Tu sĩ sống Năm Thánh Hiến như thế nào?

Phần 2 của Tông thư với nội dung: “Đức Thánh Cha chờ đợi gì ở Năm Đời Sống Thánh Hiến”, Đức thánh Cha Phanxicô gợi ra năm điểm cụ thể: (1) Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui. (2) Tôi chờ đợi anh chị em làm cho thế giới thức tỉnh. (3) Các tu sĩ nam nữ, cũng như những người thánh hiến khác, được mời gọi để làm “các chuyên gia của sự hiệp thông”. (4) Hãy đi ra khỏi chính mình. (5) Đời Sống Thánh Hiến tự hỏi xem Thiên Chúa và nhân loại hôm nay đang yêu cầu điều gì ?

1. Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui

Điểm đến đầu tiên mà người tu sĩ cần lưu tâm và cũng đem đến cho mọi người là niềm vui. Suy nghĩ về điều này có lẽ sẽ gợi lên đôi điều thắc mắc. Bên ngoài, đầy dẫy các trò chơi, tụ điểm giải trí, câu lạc bộ… giúp đem lại tiếng cười, thì niềm vui nơi người tu sĩ có còn thực sự cần thiết nữa không?

Chắc chắn có! Vì hơn ai hết, chúng ta đều hiểu rằng niềm vui mà Tông thư Đức Thánh Cha  đề cập, không chỉ là niềm vui nơi môi miệng, niềm vui thể lý, nhưng là niềm vui tự tâm hồn, có sức lưu đọng lại sau những giây phút gặp gỡ.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những lời ca rất đẹp, đầy chất nhân sinh và phù hợp với Đức ái Kitô giáo: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười… Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi, đường đến anh em, đường đến bạn bè… Và như thế tôi sống vui từng ngày…” (Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui).

Giới tu sĩ chúng ta được mời gọi khám phá và sống mỗi ngày là một niềm vui trong suốt cuộc đời thánh hiến của mình như là dấu chỉ của hạnh phúc Nước Trời.

2. Chức năng ngôn sứ nơi đời sống thánh hiến

Chặng thứ hai này đánh động chúng ta nhất là những chữ “Anh chị em làm cho thế giới thức tỉnh”. Thử đặt vấn đề ngược lại: chúng con sẽ đánh thức thế giới hay thế giới sẽ đánh gục chúng con đây?

Với ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh – khó nghèo – vâng phục, trong ngày tuyên khấn, người tu sĩ dường như đã ký một bản giao ước tương phản với thực tại xã hội hiện thời: hưởng lạc – giàu sang – chinh phục.

Nếu không kiên định được trong nếp sống và lập trường, thì việc người tu sĩ bị những trào lưu xã hội hiện hành đánh gục, chẳng có gì là lạ và thực tế là đã có rất nhiều ơn gọi bị đốn gục. Chúng ta cần luôn nhắc nhở chính mình, biết sợ những gọi mời hấp dẫn, có thể hạ gục khi ta chủ quan không ngờ, nhưng cái sợ ấy cần được lồng trong lời khích lệ, động viên: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Chỉ có như thế, người tu sĩ mới không ngồi lỳ trong bóng tối của sợ hãi, mà bước ra ánh sáng để chinh phục, thức tỉnh thế giới.

Ngay cả khi không làm gì, không hoạt động tông đồ…, người tu sĩ khi sống đúng những gì đã cam kết cùng đại diện Chúa Kitô trong ngày tuyên khấn, thì tự bản chất, đời sống thánh hiến đã đậm tính ngôn sứ (chứng tá) rồi.

3. Chuyên gia của sự hiệp thông

Đây không chỉ là điều thế giới mong đợi nơi người tu sĩ nhưng còn là nỗi khắc khoải, lo âu của Đức Giêsu đối với nhân loại mà đại diện là các Tông đồ. Trước khi từ giã các ông, Ngài đã dâng lên Chúa Cha lời cầu xin tha thiết : “Để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21).

Chia sẻ sự lo lắng với Ngài, ngày nay Giáo hội không ngừng cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Ngoài ra, các buổi đối thoại liên tôn, những hội nghị liên hiệp, diễn ra rất nhiều nhằm tìm ra tiếng nói chung và xích lại gần nhau hơn giữa các tôn giáo trên khắp hoàn cầu, cũng như giữa các cộng đoàn khác nhau. Điều này đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực của tất cả mọi người, chứ không riêng gì đối với người sống đời thánh hiến.

Tuy nhiên, cùng với đời sống cầu nguyện, một điều khác nữa cũng cần nơi cá nhân mỗi tu sĩ là sự hiệp thông song hành trong cả lời nói và việc làm. Nói được với nhau, hiểu được người đối diện nói gì là bắt đầu có hiệp nhất rồi. Có như thế, tu sĩ mới đích thực là những chuyên viên hiệp thông.

4Ra khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại biên của cuộc sống

Đi ra khỏi chính mình là một đòi hỏi khó khăn nhất đối với con người. Nó không hệ tại nơi điều kiện ngoại cảnh theo kiểu ra khỏi nhà, ra khỏi dòng, ra khỏi quốc gia, tôn giáo, nhưng lại chạm đến tận cốt tủy và cả yếu tính trong con người. Người tu sĩ chưa thể đáp ứng được đòi hỏi này, chừng nào tư tưởng, hành vi, lời nói, vẫn còn mang nặng tính cá nhân vị kỷ.

“Anh chị em đừng thu lại trong chính mình, đừng để cho mình bị ngộp thở vì những chuyện nhỏ nhặt trong nhà, đừng tự giam cầm trong những vấn đề của mình. Các vấn đề ấy sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra bên ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin Mừng” (trích Tông thư, phần II – 4).

Trong thời đại của chúng ta, Mẹ Têrêxa Calcutta đã thực hiện được một sự biến đổi ngoạn mục trong việc bước “ra khỏi chính mình” đến với “ngoại biên của cuộc sống”. Với bước ra đi đó, Mẹ đã ra khỏi cái tôi, để Thiên Chúa đưa dẫn bước chân Mẹ đến với tha nhân. Mỗi lần thấy một người bị bỏ rơi bên đường phố Ấn Độ, Mẹ đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa Giêsu của con”.

Khi ra khỏi chính mình, cũng là lúc ta quên đi được mọi vấn đề, nhu cầu bản thân và nhận ra Chúa trong tha nhân. Đồng thời, những người mà chúng ta gặp gỡ, phục vụ cũng nhận thấy Chúa nơi chúng ta.

5. Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang chờ tu sĩ điều gì ?

Có lẽ, điểm cuối cùng trong phần II của Tông thư đòi hỏi mỗi người tự tìm cho mình câu trả lời thì sẽ hay và đúng hơn. Sở dĩ việc phải “tự hỏi mình về điều mà Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang đòi hỏi” là vì có rất nhiều hình thức sống khác nhau trong Giáo hội, trong mỗi hội dòng, nơi mỗi cá thể tu sĩ. Đây chính là việc khám phá linh đạo, đặc sủng, tài năng mà người tu sĩ được ân ban, thủ đắc, để tùy đó mà có những đáp ứng xứng hợp.

Những chờ đợi mà thế giới gửi trao nơi các tu sĩ là một thách đố không nhỏ. Điều này hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Được mệnh danh là những chiến sĩ trên chiến trường đức tin, lại luôn lắng nghe, đón nhận, chia sẻ mọi ưu tư, thao thức của thời đại, người sống đời Thánh hiến không những tỏ ra là những người nhạy bén, nhìn nhận những thách đố, mà còn là những trợ thủ đắc lực, giúp ứng phó với mọi bất trắc mà thế giới đang đối mặt.

Buổi gặp gỡ và học hỏi nội dung Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp các tu sĩ trong giáo phận, một lần nữa, có cơ hội suy nghĩ, đào sâu, căn tính và linh đạo. Ngoài ra, nó cũng giúp chị em minh định lại một lần nữa câu hỏi: đời tu hệ tại đâu?

Sau đó, mỗi chị em sẽ can đảm dấn thân và làm thức tỉnh trần gian, cũng như thực hiện một cuộc kiến tạo mới theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần là ra khỏi chính mình. Có Chúa trong mình, chị em sẽ là những chuyên viên hiệp thông. Như vậy, chúng ta có thể đáp ứng được điều Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang mong chờ trong vai trò loan báo Tin Mừng cách độc đáo của mình: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.

Tác giả bài viết: Nt. Scholastica, Dòng Đaminh Bùi Chu