« Nhiều giám mục Công giáo mất tích » tại miền bắc Trung Quốc là tựa đề của Le Monde. Cụ thể là tại một giáo phận thuộc tỉnh Hà Bắc (He Bei), cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về phía tây nam, liên tục nhiều thế hệ giám mục bị đưa đi mất tích, để rồi một thời gian sau, người ta biết là họ đã chết.
Biểu tình đòi tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Trong ảnh, Hồng Y Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác, Hồng Kông, 11/07/2015 (REUTERS/Bobby Yip)
Giáo phận Yixian là nơi gần như toàn bộ dân cư theo Công giáo, với truyền thống lâu đời, từ trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Hầu hết các giám mục tại đây trung thành với Tòa Thánh Vatican, không chấp nhận tham gia « Giáo hội Công giáo yêu nước », nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, như đa số các giám mục khác (theo đặc phái viên Le Monde).
Cái giá phải trả cho sự trung thành tuyệt đối này là họ bị chính quyền truy bức đến cùng. Tại nghĩa trang của giáo phận, có hai tấm bia mộ, ghi năm mất của hai giám mục tiền nhiệm, 1989 và 1993, đều là các nạn nhân của chính quyền. Ngày 31/03 vừa qua, chính quyền thông báo giám mục Côme Shi Enxiang đã chết, ở tuổi 94. Đây là vị giám mục bị công an chính trị Trung Quốc bắt cóc từ năm 2001.
Theo đặc phái viên Le Monde, tất cả giám mục bất tuân phục Bắc Kinh đều bị truy bắt. Ngoài hai giám mục đã qua đời nói trên, còn có giám mục Su Zhimin bị bắt năm 1997, và từ đó đến nay không hề có thông tin gì về ông.
Dù sao, người Công giáo tại giáo phận Yixian vẫn tiếp tục tự tổ chức, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Hiện tại giáo phận tạm thời do một linh mục – cũng không được Nhà nước công nhận – phụ trách. Cho dù trong những năm gần đây, đời sống tôn giáo có phần dễ thở hơn trước, nhưng các linh mục bất tuân vẫn không có quyền truyền đạo ra ngoài. Linh mục Thomas, phụ trách giáo phận bí mật từ năm 2012, kể lại không khí hiện nay qua một câu chuyện như sau : Một hôm các giới chức của Ban tôn giáo chính quyền tỉnh và huyện đột ngột ập đến nhà thờ giáo phận, sau khi ngôi thánh đường được trùng tu. Họ cư xử cứ như là vị linh mục không tồn tại.
Mới đây, ngày 12/03, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, Fedirico Lombardi, một lần nữa gợi ý với Bắc Kinh chấp nhận một « mô hình kiểu Việt Nam », theo đó chính quyền trung ương có ý kiến về ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo Công giáo, mà Vatican dự định. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng.
Trọng Thành (http://vi.rfi.fr/chau-a/20150520-trung-quoc-nhieu-giam-muc-mat-tich-bi-an/)
Giáo hoàng kêu gọi giáo dân Trung Quốc trung thành với Vatican
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi giáo dân Trung Quốc trung thành với Giáo hội Công giáo La Mã, cho dù Bắc Kinh vẫn không công nhận thẩm quyền của Vatican ở Trung Quốc.
Phát biểu nhân buổi yết kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô hôm nay, 20/05/2015, trước đám đông 250 ngàn tín hữu, Đức Giáo hoàng Phanxicô, một người vẫn rất quan tâm đến Trung Quốc, nhắc lại rằng ngày 24/05 tới sẽ là « ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc », do Giáo hoàng Benedicto 16 lập ra vào năm 2007.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân dịp này kêu gọi giáo dân Trung Quốc nên vâng lệnh Giáo hoàng, người vẫn bổ nhiệm các giám mục trên khắp thế giới. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh, vốn không thừa nhận thẩm quyền của Tòa Thánh, vẫn muốn áp đặt các giám mục do họ bổ nhiệm từ Hội Công giáo yêu nước, tức Giáo hội chính thức của Trung Quốc.
Nhiều người, trong đó có Hồng y Trần Nhật Quân của Hồng Kông, gần đây đã chỉ trích điều mà họ xem là thái độ dễ dãi ngây thơ của Tòa Thánh đối với Bắc Kinh.
Tại Trung Quốc hiện có vài chục triệu giáo dân Công giáo tự nhận thuộc Hội Công giáo yêu nước hoặc thuộc Giáo hội thầm lặng, tức Giáo hội không chính thức. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt chẽ các hoạt động tôn giáo và rất lo ngại trước sự phát triển nhanh của Thiên chúa giáo, cả Công giáo lẫn Tin lành.
(Thanh Phương, VRNs 21.05.2015/ vi.rfi.fr)