Tháng 11, một góc nhìn cá nhân từ đời tu

Tháng 11 – Hướng về thời cánh chung, một góc nhìn cá nhân từ đời tu

Không nhớ từ bao giờ mà trong tâm thức của tôi, tháng 11 trở thành tháng “các linh hồn”. Vì thế, trong tháng này, tôi hướng về các linh hồn nhiều hơn để cầu nguyện cho họ. Nhưng năm nay, có một điều gì đó luẩn quẩn trong tâm trí tôi như muốn dẫn tôi đến cánh đồng “suy tư” để chiêm ngắm bức tranh “đời sống cánh chung”. Tò mò và thích khám phá, tôi mon men đến. Thật thú vị khi đứng nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, tôi phát hiện ra nét đẹp, ánh sáng và độ sâu phong phú của bức tranh mầu nhiệm này. Tôi xin được chia sẻ chút suy tư cá nhân từ góc nhìn của đời tu hướng về “thời cánh chung”.
 
“Đời sống cánh chung” hay cuộc sống mai sau có vẻ như còn quá xa, mơ hồ và thậm chí chưa có khái niệm đối với nhiều người ; bởi cuộc sống hiện tại đang bình an, đang hấp dẫn và đầy thú vị. Cứ thưởng thức cuộc sống hiện tại đi, ngày mai ra sao thì ra, vì ta đâu biết chắc có đời sống mai sau không ? Lối sống xa hoa, thái độ sống “vô tư” của nhiều người chứng minh điều đó.
 
Nếu chúng ta đứng ở trong lòng căn nhà đức tin hướng nhìn về “chân trời”, nghĩa là viễn vọng “tương lai thời cánh chung”, chúng ta sẽ thấy ánh sáng chói chang dẫn đến một chân trời vĩnh cửu, chan hoà niềm vui và hạnh phúc. Khi đó, chúng ta không còn có thể chần chờ, nhưng nóng lòng khởi hành, lên đường để đi đến ĐÍCH. ĐÍCH chính là hạnh phúc viên mãn mà con người khao khát đạt đến. Trong ý nghĩa của hạnh phúc viên mãn này, cái chết là một “ngưỡng cửa” mà bất cứ ai chuẩn bị sẵn sàng để bước vào đều hân hoan và vui mừng. Ngược lại, những người còn mải mê với trần thế, còn vướng bận với phù vân sẽ rất hoảng hốt khi chạm vào “ngưỡng cửa” đó. Cũng dễ hiểu thôi, bởi họ chưa có sự chuẩn bị, làm sao biết phải đi qua “ngưỡng cửa” như thế nào. Chẳng hạn, trong cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật, nếu chúng ta nhìn thấy vật chướng từ xa, hoặc là chúng ta tăng tốc để nhảy qua, hoặc là chúng ta giảm tốc độ để chui qua. Còn nếu chúng ta nhắm mắt mà chạy, không thấy gì, chúng ta sẽ bị tai nạn khi va chạm vào vật chướng. Ở đây, tôi không ví cái chết như một vật chướng nhưng là một “ngưỡng cửa”. Tất cả mọi người đều phải đi qua “ngưỡng cửa” đó để bước vào thế giới “tương lai thật” của mình. Theo vòng quay nhân sinh, ai không phải chết ? Nhưng chết không phải là hết, mà là tiến vào một “thế giới mới”, thế giới của “lời hứa” mà chính Thiên Chúa đã giao ước với con người.
 
Đối với người tu sĩ, họ tìm kiếm gì, họ muốn được gì, khi dứt bỏ mọi sự để sống “khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục” liên lỉ suốt cuộc đời, nếu không phải là được sống kết hiệp mật thiết, trọn vẹn với Thiên Chúa cả đời này và đời sau ? Với nguyện vọng đó, họ bước đi từng ngày ở “đời này” với niềm tín thác và vui mừng tiến về “đời sau”. Họ không đi một mình, nhưng luôn có những người cùng “hội”, cùng “thuyền” song hành. Chắc chắn, họ không cô lập hay khép kín thành cụm, thành nhóm, nhưng mở rộng và muốn kéo mọi người cùng hưởng “niềm vui đời sống cánh chung” với họ. Chính vì thế, tháng 11 mang một ý nghĩa đặc biệt hơn với họ, bởi họ không chỉ tương quan, chia sẻ hạnh phúc với người sống ; mà còn hiệp thông, tương quan sâu sắc với người đã khuất bằng những việc hy sinh lặng lẽ và những lời nguyện cầu âm thầm mỗi ngày dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền bù tội lỗi thay cho những người đã qua đời. Thiên Chúa công bình và giàu lòng thương xót, Người đón nhận tất cả mà không đòi hỏi gì. Suy ngẫm điều này, tôi chợt giật mình khi nghĩ đến những tu sĩ sống “lạc đường”. Thật đau đớn thay khi họ chưa ý thức được giá trị cao quý của đời tu, giá trị tuyệt vời của chính “con người tu”. Thật đáng trách khi họ chọn sống đời tu, nhưng sống như chỉ có đời sống này, chỉ tương quan với người đang sống.
 
Một tu sĩ chân chính, hướng về thời cánh chung, sẽ sống như Đức Giêsu đã sống, sẽ mở rộng tấm lòng và tâm hồn với tha nhân, luôn hướng đến cứu rỗi các linh hồn bằng những hành động bác ái và việc làm cụ thể của tình yêu.

Giọt Mực – See more at: http://gpbuichu.org/news/Chuyen-de/Thang-11-mot-goc-nhin-ca-nhan-tu-doi-tu-2068.html#sthash.e4ySFk0p.dpuf