Thành công ó phải là hạnh phúc?

Ta thường có những nhận định: thành công là hạnh phúc. Và cứ như thế ta tự dằn vặt mình mỗi khi thất bại về một điều gì đó. Thế nhưng, thành công có thực sự mang lại cho ta hạnh phúc không? Bởi lẽ, thành công có thể mang đến hạnh phúc chứ không nhất thiết là phải có thành công thì mới có hạnh phúc.

 

Người ta vẫn thường hay nhầm lẫn thành công như là thước đo của hạnh phúc. Và cứ như thế, người ta đã dựa vào mức độ sự thành công của một người để đánh giá xem người đó có hạnh phúc hay không, hoặc hạnh phúc ở mức độ nào? Điều đó đúng hay sai, không ai dám khẳng định. Tuy nhiên trước tiên chúng ta thử tìm hiểu xem thành công là gì? Sau đó, chúng ta sẽ bàn về hạnh phúc.

 

Thành Công

Theo lẽ thường, thành công có nghĩa là việc bạn đạt được những mục tiêu của bạn. Vì vậy, một người thành công phải là người luôn hoàn thành được những mục tiêu đề ra hơn là thất bại. Thành công được xác định bằng những thước đo như là sức khoẻ, của cải, địa vị, thân thế và năng lực của từng người.

Từ “thành công” thường được dùng để chỉ sự giàu có. Đây chính là lý do để người ta tưởng rằng một người thành công phải là một người giàu có. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tiền bạc chỉ có thể là yếu tố phụ của sự thành công. Ví dụ, một người hoạ sĩ thành công là vì anh ta đã hoàn thành một bức tranh sơn dầu như đã đề ra chứ không phải là vì ai đó trả cho anh ta một triệu đôla cho bức tranh đó.

 

Quan niệm sai lầm phổ biến nhất về thành công là mọi người đều nghĩ rằng: thành công sẽ tự động mang lại sự hạnh phúc. Mặc dù bất kỳ thành công nào cũng mang lại hạnh phúc, nhưng đó chỉ là hạnh phúc nhất thời, nó không đảm bảo cho bạn hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc đời. Có nhiều doanh nhân thành đạt trong lãnh vực kinh tế, nhưng lại là những người không có hạnh phúc trong đời sống riêng tư. Và ngược lại, có hàng triệu người túng quẫn mà lại hoàn toàn hài lòng và thoả mãn với cuộc sống hiện tại của họ. Bởi vì, trong khi thành công ám chỉ những sự thành đạt, còn hạnh phúc là chúng ta cảm thấy được những thành đạt của chúng ta thế nào và chúng ta đã đạt được chúng như thế nào.

 

Hạnh Phúc

Hạnh phúc là điều kiện chung của sự thành công. Đây là mục tiêu mà tất cả những người có lý trí luôn khát khao vươn tới, và nó là ước vọng chính đáng của con người. Người ta không cần phải bào chữa cho sự theo đuổi mục đích này, một mục đích quan trọng đối với con người hơn bất cứ thứ nào khác. Hạnh phúc là kết cục cuối cùng.

 

Vậy, nếu hạnh phúc là tình trạng thông thường phải có của thành đạt, thì tại sao có nhiều người thành đạt nhưng lại không hài lòng về đời tư của mình? Câu trả lời thật đơn giản: có một sự khác biệt lớn giữa sự thoả mãn tức thời và hạnh phúc bền vững. Niềm vui khi tốt nghiệp đại học có thể kéo dài hơn là cảm giác sảng khoái khi uống một ly bia, nhưng nó còn khác xa so với việc tạo được hạnh phúc vĩnh cửu trong cuộc sống.

 

Mặc dù cuộc hành trình tìm đến bất cứ một mục đích nào có thể rất gian nan, nhưng hạnh phúc đích thực sẽ đến khi người ta thực sự muốn và thích điều mà họ có hay đạt được. Vậy trước hết, bạn phải  biết mình để học cái bạn muốn. Một khi bạn biết mình, thì bạn có được cái bạn thực sự muốn và cả cái bạn không muốn. Nếu không biết được mình, không biết được bạn muốn gì và không muốn gì thì làm sao bạn có thể cảm nhận được cuộc sống bạn đang sống?!

 

Tuy sự thành công không là hạnh phúc, nhưng nó là một trong những yếu tố rất quan trọng tạo nên sự hạnh phúc. Như thế, trong cuộc sống ta cần có sự thành công. Muốn thành công, trong bất cứ lãnh vực nào, ít nhất, ta cần phải tuân thủ một vài nguyên tắc sau:

 

Sống phải có mục đích

Chắc chắn bạn đã phải có một mục đích và hướng đi riêng cho mình! Bởi, nếu bạn không có định hướng, thì thật là khó mà nói trước được khi nào bạn mới tiến đến được mục tiêu. Hơn nữa, nếu không có mục đích, bạn dựa vào cái gì để đảm bảo bạn thành công hay không.

 

Tuy nhiên, chỉ có mục đích thôi thì chưa đủ, mà phải là một mục đích thật khôn ngoan. Một mục đích khôn ngoan là mục đích mà bạn có thể đạt được, và không đưa bạn đến sự thất bại. Một mục đích bất khả thi là mục đích mà bạn biết rằng mình không thể đạt được.

Điều quan trọng là phải theo đuổi mục đích đến cùng và không được thay đổi mục đích khi vừa mới chạm trán với những trở ngại ban đầu. Tuy vậy, cần phải khôn ngoan để sẵn sàng thay đổi mục đích một khi bạn nhận ra một sai lầm hay một sự thay đổi trong môi trường. Thế nhưng, nếu bạn thường xuyên thay đổi mục đích, thì bạn phải đánh giá lại khả năng của mình để đưa ra những mục đích khôn ngoan hơn. Hơn nữa, nếu vì chạy theo lợi tức mà thường xuyên thay đổi mục đích, thì bạn sẽ bị mất đi sự tín nhiệm và sự tôn trọng của người khác.

 

Phải có sự chuẩn bị

Nếu như chỉ có một bí quyết để thành công thì bí quyết đó chính là sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị kỹ cho một công việc sẽ đặt bạn vào một trạng thái làm việc tốt nhất mà lại gặp ít khó khăn nhất. Chuẩn bị càng chu đáo thì công việc càng trở nên dễ dàng hơn. Hai sinh viên vừa mới hoàn thành xong kỳ thi đã đưa ra nhận xét hoàn toàn khác nhau về bài thi. Một sinh viên cho là bài thi quá khó, người kia thì cho là quá dễ. Sở dĩ có sự khác biệt đó là do: một người có sự chuẩn bị chu đáo thì cho là dễ; còn người kia không có sự chuẩn bị chu đáo thì cho là khó.

 

Bạn hãy nhớ rằng, nếu như hôm nay bạn đang phải học tập hay làm việc cật lực thì đó chính là sự chuẩn bị cho công việc lớn lao hơn của bạn trong tương lai. Bạn “chỉ gặt được những gì bạn  gieo”.

CÒN TIẾP…….

 

                                                                                                       Hà Vi

                                                                               Secrets of Success and Happiness