Sau những ngày Tết là mùa của những lễ hội theo tín ngưỡng dân gian. Theo thống kê, có đến 8.000 lễ hội lớn nhỏ trên cả nước. Và năm nào cũng thế, cứ đến mùa lễ hội là báo chí lại tràn ngập những thông tin và phê phán về những nét thiếu văn hóa trong lễ hội: nhếch nhác, chặt chém, trộm cắp, cãi vã, tranh giành, bạo lực…
Thử hỏi đâu là nguồn cơn của những tệ nạn này, giáo sư Ngô Đức Thịnh đưa ra nhận định xác đáng: “Một trong những nguyên nhân của thực trạng nhiễu loạn ấy là do lễ hội hiện nay đang nhuốm màu trục lợi. Tính vụ lợi trong lễ hội hiện nay đến từ cả hai phía là người tổ chức và người tham dự lễ hội” (Tuổi Trẻ, ngày 28.02.2015). Các cơ sở tổ chức lễ hội tìm đủ mọi cách để móc túi người dân. Ở Nam Định, một mùa lễ hội đền Trần thu được 14 tỉ đồng, chẳng trách người ta thích tổ chức lễ hội! Người tham dự lễ hội cũng mang não trạng mua-bán nên sẵn sàng “đút lót” thần linh để giành “lộc thánh”.
Tạ ơn Chúa về những cuộc hành hương của giới Công giáo, ở La Vang và nhiều nơi khác, quy tụ hằng chục ngàn người nhưng luôn diễn ra trong trật tự và bình an. Nhiều lương dân kinh ngạc khi chứng kiến cả trăm ngàn người chìm trong thinh lặng khi cử hành Thánh Lễ hoặc tham dự giờ chầu Thánh Thể. Lý do là vì những cuộc hành hương và quy tụ đó phát xuất từ niềm tin tôn giáo đích thực.
Người Công giáo có quyền tự hào về điều đó. Tuy nhiên, những chuyện không hay trong các lễ hội theo tín ngưỡng dân gian vẫn thúc đẩy chúng ta quan tâm đến nhiều điều khác.
Trước hết, phải giữ gìn sự tinh tuyền của tôn giáo, đừng bao giờ để tôn giáo trở thành công cụ kinh tế hoặc chính trị. Thiết nghĩ đây cũng là lý do giáo sư Ngô Đức Thịnh đưa ra đề nghị: “Chính quyền cần phải trả lại lễ hội về cho người dân tự tổ chức, quản lý…vì người dân chính là chủ thể văn hóa”. Nguyên tắc này lại càng cần được tôn trọng đối với các tôn giáo. Chỉ khi nào tôn giáo giữ được sự tinh tuyền này thì mới thực sự là nẻo đường tâm linh cho các tâm hồn, đáp ứng khát vọng tâm linh sâu thẳm nơi lòng người, và góp phần lành mạnh hóa xã hội từ bên trong.
Những lễ hội tín ngưỡng dân gian cũng cho thấy cảm thức linh thánh mạnh mẽ nơi người dân Việt Nam. Vấn đề là phải làm sao để khởi đi từ cảm thức tuy mạnh mẽ nhưng còn mơ hồ này, có thể dẫn người ta đến niềm tin vào Thiên Chúa chân thật và Đấng được Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô? Lại không phải là sứ vụ Phúc-Âm-hóa đó sao, và sứ vụ đó là trách nhiệm của tất cả những ai mang danh Kitô hữu trên đất nước này.
Ngày 07.03.2015
Người Mỹ Tho