Người nghèo đã dạy tôi

người nghèoTông đồ người nghèo, cái tên nghe có phần khác lạ, vì cứ sự thường, đối tượng của bất cứ hoạt động tông đồ nào mà chẳng phải là người nghèo. Tông đồ mà cho người giàu phần nào có hơi nghịch lý. Thế nên, hai chữ “tông đồ” đã bao hàm cả yếu tố “người nghèo” trong đó rồi. Có thể có những người nghèo thiêng liêng, nghèo tình cảm, nghèo tương quan… nên cần được trợ giúp bởi những người làm tông đồ dù họ dư thừa tiền của. Còn đối tượng “người nghèo” mà tôi đã may mắn có cơ hội tiếp cận trong suốt một năm qua là những người nghèo thực sự, nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, nghèo cả kiến thức lẫn tài năng. Nhìn bề ngoài, họ chẳng có gì, chẳng sở hữu gì đáng giá, ngoài một tấm thân trơ trụi giữa dòng đời nghiệt ngã…

Kinh nghiệm gặp gỡ “người nghèo” của tôi bắt đầu từ những lần bước chân vào bệnh viện thăm và đưa Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Ban đầu, tôi cứ ngỡ là việc này dễ như ăn cơm. Chẳng cần chuẩn bị tài liệu, giáo án, các video clip hay phim ảnh như nhiều nhóm khác, cũng không cần phải ăn mặc chỉnh tề, nhưng cứ cuối tuần đi là đi thôi. Khi cần thiết thì chia sẻ với họ Lời Chúa. Có gì khó đâu! Thế nhưng, đến bây giờ tôi phải thừa nhận rằng đến với các bệnh nhân và người nghèo, tôi thấy khó khăn hơn đến với các đối tượng khác rất nhiều. Lý do là gì, tôi không có gì cho họ cả ngoài một điều là ngồi nghe họ than van, kể lể đủ mọi thứ chuyện đớn đau mà họ gặp phải trong đời sống của mình. Tôi đã từng nghĩ là khi đến với họ, mình sẽ nói cho họ nghe thật nhiều về những suy tư Kinh Thánh mà tôi tích lũy được bao nhiêu năm qua. Nhưng dường như những gì tôi muốn nói đều trở nên vô nghĩa trước thực tại cuộc sống quá ư phức tạp kia. Hình ảnh người nghèo trước mắt tôi thách đố tất cả những mớ lý thuyết tôi có về họ.

Tôi chỉ biết im lặng, cố gắng rót vào lòng tất cả những gì họ nói. Tôi không nghĩ có một tâm hồn cứng cỏi nào có thể không mềm xuống khi nghe những câu chuyện tỏ bày trong nước mắt, kiểu như một cụ bà tám mươi tuổi phải chăm sóc cho người con trai duy nhất chỉ còn thở được nhờ bình oxy trong suốt mấy năm qua; hay một phụ nữ nghèo trẻ tuổi nói về bé trai của mình, mới năm tháng tuổi mà mắc bệnh máu trắng, hở van tim, hạch, phổi (và một bệnh khác nữa mà tôi không nhớ); một chú trung niên kể về 29 lần phẫu thuật cắt chân, tiêu tốn đã hơn cả tỷ mà chẳng biết có còn sống được không, trong khi vợ vừa bị tai nạn xe chết, con cái đi xa, anh em bỏ mặc; rồi một phụ nữ trẻ khác đang tuổi thanh xuân nhưng chẳng còn tí sức sống vừa bị gan, thận, tim, tiểu đường, tất cả đều giai đoạn cuối, mới đây vừa bị rắn độc cắn phải cưa mất một chân…

Tôi không có chút kinh nghiệm nào về những cảnh ngộ ấy, sao có thể nói gì? Bảo họ hãy vui lên, cố gắng sống, chịu đựng nỗi đau… có là một sự xúc phạm đến họ chăng? Với một số người, Thiên Chúa dường như đang ở mãi chốn cao xanh xa vời vợi, chỉ ban ơn cho những ai có tiền xin lễ và có thời gian đi nhà thờ. Nói về một Thiên Chúa tình yêu và quyền năng cho những ai cảm thấy như đang bị trăm ngàn đắng cay dày xéo thật khó biết bao. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, tôi sẽ dễ dàng nghĩ đến việc Chúa yêu tôi khi tôi gặp những điều may mắn, hơn là khi phải đối diện với bao nỗi ngặt nghèo.

Điều duy nhất mà tôi có thể chia sẻ với họ trước khi cho họ rước lễ là kể cho họ nghe câu chuyện tử nạn ở đồi Canvê trong Kinh Thánh. Có nhiều bệnh nhân đã khóc thật nhiều khi nghiệm thấy Giêsu cùng đang vác thập giá với họ, thậm chí còn vác phần nặng hơn. Họ thấy lời mời gọi của Chúa như đang diễn ra hết sức gần gũi và sống động nơi mình, chờ đợi họ thưa lời “xin vâng” như Mẹ, như Giêsu. Thế đấy, hành trang của tôi khi đến với người nghèo chẳng là gì cả, ngoài Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi viết những dòng chữ này, có thể nhiều bệnh nhân mà tôi gặp gỡ đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng tôi tin rằng sự ra đi của họ đã được điểm tô bằng sự bình an, chứ không còn là lòng uấn hận vào cuộc sống trần thế này như trước.

Sống nơi môi trường Học Viện quá ư khang trang và sung túc này, nhiều khi tôi quên mất đi ý nghĩa đời tu mà một thời tôi hằng lý tưởng: sống cho người nghèo. Chẳng phải đã có lúc tôi thán phục Giêsu vì những nghĩa cử hạ mình của Người dành cho người nghèo đó sao? Chẳng phải chính tôi đã có lần thầm cảm tạ Chúa đã thương đến thân phận nghèo hèn của mình sao? Một cuộc sống quá đầy đủ có nguy cơ biến đời tu của tôi trở thành một sự vơ vét, chứ không phải cho đi, nếu tôi không ý thức đủ. Tiếp xúc với những người nghèo thực sự trong năm qua đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của mình. Cuộc sống ngoài kia còn biết bao mảnh đời đau khổ. Sẽ thật bất công nếu chỉ biết hưởng dùng mà chẳng chịu cho đi.

Người nghèo bảo tôi phải biết quý trọng những gì mình đang có: sức khỏe, khả năng, bạn bè, vì biết đâu có lúc tôi sẽ chẳng còn lại gì. Người nghèo giúp tôi ý thức về thân phận mỏng manh của kiếp người, mới hôm qua còn trên đỉnh cao danh vọng, hôm nay chỉ còn là cành hoa úa. Người nghèo vẽ cho tôi thấy dáng hình thật sự của cây thánh giá mà tôi chiêm ngắm mỗi dịp linh thao. Người nghèo dạy tôi một bài học đậm mùi triết lý: sống hôm nay, hãy nghĩ đến ngày sau – ngày ta đối diện với cái chết. Người nghèo nhắc nhở tôi về cuộc sống mà tôi đang theo đuổi: tôi đi tu là để vào đời, chứ không phải để trốn đời. Một người anh em nọ có lần chia sẻ với tôi rằng, người giàu không phải là người có nhiều nhưng là người có khả năng cho đi nhiều. Nếu hiểu “người giàu” theo nghĩa này, thì những “người nghèo” mà tôi gặp gỡ cũng giàu đấy chứ, vì chính họ đã dạy cho tôi nhiều điều quý giá.

Nơi học viện, mỗi ngày, tôi được giàu thêm về tri thức, xin cho tôi nhờ đấy mà trở nên nghèo hơn sự tự tôn và ích kỷ của mình, để trong Đức Kitô, Đấng tôi đang bước theo, tôi được giàu có trong tình yêu và ân sủng của Ngài!

 

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ