hạnh phúc, vui tươi và an bình. Đó chính là hướng đi của tình yêu thương xót của các Kitô hữu. Cha yêu thương thế nào thì con cái cũng phải yêu thương như vậy. Chúa Cha là Đấng thương xót chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi phải thương xót nhau.
10. Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội. Giáo Hội “vô cùng khao khát trao ban lòng thương xót” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 24). Có lẽ từ lâu chúng ta đã quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. Một đàng, cám dỗ muốn chỉ tập trung vào công lý làm chúng ta quên rằng đó chỉ là bước đầu, đương nhiên là cần thiết và không thể thiếu, nhưng Giáo Hội phải tiến xa hơn để đạt tới một mục tiêu cao hơn và quan trọng hơn. Đàng khác, thật đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm thấy trong nền văn hoá ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng đang dần biến mất. Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng. Đã đến lúc Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai.
11. Chúng ta không thể quên giáo huấn sâu sắc của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi cho chúng ta trong Thông điệp thứ hai của ngài, Dives in Misericordia, một Thông điệp được công bố ngoài mong đợi vào thời điểm ấy, và đề tài được đưa ra cũng làm nhiều người kinh ngạc. Tôi đặc biệt nhớ đến hai đoạn. Đoạn thứ nhất, vị Thánh giáo hoàng nêu lên sự kiện lòng thương xót đang bị lãng quên trong văn hóa ngày nay: “Tâm thức của con người ngày nay, có lẽ hơn là trong quá khứ, dường như muốn chống lại Thiên Chúa của lòng thương xót, cố ý loại trừ ý niệm thương xót ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người. Từ ngữ và ý niệm thương xót dường như gây bất an cho con người, những kẻ đã dành quyền làm chủ và thống trị trái đất (x. St 1,28) nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học và kỹ thuật chưa từng thấy trong lịch sử. Việc thống trị trái đất, đôi khi được hiểu theo một chiều và thật nông cạn, dường như không còn dành chỗ cho tình thương. Đó là lý do giải thích tại sao, trong Giáo Hội và thế giới ngày nay, nhiều cá nhân và tập thể, được dẫn dắt bởi một cảm thức sống động về đức tin, đang hướng về lòng thương xót của Thiên Chúa có thể nói là một cách bộc phát tự nhiên” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 2).
Ngoài ra, thánh Gioan Phaolô II cũng giải thích tại sao phải nỗ lực tối đa để công bố và làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới ngày nay: “Lòng thương xót được điều động bởi tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo nhận định của nhiều người ngày nay, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đồng thời mầu nhiệm Chúa Kitô… thúc bách chúng ta phải loan báo lòng thương xót như là tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi chính mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm này cũng mời gọi chúng ta quay về và khẩn nài lòng thương xót ấy trong thời kỳ khó khăn và mang tính quyết định này của lịch sử Giáo Hội và thế giới” (Th. Gioan Phaolô II, Thông điệpDives in Misericordia, 15). Giáo huấn của ngài vẫn còn giá trị và đáng để chúng ta học hỏi trong Năm Thánh này. Một lần nữa hãy nghe ngài nói: “Giáo Hội có được đời sống chân thực khi tuyên xưng và phổ biến lòng thương xót – thuộc tính kỳ diệu nhất của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc – cũng như khi đưa con người đến nguồn mạch của lòng thương xót nơi Đấng Cứu Thế, lòng thương xót được giữ gìn và phân phát bởi chính Giáo Hội” (Th. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 13).
12. Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm được đến con tim và khối óc của con người. Hiền Thê của Đức Kitô phải noi theo cách sống của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến với mọi người, không loại trừ ai. Thời đại ngày nay, khi Giáo Hội đang thực thi công cuộc Tân Phúc-âm-hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và canh tân các hoạt động mục vụ . Điều tối quan trọng đối với Giáo Hội cũng như với tính cách đáng tin của lời Giáo Hội rao giảng chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha.
Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu Chúa Kitô. Giáo Hội muốn trở thành nữ tỳ và người trung gian của tình yêu ấy, một tình yêu tha thứ và tự hiến. Vì thế, nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót.
13. Chúng ta muốn sống Năm Thánh này dưới ánh sáng của câu Lời Chúa: Thương xót như Chúa Cha. Tác giả Tin Mừng ghi lại lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây là một chương trình sống đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui và an bình. Lệnh truyền của Chúa Giêsu gửi đến tất cả những ai muốn nghe lời Người (x. Lc 6,27). Để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta.
14. Việc hành hương trong Năm Thánh là một dấu chỉ đặc biệt, vì mang hình ảnh của cuộc hành trình mỗi người chúng ta đang thực hiện trong cuộc sống. Cuộc đời là một chuyến hành hương, và con người là khách lữ hành, là người hành hương đang tiến bước trên đường đi về đích điểm ước mong. Cũng thế, để đến Cửa Thánh ở Rôma hay ở những nơi khác, mỗi người phải hoàn tất chuyến hành hương tùy theo khả năng. Chuyến đi ấy cho thấy lòng thương xót chính là đích điểm phải đạt tới, đòi hỏi phải dấn thân và hy sinh. Ước gì cuộc hành hương sẽ thúc đẩy sự hoán cải: khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta để cho lòng thương xót của Thiên Chúa phủ kín chúng ta, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.
Chúa Giêsu dạy chúng ta biết những chặng đường hành hương để có thể đạt tới đích điểm ấy, đó là: “Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Trước tiên, Chúa dạy chúng ta đừng phán xét cũng đừng lên án. Nếu ai muốn không bị Thiên Chúa phán xét, thì đừng biến mình thành quan án của anh chị em mình. Con người chỉ đoán xét cách thiển cận, còn Chúa Cha nhìn thấu tận tâm can. Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hãy quảng đại với tất cả mọi người, vì biết rằng Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta.
Vì thế, “Thương xót như Chúa Cha” là câu tâm niệm của Năm Thánh. Lòng thương xót là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế nào. Ngài đã trao ban chính mình cho chúng ta cách liên lỉ, vô điều kiện, chẳng đòi lại gì. Khi chúng ta kêu cầu, Ngài liền đến trợ giúp. Thật đẹp khi Giáo Hội bắt đầu kinh nguyện hằng ngày bằng câu: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ” (Tv 70,2). Sự trợ giúp chúng ta cầu xin đã là bước đầu của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài đến để cứu chúng ta khỏi những yếu hèn. Và ơn phù trợ của Ngài chính là để giúp chúng ta tiếp nhận sự hiện diện và sự gần gũi của Ngài. Trong mỗi ngày sống, nhận được sự cảm thông của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể bày tỏ lòng cảm thông đối với mọi người.
15. Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay. Hiện có biết bao tình cảnh đói nghèo và khổ đau trong thế giới ngày nay. Có biết bao vết thương trầm trọng nơi thân xác những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có. Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy. Chúng ta đừng để mình ngập ngừng trong thái độ dửng dưng đáng xấu hổ, trong những thói quen thường ru ngủ tinh thần và cản trở chúng ta khám phá những điều mới mẻ, hay trong hành vi nhẫn tâm đang gây nhiều chia rẽ. Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta, Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.
Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta không thể lẩn tránh những lời Chúa dạy, lời sẽ phán xét chúng ta, đó là chúng ta có cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống, có cho khách đỗ nhà và cho kẻ rách rưới ăn mặc, có viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc hay không (x. Mt 25,31-45). Ngoài ra, chúng ta cũng phải trả lẽ về việc có giúp cho người khác thoát khỏi ngờ vực, một tâm trạng vẫn gây nên lo sợ và thường đưa đến cô đơn không; chúng ta có nỗ lực giúp giải quyết nạn thất học của biết bao nhiêu người, nhất là những trẻ em không có phương tiện cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo không; chúng ta có đến gặp gỡ người lẻ loi cô độc và đang buồn chán không; chúng ta có tha thứ cho người xúc phạm đến chúng ta, có loại bỏ mọi hình thức oán hận và thù ghét dẫn đến bạo lực không; chúng ta có nhẫn nại như Thiên Chúa là Đấng vô cùng kiên nhẫn với chúng ta không; và cuối cùng, khi cầu nguyện, chúng ta có trao dâng anh chị em chúng ta cho Chúa không. Chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi người trong “những kẻ hèn mọn” đó. Thân xác Người trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi… để cho chúng ta nhận ra, chạm tới và ân cần chăm sóc. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu” (Avisos y sentencias, 57).
16. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta thấy một yếu tố quan trọng khác có thể giúp chúng ta sống Năm Thánh với đức tin. Thánh sử kể lại việc Chúa Giêsu, vào một ngày sabbat, đã trở về Nazareth, và như thói quen, Người vào hội đường. Người ta mời Người đọc và diễn giải Sách Thánh. Đoạn sách tiên tri Isaia viết: “Thần Khí của Chúa là Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi mang tin vui cho người nghèo khó, băng bó những tấm lòng sầu muộn, loan báo sự giải thoát cho kẻ bị tù đầy và mở cửa ngục tù; công bố năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). “Năm của lòng thương xót”, đó là điều Chúa loan báo và cũng là điều chúng ta muốn sống. Năm Thánh mang ý nghĩa phong phú của sứ mạng Chúa Giêsu, được vọng lại qua lời của vị ngôn sứ, đó là một lời nói hay cử chỉ để an ủi kẻ nghèo khổ, là loan báo tự do cho những người bị khống chế bởi những hình thức nô lệ mới trong xã hội ngày nay, là trả lại thị lực cho những người không còn khả năng nhìn thấy gì khác vì chỉ lo nhìn vào bản thân, là phục hồi phẩm giá cho những người đã bị mất nhân phẩm. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể được nhận thấy nơi cách đáp trả của đức tin mà các Kitô hữu được kêu gọi để làm chứng. Ước chi lời của thánh Phaolô Tông đồ luôn nhắc nhở chúng ta: “Ai thương xót, hãy thương xót cách vui vẻ” (x. Rm 12,8).
17. Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng phải được sống cách sâu sắc hơn như một thời điểm đặc biệt để cử hành và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta có thể suy niệm nhiều trang Thánh Kinh trong các tuần Mùa Chay để nhận ra dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta có thể nhắc lại lời tiên tri Micêa: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa luôn bỏ qua điều sai phạm và thứ tha tội lỗi, Chúa không giữ mãi cơn thịnh nộ, nhưng muốn thực thi lòng thương xót. Lạy Chúa, Chúa sẽ nhìn đến chúng con và xót thương dân Chúa. Chúa sẽ chà đạp và ném mọi tội lỗi chúng con xuống lòng biển sâu (x. Mca 7,18-19).
Chúng ta cũng có thể suy niệm cách cụ thể câu nói của tiên tri Isaia trong mùa cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái này: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: bỏ xiềng xích bất công, mở dây tháo ách, giải thoát cho người bị áp chế, đập tan mọi gánh nặng? Nào chẳng phải là chia cơm bánh cho người đói, đón vào nhà những người nghèo túng lang thang; thấy kẻ mình trần thì cho áo che thân, không coi khinh anh em đồng loại? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, ngươi sẽ được nhanh chóng chữa lành; và đức công chính sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang Chúa bao bọc lấy ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Chúa sẽ nhậm lời, ngươi kêu cầu, Người sẽ nói: ‘Này Ta đây’. Nếu ngươi loại bỏ những gông ách nặng nề, cử chỉ đe doạ và lời nói độc ác, nếu ngươi quảng đại sớt chia cho kẻ đói, đem niềm vui cho người ưu phiền, thì ánh sáng ngươi sẽ rực lên trong bóng tối, và đêm tối nơi ngươi sẽ nên như chính ngọ. Chúa sẽ luôn dìu dắt ngươi, cho ngươi no thoả giữa nơi khô cằn và cho xương cốt ngươi nên cứng cáp; và ngươi sẽ như khu vườn được tưới đẫm, như mạch nước không vơi cạn bao giờ” (Is 58,6-11).
Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành vào thứ Sáu và thứ Bảy trước Chúa Nhật IV Mùa Chay, sẽ được thực hiện tại tất cả các giáo phận. Rất nhiều người đang tìm đến bí tích Hòa Giải, trong đó có nhiều người trẻ, nhờ trải nghiệm này, sẽ tìm thấy con đường quay về với Thiên Chúa, để sống những giờ phút cầu nguyện và để tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống. Một lần nữa, chúng ta cần xác tín vững vàng về tầm quan trọng đặc biệt của bí tích Hòa Giải, một bí tích cho phép chúng ta như được chạm tay vào sự cao cả của lòng thương xót. Bí tích này là nguồn suối an bình nội tâm thực sự cho mọi hối nhân.
Tôi không ngừng nhấn mạnh rằng các vị giải tội là dấu chỉ đích thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Không ai trong phút chốc trở thành một vị giải tội như thế. Điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta để cho chính mình trở thành những hối nhân đang nài xin ơn tha thứ. Đừng bao giờ quên rằng, trở nên người giải tội có nghĩa là thông dự vào chính sứ mạng của Chúa Giêsu, và trở thành dấu chỉ chắc chắn cho sự trao ban liên lỉ của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu luôn ban ơn tha thứ và cứu độ. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận ơn ban Thánh Thần để tha tội; chúng ta có trách nhiệm về ân huệ này. Không ai trong chúng ta là chủ nhân của bí tích này, mà chỉ là người phục vụ trung thành cho ơn tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích ấy. Mỗi vị giải tội phải tiếp đón các tín hữu như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy đến gặp con, cho dù anh ta đã phung phá hết cả gia tài. Các vị giải tội được mời gọi ôm vào lòng người con thống hối đang quay về nhà, và bày tỏ niềm vui vì nay đã lại tìm thấy con. Các ngài cũng đừng bao giờ từ chối đến với người con đang đứng bên ngoài, người chưa thể chấp nhận niềm vui ấy, để giải thích cho anh ta biết thái độ phán xử nghiêm khắc của anh là bất công và vô nghĩa trước lòng thương xót vô hạn của người cha. Các vị giải tội đừng đòi hỏi điều gì khác thường, nhưng như người cha trong dụ ngôn, hãy ngắt ngang những gì người con hoang đàng định nói, chỉ cần nhận ra nơi tâm hồn của mỗi hối nhân lời thỉnh cầu mong nhận được sự giúp đỡ và lòng thương xót. Tóm lại, các vị giải tội được kêu gọi để trở thành dấu chỉ chính yếu của lòng thương xót, trong mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp và trước hết mọi sự.
18. Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, tôi có dự định gửi đi các Thừa sai của Lòng thương xót. Họ sẽ là dấu chỉ cho sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa, để có thể đạt đến sự phong phú thâm sâu của mầu nhiệm căn bản liên quan đến đức tin. Đó là các linh mục sẽ được ban năng quyền để giải các tội dành riêng cho Tòa Thánh, nhằm biểu lộ rõ rệt tầm quan trọng của thừa ủy vụ họ lãnh nhận. Trước hết, họ sẽ là dấu chỉ sống động của việc Chúa Cha tiếp nhận bất cứ ai cầu xin ơn tha thứ của Ngài. Họ là những thừa sai của lòng thương xót, vì nơi mọi người, họ sẽ là những tác nhân của cuộc gặp gỡ mang tính nhân bản, của suối nguồn ơn giải thoát, với ý thức trách nhiệm để vượt qua các trở ngại và để lãnh nhận sự sống mới của bí tích Thánh Tẩy. Trong sứ vụ của mình, họ được dẫn dắt bởi lời Thánh Tông Đồ: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong sự bất tín, để thương xót mọi người” (Rm 11,32). Vì tất cả mọi người không trừ ai, đều được mời gọi đến với lòng thương xót. Các thừa sai sống ơn gọi này nhờ biết rằng họ có thể chăm chú dõi theo Chúa Giêsu, vị “Thượng Tế thương xót và tín trung” (Dt 2,17).
Tôi xin các hiền huynh Giám mục hãy mời gọi và tiếp nhận các Thừa sai, trước tiên hãy là những người rao giảng đầy thuyết phục về lòng thương xót. Tại các giáo phận, các Giám mục nên tổ chức những cuộc “sai đi đến với dân chúng” để các Thừa sai trở thành những người loan báo niềm vui của ơn tha thứ. Các Giám mục hãy cử hành bí tích Hòa Giải cho dân, để thời gian ân sủng trong Năm Thánh giúp nhiều người đã bỏ đi xa, nay lại tìm thấy lối đường quay về nhà Cha. Trong thời gian đặc biệt của Mùa Chay, các mục tử hãy mời gọi các tín hữu đến với ngai tòa ân sủng, để được thương xót và lãnh nhận ân sủng (Dt 4,16).
19. Ước chi lời tha thứ sẽ chạm đến tất cả mọi người, và mong đừng có ai dửng dưng trước lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót. Lời mời gọi thống hối đó, tôi xin tha thiết gửi đến tất cả những ai vì lý do nào đó đang sống xa rời ân sủng của Thiên Chúa. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người nam, người nữ đang tham gia vào một hình thức tổ chức tội phạm nào đó. Vì lợi ích của anh chị em, tôi xin anh chị em hãy thay đổi lối sống. Tôi nài xin anh chị em điều đó, nhân danh Con Thiên Chúa, Đấng kiên quyết loại trừ tội lỗi, nhưng không bao giờ khước từ tội nhân. Đừng sa vào những cạm bẫy đáng sợ khi nghĩ rằng, cuộc sống tùy thuộc vào tiền bạc, và so với tiền bạc, các thứ khác đều không có giá trị và không quan trọng. Đó chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta không mang theo tiền bạc khi đi vào cõi chết. Tiền bạc không đem lại hạnh phúc đích thực. Bạo lực tàn ác dùng để thu tích tiền bạc, không đem lại quyền lực cũng không giúp chúng ta khỏi chết. Sớm hay muộn, mọi người đều phải chịu Thiên Chúa phán xét, không ai tránh được.
Tôi cũng hướng lời mời gọi đó tới những người là thủ phạm hoặc đồng lõa trong nạn tham nhũng. Vết thương mưng mủ này là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì đang hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Nạn tham nhũng không cho chúng ta tin tưởng nhìn về tương lai, vì sự tàn nhẫn và tham lam sẽ làm tiêu tan dự định của những người yếu kém, và giẫm nát những người nghèo khổ nhất. Đây chính là sự dữ lưu trú trong những cử chỉ thường ngày, để rồi đưa đến những vụ bê bối công khai. Tham nhũng là trở nên chai lì trong tội lỗi, muốn thay thế Thiên Chúa bằng tiền bạc hư vô như một biểu tượng của quyền lực. Đây là việc làm của bóng tối, được hỗ trợ bởi lòng nghi kỵ và mưu mô xảo trá. Thánh Grêgôriô Cả đã nói thật chí lý rằng, Corruptio optimi pessima (sự hư hoại của điều tốt nhất sẽ là tồi tệ nhất), câu nói cho thấy không ai có thể giữ mình nguyên vẹn trước cơn cám dỗ ấy. Để loại trừ tham nhũng khỏi cuộc sống cá nhân và xã hội, cần phải khôn ngoan, tỉnh thức, trung thực, lương thiện, kèm theo sự can đảm để tố giác điều sai trái. Nếu không công khai loại trừ, thì sớm hay muộn, tham những cũng biến chúng ta thành người đồng lõa và sẽ hủy hoại cuộc sống.
Đây là thời gian thuận lợi để thay đổi cuộc sống. Đây là thời điểm để đánh động trái tim. Trước hành vi sai lỗi, cũng như trước các tội phạm nghiêm trọng, đây là thời điểm để nghe tiếng kêu khóc của những con người vô tội đã bị cướp mất tài sản, phẩm giá, tình cảm và cả cuộc sống. Ở lì trong nẻo đường tội ác chỉ đưa đến cảm giác trống rỗng và buồn thảm. Sự sống đích thực là một điều hoàn toàn khác. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc dang tay chờ đón. Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe, và kể cả tôi, các Giám mục và linh mục, cũng đang sẵn sàng. Chỉ cần tiếp nhận lời mời gọi thống hối và quy phục đức công chính, trong lúc Giáo Hội đang trao tặng lòng thương xót.
20. Trong khung cảnh này, sẽ không vô ích khi nêu rõ mối tương quan giữa đức công bình và lòng thương xót. Đây không phải là hai thực thể tương phản, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất, vẫn tăng triển dần cho tới khi đạt đến mức độ viên mãn của Tình Yêu. Công bình là một khái niệm căn bản của xã hội dân sự, thường gắn liền với hệ thống pháp lý, trong việc áp dụng luật pháp. Công bình được hiểu là những gì thuộc về ai, thì phải trao cho người ấy. Sách Thánh nói nhiều về đức công bình của Thiên Chúa, cũng như về Thiên Chúa là một vị thẩm phán. Trong Kinh Thánh, công bình chính trực thường được hiểu là chu toàn việc tuân giữ Lề luật, và là cách sống của một người Israel tốt lành theo đúng các lệnh truyền của Thiên Chúa. Nhưng quan điểm này nhiều khi đưa đến thái độ giữ luật cách nhiệm nhặt, làm sai lệch ý nghĩa nguyên thủy và làm mờ nhạt bản chất sâu xa của sự công chính. Để tránh quan điểm giữ luật cứng nhắc, cần nhớ rằng, trong Kinh Thánh, đức công chính chủ yếu được hiểu là sự phó thác đầy tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần nói về tầm quan trọng của đức tin hơn là tuân giữ lề luật. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa đó về câu Ngài nói với những người Pharisêu chỉ trích việc Ngài đồng bàn với Mátthêu và những người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi khác: “Hãy đi học cho biết ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn hy lễ. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi“ (Mt 9,13). Đối với quan điểm cho rằng đức công chính chỉ là sự tuân thủ lề luật, và dựa vào đó để phê phán và phân chia hai nhóm người công chính và tội nhân, Chúa Giêsu nói đến ân huệ cao cả của lòng thương xót, luôn tìm kiếm tội nhân để trao ban cho họ sự tha thứ và ơn cứu rỗi. Như thế, chúng ta hiểu, chỉ vì Chúa Giêsu cho rằng ân sủng của lòng thương xót là một hành vi ban ơn giải thoát và là nguồn suối của ơn đổi mới, nên Người bị những người Pharisiêu và các Luật sĩ phản đối. Những người này, để trung thành với lề luật, đã đặt lên vai người khác những gánh nặng, nhưng lại xóa bỏ lòng thương xót của Chúa Cha. Việc khuyên bảo tuân giữ lề luật không được làm cản trở việc chăm sóc cho phẩm giá con người.
Câu Thánh Kinh được Chúa Giêsu trích dẫn từ tiên tri Ôsê: “Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn hy lễ“ (Os 6,6) – mang một ý nghĩa thật rõ ràng. Chúa Giêsu khẳng định rằng, từ đây, quy luật sống của các môn đệ Người là phải dành ưu tiên cho lòng thương xót, như chính Người đã chứng tỏ, khi ngồi đồng bàn với những người tội lỗi. Một lần nữa, lòng thương xót được mặc khải như là nền tảng cho sứ mạng của Chúa Giêsu. Đây quả là một thách đố cho những kẻ đang đối chất với Người, những kẻ bám chặt vào việc tuân giữ lề luật theo hình thức. Trái lại, Chúa Giêsu vượt lên trên lề luật. Việc Chúa tiếp nhận những kẻ mà lề luật xếp vào hàng tội nhân, giúp chúng ta hiểu được sự cao cả của lòng thương xót.
Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã trải qua con đường tương tự. Trước khi gặp Đức Kitô trên đường Đamas, ngài đã dành toàn bộ cuộc sống cho việc chu toàn trọn vẹn sự công chính của lề luật (x. Pl 3,6). Cuộc trở lại với Đức Kitô đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của ngài, đến độ ngài viết trong thư gửi tín hữu Galata: “Chúng ta tin vào Đức Kitô Giêsu, để được công chính nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ những công việc của Lề luật“ (Gl 2,16). Thánh Phaolô đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu về đức công chính. Vị trí quan trọng nhất không còn được dành cho lề luật, nhưng là cho đức tin. Ơn cứu độ không được trao ban nhờ việc tuân giữ lề luật, nhưng nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dùng sự chết và sự sống lại của Người để ban ơn cứu độ, nhờ vào lòng thương xót mang lại ơn công chính hóa. Giờ đây đức công chính của Thiên Chúa được hiểu là sự giải thoát cho những người đang bị đè bẹp dưới ách nô lệ của tội lỗi và của tất cả những hậu quả của tội. Đức công chính của Thiên Chúa là sự tha thứ của Ngài (x. Tv 51,11-16).
21. Lòng thương xót không hề đối nghịch với đức công bình, nhưng đúng hơn, lòng thương xót cho thấy hành động của Thiên Chúa đối với tội nhân, kẻ được Ngài ban cho dư tràn sức mạnh để thống hối, để trở về và để tin. Tiên tri Ôsê giúp chúng ta nhận ra lòng thương xót trổi vượt trên sự công bình. Đây là vị tiên tri sống vào giai đoạn nhiều biến động nhất của lịch sử dân Israel. Vương quốc gần như đã sụp đổ; còn dân tộc bất trung với giao ước, đã xa rời Thiên Chúa và đánh mất cả niềm tin của các tổ phụ. Theo lý luận con người, dường như Thiên Chúa công bình muốn lìa bỏ đoàn dân bất trung: những kẻ đã không tuân giữ giao ước và vì thế đáng bị trừng phạt, tức là phải bị lưu đầy. Lời của vị tiên tri minh chứng cho điều đó: “Dân sẽ đi về đất Ai cập, và Assur sẽ làm vua, vì chúng không muốn quay về với Ta“ (Os 11,5). Thế nhưng, sau khi nại đến sự công bình, vị tiên tri lại dùng một cách nói hoàn toàn khác và đã mặc khải dung mạo đích thực của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức trong Ta, lòng trắc ẩn nung đốt Ta. Ta sẽ không giận dữ trong cơn thịnh nộ, không quay lại để huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân. là Đấng Thánh ở giữa ngươi, và Ta sẽ không đến để gieo kinh hoàng khiếp hãi“ (Os 11,8-9). Thánh Augustinô, khi chú giải lời tiên tri này, đã nói: “Đối với Thiên Chúa, nén giận thì dễ hơn là rút lại lòng thương xót“ (Enarr. in Ps. 76, 11). Quả thật đúng như thế. Cơn giận của Thiên Chúa chỉ kéo dài trong giây lát, nhưng lòng thương xót của Ngài thì bền vững đến muôn đời.
Nếu Thiên Chúa chỉ dừng lại nơi sự công bình, thì quả thực Ngài sẽ chẳng là Thiên Chúa nữa, nhưng sẽ nên giống như những người cứ đòi phải tuân giữ lề luật. Chỉ có công bình thôi thì không đủ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ lưu tâm đến công bình, sẽ có nguy cơ làm mất công bình. Vì thế, Thiên Chúa đặt lòng thương xót và tha thứ lên trên công bình. Điều này không có nghĩa là xem thường hay làm cho công bình trở nên thừa thãi. Hoàn toàn trái lại. Ai phạm tội thì phải chịu phạt. Nhưng hình phạt không phải là nơi kết thúc, mà là điểm khởi đầu của việc hoán cải, vì con người được cảm nếm sự trìu mến của ơn tha thứ. Thiên Chúa không chối bỏ sự công bình. Ngài bao phủ và thăng hoa sự công bình trong một kết cuộc cao đẹp hơn, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, và tình yêu chính là nền tàng của sự công bình đích thực. Chúng ta phải quan tâm đến lời thánh Phaolô để không rơi vào những sai lầm mà Thánh Tông đồ đã khiển trách những người Do thái đương thời: “không nhận biết sự công chính hóa từ Thiên Chúa, và tìm cách tự công chính hóa chính mình, họ không theo đường lối công chính hóa của Thiên Chúa; Đức Kitô là điểm kết thúc lề luật để ai tin thì được công chính hóa“ (Rm 10,3-4). Đức công chính đó của Thiên Chúa chính là lòng thương xót được ban cho mọi người, như là ân sủng được thành toàn nhờ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, Thập Giá của Đức Kitô chính là phán quyết của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới, vì trao cho chúng ta chứng cứ chắc chắn của tình yêu và sự sống mới.
22. Năm Thánh cũng bao gồm Ân Xá, một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thiên Chúa xót thương chúng ta vô bờ bến. Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt Qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Chúng ta biết mình được kêu gọi để trở nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), nhưng chúng ta vẫn cảm thấy gánh nặng của tội lỗi. Chúng ta nhận ra sức mạnh của ân sủng đang biến đổi chúng ta, cùng lúc chúng ta cũng cảm nghiệm sức mạnh của tội lỗi đang chi phối chúng ta. Dù nhận được ơn tha thứ, chúng ta vẫn nghiệm thấy trong cuộc sống những mâu thuẫn phát sinh từ tội lỗi. Nhờ bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, những tội ấy hoàn toàn bị xóa bỏ; tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu vết xấu xa do tội lỗi để lại trong lối hành xử và cách suy nghĩ của chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn. Lòng thương xót trở thành những ân xá của Chúa Cha, qua trung gian Hiền Thê của Đức Kitô, được ban cho tội nhân vừa lãnh ơn giao hòa, sẽ giải gỡ người ấy khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, để có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là lại rơi vào tội lỗi.
Giáo Hội sống trong tình hiệp thông với các thánh. Trong bí tích Thánh Thể, tình hiệp thông ấy, do Thiên Chúa ân ban, trở nên mối dây thiêng liêng nối kết các tín hữu với các thánh và các chân phước, một cộng đoàn đông đảo không sao đếm được (x. Kh 7,4). Sự thánh thiện của các ngài sẽ hỗ trợ cho sự mỏng dòn của chúng ta, và như thế, với lời cầu nguyện và đời sống của mình, Mẹ Giáo Hội có thể nâng đỡ sự yếu đuối của người này bằng sự thánh thiện của người khác. Lãnh nhận ân xá của Năm Thánh chính là vui hưởng lòng thương xót của Chúa Cha, với quyết tâm để cho ơn tha thứ của Ngài tác động trên toàn bộ đời sống người tín hữu. Ân xá cũng là cảm nghiệm sự thánh thiện của Giáo Hội đang thông ban tất cả hoa trái nơi công trình cứu độ của Chúa Kitô, để ơn tha thứ và tình yêu Thiên Chúa có được những kết quả tuyệt vời nhất. Chúng ta hãy sống Năm Toàn Xá này cách sốt sắng, hãy khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tuôn đổ chan hòa ân xá đầy xót thương của Ngài trên chúng ta.
23. Lòng thương xót cũng vượt ra ngoài ranh giới của Giáo Hội để nối kết chúng ta với Do thái giáo và Hồi giáo, những tôn giáo vẫn tin nhận lòng thương xót là một trong những thuộc tính cao cả nhất của Thiên Chúa. Israel là dân tộc đầu tiên đã tiếp nhận mặc khải này, được lưu giữ trong lịch sử như là cửa vào một kho báu vô tận được chuyển trao cho toàn thể nhân loại. Như chúng ta đã thấy, những trang sách Cựu Ước nói nhiều về lòng thương xót, tường thuật những việc Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Ngài trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử. Nơi Hồi giáo, Đấng Tạo Hóa cũng được gọi là Đấng Xót Thương Nhân Hậu. Lời kêu cầu này thường xuyên xuất hiện trên môi miệng các tín hữu Hồi Giáo, những người vẫn cảm nhận được lòng thương xót luôn đồng hành và nâng đỡ những yếu đuối trong cuộc sống hằng ngày. Họ cũng tin rằng, không ai có thể đặt giới hạn cho lòng thương xót của Thiên Chúa, vì những cánh cửa của lòng thương xót ấy luôn được rộng mở.
Ước chi Năm Thánh Lòng Thương Xót này thúc đẩy chúng ta gặp gỡ hai tôn giáo nêu trên, cũng như các truyền thống tôn giáo cao quý khác, giúp chúng ta cởi mở hơn trong việc đối thoại, để có thể biết nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Mong sao Năm Thánh sẽ giải tỏa thái độ khép kín và thiếu trân trọng, cũng như loại bỏ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị.
24. Giờ đây chúng ta hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa.
Được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria ngay từ đầu đã được chuẩn bị bởi Tình Yêu của Chúa Cha, để trở nên Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết Thánh Tử Giêsu. Bài ca Ngợi khen của Mẹ trước ngưỡng cửa nhà bà Elisabeth hướng về Lòng Thương Xót trải dài “từ đời nọ tới đời kia“ (Lc 1,50). Chúng ta cũng đã có mặt trong những lời mang tính ngôn sứ này của Đức Trinh Nữ Maria. Điều này sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Dưới chân Thập giá, cùng với thánh Gioan, người môn đệ của tình yêu, Đức Maria là nhân chứng của những lời tha thứ thốt ra từ miệng Chúa Giêsu. Việc Chúa tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người, cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đi xa tới mức nào. Đức Maria làm chứng rằng, lòng thương xót của Con Thiên Chúa thì vô bến bờ, và được trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai. Chúng ta cùng dâng lên Mẹ lời kinh Salve Regina, một lời kinh cổ xưa nhưng vẫn luôn mới: xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta, và cho chúng ta được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Chúng ta cũng xin được dâng lời khẩn cầu lên các Thánh và các Chân Phước, những người đã sống như những sứ giả của lòng thương xót. Chúng ta đặc biệt nghĩ tới người tông đồ vĩ đại của lòng thương xót – thánh nữ Faustina Kowalska. Thánh nữ được mời gọi bước vào tận nơi sâu thẳm của Lòng Chúa Xót Thương, xin Thánh nữ chuyển cầu và giúp chúng ta luôn sống và bước đi trong tình thương tha thứ của Thiên Chúa, cũng như trong niềm tín thác kiên vững vào tình yêu của Ngài.
25. Như thế, đây là một Năm Thánh ngoại thường, để chúng ta thực thi trong cuộc sống hằng ngày lòng thương xót mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta. Trong Năm Thánh này, hãy để Thiên Chúa tạo bất ngờ cho chúng ta. Ngài luôn để cánh cửa trái tim Ngài rộng mở, và không ngừng lập đi lập lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn thông truyền sự sống của Ngài cho chúng ta. Giáo Hội phải cấp thiết loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Đời sống Giáo Hội sẽ trở nên xác thực và đáng tin khi công bố lòng thương xót với trọn niềm xác tín. Giáo Hội biết rằng, trong một thời đại vừa chất chứa những niềm hy vọng to lớn vừa có đầy những mâu thuẫn nghiêm trọng, trách vụ hàng đầu của Giáo Hội là dẫn đưa tất cả mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của Lòng Thiên Chúa Xót Thương, bằng cách chiêm ngưỡng dung mạo của Đức Kitô. Giáo Hội được mời gọi trước tiên trở nên chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót, bằng cách tuyên xưng và sống lòng thương xót như là chủ điểm trong mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Từ Trái tim của Ba Ngội, từ mầu nhiệm cao cả và thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, dòng chảy dạt dào của lòng thương xót trào dâng và liên lỉ tuôn tràn. Suối nguồn này không bao giờ khô cạn, bất kể có bao nhiêu người đến kín múc. Bất cứ ai cần, đều có thể tìm đến, vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô cùng vô tận. Sự thẳm sâu của mầu nhiệm thì không thể dò thấu, trong khi sự phong phú của lòng thương xót thì không sao múc cạn.
Trong Năm Toàn Xá này, Giáo Hội mong làm vọng lại Lời Thiên Chúa, đang vang lên thật rõ ràng và đầy thuyết phục trong lời và cử chỉ tha thứ, củng cố, trợ giúp và yêu thương. Giáo Hội sẽ không bao giờ ngưng trao ban lòng thương xót, sẽ luôn mãi kiên trì tha thứ và ủi an khích lệ. Giáo Hội muốn trở thành tiếng nói của bất cứ người nam hay người nữ nào, và không ngừng kêu xin với trọn niềm tín thác: “Lạy Chúa, xin nhớ lại tình lân ái và lòng thương xót của Chúa, như vẫn có từ ngàn xưa“ (Tv 25,6).
Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô
Ngày 11 tháng 04 – Vọng Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật Lòng Thương Xót – năm 2015, năm thứ ba Triều Đại Giáo Hoàng của tôi.
Giáo Hoàng PHANXICÔ
Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam