“Con là một thanh niên Công giáo sắp kết hôn với một cô theo Đạo Tin Lành. Vậy con có cần phải xin chuẩn hôn phối khác đạo hay không?”
Trả lời:
Trong trường hợp một người Công giáo muốn kết hôn với một người Tin Lành, để giải quyết có cần phải xin chuẩn hôn phối khác đạo hay không, chúng ta cứu xét hai điểm sau đây:
1. XÁC ĐỊNH VIỆC RỬA TỘI CÓ HỮU HIỆU HAY KHÔNG
Trước hết cần phải xác định xem cô người yêu theo Đạo Tin Lành có được Rửa Tội hay không, và phép Rửa Tội đó có được Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là hữu hiệu hay không.
* Các cộng đoàn Giáo Hội không Công giáo sau đây có bí tích Rửa Tội được Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là hữu hiệu:
African Methodist Episcopal, Amish, Anglican (Anh giáo), Assembly of God, Baptists, Evangelical United Brethren, Church of the Brethren, Church of God, Congregational Church, Disciples of Christ, Episcopalians, Evangelical Churches, Lutherans, Methodists, Liberal Catholic Church, Old Catholics, Old Roman Catholics, Church of the Nazarene, Polish National Church, Presbyterian Church, Reformed Churches, United Church of Christ .
* Bí tích Rửa Tội được ban trong các giáo phái và cộng đoàn sau đây được coi là không hữu hiệu:
Apostolic Church, Bohemian Free Thinkers, Christadelphians, Christian and Missionary Alliance, Christian Scientists, Church of Divine Science, Church of the Latter Day Saints (Mormons), Franc-macon, Jehovah’s Witnesses, Pentecostal Churches, People’s Church of Chicago, Quakers, Salvation Army, The New Church, Unitarians .
2. PHÂN BIỆT HAI TRƯỜNG HỢP
2.1. Hôn nhân hỗn hợp (matrimonia mixta, mixed marriage).
Hôn nhân giữa một người Công giáo (một người đã được Rửa Tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo sau khi được Rửa Tội) và một người đã được Rửa Tội hữu hiệu trong một Giáo Hội hoặc một cộng đoàn Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo (như Anh giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành…) được gọi là hôn nhân hỗn hợp.
Nếu cô người yêu theo Đạo Tin Lành được Rửa Tội hữu hiệu, thì trong trường hợp hôn nhân hỗn hợp này, Giáo luật đòi hỏi cần có phép (không phải là chuẩn hôn phối) của thẩm quyền hữu trách (x. Điều 1124).
Nếu không có phép của thẩm quyền hữu trách, hôn phối là bất hợp pháp, tuy nhiên vẫn thành sự.
2.2. Hôn nhân khác đạo
Hôn nhân khác đạo là hôn nhân giữa một người công giáo với một người không được Rửa Tội (như Phật giáo, Cao Đài, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… hay không có tôn giáo nào) hoặc được Rửa Tội nhưng không hữu hiệu.
Nếu cô người yêu theo Đạo Tin Lành không được Rửa Tội hoặc có Rửa Tội nhưng không được Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là hữu hiệu, thì trong trường hợp này là hôn nhân khác đạo. Cho nên anh phải xin chuẩn ngăn trở hôn phối do khác đạo.
Nếu không có phép chuẩn hôn phối khác đạo thì việc kết hôn bất thành nghĩa là vô hiệu (x. Điều 1086 §1).
Tóm lại, trong các trường hợp mà một người Công giáo muốn kết hôn với một người Tin Lành, đều phải có sự chấp thuận của thẩm quyền hữu trách. Tùy theo việc Rửa Tội của người Tin Lành có được nhìn nhận là hữu hiệu hay không mà xin phép hôn nhân hỗn hợp hoặc xin chuẩn hôn nhân khác đạo.
Lm. L.G. Huỳnh Phước Lâm
GP.Long Xuyên