Xuân Mới, Con Đường Mới

    Đầu tháng 2, xứ nầy có một ngày đặc biệt gọi là Ground-Hog Day, ngày Chuột Chũi. Cứ vào ngày đó, nhìn mấy ông Tây mặt mũi nghiêm trang, quần áo trân trọng theo truyền thống thế kỷ 19: Mũ dạ cao, áo tuxedo đại lễ dài quá mông, thêm áo choàng khoác ngoài,  rồi nào là găng tay, khăn quàng cổ; trang trọng đứng quanh cái hang…chuột chũi, thinh lặng đợi ngài chuột xuất hiện, mới thấy đây không phải là chuyện đùa mà là một nghi lễ đàng hoàng được tổ chức hằng năm.

 

            Đừng dại dột gọi Chuột Chũi nầy là con (vật), nhưng phải gọi là ngài cho đúng nghi thức. Ngài có tên họ hẳn hoi cả first name lẫn last name, được người ta nể nang vì ngài có biệt tài đoán thời tiết. Ngày hôm đó, ground-hog day, sau khi cửa hang của ngài chuột được trang trọng kéo lên, người chung quanh sẽ reo hò ầm ỉ nếu thấy ngài chuột xuất hiện, hoặc đám đông sẽ tiu nghĩu ra về nếu không ai thấy được bóng của ngài. Bóng của ngài chuột chũi báo hiệu mùa Xuân sẽ sớm xuất hiện một thời gian ngắn chừng 6 tuần sau, mặc cho đang khi ấy trời có đổ tuyết hay không. Và khi ngài vắng bóng có nghĩa là mùa Đông còn kéo dài với cái lạnh giá băng ai cũng ngán. Năm nay dự báo thời tiết của hai ngài chuột chũi nổi tiếng làm bà con chờ đợi phải băn khoăn, vì trong ngày ground-hog, người ta chỉ thấy được bóng dáng của một ngài chuột, còn ngài kia thì không, nên không ai dám đoán mùa Đông nầy chừng nào mới hết, dù cả hai chuột chũi đó đều được người ta khẳng định tài đoán thời tiết chỉ đúng được từ 47% đến 49% !

 

            Câu chuyện nghe có vẻ vui vui, nhưng trong thực tế người dân ở đây ai nấy đều háo hức mong được thấy bóng Chuột Chũi trong ngày ground-hog. Tin tức về cái bóng của chuột chũi trong ngày hôm đó đều được truyền thanh, truyền hình loan đi cho cả nước, không phải vì chuột chũi có tài nhưng vì lòng ao ước được sớm thấy mùa Xuân trở lại nơi người xứ lạnh. Có qua mùa Đông dài băng giá với những cơn bão tuyết hãi hùng, người ta mới thấy những tia nắng mùa Xuân đem hơi ấm về, như đem sức sống mới cho vạn vật cần thiết và quí báu ra sao.

 

            Còn đúng một tuần nữa là tới Tết Nguyên Đán, nhưng nơi đây bầu trời vẫn xám xịt với những trận bão tuyết lớn nhỏ, tiếp nối nhau không dứt, cho lòng ao ước được nhìn thấy chút nắng Xuân thêm da diết. Ngoài đường, trước ngỏ, chung quanh không thấy gì ngoài những hàng cây trụi lá, nơi nơi phủ toàn một màu tuyết trắng lạnh lùng. Nhìn đó đây tuyết đã được vun thành đống cao cả thước mà ngao ngán, giữa giá băng của mùa Đông xứ tuyết, tôi nhớ lắm những ngày nắng đẹp của quê hương.

 

             Tết quê tôi có lẽ bắt đầu bằng ngày tiễn Táo quân về chầu trời trong phiên họp hằng năm với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Quan niệm về Ông Trời, Ngọc Hoàng, đối với người Việt là ý niệm tôn giáo cổ xưa nhứt. Gần đây, trong một buổi gặp gỡ của nhóm bạn Việt Nam, tình cờ chúng tôi nói đến trống đồng Đông Sơn, một trong vài di tích lịch sử quí báu còn sót lại đến ngày nay của Việt Tộc từ thời văn minh cổ đại. Trống đồng Đông Sơn được các nhà khảo cổ thế giới lượng định số tuổi từ 2000 đến 2500 năm, là một trong những sản phẩm luyện kim cổ xưa nhứt thế giới, tìm thấy trong một nền văn minh được lượng định hơn 5000 năm ( 5700 năm ) của nền văn minh Đông Sơn. Người Việt vẫn hay nói và tự hào về nền văn minh văn hiến hơn 4000 năm của mình, nhưng mấy ai biết rõ về nền văn minh Đông Sơn với di sản văn hóa là những chiếc trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lữ.  

 

            Trống Đông Sơn nổi tiếng không chỉ là sản phẩm làm bằng đồng trong thời cổ đại, nhưng còn các công trình điêu khắc khéo léo trên mặt trống. Mặt trống tròn được khắc bằng những vòng tròn đồng tâm với những hoa văn điêu khắc hình người, hình thú diễn tả sinh hoạt thời buổi ấy; trong cùng là một vầng tỏa sáng ý chỉ Mặt Trời minh định cốt lõi tinh thần của người Việt là vùng ánh sáng Tuệ Minh có Trời làm tâm điểm. Điều đáng nói là các công trình điêu khắc đều đi theo chiều ngược lại với chiều kim đồng hồ, khác với quan niệm của thế giới Tây phương nói riêng, và thế giới ngày nay nói chung đều theo chiều logic thuận với chiều kim đồng hồ. Nếu nhìn theo hình xoắn ốc thì chiều ngược với chiều kim đồng hồ là chiều hướng nội từ ngoài quay vào Tâm; và chiều thuận với kim đồng hồ là chiều hướng ngoại từ tâm đi ra ngoài. Trống đồng Đông Sơn đã cho người ta nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của người Việt cổ xưa là chiều hướng nội, tại sao ?

 

            Theo triết gia Kim Định, một linh mục giáo sư Văn Khoa, ban Triết, nổi tiếng của các viện đại học Dalat, Sàigòn trước 1975; thì các hiền triết xưa đều coi nội tâm là điều đáng quí, mô tả bằng “nét ngược chỉ sự siêu linh thuộc đức trời, nét xuôi chỉ vật thể thuộc đức đất. Do vậy nét ngược khó hơn nét xuôi, nét xuôi chiều ai cũng thấy cũng dễ dàng đi theo nên hay đi quá đà, khi đã quá đà thì rơi vào duy vật. Ý nghĩa của sự vụ là con đường tâm linh phải đi ngược chiều. Có ngược chiều thì nhân mới thành nhân linh. Đấy là lý do tại sao Việt Nho đi theo chiều ngược kim đồng hồ, đi theo chiều tả nhậm (nói thông thường là đề cao tình người trên lý sự), phù yểu: bênh vực kẻ yếu kém. Thực ra tinh thần tả nhậm là đề cao phẩm trên lượng, đề cao linh thiêng trên vật chất, bênh che kẻ yếu thế (tả nhậm) chống kẻ võ biền v.v…” (1). Chiều hướng nội còn được gọi là chiều tả nhậm, hướng vào Tâm mà Tâm là Trời, thì từ ngàn xưa người Việt cổ đã có quan niệm lấy Trời làm Tâm và luôn luôn hướng về Trời. Trời có trong tâm hồn dân Việt, một dân tộc mà cha ông đã chọn con đường hướng Thiên, không chọn con đường duy vật để theo, thì sức mạnh của dân tộc Việt phải là sức mạnh tinh thần đặt tin tưởng nơi Cao Xanh, nơi Ông Trời hơn là tin theo bề ngoài, bề thế. Quan niệm ngược dòng của người Việt hơn 2500 năm về trước đâu có khác gì với quan niệm Kitô Giáo của Chúa Giêsu rao giảng, khuyên con người đặt tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, chọn con đường hẹp khác với thế gian, con đường Thần Khí bên trong mà tiến bước để được Sống muôn đời. Sứ điệp Trống Đồng Đông Sơn là sứ điệp đặt nền móng trên đá tảng linh thiêng là Trời trong Tâm cho con dân Việt từ ngàn xưa, chỉ cho con dân Việt tìm sức mạnh tâm linh để sống. Nhờ vậy mà mấy ngàn năm nay, người Việt đã vượt biết bao gian nguy thử thách trước sức xâm lược của các bộ tộc Bắc Phương hung hãn thời cổ đại mạnh gấp trăm lần mình, vượt qua 1000 năm bị Tàu đô hộ, vượt qua 100 năm bị Pháp cai trị và biết bao nhiêu biến loạn, để sống còn đến ngày nay.  

 

Dưới sự hướng dẫn của Vua Thần Nông, một người Việt thời cổ đại, ông tổ nghề trồng lúa, người có công khám phá giống lúa nước mà người Việt trồng để lấy gạo; tổ tiên người Việt sớm bỏ nghề săn bắn của đời du mục, mà định cư chuyển sang nghề nông, lấy nông nghiệp làm sinh hoạt chính của người dân. Tổ tiên người Việt chính là người Viêm Việt. Dân tộc này vốn ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Dương Tử và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thần, lấy nhu thuận là cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp. Sau này, bộ tộc du mục, ấy là người Hoa, đã tràn từ phương Bắc xuống. Họ mang tinh thần võ biền, đàn áp, đẩy người Viêm Việt xuống phía Nam. Người Viêm Việt di tản đến khắp vùng Đông Nam Á rồi phân hóa thành nhiều chủng tộc khác nhau.(2) Theo Gs. Kim Định, nền triết Việt có từ rất lâu đời, thậm chí trước cả Trung Hoa. Người Việt đã xây dựng một nền văn hóa nông nghiệp Việt nhân bản và minh triết, mà ông gọi là Việt Nho.(3). Vì chuộng nghề nông, Đất Đai là điều kiện không thể thiếu trong sinh hoạt nông nghiệp của người Việt từ rất xưa. Người Việt biết quí giá trị của Đất, lệ thuộc vào thời tiết, kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu qúi giá:  họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa (Gc5, 7) mà gieo gặt. Người Việt, vì đó, cũng mang tính nhẫn nại, cần cù, siêng năng và hiền lành của nhà nông, khác với các bộ tộc Trung Nguyên du mục cùng thời sống bằng nghề săn bắn. Người Việt tin vào Trời, nhờ ơn Đất, nhưng không bao giờ ngồi há miệng chờ sung, mà luôn luôn lao tác tìm nguồn dinh dưỡng để sống. Triết Việt vì thế luôn luôn gồm có ba yếu tố Trời, Đất và Người hài hòa, tương tác được khắc ghi trên mặt trống đồng Đông Sơn hay Ngọc Lữ. Không thể chỉ có Trời hay Đất mà thiếu Người, cũng như không thể chỉ có Người hay Đất mà thiếu Trời. Trên mặt Trống Đông Sơn, Trời ( Mặt Trời ), Đất ( Thuyền rồng, các con vật) và Người được diễn tả thành một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca múa(4), minh triết Việt Nho muốn chỉ cho con cháu giòng tộc Việt hay những người nào đọc được Sứ Điệp Trống Đồng hiểu thế nào là xã hội hài hòa đem yêu thương, hạnh phúc đến cho con người. Và Sứ Điệp đó rõ nét hơn nếu người ta đọc bằng con đường hướng nội, con đường tâm linh, nơi nội tâm được hướng dẫn và soi sáng của Minh Tuệ từ Trời.

 

Ngày nay, mỗi lần Tết đến người dân Nước Việt khắp nơi ăn một miếng bánh chưng, sau nầy biến thể thành bánh tét, hay một miếng bánh dầy, là những thứ bánh đã có từ thời các Hùng Vương lập quốc, có bao giờ nghĩ mình ăn vào miệng, nuốt vào lòng cả một nền Triết Việt mênh mông mà cha ông chúng ta dày công xây đắp đã ba, bốn ngàn năm trước từ lúc dựng nước. Và có bao giờ nhớ đến biết bao nhiêu công lao giữ nước của các tiền nhân anh dũng đã chống chọi với biết bao nhiêu gian khó, bằng mồ hôi, bằng nước mắt và bằng cả xương máu nữa cho những hậu duệ của giòng giống Việt còn tồn tại đến bây giờ là chúng ta không ? Cha ông chúng ta gỡi Sứ Điệp Đông Sơn khắc ghi trên mặt trống đồng kiên cố, để ngày hôm nay có ai trong chúng ta còn nghe được tiếng Trống Đồng u linh từ thời lập quốc, nhắc cho chúng ta nhớ hơn 4000 năm lịch sử là hơn 4000 năm tiền nhân chúng ta đã phải tận lực đấu tranh cho quê hương Việt Nam bền vững không mai một, cho dân tộc Việt Nam trường tồn, rạng danh nòi giống Lạc Hồng.

 

Nam Hoa

Chú thích: (1) Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng

            (2) (3) (4) Dương An Phát, Người cả đời tìm triết lý trên Trống Đồng Đông Sơn.