Lược sử giáo xứ Xuân Dương

Địa chỉ : xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
 
Theo nguồn tài liệu của các bậc tiền bối để lại, giáo xứ Xuân Dương được hình thành cách đây khoảng hơn kém 300 năm. Khởi sự từ dòng họ Từ cựu quán xuống lập ấp là xã Nhật Hy, thôn Xuân Hy, Xuân Bảng nay gọi là Xuân Dương.
 
Khoảng đầu thế kỷ XVIII làng Xuân Bảng có các dòng họ Lê, Đinh, Phạm, Trần, Hoàng. Sang đầu thế kỷ XIX có thêm ba dòng họ nữa là Phan, Lại và Vũ.
 
Thời bấy giờ, các cụ rất vất vả trong quá trình xây dựng ấp vì bị đế quốc và chế độ phong kiến áp bức bóc lột nên người dân ở đây phải nhịn đói nhịn khát, một nắng hai sương, đấu tranh để giành lấy từng tấc đất; nhất là để khai sáng một vùng đất còn mờ mịt về đức tin.
 
Chính Chúa đã soi sáng cho các bậc tiền nhân đón nhận hạt giống đức tin giữa lúc thăng trầm bể dâu, nhất là cuộc cấm đạo triều Minh Mạng, Tự Đức. Đã có một vị chứng nhân đức tin là ông Giuse Đoàn Huân dám hiên ngang hiến dâng mạng sống mình để bảo vệ đức tin cho con cháu giữa lúc phong ba bão táp.
 
Thời Đức thầy Minh, cha chính Vọng, cha già Lâm chánh xứ Kiên Lao, các đấng đã ban sắc thành lập giáo họ thánh Giuse cho Xuân Dương bấy giờ có 37 hộ, 157 khẩu. Ngôi thánh đường họ thánh Giuse được xây dựng ở trung tâm giáp Nam (tức là giáo họ Vinh Sơn ngày nay). Trải qua 60 năm thăng trầm giông tố bách hại đạo và thời hà khắc phong kiến nên nhà thờ đã bị đốt cháy vào năm Bính Thân 1896. Năm 1897, cha già Oanh chánh xứ Kiên Lao và thầy già Thọ trông coi giáo họ Giuse nên đã đệ trình đơn lên Đức thầy Thuận chuyển ngôi nhà thờ giáo họ về vị trí trung tâm giáo xứ Xuân Dương ngày nay.
 
Vui mừng vì được các đấng bề trên phê chuẩn, bà con đã ra sức xây dựng lại nhà thờ mới vào năm 1898 (Mậu Tuất) và hoàn thành năm 1902 (Nhâm Dần), số nhân danh lúc bấy giờ mới chỉ có 546 người. Các bậc tiền nhân tiếp tục hoàn thiện những gì cần thiết cho việc thờ phượng trong nhà Chúa. Có những người đã dâng cúng đóng góp số tiền, số vàng rất lớn và không ngần ngại hiến dâng đất đai để mở rộng khuôn viên thánh đường. Nhờ vậy mà giáo xứ hiện nay có diện tích rộng rãi để làm hồ ao, khuôn viên, nhà giáo lý, nhà mục vụ,vv.….
 

 
Đến năm 1925 (Ất Sửu) họ thánh Giuse của Xuân Bảng đã được chia thành bốn giáo giáp là giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc; với tổng số nhân danh là 831. Đức thầy Dom. Trung giáo phận Bùi Chu bấy giờ đã dùng quyền phép tòa thánh mà ban phép chính thức lập xứ, tách rời khỏi Kiên Lao và cắt một phần các họ thánh Gioan Nam Điền, họ thánh Phêrô Cái Muối, họ thánh Phaolô An Cư thuộc về Xuân Bảng. Nạn đói kém năm 1945 – 1947, họ Cái Muối và họ An Cư không còn nữa cho tới nay.
 
Từ năm 1925 đến 1953 phải kể đến tên tuổi của các vị chủ chăn sau đây, đã coi sóc giáo xứ Xuân Dương :
 
01. Cha Dom. Phạm Đỗ Việt, nguyên quán Lục Thủy, từ 1925-1927
02. Cha Dom. Ngô Trạch Lương, nguyên quán Trung Thành, từ 1928-1930
03. Cha Dom. Lâm Quang Học, nguyên quán Lác Môn, từ 1930-1932
04. Cha Vinc. Mai Xuân Khánh, nguyên quán Xuân Dục, từ 1933-1935
05. Cha Dom. Ngô Xuân Hiếu, nguyên quán Quần Cống, từ 1936-1938
06. Cha Dom. Trần Hữu Thứ, nguyên quán Hưng Nghĩa, từ 1938-1941
07. Cha Dom. Phạm Bá Ngọc, nguyên quán Thanh Nhang, từ 1942-1944
08. Cha Dom. Trần Hữu Sự, nguyên quán Liên Thủy, từ 1945-1948
09. Cha Dom. Đinh Bá Nghị, nguyên quán Nam Lạng, từ 1948-1949
10. Cha Dom. Nguyễn Minh Mẫn, nguyên quán Ngọc Đồng, từ 1949-1950.
 
Năm 1938-1941, cha Dom. Trần Hữu Thứ tiến hành mở rộng, nối dài thánh đường và làm đường kiệu xung quanh rồi đổi tên xứ Xuân Bảng thành xứ Xuân Dương.
 
Năm 1942-1943, cha Dom. Đinh Bá Nghị xây lại nhà thờ họ Gioan Nam Điền (thuộc xứ Xuân Dương), công trình chưa hoàn thành thì cha bỏ đi mất tích!
 
Năm 1950-1953, cha Dom. Nguyễn Minh Mẫn lập 12 giáo khu như hiện còn tới nay. Đặc biệt ghi nhớ sự kiện vào lúc 15g ngày 04 tháng 12 năm 1953 cha già Mẫn đã bị trúng đạn của lính Pháp. Ngài đã an nghỉ trong Chúa, thi hài hiện được an táng tại khuôn viên giáo xứ cho tới ngày nay.
 
Tiếp đến, lại một biến cố đau thương đáng ghi nhớ nữa, vào lúc 10g ngày 24 tháng 05 năm 1954, từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) khoảng năm chiếc máy bay của thực dân Pháp đã thả một loạt bom xuống từ đầu làng đến cuối làng Xuân Dương làm 16 người giáo dân bị chết, nhà thờ gần như tan tành, nhà xứ sụp đổ, nhiều nhà dân bị cháy và hư hỏng nặng nề. Dân chúng sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi; đời sống kinh tế thì khó khăn kiệt quệ; nơi thờ phượng thì đổ nát nên nhiều người đã di tản đi các nơi khác tìm cuộc sống mới.
 
Có lẽ đây là giai đoạn chuyển tiếp để hình thành và khai phá một cộng đoàn đức tin sẽ được trưởng thành và vươn lên từ gian khổ và đổ nát? Điều đó chẳng sai chút nào. Cũng như xưa nay hầu như tất cả kitô hữu và những cộng đoàn kitô cơ bản đều phải trải qua gian truân, thử thách để cắm rễ sâu hơn vào lòng đất cho thế hệ sau được vươn lên, đứng vững và sinh hoa kết trái. Tất cả đều do Chúa quan phòng. Tất cả đều là hồng ân. Nghĩ tới điều đó, hôm nay thế hệ chúng ta ngồi lật lại trang sử không phải để mà kêu than, trách móc nhưng là để tạ ơn Chúa đã dẫn dắt tiền nhân của chúng ta đi qua từng bước thật kỳ diệu trong hành trình đức tin. Nhiều vị lão thành tham gia ban hành giáo từ hồi xưa, bây giờ vẫn còn sống kể lại cho chúng tôi nghe mà thấm thía, khâm phục sự hy sinh và lòng đạo của các vị tiền bối thật tuyệt vời.
 
Tiếp đến, sau biến cố năm 1954 giai đoạn chuyển mình của hội thánh tại Việt Nam, cách riêng tại giáo phận Bùi Chu thân yêu của chúng ta. Miền đất Xuân Dương vẫn được bằng cái tên là ‘đất cò trắng’ nay lại trở thành ‘bến đỗ’ cho các vị mục tử luân phiên không ngớt tưới gội thành mảnh đất màu mỡ, trù phú cho ơn thánh Chúa hoạt động.
 
 
Quả vậy, mỗi thời của các vị chủ chăn đã tới phục vụ tại đây đều để lại dấu ấn tốt đẹp giúp cho giáo xứ thay đổi bộ mặt và thăng tiến nhiều hơn.
 
Giai đoạn các cha xứ quản nhiệm từ xa nhưng không trực tiếp trú ngụ tại giáo xứ :
1. Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh : 1955 – 1974
2. Cha Phêrô Vũ Ngô Qúy : 1975 – 1978
3. Cha Gioan Đinh Như Lạng : 1978 – 1980
4. Cha Tôma Phạm Văn Phương : 1980 – 1989
5. Cha Gioan Đinh Như Lạng : 1989 – 1993
6. Cha Phanxicô Xavie Phạm Hoan Đạo : 1994 – 2003
7. Cha Giuse Phạm Ngọc Oanh : 2004 – 2006.
 
Giai đoạn các cha xứ ở tại giáo xứ :
1. Cha Vinh Sơn Vũ Đình Cống : 2006 – 2007
2. Cha Giuse Phạm Văn Kích : 2007 – 2010
3. Cha Phêrô Bùi Trọng Khẩn : 2010 đến nay 2014…
 
Các hội đoàn trong giáo xứ hiện nay gồm có : hội gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi Thánh Thể, con Đức Mẹ, Lòng thương xót Chúa, Caritas, giới trẻ Phan Sinh, lớp ơn gọi, giáo lý viên, huynh đoàn Đa Minh, ca đoàn, kèn đồng, trống, trắc, bát âm,…
 
Ngày nay, nhìn thấy thế hệ trẻ giáo xứ đang vươn lên học tập đỗ đạt, trình độ văn  hóa mỗi ngày một nâng cấp, nhiều bạn trẻ đang dấn thân tìm hiểu ơn gọi thánh hiến; hy vọng tương lai sáng sủa đang chờ đón phía trước và sẽ góp phần rất lớn để xây dựng, phục vụ giáo xứ, quê hương và đất nước mình.
 
BTT Gx. Xuân Dương