Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro_Lm Trầm Phúc

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thứ Tư Lễ Tro

Lời Chúa: Mt 6,1-6.16-18

 suy-niem-thu-tu-le-tro

 

Giáo hội khai mạc Mùa Chay và xức tro lên đầu chúng ta, nhắc chúng ta đến thân phận tro bụi của chúng ta. Một điều làm cho nhiều người khó chịu. Cuộc đời đã bi đát lắm rồi, tại sao lại làm cho nó bi đát thêm, bôi đen cuộc sống?

Đúng, cuộc sống hôm nay không mấy dễ dàng, cũng không tốt đẹp gì. Con người hôm nay đang đối mặt với bao nhiêu vấn đề khó khăn. Con người hôm nay đang tìm lối thoát để mong cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ chạy trốn những câu hỏi đang ray rứt dày vò tâm hồn. Dùng mọi phương pháp và kỹ thuật để thoát vòng đau khổ, nhưng cũng không thành công. Nhiều người nghĩ rằng thôi thì cứ vui chơi đi, hưởng thụ càng nhiều càng tốt, vì một ngày kia phải chết.

Giáo hội không bôi đen cuộc sống bằng cách nhắc đến cùng đích của cuộc sống, nhưng giúp chúng ta nhìn cuộc sống và định hướng nó đúng đường. Chạy trốn không là một giải pháp tốt.

Ai cũng biết, con người phải trở về tro bụi thôi. Ai cũng phải đến giờ tận số. Nhưng con người không chỉ là tro bụi. Chúng ta được tạo nên trong tình yêu của Chúa, sẽ không hoàn toàn là tro bụi mà là con Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta không thoát khỏi thân phận bụi tro, chúng ta cũng chưa thánh thiện. Ảnh hưởng của tội nguyên tổ vẫn còn.

Giáo hội xức tro lên đầu chúng ta nhắc cho chúng ta nhớ đến chân lý đó và cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc với Chúa trong tình yêu. Cuộc sống tro bụi hôm nay chuẩn bị cuộc sống vinh quang mai sau. Sống không phải chỉ để tìm lợi lộc trần gian. Chúa Giêsu đã sắm sẵn cho chúng ta vinh quang bất diệt nhờ Ngài đã chết và sống lại cho chúng ta. Cuộc sống trần gian là một chuyến đi về: về với Cha chúng ta. Mùa chay không chỉ là một thời gian buồn nản mà là cánh cửa hy vọng dẫn vào niềm vui.

Trong trần gian, muốn làm một công trình có giá trị, phải đầu tư rất nhiều công sức, tài sản và dài hạn. Xây một cây cầu cần phải bao nhiêu cố gắng lao nhọc, nhưng khi xong việc, chúng ta thoải mái qua sông dễ dàng. Một người phụ nữ trước khi sinh con, phải lo lắng cực nhọc, nhưng khi đã sinh con rồi sẽ vui mừng biết bao!

Mùa chay là lúc phải đầu tư biết bao cố gắng để vươn lên khỏi những gì xấu xa trong con người chúng ta nhờ đó chúng ta sẽ thấy cuộc sống trong sáng và bình an. Thiên Chúa không phải là một vị thẩm phán khắc khe, chỉ mong lên án mà là lòng nhân từ vô biên. Ngài chính là người cha đầy lòng nhân ái và thương xót. Ngài chỉ mong chúng ta hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thế nào khi chúng ta đầy những gian ác xấu xa?

Mùa chay là mùa hồng ân, vì chúng ta sẽ được tẩy sạch và tha thứ. Các tiên tri luôn nhắc nhớ: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta”. Chúa kêu mời như thế. Và tiên tri Gioen cũng khuyến khích chúng ta: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo… Hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”.  Thánh Phaolô cũng mời gọi tha thiết: “Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”. Mỗi người chúng ta, khi nhìn lại một cách chân thành tâm hồn mình đều cảm thấy nhiều hay ít, chúng ta đã lạc xa đường Chúa. Có lẽ chúng ta không đến nỗi là những tội phạm hay gian ác, nhưng chúng ta cũng chưa tốt đẹp trước mặt Chúa lắm đâu. Trong những tuần mùa chay này, chúng ta có dịp kiểm tra lại cuộc sống chúng ta theo lời Chúa. “Đừng để ơn Chúa ra vô hiệu” như lời thánh Phaolô dạy, nhưng làm cho nó phát triển một cách nhịp nhàng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện, hãy âm thầm. Bố thí, hãy kín đáo. Ăn chay, hãy vui tươi. Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta. Những việc lành của chúng ta sẽ làm lớn lên trong ta những hồng ân đã lãnh nhận.

Trong mùa chay, chúng ta hãy đầu tư vào công trình kiến tạo niềm vui, vì đó là ý Chúa. Cởi bỏ con người cũ như thánh Phaolô, hãy đi vào niềm vui thanh thản của Chúa vì tình yêu Chúa luôn là gia sản của chúng ta. Hãy trở nên nhân chứng cho niềm vui, vì chúng ta là con cái của sự sáng, của tình yêu. Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 đã nói: “Yếu tố chính yếu của Kitô giáo là niềm vui. Không phải niềm vui tầm thường rẻ tiền mà dư vị có thể là sự thất vọng chán nản. Những niềm vui trần thế lắm khi chỉ là một mặt nạ của thất vọng”. Nhưng là một niềm vui đích thực phát xuất từ tình yêu chân  thành, mặc dù cuộc sống vẫn không dễ dàng. Niềm vui bền bĩ làm cho đời đáng sống hơn.

Nhưng niềm vui này không thể đến từ tiền bạc hay những phương tiện để hưởng thụ mà đến từ cây thập giá của Chúa Giêsu. Đó là một cái gì như mâu thuẫn, nhưng là một định luật:Phải đi qua đau khổ mới đến vinh quang. Niềm vui này là hoa trái của việc chấp nhận thập giá. Đức tin đòi hỏi như thế. Niềm vui này cũng đến từ tình yêu cao cả nhất làchết cho bạn hữu. Kitô giáo là như thế đó.

Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 cũng nói: “Sự nghèo khổ thâm sâu nhất là không có khả năng chấp nhận niềm vui, chán đời, xem cuộc đời như vô nghĩa và mâu thuẫn. Sự nghèo nàn đó hiện nay đang lan tràn khắp nơi, dưới nhiều hình thức, và nó tạo ra sự thiếu khả năng để yêu thương và tạo nên những ganh ghét, thù hận, hà tiện… những tính xấu làm băng hoại cuộc sống”. Kitô giáo có khả năng đón nhận niềm vui toàn vẹn vì được dựa vào Đấng đã phục sinh và là nguồn suối của niềm vui. Kỹ thuật tân tiến không thể tạo nên niềm vui, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế. Trong Tông Huấn Niềm vui của Tin Mừng, Ngài cũng nhận thấy rằng, nhiều người Công giáo sống mùa chay như không có mùa Phục sinh. Không, chúng ta đã được cứu chuộc, đã được yêu thương. Không còn chỗ cho những u buồn chán nản, vì “không ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”.

Muốn đạt đến niềm vui, Hãy trở về với Chúa, “hãy giao hòa với Chúa”. “Vui biết chừng nào khi trở về với Chúa sau mỗi lần chúng ta lạc lối. Ngài không mệt mõi khi tha thứ cho chúng ta”. Mùa Chay là một cuộc trở về trong yêu thương. “Niềm vui của chúng ta luôn chảy từ trái tim dạt dào của Chúa Giêsu. Ngài nói với các môn đệ: “Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng số 7). Chúng ta được yêu thương và tha thứ, hãy chia sẻ tình yêu ấy cho anh em chúng ta, những người không được yêu thương, những người bị loại trừ, bị bỏ rơi, những người đang đau khổ… Mùa Chay chính là mùa yêu thương.

Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chúng ta đến tận cùng vẫn luôn hiện diện trong Giáo hội, hiện diện giữa chúng ta bằng Tấm Bánh Tình Yêu, nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí của chúng ta, giúp chúng ta bước đi trên con đường gay go của cuộc sống. Hãy đến với Ngài, ăn lấy Ngài vì Ngài đã muốn nên một với chúng ta, không những trong kiếp người mà chính trong xương thịt chúng ta. Cùng với Ngài, chúng ta sống làm nhân chứng khiêm tốn cho niềm vui của Chúa, để thế gian biết rằng Thiên Chúa mãi là niềm vui không phai tàn, là lẽ sống cho mọi người.

Lm Trầm Phúc